Thế giới thời hậu Kipchoge

Năm năm trước khi Eliud Kipchoge trở thành người đầu tiên chạy dưới 2:02 trong một giải marathon chính thức, có lẽ rất nhiều người đã đi từ cảm giác ngạc nhiên và khó tin cho đến điên rồ khó hiểu làm cách nào anh đã xô đổ kỷ lục thế giới khi đó với khoảng cách 78 giây. Nhiều người có lẽ tự hỏi liệu Kipchoge có phải là một tài năng xuất chúng và độc nhất vô nhị của thế hệ này hay không, một người đi trước thời đại hay liệu thành tích của anh có phải là nền móng, là dấu hiệu báo trước về một bước nhảy vọt về thành tích marathon hay không.

Chứng kiến Kelvin Kiptum bước qua ngưỡng cửa 2:01 tại giải Chicago có lẽ mang lại cho nhiều người cảm giác hơi khác lạ. Dù gì chúng ta cũng vừa chứng kiến Tigst Assefa xô đổ kỷ lục thế giới của nữ hơn 2 phút với thời gian 2:11:53 tại Berlin vài tuần trước đó và kỷ lục này đã bị Sifan Hassan đe dọa ngay tại Chicago khi cô về đích và thiết lập kỷ lục chạy nhanh thứ hai thế giới ở cự ly marathon của nữ với thời gian 2:13:44. Chưa bao giờ lại xuất hiện những kỷ lục hiếm có nhiều như vậy.

Tất nhiên, những kỷ lục chạy marathon mới có được là nhờ vào nhiều yếu tố khác nhau. Liệu có phải nhờ công nghệ giày chạy mới hay không? Liệu những kỷ lục mới này có phải là sản phẩm của những tối ưu siêu việt từ việc ứng dụng khoa học vào chạy marathon kể từ sự kiện Breaking 2 của Nike năm 2017 hay không? Liệu tốc độ tiến bộ hiện nay có khác với những thập kỷ trước đó hay không? Bài viết này trình bày một số nhận định về những vấn đề này sau thành tích của Kiptum và Hassan.

Lev Tolstoy đã đúng

Trong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, Lev Tolstoy phê bình quan điểm của Thuyết Người lãnh đạo vĩ đại khi thuyết này cho rằng làn song những sự kiện của thế giới được điều chuyển qua hành động của số ít nhân vật xuất chúng. Tolstoy có quan điểm ngược lại: ngay cả vua chúa cũng đều là nô lệ của lịch sử. Kipchoge đã là một vị vua vĩ đại trị vì ở cự ly marathon và người ta sẽ có xu hướng xem những thành tích của anh là một sự chuyển hướng trong quỹ đạo vận hành của bộ môn thể thao này. Nhưng kỷ nguyên hậu Kipchoge đã thực sự bắt đầu từ giải Chicago Marathon ngày chủ nhật. Câu chuyện không chỉ vì anh đã bị đánh bại, cuối cùng ai chẳng bị đánh bại, mà vì thành tích tốt nhất của anh đã bị xô đổ ngay cả khi anh chưa rời khỏi sân khấu này. Dù điều kiện nào giúp Kipchoge có đủ sức mạnh chạy trong thời gian 2:01 thì rõ ràng những vận động viên khác cũng có khả năng tiếp cận được những điều kiện này.

Tiến trình này ở nội dung của nữ còn rõ nét hơn. Thành tích 2:15:25 của Paula Radcliffe xác lập năm 2003 nhanh hơn 3 phút so với bất kỳ thành tích của vận động viên nào trên hành tinh này ở thời điểm đó cho đến khi Brigid Kosgei phá vỡ kỷ lục này năm 2019. Nhưng Kosgei cũng không phải là người kiệt xuất duy nhất của thế hệ này: bốn vận động viên nữ khác cũng đã xô đổ kỷ lục của Radcliffe trong một năm qua. Thành tích của Radcliffe hiện nay xếp thứ 6 trong bảng vàng thành tích marathon tốt nhất thế giới, tương tự như số phận thành tích của Dennis Kimetto sau khi bị Kipchoge xô đổ. Bản thân môn thể thao này đang thay đổi và chúng ta có thể tìm thấy lời giải cho sự thay đổi này bên ngoài tài năng của chính các vận động viên.

Không phải nhờ núp gió

Để phần nào lý giải tại sao các chân chạy ngắn hiện nay có thành tích tốt như vậy, đã có nhiều lý do được đưa ra như công nghệ giày, kỹ thuật điều tốc tốt hơn, phương pháp tập luyện mới (phương pháp Na Uy…), hiệu ứng từ đại dịch (ít phải thi đấu), chất bổ trợ… Hầu hết các yếu tố này đều áp dụng đối với cự ly marathon cùng với một vài yếu tố mới như loại nước uống thể thao mới và những chân chạy tài năng trẻ trực tiếp tham gia thi đấu nội dung marathon thay vì dành những năm tháng sung sức của mình trên đường chạy ngắn. Kelvin Kiptum năm nay 23 tuổi; Tigst Assefa 26 tuổi. Eliud Kipchoge và Paula Radcliffe cả hai bắt đầu chạy marathon khi ở độ tuổi 28 và những chân chạy nắm giữ kỷ lục trước là Haile Gebrselassie và Paul Tergat bắt đầu chạy marathon khi đã sang độ tuổi 30.

Trước đây tôi cho rằng hai yếu tố lớn nhất góp phần vào rút ngắn thành tích marathon là công nghệ giày và kỹ thuật núp giúp. Sự kiện Breaking 2 đã khiến nhiều người tin rằng núp gió có thể giúp giảm khoảng 2-4 phút so với việc chạy một mình ở tốc độ chạy của các vận động viên thành tích cao và các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu về hiệu quả mà kỹ thuật núp gió mang lại. Tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học tại Đại học Lyon, Pháp đã công bố bộ dữ liệu ống gió của nhiều đội hình núp giúp khác nhau. Đội hình bảy người dẫn tốc hình mũi tên được áp dụng hỗ trợ Kipchoge trong sự kiện chạy dưới 2 giờ năm 2019 giúp giảm 3 phút 33 giây theo tính toán của nhóm nhà khoa học này. Một đội hình khác một chút cũng với 7 chân chạy dẫn tốc nhưng theo hàng dài hơn giúp giảm 4 phút 2 giây.

Đây là những con số không hề nhỏ và thành tích của Assefa đã củng cố thêm ý tưởng này: cô chạy sát ngay sau các chân chạy dẫn tốc nam gần như tới khi về đích. Nhưng Kiptum lại chứng minh điều ngược lại. Tại đường chạy Chigaco, Kiptum dường như rất ít khi núp gió. Anh cùng với Daniel Mateiko chỉ có một người dẫn tốc trong hầu hết nửa đầu đường đua nhưng Kiptum thường chạy song song bên cạnh mà không núp gió. Ở nửa còn lại của đường đua, anh này hầu hết đều chạy một mình do không còn người dẫn tốc hay đối thủ. Điều này có nghĩa anh này đã có thể chạy với thành tích 1:57 nếu lúc đó có một đội dẫn tốc hoặc dữ liệu ống gió không phát huy tác dụng trên thực tế. Sự thực có thể nằm đâu đó ở giữa hai thái cực nhưng có vẻ nằm sát hơn ở thái cực thứ hai.

Điều này có nghĩa chúng ta phải xét tới yếu tố còn lại, chính là công nghệ giày chạy. Trong khi Assefa cho thế giới thấy mẫu giày mới cứng của Adidas, Adizero Adios Pro Evo 1, với mức giá 500 USD và chỉ sử dụng cho một cuộc đua marathon thì Kiptum và Hassan (cũng như Kipchoge trong chiến thắng 2:02:42 tại Berlin) được cho là mang đôi giày nguyên bản của Nike được đăng ký với tên Nike Dev 163 dự kiến sẽ được ra mắt với tên gọi Alphafly 3. Vậy nên, cuộc đua của các siêu giày vẫn tiếp tục nhưng khi còn chưa có dữ liệu từ phòng thí nghiệm về những đôi giày mới này, chúng ta không có cách nào để biết liệu đây là những sản phẩm tạo ra bước nhảy vọt cho môn thể nao này hay cuối cùng chúng chỉ là những chiến lược tiếp thị thành công của hai hãng giày này.

Dự báo tương lai?

Hiện tại là một thời kỳ thật bất thường khi dường như cứ mỗi sáng thực dậy chúng ta lại đọc được tin tức một kỷ lục thế giới mới bị xô đổ. Nhưng khi nhìn lại dữ liệu qua nhiều năm, sự bất thường này lại trở thành hoàn toàn bình thường. Trong hình là biểu đồ kỷ lục thế giới cự ly marathon của nam tính từ sau Thế chiến thứ hai (không bao gồm thành tích 2:08:33 của Derek Clayton năm 1969 do thiếu đường)

Biểu đồ cho thấy khi nội dung chạy marathon còn ở giai đoạn sơ khai, độ dốc thành tích khá sâu. Nhưng khi bước sang giai đoạn mới bắt đầu từ những năm 1970, độ dốc tương đối ổn định và đều với luân phiên các giai đoạn thành tích được cải thiện rất lớn. Quan trọng hơn cả, tần suất kỷ lục thế giới được thiết lập cũng khá ổn định, cụ thể:

Giai đoạn những năm 1950: 6 kỷ lục
Giai đoạn những năm 1960: 8 kỷ lục
Giai đoạn những năm 1970: 3 kỷ lục
Giai đoạn những năm 1980: 5 kỷ lục
Giai đoạn những năm 1990: 2 kỷ lục
Giai đoạn những năm 2000: 4 kỷ lục
Giai đoạn những năm 2010: 4 kỷ lục
Giai đoạn những năm 2020: 2 kỷ lục và dự báo đạt khoảng 5 kỷ lục

Nếu ngày nay chúng ta cho rằng kỷ lục thế giới được lập quá thường xuyên thì những năm 1950, 1960 và 1980, những người ở thời kỳ đó họ sẽ cảm thấy vô cùng bất thường. Trong vòng 8 năm kể từ khi công nghệ giày đế các-bon được công bố năm 2016, thế giới đã chứng kiến 3 kỷ lục ở nội dung của nam giới. Nhưng sáu năm trước 2016, thế giới cũng đã chứng kiến 3 kỷ lục.

Dữ liệu ở nội dung của nữ hơi khó phân tích vì lịch sử chưa đủ dài. Rất nhiều kỷ lục được lập vào những năm 1970 khi thành tích được giảm hơn 30 phút và có 2 thành tích giữ thời gian bất bại lâu nhất gồm: 2:21:06 của Ingrid Kristiansen thiết lập năm 1985 và đứng vững 13 năm và 2:15:25 của Radcliffe thiết lập năm 2003 và đứng vững 16 năm. Nhìn chung, trong thế kỷ này chúng ta mới chứng kiến 5 kỷ lục thế giới, bao gồm hai kỷ lục từ năm 2023.

Điều này không có nghĩa chúng ta bỏ qua tác dụng và ảnh hưởng của siêu giày. Ngược lại, những siêu giày có tác dụng vô cùng quan trọng, quan trọng đến nỗi tôi phải căng mắt ra để xem Kiptum mang giày gì khi chạy giải Chicago. Khi so sánh với thành tích kỷ lục thế giới và tốc độ chạy tăng dần theo thời gian so với những năm 1950, 1960, 1980 và 2000, chúng ta có thể đưa ra một lý giải tại sao các chân chạy ngày càng chạy nhanh hơn theo tiến trình thời gian: nhiều tiền hơn, tập luyện tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, giày tốt hơn, chất bổ trợ tốt hơn. Bây giờ là công nghệ giày, ai biết trong tương lai yếu tố nào sẽ góp phần giúp các chân chạy xô đổ những kỷ lục thế giới hiện thời?

Vậy nên, ở thời kỳ hậu Kipchoge này, tôi chắc chắn rằng câu hỏi đặt ra cho chúng ta là khi nào sẽ có người xô đổ giới hạn 2 giờ trong một cuộc đua chính thức thay vì liệu có ai có khả năng xô đổ giới hạn 2 giời trong một cuộc đua chính thức. Chúng ta cũng hiểu rõ với nhau rằng lợi thế của các chân chạy hiện nay so với quá khứ là khác biệt và chưa bao giờ giống nhau và không có điều gì là bất thường cả. Sự bất ngờ và thú vị trong cuộc đua xô đổ kỷ lục thế giới cũ và thiết lập kỷ lục mới vẫn chờ chúng ta ở phía trước.

Theo Outside

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares