Chủ nhật tuần trước, ngôi sao marathon đến từ Mỹ, Sara Hall đã giành vị trí á quân tại giải London Marathon 2020 với màn trình diễn về đích vô cùng ấn tượng vào phút chót, đồng thời cải thiện thành tích marathon của mình từ 2:22:16 tại giải Berlin Marathon 2019 thành 2:22:00. Cô trở thành người Mỹ đầu tiên đứng bục kể từ khi huyền thoại Deena Kastor giành chức vô địch ở giải này vào năm 2006.
Sara Hall trở thành vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp từ năm 2000 khi dành chức vô địch giải đua băng đồng Footlocker ở trường trung học với tên gọi là Sara Bei. Sau đó cô tiếp tục thi đấu ở trường Standford. Năm 2005, cô kết hôn với Ryan Hall – một trong những VĐV huyền thoại về sau (tuy nhiên anh đã giã từ sự nghiệp chạy đua năm 2016 trong khi vợ anh vẫn tiếp tục theo đuổi con đường này). Năm 2015, gia đình Hall nhận 4 chị em người Ethiopia làm con nuôi và sống ở Flagstaff (Arizona) những năm vừa qua.
Với thành tích mới tại giải Berlin marathon 2019, Sara Hall dường đã sẵn sàng cho năm 2020. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã phải bỏ cuộc ở giải New York City marathon 2019 và cuộc tuyển chọn quan trọng cho đội tuyển tham dự Olympic marathon vào cuối tháng hai vừa rồi. Tại giải London, dù luôn nằm giữa nhóm đua nhanh và chậm nhất và hầu hết phải chạy một mình, cô đã bứt phá ở vòng đua cuối và dành vị trí á quân chung cuộc.
Dưới đây là bài phỏng vấn giữa Podiumrunner với Ryan Hall về cuộc đua của vợ mình tại giải London, về năm ngoái và hành trình dài mà hai người đã chia sẻ cùng nhau. Anh trở thành huấn luận viên (HLV) của Sara đã 4 năm nay, sau khi giã từ sự nghiệp chạy đua của mình.
Podium Runner: Sara kể cô ấy nghe thấy tiếng anh cổ vũ bên lề. Lúc đó anh đang ở đâu và anh hét lên điều gì với cô ấy vậy?
Ryan Hall: Vì Covid-19 nên chỉ có một chỗ duy nhất cho chúng tôi đứng cổ vũ là khán đài cách vạch đích 100m. Tôi phân tích xem cô ấy còn cách người phía trước bao xa để báo cô ấy biết chuyện gì đang diễn ra. Ở giữa chặng đua thì Sara không ở vị trí thuận lợi lắm nhưng đó không phải lỗi của cô ấy. Chẳng có nhóm tốc độ thứ 2 như kế hoạch, còn nhóm đầu tiên thì quá nhanh để cô ấy có thể theo kịp.
Tôi đã kìm mình không phải hét lên để báo cô ấy phải chậm lại và đợi nhóm phía sau để có người chạy cùng nhưng may là tôi đã không làm điều đó. Sara cần giữ được khoảng cách gần nhất với tốp đầu để hoàn thành cuộc đua với thứ hạng cao nhất mà cô ấy có thể làm được. Dù đoạn đầu cô ấy chạy hơi nhanh nhưng không phải là quá nhanh. Tôi biết Sara đủ sức để chạy nửa chặng đầu trong vòng 70 phút hoặc thậm chí dưới 69 phút. Cuối cùng, cô ấy hoàn thành trong vòng 70:25. Nếu có người chạy cùng trong một ngày thời tiết thuận lợi hơn, tôi nghĩ cô ấy có thể chạy nhanh hơn thế. Kế hoạch ban đầu là cô ấy sẽ chạy cùng nhóm thứ 2 (từ 2:18:30 – 2:19) nhưng cuối cùng nhóm này lại gộp chung với nhóm đầu ngay sau khi tiếng súng xuất phát nổ ra.
Lần cuối cùng anh nhìn thấy Sara , cô ấy còn cách người thứ hai bao xa? Anh đã hét to gì với cô ấy vậy?
Đó là khi còn 1 vòng nữa. Trước đó thì tôi không nghĩ cô ấy khả năng về nhì nhưng khi người đang ở vị trí thứ 2 bắt đầu chậm lại còn Sara thì chạy nhanh hơn vòng trước, tôi nghĩ cô ấy có một cơ hội. Tôi hét to cho cô ấy biết rằng người phía trước đang giảm tốc 40s và cô ấy có thể bứt lên để về nhì.
Điều gì là thú vị và khác biệt nhất trong quá trình tập luyện cho London marathon của Sara, anh có thể chia sẻ không? Anh có cân nhắc thử điều gì mới không? 2 người đã ở Crested Butte- một nơi với độ cao cao hơn cả Flagstaff. Điều đó nhằm mục đích gì?
Không có gì quá mới cả. Chúng tôi vẫn tuân thủ quá trình luyện tập bấy lâu đã giúp cô ấy tiến bộ. Chúng tôi tới Crested Butte 4 tuần để thay đổi không khí và phong cảnh tập luyện bởi cô ấy sắp phát điên khi không được đi du lịch và thi đấu nhiều do dịch Covid. Crested Butte là một địa điểm tuyệt với để tập luyện cũng như một nơi thú vị để ghé thăm.
Giày thi đấu của Sara là đôi giày mới xuất hiện, nặng và không theo chuẩn của ASICS. Khi nào và làm thế nào mà đôi giày đó được Hiệp hội điền kinh quốc tế công nhận vậy?
Đó là thời điểm trước ngày thi đấu và nó phù hợp với các yêu cầu của Hiệp hội.
Có một lý thuyết chung rằng không nên thúc ép các nữ sinh trung học tập luyện nhiều vì nó có thể quá sức và khiến họ không tiến bộ như những VĐV lớn tuổi hơn. Sara từng giành vô địch ở giải Footlocker, anh có ước rằng cô ấy đã chạy và tập luyện ít hơn khi còn trẻ không? Hay ngược lại, cô ấy đã được lợi gì từ quá trình tập luyện từ sớm như vậy?
Không thể tránh khỏi việc mọi người thường hay quy mọi kết quả thành quãng đường tập trong khi thực tế vẫn còn nhiều yếu tố khác nữa. Tất nhiên số dặm thì rất dễ để đo lường và nó có liên quan đến khối lượng tập luyện. Tuy nhiên, hãy để tôi giải thích rõ hơn: Giả sử có 2 VĐV tập cùng khối lượng từ những ngày trung học. Một người cứng nhắc tuân theo chương trình tập luyện, không lắng nghe cơ thể mà chỉ tuân thủ nghiêm ngặt giáo án. Có thể đến một ngày anh ta sẽ giảm cân nhanh chóng đồng thời vẫn đạt kết quả tốt, thậm chí là đạt kỷ lục quốc gia ở cự ly bán marathon nhưng anh ta cũng sẽ sớm phải từ giã sự nghiệp bởi vì cách sống này không hề lành mạnh và bền vững. Vận động viên thứ 2 cũng tập luyện theo cách tương tự nhưng lắng nghe cơ thể và điều chỉnh giáo án để phù hợp với cơ thể. Anh ta ăn uống cân bằng, lành mạnh để duy trì cân nặng hợp lý. Người này sẽ tiếp tục trở nên tốt hơn vào cuối thời kỳ sự nghiệp của họ.
Điều tôi muốn nói ở đây là cùng một khối lượng tập luyện nhưng kết quả có thể sẽ khác nhau. Nếu chỉ tập trung vào một yếu tố là mileage, bạn sẽ không nhìn thấy được một bức tranh tổng thể có nhiều điều quan trọng khác nữa.
Tôi vẫn thấy vui vì cô ấy đã chạy nhiều nhất có thể khi còn ở trung học và từ đó bắt đầu quá trình phát triển ngưỡng Threshold của mình. Sức mạnh này tiếp tục được cải thiện qua từng quá trình xây dựng và tập luyện, và cô ấy sống một cuộc sống khỏe mạnh đồng thời duy trì việc tập với khối lượng nhiều. Khi nhắc đến số dặm chạy, mỗi người khác nhau sẽ có một điểm tối ưu khác nhau, do đó tôi không có ý rằng mọi học sinh trung học nên tập luyện như Sara đã từng làm. Tôi nghĩ rằng vai trò của HLV là giúp học trò mình tìm thấy “điểm tối ưu” đó trong quá trình tập luyện.
Kể từ lần chúng ta nói chuyện vào 1 năm về trước, Sara vừa thành công tại Berlin và đang chuẩn bị cho New York marathon và tuyển chọn VĐV Olympics tại Atlanta. Nhưng chuyện gì đã diễn ra với cô ấy ở 2 giải đua đó vậy?
Vâng, cải thiện thành tích tại giải NYC marathon là một điều khó. Với vai trò là HLV, tôi nghĩ mình đã không để cô ấy có thời gian hồi phục sau Berlin mà đã cố thúc đẩy cô ấy tiếp tục tập luyện. Tôi đã học được rất nhiều từ chuyện đó. Cô ấy vẫn khỏe mạnh nhưng rồi gặp vấn đề với dạ dày ngay trước ngày thi đấu. Đó là 2 nguyên nhân ở giải đua ở New York.
Sara cũng hoàn toàn khỏe mạnh khi tham gia buổi tuyển chọn cho Olympics nhưng vì đường đua và đôi giày “nhiều đệm” đã khiến chân cô ấy kiệt sức. Nếu cuộc đua diễn ra ở đường phẳng hơn, tôi sẽ không nghi ngờ về việc cô ấy được chọn, nhưng dĩ nhiên việc lựa chọn đường chạy nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi nên chúng tôi không thể làm được gì hơn. Giày không phải là yếu tố đáng quan ngại trong tương lai vì tôi khá hào hứng với sự cải tiến của ASICS và những đôi giày sắp được ra mắt. Thật tuyệt khi nhìn thấy đôi giày ấy có thể bắt kịp Alphafly (của Nike) và kết quả tại giải vừa rồi đã bắt đầu phản ánh điều đó.
Yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc giữ phong độ ổn định và thậm chí cải thiện thành tích marathon ngoạn mục của cô ấy?
Tôi có thể nói rất nhiều về chuyện này. Có rất nhiều yếu tố dẫn tới sự thành công của Sara, như việc cô ấy rất coi trọng việc chăm sóc cơ thể bao gồm dinh dưỡng, ngủ, nghỉ. Cô ấy cũng yêu thích cuộc hành trình này. Đây được xem là yếu tố then chốt. Khi yêu thích việc mình làm, những cơ hội rồi cũng sẽ đến với bất kỳ ai vì họ đã dốc tâm sức của mình vào đó. Cô ấy cũng có khả năng kiểm soát tốt sau những cuộc đua tệ hại (như NYC và kỳ tuyển chọn Olympics). Cô ấy chỉ thất vọng vài ngày rồi sau đó trở lại tập luyện và tiếp tục hướng về phía trước.
Ngoài ra, Sara cũng tập chăm chỉ hơn những người mà tôi từng biết. Sau khi chạy vào buổi sáng, chúng tôi tới ngay phòng gym để tập thêm 1 giờ nữa. Công việc chủ yếu của tôi là kìm Sara lại để cô ấy vừa tập luyện nhưng cũng có đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Sara luôn muốn tập nhiều hơn còn tôi thì phải xem lúc nào cô ấy có thể chạy và khi nào thì phải nghỉ.
Vì sao anh nghĩ việc tập luyện marathon của cô ấy khác anh? Khi so sánh, 2 người có đưa ra kết luận nào không hay chỉ đơn giản là bởi vì 2 bạn là 2 người khác nhau với cơ địa và tinh thần khác nhau?
Sara có khả năng thiên bẩm về tốc độ. Mặc dù PR 5k và 10k không quá ấn tượng nhưng cô ấy đã từng tham gia kỳ tuyển chọn đội tuyển Olympic ở cự ly trên 1500m. Cô ấy có sức mạnh tốc độ và nó không mất đi khi chuyển sang tập luyện marathon. Đó là một lợi thế rất lớn. Nếu như phải chọn làm việc giữa 2 VĐV để tập luyện marathon trong dài hạn: một chuyên về bán marathon và người còn lại chuyên cự ly hơn 1500m thì tôi sẽ chọn người thứ 2.
Sức mạnh tốc độ có thể được xây dựng rất muộn trong sự nghiệp chạy bộ của một VĐV (Kipchoge là một ví dụ) nhưng nó phải được cân bằng với việc duy trì tốc độ. Tôi thì chưa bao giờ là một người chạy nhanh thiên bẩm nên khi mới bắt đầu tập marathon tôi mất dần sức nhanh ở cự ly 5k và việc tập marathon càng trở nên khó hơn. Tối nghĩ nếu mình giữ được thành tích 5k trong 13:16 thì tới thời điểm hiện tại tôi đã có thể chạy nhanh hơn. Nhưng sai lầm lớn nhất của tôi là không lắng nghe cơ thể và không chú ý tới dinh dưỡng, giấc ngủ và cân nặng cơ thể của mình. Đó là lý do vì sao giờ đây tôi muốn theo đuổi sự nghiệp làm HLV. Tôi không muốn bất kỳ VĐV nào gặp sai lầm như tôi đã từng mắc phải.
Tôi không hiểu vì sao một nữ VĐV ưu tú lại trở nên mạnh mẽ hơn và chạy nhanh hơn kể từ nhận nuôi 4 cô con gái vị thành niên. Việc đó đã thay đổi gì ở Sara chăng? Nó có giúp cô ấy trong việc chạy bộ không?
Tôi không thể khẳng đinh điều này đã mang lại cho cô ấy một lợi thế cạnh tranh nào cả. Đó là một chuyến đi đáng nhớ và tuyệt vời, nhưng nếu về chạy bộ thì nó là một sự phát triển đầy thử thách. Thật lòng mà nói thì tôi không biết cô ấy làm thế nào cả. Tôi thì nghĩ mình không thể còn đua tranh được như cô ấy khi trở thành bố/mẹ của 4 đứa con. Tuy vậy, tụi nhỏ ủng hộ nhiệt tình và thích dõi theo Sara như là một tấm gương về sự xuất sắc và theo đuổi giấc mơ. Chúng không phản đối khi cả nhà đi tới trại tập luyện hay phải di chuyển xa để Sara thi đấu. Trong gia đình, chúng tôi cố gắng hỗ trợ lẫn nhau trong việc theo đuổi giấc mơ của mình.
Khi anh giã từ sự nghiệp vào tháng 1, 2016 thành tích marathon của cô ấy mới chỉ 2:31 còn bây giờ là 2:22. Điều này hẳn có nghĩa là anh là một người chồng-chạy bộ tệ hoặc là một ông thầy-chạy bộ giỏi. Anh nghĩ gì về điều này?
(Cười lớn) Đúng, đây là một điều thú vị đúng không? Tôi cảm thấy như Sara và tôi hiếm khi thành công cùng một lúc. Tôi cũng không thể hiểu hết bí ẩn này được. Nhưng tôi biết rằng lui về vị trí hỗ trợ không hề dễ dàng tí nào. Nhìn bên ngoài thì mọi người có thể nghĩ như vậy nhưng đó vẫn là một điều khó, đặc biệt là khi tôi đã từng đứng vị trí như cô ấy trước đây. Nhưng đừng hiểu lầm tôi: tôi cũng thực sự vinh hạnh để hỗ trợ Sara ở thời điểm hiện tại và ở đó vì cô ấy nhiều nhất mà mình có thể. Nhưng nó là một sự nỗ lực cả bên trong lẫn bên ngoài với tôi. Nhiều khi, sau một cuộc đua marathon tôi lại cảm thấy khó chịu hơn cả cô ấy.
Tôi cũng không biết nữa, tôi không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này nhưng tôi nghĩ đó là một điều thú vị để tìm hiểu. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng: để phát huy hết tiềm năng của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào, ai cũng cần những người hỗ trợ trên chuyến hành trình của mình. Tôi chắc chắn không đạt được thành quả tới giờ nếu không có Sara, các HLV, gia đình và nhà vật lý trị liệu của tôi… ở vị trí hậu phương giúp đỡ.
Là HLV của Sara, cuộc tranh cãi nào là tệ nhất giữa hai người khi tập luyện?
Hmm. Khó mà xác định được lần nào là tệ nhất. Chúng tôi từng có chút băn khoăn về vụ dẫn tốc. Nếu tôi đạp quá xa khi dẫn tốc cho cô ấy trong buổi tập nặng thì cô ấy có thể bị đuối sức. Còn khi tôi chậm lại thì có thể làm hỏng buổi tập, nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được ra cách giải quyết.
Vẫn còn lâu mới đến kỳ Olympics 2024. Anh và Sara có kế hoạch nào cho những năm tới không?
Không nhiều lắm. Chúng tôi vẫn sống cho thời điểm hiện tại và ăn mừng cho giải London vừa rồi. Sau đó chúng tôi mới lựa chọn mục tiêu tiếp theo và tập trung vào điều đó. Chúng tôi chỉ xây dựng việc tập luyện một lần nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy cô ấy ở vạch đích Olympic marathon 2024.
Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] đã đánh bại Molly ở London 2020 để giành ngôi á quân đầy thuyết phục. Dù hụt vé dự Olympic Tokyo, Sara […]