New York City Marathon Qua Các Con Số

Số lượng VĐV chạy giải marathon New York (NYC) đã gia tăng chóng mặt kể từ giải đầu tiên năm 1975. Với trên 50 000 người đăng ký, đây là giải marathon hoành tráng nhất trên thế giới.

Đám đông xuất phát trên cầu Verrazano

Nhưng các con số trong bài viết này không liên quan gì tới thời gian hoàn thành full marathon hay chỉ số VDOT cả. Nếu năm đầu tiên, phí chạy giải chỉ là 1 USD, thì năm 2018 là 358 USD nếu bạn không phải người Mỹ. Khi thẻ tín dụng bị trừ tiền, bạn thậm chí còn mừng rỡ, vì xác suất “được” trừ tiền thấp hơn xác suất đỗ đại học (tỉ lệ 1/15, Chay365 đã có bài viết về tỉ lệ chọi này).

Tháng 11/2021, giải NYC Marathon được tổ chức trở lại sau một năm huỷ vì Covid. Với chính quyền thành phố, có lẽ giải đấu này cũng được coi như một phần “thiết yếu”.

Số người chạy New York City Marathon qua các năm. Nguồn: Bloomberg

Bảy trong số 15 giải marathon lớn nhất trên thế giới là ở Mỹ. NYC Marathon nắm phần bánh bự nhất. Năm 2014, có 50530 người hoàn thành giải chạy (chắc không có hội chạy bib lậu, bandit). 50 ngàn người này không tới New York một mình. Ước tính của New York Road Runners (NYRR), Ban tổ chức giải, có tới 258 ngàn khách du lịch ghé thăm thành phố trong tuần lễ diễn ra sự kiện. Lượng khách du lịch này mang lại doanh thu từ bán hàng và tiền thuế lên tới 22,2 triệu USD cho thành phố New York. Tờ Bloomberg đánh giá tác động kinh tế của riêng giải đấu năm 2014 vào khoảng 415 triệu Mỹ kim, tăng 70% so với năm 2006. Nửa tỉ USD, và đó chỉ là con số của 5 năm trước (2014). Nhớ rằng, số người chạy marathon ở Bắc Mỹ (và toàn cầu nói chung) đang gia tăng liên tục. Số lượng giải chạy năm 2014 đã tăng lên 10% so với 2012. Bloomberg dịu dàng bình luận: Marathon tốt cho sức khoẻ tim mạch, cũng như cho doanh thu toàn thành phố”.

Số lượng người chạy marathon trên thế giới. Nguồn: Bloomberg

Trên 1 triệu khán giả đã ra đường cổ vũ cho các vận động viên trong ngày thi đấu, biến New York City Marathon thành một ngày hội ngập tràn phấn khích. Các thăm dò trên tờ Runners World cho thấy đám đông của NYC Marathon được xếp hạng nhì trong số các giải Major, chỉ dưới London một chút, vượt xa Berlin. Đường chạy NYC cũng được đánh giá đẹp nhất và hấp dẫn nhất. Nếu một người chỉ dự định chạy duy nhất một giải Major (điều rất hiếm khi xảy ra), giải được ưu tiên lựa chọn sẽ là NYC, dù rằng đường chạy gió và dốc chẳng thích hợp chút nào để đạt PR.

Bình chọn về các giải Major

Một giải Major không chỉ là giải chạy nữa, nó là di sản văn hoá của cả thành phố, cả quốc gia. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, hashtag #unitedwerun của giải chạy NYC Marathon đã trở thành thông điệp đoàn kết cả nước Mỹ. Có điều, người Mỹ rất thực tế, di sản vật thể hay phi vật thể đều tốt thôi, nhưng phải bẻ ra cắn được, như Big Apple còn thơm hơn táo thật. Tuần lễ marathon là miếng cơm manh áo của bà hàng nước, anh nhân viên bán McDonald, chị chủ hostel, diễn viên Broadway, hay ông thị trưởng. Với dân số hơn 8 triệu người, doanh thu 22 triệu USD đồng nghĩa mỗi cư dân mặc nhiên đút túi vài đồng bạc. Giải đấu là miếng bánh ngọt ngào đường mà ai cũng có phần. Khi trao đổi với anh Bruce Vu về Boston Marathon, anh đã đúc kết “They treat you like Kings and Queens”, người chạy bộ sẽ được cư dân thành phố trọng vọng như vua chúa.

Xem nhạc kịch Chicago ở Broadway khi ghé qua New York chạy marathon

NYC Marathon nhìn từ góc độ kinh tế

Nói thêm về NYRR. Đây là một công ty tổ chức giải chạy đúng nghĩa. Anh chị em nào trót đăng ký thành viên sẽ liên tục được nhận spam mail về đủ loại sự kiện, từ chạy ảo cho đến chạy gây quỹ từ thiện, từ 1 mile cho đến 42K. Phần tự giới thiệu trên website có những “mỹ từ” rất hoành tráng: “Sứ mệnh của chúng tôi là tạo cảm hứng cho cộng đồng thông qua chạy bộ. Với sự hỗ trợ từ các thành viên NYRR, những tình nguyện viên, cùng các đối tác, chúng tôi làm việc chăm chỉ để đạt mục tiêu đó. NYRR cam kết rằng mỗi hoạt động dù nhỏ của chúng tôi đều tập trung vào việc tác động tới cộng đồng, giới trẻ, các quỹ từ thiện, cũng như từng cá nhân người chạy bộ”. Năm 2018, NYRR gây quỹ từ thiện được 45 triệu USD. Nhưng điều đáng chú ý hơn là doanh thu trước thuế năm 2018 của NYRR lên tới 96,3 triệu USD, tăng 12% so với năm trước đó. Có “shark” nào không chóng mặt?

Tác động kinh tế của giải NYC Marathon qua các năm. Nguồn: Bloomberg

Nhưng nói gì thì nói, NYRR vẫn là chuẩn mực về sự chuyên nghiệp cũng như tiếp thị bài bản, từ thông tin về giải đấu, thư điện tử cập nhật sự kiện, app trên điện thoại,…  Nếu tìm hashtag #itwillmoveyou bạn sẽ được chia sẻ rất nhiều câu chuyện cảm động và đầy cảm hứng về chay bộ.

Hashtag #UnitedWeRun của NYC Marathon trở thành một thông điệp đoàn kết sau sự kiện khủng bố ngày 11/9

50 ngàn người đổ ra đường vào cùng một thời điểm, với cùng một cảm xúc, làm cùng một công việc. Có lẽ ngoại trừ biểu tình cỡ Hương Cảng Chi Lộ, không thể tìm ra một hoạt động cộng đồng nào có nhiều người tự nguyện tham gia như thế. Nhiều người trong đó tới NYC không phải để thăm tượng Nữ Thần Tự Do, không phải để ngắm lá đỏ ở công viên Trung Tâm và nghe Louis Armstrong cùng Ella Fitzerald hát “Autumn in New York, Why does it seem so inviting?”, mà chỉ để trải nghiệm cảm giác chạy xuyên qua năm quận nội đô New York trong tiếng gào thét cổ vũ, rồi … về. Nếu giải chạy không chất lượng, bạn không thể kỳ vọng ở sự hưởng ứng lớn đến vậy từ phía cộng đồng chạy bộ toàn thế giới, cũng như cư dân toàn thành phố.

Xem thêm: Nhật ký New York City Marathon

Marathon không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là sự kiện văn hoá. Ảnh: Business Insider

Chắc hẳn nhiều người đọc bài này cũng đang chóng mặt và quay cuồng cùng các con số. Hy vọng các nhà tổ chức nhận ra một chân lý đơn giản: hãy tổ chức giải thật đàng hoàng, thật chuyên nghiệp và hướng tới người chạy bộ, với tầm nhìn dài hạn (bán bib giờ chót giá rẻ hay kết quả giải đấu cẩu thả thì … thôi). Cộng đồng chạy bộ, nói chung, là một cộng đồng lành mạnh, thông minh, và có văn hoá. Cộng đồng ấy xứng đáng với các giải đấu có chất lượng. Cộng đồng ấy sẽ tự lựa chọn giải đấu có chất lượng.

Nguồn tham khảo:
1. https://www.forbes.com/sites/kurtbadenhausen/2018/11/03/nyc-marathon-2018-by-the-numbers/#663481dd5ee3

2. https://www.bloomberg.com/news/articles/2015-10-28/speed-and-money-the-new-york-marathon-in-five-charts

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]

  • […] Tham khảo: New York City Marathon qua các con số […]

  • […] New York City Marathon ngày nay tự hào là giải marathon có quy mô lớn […]

  • >
    89 Shares