Tập luyện các môn thể thao sức bền có thể dẫn đến một số biến đổi sinh lý của quả tim. Những biến đổi sinh lý này là sự thích nghi và đáp ứng bình thường của tim với cường độ tập luyện. Nếu không đi kèm triệu chứng lâm sàng hay tiền sử gia đình bất thường, nói chung không cần thăm dò khảo sát sâu hơn.
Xem thêm: Hội chứng tim vận động viên
Điện tâm đồ là thăm dò cận lâm sàng cơ bản nhất mà đa số mỗi người chúng ta đều được làm vài lần trong đời. Cần nhớ rằng, các biểu hiện bất thường trên điện tim có thể lại là bình thường ở người tập luyện cường độ cao. Hiện nay, khi số người tập marathon ngày càng đông đảo, bác sĩ tim mạch rất nên có kiến thức về các biểu hiện thường gặp trên điện tim ở VĐV sức bền. Hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực này có thể giúp thày thuốc tránh các thăm dò tốn kém không cần thiết, đồng thời lại không bỏ sót những trường hợp bất thường có thể nguy hiểm tính mạng người chơi thể thao.
Theo Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC), có thể tổng kết các đặc điểm điện tim ở VĐV như dưới đây:
1. Cường phế vị (nhịp chậm xoang, bloc nhĩ thất cấp 1) và tăng kích thước buồng tim do đáp ứng sinh lý là các đặc điểm của điện tâm đồ bình thường ở vận động viên tập luyện cường độ cao.
2. Thường gặp biểu hiện phì đại thất trái theo tiêu chuẩn Sokolow-Lyon ở VĐV nam giới. Nếu không có bất thường nào khác, không cần thăm dò sâu hơn.
3. Nhịp xoang chậm < 40 CK/phút, bloc nhĩ thất cấp II Mobitz 1, nhịp bộ nối là các đặc điểm có thể gặp. Không cần thăm dò sâu hơn.
4. Tái cực sớm, biểu hiện bằng ST chênh lên kiểu cong lõm, có thể gặp ở 25-40% VĐV tập cường độ cao, nhất là nam giới, người da đen, người có phì đại thất trái. Hay gặp ST chênh lên ở chuyển đạo V5, V6.
5. Sóng T âm ở chuyển đạo V1-V4 gặp ở 12% VĐV da đen, thường đi sau ST chênh lên kiểu cong lồi. Những biến đổi này có thể trở về bình thường nếu nghỉ tập luyện.
6. Tim trục lệch trái, lệch phải, phì đại nhĩ trái, nhĩ phải, thất phải, xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm các biểu hiện cường phế vị (nhịp chậm xoang, bloc nhĩ thất cấp I, bloc nhánh phải không hoàn toàn, tái cực sớm): không cần thăm dò thêm nếu khám lâm sàng bình thường.
7. Ở người không triệu chứng, bloc nhánh phải với khoảng QRS < 140ms, không có bất thường tái cực: không cần thăm dò sâu hơn
1. Sóng T âm ở chuyển đạo sau dưới và thành bên: Cần thăm dò sâu hơn
2. Sóng T âm đi sau ST chênh xuống là biểu hiện bệnh lý. Sóng T cao nhọn ở chuyển đạo aVR đi kèm T âm ở V5/V6 gợi ý tình trạng bệnh lý vùng mỏm thất trái.
3. Sóng Q bệnh lý là bất thường, ngoại trừ Q sâu ở aVL.
4. Bloc nhánh trái luôn luôn cần thăm dò sâu hơn.
5. Khoảng QTc > 500ms gợi ý hội chứng QT kéo dài. QTx > 470ms ở nam, >480ms ở nữ là bất thường, nhất là nếu sóng T có khía, hoặc QT kéo dài nghịch thường khi tập luyện. Cần khảo sát hội chứng QT kéo dài ở VĐV có QT 460-490ms đi kèm 1 trong các dấu hiệu dưới đây: (1) ngất, (2) xoắn đỉnh, (3) cha mẹ hoặc anh chị em ruột có QTc kéo dài, (4) tiền sử gia đình có người đột tử chưa rõ nguyên nhân, (5) sóng T có khía, hoặc (6) QT kéo dài khi tập luyện.
6. Điện tâm đồ Brugada type 1 là bất thường. Điện tâm đồ Brugada type 2 (dạng yên ngựa) là đặc điểm không đặc hiệu. Nếu ghi điện tim có dạng Brugada type 2, cần ghi lại điện tim thêm lần nữa, và ghi điện tim với chuyển đạo V1, V2 cao lên 1 khoang liên sườn. Nếu điện tim khi ghi lại không có biểu hiện Brugada type 1, không cần làm thêm thăm dò gì khác, trừ khi tiền sử gia đình có người ngất hoặc gặp biến cố tim mạch.
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]