Emil Zátopek – Vị khách đặc biệt của Việt dã Tiền Phong

Chỉ còn hơn 5 tuần nữa, các Anh tài chạy bộ sẽ quy tụ tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để tham dự Việt dã Tiền Phong 2020 lần thứ 61. Trải qua 60 năm tổ chức, Việt Dã Tiền Phong đã mang đến cho người hâm mộ những màn tranh tài hấp dẫn và là nơi nâng bước cho rất nhiều VĐV tài năng như Bùi Lương, Lưu Văn Hùng,  Đặng Thị Tèo, Trương Thanh Hằng….

Huyền thoại Emil Zátopek

Ra đời vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo (Hà Nội), Việt dã Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 25/12/1958 ngay trong thời kỳ đất nước còn chia cắt. Rất nhiều người còn nhớ về dấu mốc lịch sử này nhưng ít người biết rằng, tại giải đấu đó chúng ta đã chào đón 1 vị khách rất đặc biệt, người được mệnh danh là “người hùng Olympic” – Emil Zátopek

Emil Zátopek sinh năm 1922 là một vận động viên đường dài nổi tiếng và vĩ đại của nước Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia). Tại Olympic 1948 ở London – Anh, Ông đã ghi dấu ấn với 1 tấm huy chương vàng và 1 tấm huy chương bạc. Tại nội dung 10.000m, Ông đã thắng áp đảo các đối thủ để giành huy chương vàng với cách biệt hơn 300m so với người về nhì và lập kỷ lục Olympic với thông số 29 phút 59 giây 6. Tại nội dung 5000m, Ông giành thêm 1 tấm huy chương bạc khi chỉ thua người về nhất trong tích tắc (14 phút 17 giây 8 và 14 phút 17 giây 6).

Đỉnh cao trong sự nghiệp của Ông chính là kỳ Olympic 1952 ở Helsinki – Phần Lan với cú hattrick 3 huy chương vàng ở các nội dung 5000m, 10.000m và marathon, đồng thời phá 2 kỷ lục Olympic ở nội dung 5000m và 10.000m với thời gian lần lượt là 14 phút 06 giây 6 và 29 phút 17 giây 0. Điều đặc biệt, nội dung marathon chỉ được Ông quyết định tham gia vào phút chót và đây cũng chính là lần chạy marathon đầu đời của ông.

Giành được 3 tấm huy chương vàng Olympic danh giá trong vỏn vẹn 7 ngày, lại ở 3 nội dung đường dài khắc nhiệt nhất của điền kinh đã khiến cho cả thế giới sửng sốt. Tính đến tận bây giờ, trong lịch sử mới chỉ duy nhất mình Ông làm được điều này và chưa ai có thể tái lập.

Emil Zátopek tranh tài tại Olympic 1952 (Ảnh: LDĐK Thế Giới)

Hai năm sau kỳ tích lịch sử đó, Emil Zátopek lại đi vào lịch sử với tư cách người đầu tiên chinh phục thành công cột mốc 29 phút cho cự ly 10.000m với một kỷ lục thể giới mới 28 phút 54 giây 2. Theo thống kê, suốt giai đoạn từ 1948-1954, ông đã bất bại trong 38 cuộc đua từ 10.000m trở lên.

Trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình, Ông đã 18 lần phá kỷ lục thế giới ở các cự ly đường dài, là người tiên phong trong việc xác định lại giới hạn chịu đựng của con người.

Chính những kỳ tích lịch sử đó đã đưa Ông trở thành một trong số VĐV vĩ đại nhất của thể kỷ 20. Tháng 2 năm 2013, tạp chí Runner’s World Magazine đã chọn ông là Vận động viên điền kinh vĩ đại thứ hai mọi thời đại

Xuất thân từ một gia đình thợ mộc nghèo đến từ vùng đất Moravia (Cộng hòa Séc ngày nay) và không có tài năng thể thao đặc biệt, nhưng chính sự chăm chỉ và sáng tạo đã giúp Ông xây cho mình 1 sự nghiệp lừng lẫy. Trong tập luyên, Emil Zátopek được biết đến với phương pháp huấn luyện vô cùng hà khắc. Trong thi đấu, khuôn mặt Ông luôn thể hiện sự đau khổ, quyết tâm cao độ và tuyệt nhiên không có bất cứ 1 cái mỉm cười nào. Một điểm đặc biệt, Ông thường xuyên thở hổn hiển, khò khè, đôi lúc cảm giác như sắp “sập nguồn”, chính vì điều đó mà người ta thường gọi ông với biệt danh “đầu máy xe lửa Séc”.

Ngày 22/11/2000 ông qua đời tại Pra-ha, Séc, hưởng thọ 78 tuổi.

Roger Bannister: Người chinh phục “Everest điền kinh”

… Và cái duyên với việt dã Tiền Phong

Nếu xét về sự nổi tiếng và đẳng cấp, Emil Zátopek khác biệt quá xa với điền kinh Việt Nam. Tuy nhiên, với sự mạnh dạn của ngành thể thao và tình hữu nghị son sắc Việt Nam – Tiệp Khắc, “người khổng lồ” Emil Zátopek đã có mặt tại Việt Nam trong sự phấn khích của người hâm mộ. Đáp lại những tình cảm đó, Emil Zátopek luôn thể hiện sự nhẹ nhàng, vui vẻ, hào phóng… đúng như tính cách con người thật của mình.

Tranh tài cùng Emil Zátopek trên đường chạy Việt dã Tiền Phong khi ấy là 72 VĐV thuộc 23 đoàn của 15 tỉnh thành tham dự với những tên tuổi chạy dài có tiếng lúc bấy giờ là Nguyễn Quyền, Bùi Lương, Hoàng Viết Mông…. Với đường chạy dài 5km, xuất phát ở chuồng voi, leo núi Nùng rồi chạy ra phía ngoài đường Ngọc Hà. Đường chạy với nhiều địa hình phức tạp như: đường nhựa, đường đất, chạy băng qua thảm cỏ, lên xuống dốc, vượt núi Nùng cùng nhiều chướng ngại vật khác.

Màn tranh tài tại Việt dã Tiền Phong 1958 trong công viên Bách Thảo. Ảnh: Bùi Lương

Dù chỉ là màn hình diễn mang tính chất giao lưu, không tính vào kết quả chung cuộc nhưng Emil Zátopek vẫn dễ dàng bỏ xa tất cả phần còn lại. Đặc biệt, với vóc dáng cao 1m80, và gương mặt tây, Ông đã thu hút tất cả ánh nhìn của người hâm mộ bấy giờ.

Ba VĐV Việt Nam về đầu đầu tiên là thầy giáo Hoàng Viết Mông của tỉnh Lạng Sơn, Bùi Lương và Nguyễn Chuyển. Phần thưởng dành cho người chiến thắng là chiếc cúp độc nhất vô nhị làm bắng pha lê pha sứ của Tiệp Khắc do đích thân Emil Zátopek mang sang Việt Nam. Đồng thời, Emil Zátopek đã thoải mái chia sẻ những kinh nghiệm tập luyện thi đấu của mình cho các chân chạy Việt. Tất cả điều đó là vô cùng vô giá !

Chiếc cup của Giải chạy báo Tiền Phong năm 1957. Nguồn: Báo Tiền Phong

Giờ đây Emil Zátopek đã qua đời và những VĐV Việt Nam may mắn được so tài cùng Ông cũng đã bước sang tuổi bô lão như HLV Bùi Lương đã tuổi 83… nhưng ký ức về Tiền Phong và Emil Zátopek luôn hiện hữu trong tâm trí họ.

Việt dã Tiền Phong hay giờ đây là cái tên mới “Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong” đã, đang và sẽ chứng tỏ mình là giải đấu danh giá nhất Việt Nam. Việc tham dự giải đấu là 1 trải nghiệm vô cùng tuyệt vời của bất cứ runner nào.

About the Author Thành Trịnh

>
254 Shares