Chạy chân trần, chạy giày đế mỏng hay chạy những đôi giày đế “bánh mì” sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ chấn thương? Đây là câu hỏi có lẽ mỗi chân chạy đều tối thiểu một lần nghĩ tới. Một nghiên cứu mới đã được thực hiện để góp phần làm sáng tỏ vấn đề liệu chúng ta có ít bị chấn thương hơn khi chạy nhiều hơn với những đôi giày có “đế bánh mì”.
Khoảng 4 năm trở lại đây, một dòng giày chạy bộ mới với đế đệm “như những chiếc bánh mì” dựa theo mẫu Vaporfly của hãng Nike đã và đang viết lại lịch sử kỷ lục chạy bộ đường bằng của thế giới. Hóa ra, giày đế mềm có thể giúp con người chạy nhanh và rất nhanh. Những tranh luận vô cùng tận về lợi thế mà giày Vaporfly mang lại khi thi đấu đã khiến chúng ta quên đi một vấn đề cũng nóng hổi không kém trước đây mà gần như 99,99 phần trăm các chân chạy đều quan tâm: liệu lớp đệm của giày chạy có giúp chúng ta phòng tránh chấn thương như đau ống chân, nứt xương và rất nhiều những chấn thương khác liên quan đến chạy bộ hay không? Hay như những người chạy chân trần khẳng định trong khoảng một thập kỷ trước rằng, lớp đệm của giày chính là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương đó?
Giai đoạn sau khi tác giả Christopher McDougall xuất bản cuốn Sinh ra để chạy vào năm 2009, một trong những lý lẽ chính mà những người theo phong trào chạy chân trần hay chạy giày tối giản là thiết kế giày chạy thông thường không được xây dựng trên cơ sở thực chứng. Những đặc điểm như gót nâng cao, kiểm soát độ nghiêng cổ chân, đế giày có thể hợp lý về mặt cảm tính nhưng những người chạy chân trần cho rằng chưa có ai thử nghiệm lợi ích phòng tránh chấn thương của những đôi giày này qua các cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên được giám sát chặt chẽ.
Ngay cả những người trong ngành giày chạy cũng buộc phải thừa nhận rằng quan điểm trên có chỗ hợp lý nhất định. Do đó, trong một thập kỷ qua chúng ta đã thấy rất nhiều nghiên cứu xoay quanh vấn đề chấn thương chạy bộ và vật liệu cũng như thiết kế giày chạy, trong đó đáng chú ý một nghiên cứu công bố đầu năm nay đã góp phần làm sáng tỏ nghi vấn lâu nay về vai trò của công nghệ đệm trên giày chạy.
Nghiên cứu mới này được công bố trên Tạp chí Khoa học Thể thao Châu Âu do tác giả Laurent Malisoux thuộc Viện Sức khỏe Luxembourg thực hiện. Malisoux thời gian gần đây đã nổi lên là một trong những người đi đầu ủng hộ thực hiện các nghiên cứu đối chiếu về giày chạy bộ trên thế giới. Nếu một chuyên gia nghiên cứu đề nghị một chân chạy bất kỳ chạy bằng đôi Hoka đế dày hay một đôi dép xỏ ngón siêu nhẹ làm từ lốp xe, kỳ vọng của chân chạy đó về đôi giày hoặc dép này sẽ tác động tới cách người đó chạy và có thể là cảm nhận của người đó về những điểm đau và khó chịu xuất hiện trong khi chạy. Nếu vô tình một đôi giày nào đó tốt hơn, chúng ta cũng không thể nói chính xác là do vấn đề đệm, độ lệch gót và mũi hoặc nhiều đặc điểm khác góp phần lý giải sự khác biệt này.
Để xử lý vấn đề này, Malisoux và đồng nghiệp đã phối hợp với công ty đồ thể thao của Pháp Decathlon để sản xuất một số thiết kế giày chạy có vẻ bề ngoài giống hệt nhau và chỉ khác nhau về một đặc điểm kỹ thuật cho mỗi lần thử nghiệm. Điều này giúp Malisoux tiến hành các nghiên cứu mù trong đó người tham gia nghiên cứu và chuyên gia nghiên cứu không biết chính xác loại giày nào đang được sử dụng. Một nghiên cứu thấy rằng loại giày hạn chế tình trạng nghiêng cổ chân (chuyển động nghiêng về phía trong ở thời điểm bàn chân tiếp đất khi chạy) giảm nguy cơ chấn thương; một nghiên cứu khác chỉ ra rằng độ lệch gót và mũi dao động từ 0-10 mm có nhiều tác động khác nhau lên nguy cơ chấn thương tùy thuộc vào khối lượng chạy của đối tượng nghiên cứu mỗi tuần.
Thử nghiệm ngẫu nhiên mới nhất của Malisoux tập trung vào khía cạnh độ đệm của giày chạy. Decathlon sản xuất hai mẫu giày chạy, mỗi mẫu đều có lớp đế giữa đệm giày 1 inch làm từ bọt EVA. Cấu trúc của bọt EVA được thay đổi sao cho một nửa số giày có lớp bọt đệm mềm và nửa còn lại có lớp bọt đệm cứng hơn. Số giày này được ngẫu nhiên giao cho 848 chân chạy khỏe mạnh và nhóm chân chạy này tham gia bài kiểm tra trên máy chạy để đánh giá đặc điểm bước chạy và được theo dõi các dấu hiệu chấn thương trong thời gian 6 tháng.
Kết quả ban đầu được công bố năm 2020 cho thấy những người mang giày có lớp đệm cứng hơn có nguy cơ chấn thương cao hơn ở mức 52% trong thời gian theo dõi, điều này có vẻ khẳng định lợi ích phòng ngừa chấn thương của loại giày có lớp đệm mềm. Tuy nhiên, quá trình phân tích bước chạy lại đặt ra một câu hỏi khó khác. Thông số thu được từ các máy chạy gắn cảm biến lực cho thấy các chân chạy đi giày mềm chịu lực tác động cực đại lớn hơn lên chân – kết quả này tương đồng với các nghiên cứu trước đây nhưng lẽ ra về mặt cảm tính phải dẫn tới nhiều chấn thương hơn chứ không thể ít hơn như kết quả nêu trên. Nghiên cứu của ông Malisoux trên Tạp chí Khoa học Thể thao Châu Âu đào sâu hơn vào dữ liệu sinh cơ học nhằm giải quyết được vấn đề bấy lâu nay chúng ta gọi là nghịch lý giày đế dày.
Đáp án cho câu hỏi nêu trên là gì? Độ dài thời gian của lực tác động được sinh ra. Khi bàn chân chúng ta tiếp xúc mặt đất trong khi chạy, có 2 tác động khác nhau được sinh ra: lực tác động thứ nhất là hệ quả của việc chân giảm tốc đột ngột; lực thứ hai, được sinh ra chỉ vài mili giây sau đó, là lực lớn hơn do toàn bộ phần còn lại của cơ thể dồn xuống. Lực tác động thứ nhất chính là yếu tố mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ có liên quan đến vấn đề chấn thương vì toàn bộ lực này được sinh ra và tác động vào cùng một thời điểm. Trong nghiên cứu của Malisoux, lực tác động này cũng lớn hơn ở các chân chạy mang giày đệm mềm.
Tuy nhiên, hóa ra đây chỉ là hệ quả của hiện tượng ảo giác. Một trong những tác động của lớp đệm mềm là làm chậm lực tác động thứ nhất khi chân đột ngột giảm tốc và lan tỏa lực tác động này trong thời gian lâu hơn và khiến nó trùng lặp với tác động thứ hai. Tổng hai lực tác động khiến cho tổng lực mà đôi chân phải chịu có vẻ lớn hơn, tạo cảm giác giày đệm mềm sản sinh ra nhiều lực tác động hơn. Nhưng khi ông Malisoux sử dụng các kỹ thuật toán học để tách lực tác động thứ nhất và thứ hai thành các giá trị độc lập, ông thấy rằng lực tác động thứ nhất của loại giày chạy đệm mềm, loại tác động liên quan đến chấn thương chạy bộ, thực tế nhỏ hơn.
Đây là bằng chứng chứng minh cho quan điểm bị công kích khá nhiều là công nghệ đệm trên giày có thể giảm nhẹ tải trọng lên khớp và giảm nguy cơ chấn thương. Đây cũng là bằng chứng cho một vài ý tưởng trong thời kỳ bùng nổ phong trào chạy chân trần. Một trong những lợi ích của việc chuyể đổi từ tiếp đất bằng gót (thường thấy ở những người đi giày đệm) sang tiếp đất bằng giữa hoặc mũi bàn chân (thường thấy ở những người đi giày tối giản sau thời gian chuyển đổi cẩn trọng) là giúp kéo dài thời gian lực tác động tối đa ban đầu và phân bổ lực này trong khoảng thời gian lâu hơn giống như tác dụng của lớp đệm trên đế giày. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy chỉ sau vài tuần tập luyện thay đổi kiểu guồng chân khi chạy (gai retraining) trong đó các chân chạy được yêu cầu chạy nhẹ hơn cũng giúp giảm nguy cơ chấn thương xét trên mức độ lực tác động tạo ra sau thời gian tập luyện. Nói cách khác, đây là câu hỏi không có một đáp án đúng duy nhất.
Đối với thế hệ giày chạy mới theo mẫu Vaporfly ngày nay, nguy cơ chấn thương mà những đôi giày này mang lại vẫn là một câu hỏi được tranh luận rộng rãi. Về lý thuyết, tất cả những công nghệ đệm được đưa vào những đôi giày này giúp làm giảm tác động lên chân. Nhưng ông Malisoux cho rằng hầu hết những đôi giày này lại được trang bị thêm một tấm sợi các-bon cứng vào phần đế giữa và tác động của tấm các-bon này đối với nguy cơ chấn thương hiện nay chưa được làm rõ và kiểm chứng. Chiều cao của đôi giày cũng có thể khiến các chân chạy có xu hướng bẻ cổ chân ra ngoài, làm giảm khả năng cân bằng, đặc biệt khi vào các khúc cua. Câu hỏi này phải chờ thời gian và các nghiên cứu với thiết kế phù hợp đưa ra lời giải đáp.
Thực ra, sau rất nhiều những nghiên cứu đã thực hiện, ông Malisoux cho rằng hiểu biết của con người về mối liên hệ phức tạp giữa giày và chấn thương còn rất hạn chế. Vậy nên, lời khuyên mà chuyên gia này đưa ra là tiếp tục dùng những đôi giày tạo cho chúng ta cảm giác thoải mái và vui vẻ khi chạy. Chúng ta có thể cân nhắc thay đổi luân phiên giữa các mẫu giày để đa dạng hóa các loại áp lực lên cơ thể. Khi đổi mẫu giày, nên suy nghĩ cẩn trọng về lý do thay đổi và cần có thời gian chuyển đổi để cơ thể làm quen. Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng hơn cả, là bỏ qua lời khuyên của mọi người. Chuyên gia này cho rằng “mỗi chân chạy đều có cơ thể đặc thù riêng và đôi giày nào đó phù hợp với bạn của bạn không có nghĩa nó sẽ phù hợp với bạn.”
Theo tạp chí Outside.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.