Kỷ lục quốc gia marathon và chuyện hỗ trợ VĐV trên đường đua

Lời Ban biên tập Chay365:

Bài viết dưới đây của một runner gửi cho Ban biên tập Chay365. Nhận thấy bài viết nêu một vấn đề phổ biến trong các giải chạy ở Việt Nam hiện nay, Chay365 xin chia sẻ cùng độc giả. Đây là tình trạng chung của nhiều giải đấu. Vì thế bài viết không nhằm mục đích chỉ trích VĐV hay một giải đấu cụ thể, mà chỉ muốn góp một tiếng nói để phong trào chạy bộ đường dài ở Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp. Xin trân trọng cám ơn mọi phản hồi và đóng góp của các độc giả. 

====

Thày tiếp nước cho trò: Đặc sản của hệ tuyển?

giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong 2022 tại Côn Đảo, qua quan sát từ livestream của Ban tổ chức (BTC), tôi thấy đội ngũ mặc “áo cam” (áo của trọng tài thuộc Liên đoàn Điền kinh Việt Nam) chạy xe máy đi theo đưa nước cho vận động viên (VĐV) nam/nữ nhóm đầu. Dù ít hay nhiều, sự hỗ trợ của đội ngũ áo cam đã can thiệp vào thành tích của VĐV, có thể tạo sự không công bằng giữa các vận động viên (chuyên nghiệp, phong trào) và có tác động đến kỷ lục quốc gia (KLQG) marathon nam/nữ của Việt Nam.

Thành viên BTC đưa nước cho VĐV. Hình lấy từ livestream của giải TPM 2022

Theo nội quy/điều lệ của giải, VĐV không hề phạm quy vì trọng tài là thành viên của BTC, được cấp xe máy, áo của BTC đi vào đường chạy. Tuy nhiên, việc trọng tài tham gia tiếp nước ở những km cuối đã tạo nên những hình ảnh gây tranh cãi nếu VĐV đó đạt giải, phá KLQG.

Tiền Phong Marathon 2021: BTC xử nặng 2 runner gian lận cấm tham gia vĩnh viễn

Vận động viên nữ về nhì giải Fort Worth Marathon bị phát hiện gian lận

Năm 2019, Kipchoge là người đầu tiên trên thế giới chạy marathon sub2 (dưới 2 giờ đồng hồ). Tuy nhiên, thành tích của Kipchoge không được công nhận là kỷ lục thế giới chính thức, bởi sự kiện INEOS 1:59 Challenge không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của Liên đoàn điền kinh thế giới bởi chân chạy xuất sắc nhất lịch sử người Kenya nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các pacer, xe dẫn tốc (cản gió và chiếu đèn laser) và nhận nước trực tiếp từ xe đạp đi theo Kipchoge trong quá trình chạy. Tại các giải marathon lớn trên thế giới hay giải marathon được chứng nhận bởi Liên đoàn điền kinh thế giới, VĐV chuyên nghiêp/elite thường có bàn tiếp nước riêng để tự lấy chứ không có ngoại lệ nào khác liên quan tới việc tiếp nước dành cho nhóm VĐV này.

Một VĐV nam đủn tay đẩy VĐV nữ ở TPM Côn Đảo. Ảnh chụp từ clip của Doan Phi

Chuyện đội ngũ mặc áo cam tiếp nước cho VĐV elite như trên theo người viết là không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng có thể coi là điểm bất lợi của VĐV elite Việt Nam, những người vốn quen được “nuông chiều” ở trong nước. Khi thi đấu ở nước ngoài, các VĐV thường có kết quả thi đấu không tốt như ở các giải quốc nội bởi BTC giải marathon quốc tế quy định khá chặt chẽ việc tiếp nước, hỗ trợ ở những điểm cố định.

Không chỉ ở Côn Đảo, chuyện VĐV elite được tiếp nước, gel (đồ dinh dưỡng nói chung) hay bình xịt lạnh (để chống chuột rút) trên đường ở ngoài phạm vị trạm hỗ trợ cố định là chuyện diễn ra tương đối phổ biến ở một số giải chạy marathon khác ở Việt Nam.

VĐV elite nhận hỗ trợ của BTC trong giải VPHM 2021

VĐV elite nhận hỗ trợ của BTC trong giải VPHM 2021

Nói rộng hơn, việc VĐV trên đường đua nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài không phải điều hiếm thấy ở các giải đấu ở Việt Nam hiện nay, dù là giải chạy bộ hay triathlon. Làm sao có thể kỳ vọng các runners phong trào thi đấu công bằng với tinh thần thể thao, trong khi chính Ban tổ chức lại có những hành động tạo ra sự thiếu công bằng?

Một số hình ảnh mà các độc giả gửi về cho thấy hiện tượng này không chỉ gặp ở đội elite, mà các các runner phong trào, trong đó nhiều người lên bục nhận giải lứa tuổi.

Ảnh: TPM 2022

Liệu KLQG có thể được lập ở một nơi khác ngoài Việt Nam?

Trở lại câu chuyện KLQG marathon ở Việt Nam, nếu VĐV có quốc tịch Việt Nam tham gia thi đấu tại một giải chạy được Liên đoàn điền kinh thế giới IAAF/AIMS chứng nhận (ví dụ các giải World Marathon Majors như Boston Marathon, Chicago Marathon…) hay một số giải ở Việt Nam: TCB HCMC Marathon, LongBiên Marathon, VNE Marathon … ) phá vỡ mốc 2 giờ 21 phút 51 giây (đối với nam) và mốc 2 giờ 45 phút 09 giây (đối với nữ) thì có được công nhận là KLQG mới không?

VĐV elite nhận hỗ trợ

Hay VĐV chỉ có thể chạy ở những giải marathon ở trong nước do Liên đoàn điền kinh Việt Nam tổ chức/giám sát mới có cơ hội công nhận KLQG? Thắc mắc của người viết cũng là thắc mắc của rất nhiều runner phong trào và chuyên nghiệp khi mà phong trào chạy bộ của Việt Nam ngày càng phát triển, các giải chạy marathon có chất lượng được tổ chức ngày càng nhiều.

Nhìn sang Nhật Bản, đất nước có phong trào chạy bộ phát triển, kỷ lục quốc gia marathon Nhật Bản từng bị xô đổ bởi Osako tại giải Chicago Marathon 2018. Osako đã lập KLQG với thành tích 2:05:50 tại Chicago (Mỹ), nơi có đường chạy đạt chứng nhận của AIMS.

Marathon là môn thể thao đặc trưng bởi cự ly thi đấu trải dài trên một không gian rộng lớn, do vậy có muốn Ban tổ chức cũng không dễ kiểm soát VĐV nhận trợ giúp từ bên ngoài. Nhưng có lẽ bước đầu tiên phải xuất phát từ chính người làm giải. Để hướng tới một sân chơi công bằng, bình đẳng, theo đúng chuẩn quốc tế, nên chăng các Ban tổ chức giải đấu cần có điều lệ cụ thể để ngăn tình trạng nhận hỗ trợ trên đường chạy. Bất kỳ VĐV nào nếu bị phát hiện nhận sự trợ giúp từ bên ngoài sẽ bị tính DNQ. Điều lệ công bằng sẽ giúp các giải đấu ở Việt Nam tiến gần tới chuẩn quốc tế, cũng như giúp những VĐV cả elite lẫn phong trào quen với “luật chơi” chung của marathon thế giới.

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares