Cuộc đua của năm: Chicago 2023

Phần 1: Tập luyện

Coach

Với tôi, một giải marathon khởi đầu nhiều tháng trước khi tiếng súng lệnh cất lên. Tôi bắt đầu tập cho Chicago Marathon 2023 từ tháng Tư năm nay, sau khi phải bỏ Boston vì chấn thương gân Achilles, dù đã đặt vé máy bay và phòng khách sạn đủ cả. Chicago nổi tiếng với đường chạy phẳng và mát, hẳn là dịp tốt để đạt kết quả cao.

Tôi đặt mục tiêu khá tham vọng, sub2:40. Một phần lý do nằm ở chỗ Matt Fitzerald đã đạt được cột mốc đó. Matt là chuyên gia dinh dưỡng thể thao chứ không phải runner chuyên nghiệp, tác giả nhiều đầu sách chạy bộ mà tôi ưa thích, như 80/20, Endurance Diet, How Bad Do You Want It, Run Like a Pro,…

Xem thêm: Tất tật về Chicago Marathon

Để nâng bản thân lên một nấc mới, tôi quyết định làm điều mình chưa bao giờ làm – thuê huấn luyện viên. Coach của tôi có thành tích FM 2:16, đang sinh sống và tập luyện ở Flagstaff, AZ. Flagstaff cùng Mammoth Lake bang California và Boulder bang Colorado là ba địa điểm được các VĐV chạy bộ chuyên nghiệp Mỹ lựa chọn cư trú, do độ cao và không khí loãng.

Có hai điều tôi thích ở coach: (1) anh không quá chú ý đến các số liệu, mà nhấn mạnh vào cảm nhận của cơ thể trong từng bài tập – một cách tiếp cận rất “con người” trong kỷ nguyên đầy rẫy thiết bị và công nghệ, khi một phần mềm cũng có thể đưa ra các phân tích và khuyến cáo tương đối ổn, và (2) anh là học trò của Jack Daniels, theo trường pháp VDOT tôi quen thuộc, vì thế tôi không phải điều chỉnh triết lý và khung chương trình luyện tập quá nhiều.

Những buổi chạy cuối tuần cùng Chay365 vẫn luôn là một phần quan trọng, bất kể giáo án nào. Ảnh: XmaX Media

Xin kể vài ví dụ. Một lần tôi băn khoăn không biết GPS chính xác không, vì hôm đó tôi chạy nhanh hơn bình thường 5-10 giây trong bài biến tốc. Coach phản hồi rằng không quan trọng lắm đâu, GPS chẳng bao giờ tuyệt đối. Ngay cả nếu sai lệch vài giây, thông điệp cơ bản vẫn là tôi hoàn thành tốt bài tập. Tôi thích cách tiếp cận này hơn là việc chú trọng số liệu mà bỏ qua cảm nhận của cơ thể. Bản thân tôi từng giải tán Stryd vì quá nhiều dữ liệu khiến tôi mất tập trung. Tôi không nói rằng nghiên cứu data là sai, nhưng tôi cảm thấy phù hợp hơn với trường phái cổ điển. Chính cơ thể bạn – chứ không phải phần mềm – cần nói cho bạn biết trạng thái của nó.

Lần khác, giữa tháng 7 nóng ẩm, tôi không hoàn thành bài chạy dài. Tôi chia sẻ sự thất vọng với coach và nhận được lời bình luận như sau.

You’re doing great work. One reason why I believe it’s mostly weather related is because when we do reps that are less than 3-4 minutes in length with decent recovery, you are usually able to hit those paces and hit them well. It’s the longer runs with longer intervals in them that catch up to you. This is what happens when heat and humidity play a role. The body can’t operate at it’s prime during these months and the longer aerobic work is affected most. Unfortunately that’s what is most important in marathon training. However, your body, while it’s struggling to hit the speed, it’s still getting in the effort. And when it comes down to it, the body knows effort and what’s happening internally, not speed necessarily.

Every summer I work with runners who experience the same that you are experiencing now. I know what it can do to your confidence. I’ve seen it a hundred times before and I’ve experienced it myself. But you have to trust In I yourself and maybe more importantly, make the adjustment so that you hit the effort of the day. So if we’re trying to hit marathon pace, maybe start thinking of that as marathon effort. This will ensure you gain the most from that workout and you are able to complete it consistently. There’s nothing wrong with that either. You’re doing plenty of work at faster speeds to get your body exposed to the mechanical demands, but for the marathon, it’s about being aerobically strong and efficient and that can be achieved by honing in the effort.

Tạm dịch:

Cậu đang tập ngon. Lý do tôi tin thất bại hôm nay do thời tiết nằm ở chỗ: khi chạy các bài biến tốc trong khoảng thời gian dưới 3-4 phút, cùng quãng nghỉ đủ, cậu thường hoàn thành rất tốt. Chỉ lúc chạy những quãng dài hơn, cậu mới gặp vấn đề. Đây là câu chuyện của thời tiết và độ ẩm. Cơ thể không ở trạng thái phong độ cao nhất trong những tháng này, và những bài chạy dài hiếu khí sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Tiếc thay, các bài tập chạy dài này lại giữ vị trí quan trọng nhất khi tập cho marathon. Tuy nhiên, cơ thể của cậu, khi gắng gỏi để đạt tốc độ theo yêu cầu, vẫn cho thấy sự nỗ lực. Cơ thể sẽ cảm nhận được những gì diễn ra bên trong nó, khi cậu nỗ lực, còn tốc độ không quá quan trọng.

Mỗi mùa hè, các học viên của tôi thường gặp vấn đề tương tự. Tôi biết điều này [fail bài] sẽ ảnh hưởng tới sự tự tin của cậu. Tôi đã gặp hiện tượng này hàng trăm lần, bản thân tôi cũng từng trải qua. Nhưng cậu phải tự tin vào bản thân mình, quan trọng hơn – điều chỉnh bài tập để đạt mục tiêu. Khi chúng ta hướng tới tốc độ marathon, hãy nghĩ tới nỗ lực marathon [hơn là pace]. Điều này sẽ đảm bảo cậu thu lượm được nhiều nhất từ bài tập, và có thể hoàn thành nó một cách đều đặn. Cách tiếp cận này [theo nỗ lực] chẳng có gì sai. Cậu đã tập nhiều bài tốc độ nhanh hơn, để cơ thể làm quen với các yêu cầu về mặt cơ học. Nhưng với marathon, ta cần sức bền hiếu khí và điều này có thể đạt được bằng cách mài giũa khả năng nỗ lực của cơ thể.

Chẳng gì buồn hơn cảm giác “fail” một bài chạy dài

Quá trình tích luỹ

Trong 6 tháng luyện tập, tôi gặp hai vấn đề đau đầu.

Thứ nhất, chấn thương gân Achillescân gan chân vẫn dai dẳng, thi thoảng nhói đau sau bài tập dù không quá nặng. Không buổi sáng nào tôi thức dậy mà chân không đau. Rất may cơn đau mất dần sau khoảng 30 phút (lúc tôi hoàn thành vệ sinh cá nhân), và tôi có thể ra khỏi nhà tập chạy với đôi chân hoàn toàn khoẻ mạnh. Tôi duy trì bài tập kiễng gót để bổ trợ cho gân Achilles, đồng thời giãn cơ 10 phút sau mọi buổi chạy, kể cả chạy nhẹ 10 km. Tôi tin rằng giãn cơ đều đặn là một “kỹ năng” mới, mà tôi rèn giũa được trong giai đoạn này. Mọi game thủ đều biết rằng, muốn lên level thì phải “unlock” được một skill nào đó.

Giãn cơ sau bài chạy cùng anh Giang Panda. Panda Books có rất nhiều sách hay cho dân chạy bộ, cuốn “Giãn cơ chuyên nghiệp” chẳng hạn

Vấn đề thứ hai nằm ở công việc bệnh viện, các buổi trực. Nếu tôi phải trực đêm thứ Hai, tôi sẽ mất bài chạy phục hồi chiều thứ Hai, mất luôn bài chạy tốc độ sáng sớm thứ Ba, đồng thời quá mệt mỏi để thực hiện tốt bài chạy ngày thứ Tư. Khi ở độ tuổi 40+, thật khó để xông xáo cả đêm như hồi nội trú. Mỗi tháng, khi nhận lịch trực, tôi lại đau đầu đi đổi trực sang tua sáng thứ Bảy hay Chủ nhật. Đó là lý do sau các buổi chạy dài Hồ Gươm, tôi chẳng có nhiều thời gian nấn ná. Đôi khi vẫn phải trực ban đêm, tôi cố gắng thu xếp để chạy bộ buổi trưa, trong phòng gym.

Khối lượng và cường độ vận động tương đối tốt. Tới tháng 9.2023, tôi đạt tải dài hạn (Base Fitness) 164, so với giai đoạn đỉnh trước giải Hanoi Midnight 2022 chỉ là 143. Như đã nói, tôi không quá chú trọng dữ liệu, nhưng Base Fitness của Coros là một thông số đơn giản và đáng tin cậy.

Số liệu của Coros Training Hub

Các bài tập của coach bắt đầu phát huy tác dụng. Mileage không nhiều như đợt trước, nhưng chất lượng bài tập của tôi tốt hơn – dù tiết trời mùa hạ không hề dễ chịu. Sang tháng Chín, tôi có thể thoải mái chạy FM sub3 trong một buổi tập (hôm đó chỉ cần chạy 38 km thôi, 4 km cuối tôi vui chân chạy thêm). Gọi là thoải mái vì tuần đó không giảm tải (“un-tapered legs”), còn ngay Chủ nhật hôm sau tôi vẫn chạy được 13 km trong 60 phút. Quan trọng nhất, chân cẳng ổn, không chấn thương, tôi có thể an tâm tận hưởng “món quà chạy bộ”.

Bài chạy FM 2:53, pace trung bình 4:07, hoàn toàn không taper

Phần 2: Chicago

Xem gì ở Chicago

Chicago đón tôi bằng những cơn gió mát lạnh, đúng với tên gọi “Windy city” của nó. Ở ga tàu điện ngầm từ sân bay về thành phố  trương tấm biển rất to, chào mừng người chạy bộ. Tôi nhìn thấy nhiều runners trên tàu, mặc áo Boston hay Berlin đầy kiêu hãnh.

“Công viên hạt đậu” tạm đóng cửa. Tôi không đi tham quan bảo tàng hay các danh thắng, đa số ngồi khách sạn làm việc cho giải Heritage Race sẽ diễn ra ngày 15/10 và đại hội Tim mạch Đông Nam Á đầu tháng Mười Một.

Chuyến đi chơi duy nhất là Boat Architect Tour, đi thuyền dọc sông Chicago, chỉ cần ngồi nghe hướng dẫn viên giới thiệu. Kiến trúc hé lộ nhiều điều về chủ nhà. Mỗi công trình bên sông Chicago ẩn chứa cả một câu chuyện về lịch sử thành phố. Có toà nhà xây từ đầu thế kỷ XX, có toà mới xây từ năm 2021, tất cả đứng hài hoà bên nhau. Tour rất thú vị, tôi không chỉ hiểu thêm về kiến trúc mà còn được nghe về trận cháy khủng khiếp vào thế kỷ XIX, hay nguồn gốc 4 ngôi sao trên lá cờ thành phố Chicago.

Một Chicago đẹp kiêu hãnh với con sông là điểm nhấn

Những chuyến du đấu xa nhà thường xáo trộn chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Nhất là tại Mỹ, đồ ăn quá béo và ít chất xơ. Kinh nghiệm của tôi là đi siêu thị mua thật nhiều rau về chế biến.

Salad tự làm với cải kale, xà lách, hạt điều, óc chó, hạnh nhân, cùng việt quất khô

Bữa sáng với ngũ cốc, sữa chua Hy Lạp, hạt, dâu tây

Khác với hình dung về một trung tâm kinh tế tài chính bận rộn, Chicago là một thành phố thân thiện, với những góc nhỏ yên bình lặng lẽ, cùng những hàng ăn đóng của lúc 8 giờ tối. Tuần lễ này, marathon mà một phần của người dân thành phố. Siêu thị Target hết sạch nước trắng. Ông chủ khách sạn tự hào kể với tôi, “Anh sẽ chạy qua những địa danh đẹp nhất”, còn bác lái taxi già ục ịch thì bảo “Bạn hỏi tôi Chủ nhật tới có đi làm không à? Tôi nghỉ, vì hôm đó có giải marathon.” 

Hiệu sách Barnes and Nobles, gần khách sạn

Điều này có đáng không?

Thời gian lưu trú quá ngắn cùng căng thẳng trong công việc khiến cơ thể thích nghi với jet lag khá tệ. “Stress is stress!” Tôi ngủ không quá 4 tiếng mỗi đêm. Một đêm, bỗng dưng tôi tự hỏi, mình làm cái “fucking” gì ở đây, bỏ lại công việc bộn bề bận rộn cùng 3 đứa con nhỏ ở nhà, bay nửa vòng trái đất, tiêu tốn vài nghìn USD, để tham gia một sự kiện kéo dài chỉ vài giờ (còn đặt mục tiêu kết thúc sự kiện đó càng nhanh càng tốt!!!), “Tất cả có đáng không?”

Thế rồi tôi bật máy tính, xem lại vài đoạn trong “Spirit of the marathon”, bộ phim lấy bối cảnh Chicago Marathon 2007, bộ phim đã đưa tôi đến với marathon. Tôi xem lần đầu tháng 10.2013, biết tới expo của Chicago Marathon trước khi tôi thực sự đặt chân tới một expo giải chạy. Mười năm qua, tôi đã xem phim cả chục lần, thuộc từng đoạn thoại trong phim, thuộc từng giai điệu phim, không ít lần cảm xúc đến trào nước mắt. Chỉ vài ngày nữa thôi, tôi sẽ chạy dưới cầu vượt hình vòng cung ở đầu cuộc đua, sẽ băng qua những con phố rộn rã tiếng chuông lắc, qua trạm cổ vũ đánh trống hoành tráng của người Nhật, hay China Town với những chú lân nhảy múa. Tôi sẽ chạy 42 km như thế, trước khi quẹo trái vào còn đường bê-tông ở cuối cuộc đua, quãng chạy mà Deena Kastor trong phim phải thở hổn hển đánh mạnh tay để kéo cơ thể về phía trước,…

Chiếu phim “Spirit of the Marathon”

Đường chạy Chicago Marathon

Quan trọng nhất, tôi sẽ chạy Chicago vì quãng thời gian 6 tháng tập luyện vừa qua, với bao buổi sáng thức dậy lúc 3h30, với những ngày tập trong cơn mưa tầm tã hay dưới nắng sớm oi ả lúc bình minh, với các bài biến tốc chỉ kéo dài 90 phút nhưng toàn bộ quỹ thời gian dành cho nó chiếm tới 10 tiếng – từ khi soạn đồ lúc 9h tối hôm trước cho tới 7h sáng hôm sau, ăn sáng trên xe ô-tô tại mỗi điểm dừng đèn đỏ, trên quãng đường từ sân vận động về bệnh viện, cho kịp giờ giao ban 7h30…

Tôi phải chạy để tất cả không hoài phí. Trải nghiệm ấy xứng đáng lắm chứ!

Đoàn Việt Nam ở Chicago 2023

Một điểm rất vui ở giải đấu này là đoàn Việt Nam đông, hơn 10 người. Mọi người cùng nhau đi lấy bib, ăn tối, chuyện trò vui vẻ. Những câu chuyện về chạy bộ có thể kéo dài bất tận. Cần rất nhiều đam mê để có mặt ở Chicago cuối tuần này, đam mê ấy chúng tôi không thiếu.

Anh em trong đoàn ăn tối trong nhà hàng Hawaii, 2 ngày trước giải đua

Sáng thứ Bảy, chúng tôi hẹn nhau ra Grant Park chạy shake-out run. Chị Trang Carmen nói khu đó hay gặp elite luyện tập. Nhưng hôm đó lại có giải chạy 5K “ăn theo” Chicago Marathon (mấy bạn Mỹ thật khéo kiếm tiền, 5K mà tới 12 ngàn người tham dự), chúng tôi không vào công viên được. Tôi đành chạy quanh vườn hoa kế bên. Mỗi vòng cỡ 500 met. Buổi chạy “shake-out run” trước ngày đua rất quan trọng. Nó giúp tôi tìm lại nhịp điệu của cơ thể sau giai đoạn vài ngày nghỉ

Chạy “shake-out run” 3-5 km sáng thứ Bảy

Lâu lắm rồi không chạy pace 3:30

Expo của Chicago Marathon nằm cách khách sạn chừng 3-4 km, nhưng chúng tôi quyết định đi tàu điện để tiết kiệm sức cho đôi chân. Giờ đây, tôi chẳng mấy hào hứng với expo nữa. Chỉ mong xong sớm về sớm.

Mấy anh em Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm ở gian hàng của Nike, Together for the Run

Minh trao đổi với pacer 4h. Ngày mai, mục tiêu của Minh là FM sub4

Huy Nguyễn từ San Jose và Hiền Trang từ London, hội ngộ ở Chicago

Phần 3: Spirit of the Marathon

Đêm trước

Đôi giày tôi lựa chọn là Vaporfly 3. Vaporfly và Alphafly là hai dòng giày khác nhau hoàn toàn, tôi thấy mình hợp với form nhẹ của VF hơn, dù độ nảy của AF tốt hơn. Đôi VF3 có phần mũi giày rộng hơn VF2 (hay Next% 2), nên bàn chân không bị bó cứng. Tôi mặc áo Chay365. Về cơ bản, áo là thứ ít quan trọng nhất trong một giải đấu kéo dài dưới 3 giờ. Tôi muốn mặc áo câu lạc bộ của mình trong sự kiện lớn này. Quần nên chọn loại tốt để tránh chafing. Quần aeroswift của Nike rất tốt, tôi đính thêm vài “con đỉa” để giắt gel, loại Maurten 100 CAF.

The one and only Chay365

Tôi biết GPS sẽ không chính xác bởi Chicago quá nhiều nhà cao tầng, có đoạn chạy dưới hầm chui. Vì vậy, tôi in sẵn hai vòng tay tốc độ, theo kilomet và theo dặm. Kế hoạch của tôi là vừa chạy vừa điều chỉnh theo biển báo dọc đường – cứ mỗi dặm và mỗi 5 km lại có biển báo của ban tổ chức.

Plan A: sub2:40, plan B: sub2:42, plan C: sub2:45 (tôi tin mình đã ở trình độ 2:45 khi chạy Hanoi Midnight năm ngoái), Plan D: phá PR hiện tại (2:47:44). Cần lên sẵn nhiều kế hoạch, làm động lực giúp chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.

Dù thế nào, dặn lòng 10 km đầu tiên sẽ luôn là 10 km chậm nhất của toàn đường đua.

Vòng tay in tốc độ theo kilomet và theo mile. Tôi in từ Việt Nam, giá vài chục ngàn. Còn ở Expo Chicago có bán sẵn sticker cho từng mục tiêu

Đêm thứ Bảy, tôi trằn trọc suốt 4 tiếng (!!!) Thậm chí, lúc 2 giờ sáng tôi đã nhủ thầm – Đã vậy, ta thức luôn, uống một cốc cafe và đợi trời sáng, tôi sẽ vẫn thi đấu ổn. I’m tough, I can make it. Chỉ cần cho tôi ra đường chạy ngay bây giờ, xỏ chân vào đôi giày quen thuộc, tôi sẽ làm tốt công việc tôi đã làm suốt nửa năm qua – chạy bộ. Tuy nhiên, sau khi nghĩ như thế thì tôi lại chợp mắt được. Tổng cộng, Coros ghi nhận tôi ngủ 2 giờ 39 phút, trước khi chuông đồng hồ đánh thức lúc 4:55 sáng. Không sao cả, Meb từng nói, “Có thể bạn ngủ ít và vẫn thi đấu tốt” (“Meb for mortals”).

Đêm trước ngày đua, chỉ ngủ 2 giờ 39 phút

Trải nghiệm đẹp

Ban tổ chức khuyến cáo VĐV có mặt lúc 5h30 sáng – trong khi 7h30 sáng mới xuất phát. Với tôi, đứng 2 giờ trong gió lạnh sẽ là điên rồ và hao phí năng lượng, nhất là khi ngủ quá ít. Chúng tôi rời khách sạn lúc 6h30 sáng. Ngày hôm qua tôi đã thử quãng đường này, nhận thấy chỉ cần 10 phút là đủ để có mặt tại cổng số 5, dành cho Corral A.

Hai vợ chồng chia tay ở cửa số 3, dành cho Corral H. Corral A ở cửa số 5

Len vào hàng hoá ra khó hơn tôi nghĩ, khi đường tới Corral A rất vòng vèo. Mất 30 phút xếp hàng đi vệ sinh, tôi tới Corral A đúng lúc Quốc ca Mỹ sắp sửa cất lên. Ở những sự kiện thể thao lớn tại Mỹ, như giải marathon, chung kết NBA hay NFL, luôn có ngôi sao hát Quốc ca không nhạc đệm. Nghe giai điệu hùng tráng của bài The Star-Spangled Banner trong gió lạnh, ngắm biển người nghiêm trang xung quanh, luôn là trải nghiệm tôi không muốn bỏ lỡ mỗi lần chạy marathon ở Mỹ.

Những dặm đầu tiên, GPS hoàn toàn mất tín hiệu

Sau 5 km đầu tiên tương đối chen chúc, tôi bắt đầu tìm lại được nhịp điệu của mình. Tôi thích cảm giác chạy theo nhịp điệu, với hơi thở và nhịp tim được duy trì đều đặn. Điều đó giúp tôi đảm bảo tốc độ theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên tôi không thể nhìn thấy biển báo kilomet hay dặm, có thể do quá tập trung vào việc chạy. Tôi hỏi những runners bên cạnh, “Đây có phải pace FM 2:40 không?” – họ thường trả lời “FM 2:45”. Vậy là tôi lại chạy nhanh hơn chút. Có thể hội 2:45 kia chạy positive split.

Những người chạy marathon, theo cách nào đó, chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Cùng một ánh mắt, cùng một bước chân, cả đam mê và hành trình tập luyện cũng giống nhau. Tôi chạy cùng những cô gái với làn da rám nắng, những runner thở hổn hển giấu ánh mắt sau cặp kính đen, những trung niên đeo bib Age Group 40-44 (tranh giải của vô địch thế giới theo nhóm tuổi của Abbott, để lọt vào danh sách thi đấu nhóm tuổi 40-44 phải có thành tích sub2:35, nhóm tuổi 45-49 sub2:42), và nhận ra, chúng tôi có một sợi dây kết nối chung, đó là tinh thần của marathon. Vào ngày thi đấu, 40 ngàn người hoặc hơn, xuống đường cùng một thời điểm, làm cùng một công việc, với cùng một mục tiêu – đa số tự nguyện đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho buổi “xuống đường” ấy. Chỉ có thể là marathon. Thật khó để hình dung điều tương tự ở một sự kiện cộng đồng khác.

Những nữ VĐV này cũng chạy rất tốt

Xét cho cùng, tôi đã đổ bao mồ hôi, tốn bao thời gian công sức, chẳng phải để cho những khoảnh khắc này hay sao? Để chạy cùng những người đang thi đấu ở trình độ FM 2:40-2:50 ngày hôm nay, để không tụt lại phía sau họ, để cùng họ trải nghiệm sự phấn khích và đau đớn, kiên gan và bền bỉ, nỗ lực và hụt hẫng… trải nghiệm những gì họ đang trải nghiệm.

Người cổ vũ đoạn nào cũng đứng kín đường

Tôi từng chạy nhiều giải marathon trên thế giới, nhưng không giải đấu nào cuồng nhiệt như Chicago, khi suốt 42 km đường chạy, không quãng nào vắng người cổ vũ, hò reo không ngớt. Ngay cả tiếng gào thét đến “điên dại” ở New York cũng không bằng. Đám đông ở Copenhagen rất tuyệt, đường đua hẹp hơn nên người cổ vũ ở gần VĐV hơn, nhưng chỉ là các đoạn nội đô, còn khi ra ngoại ô Copenhagen, đoàn đua sẽ chạy trong tĩnh lặng.

Chạy theo vạch kẻ xanh của BTC

Một lợi thế của tốp đầu là đường khá vắng. Sau 8-10 km, đoàn đua bắt đầu tách thành nhiều tốp nhỏ và tôi có thể ung dung bám theo blue line của BTC. Khi qua vạch Half marathon, đồng hồ báo 1:20:19. Như vậy nếu chạy nửa sau dưới 1:19:41, tôi sẽ đạt mục tiêu. Trong các buổi tập, tôi đã duy trì pace 3:40 không quá khó khăn, vì thế tôi tương đối tự tin.

Tốc độ dao động nhiều trong lúc chạy đua, phản ánh tín hiệu GPS thiếu chính xác

Đến kilomet số 24 tôi đuổi kịp anh Đông Định, người cũng đặt mục tiêu sub2:40 như tôi. Điều này đem lại cho tôi sự khích lệ lớn lao, vì có lẽ anh đứng ở đầu corral A, còn tôi chắc chắn cuối corral A. Tôi và anh Định kéo nhau khoảng 10-15 km. Đây là lần đầu tiên 2 anh em sóng bước trong một giải marathon. Cảm giác thật sự tuyệt vời. Chúng ta tham gia giải đua marathon, không chỉ vì thành tích hay PR, mà còn vì những trải nghiệm đẹp thế này.

Sóng bước cùng anh Định, runner phong trào hàng đầu Việt Nam

Anh Định nói, “Hôm nay không dễ để chạy 2:40”. Đó là khoảng kilomet số 28. Tôi cũng có cảm nhận tương tự. Dù tiết trời chẳng thể lý tưởng hơn, hàn thử biểu chỉ 7-10ºC, nhưng đôi chân tôi đã có cảm giác ì và nặng từ kilomet số 15-16. Có thể do mất ngủ, do không khởi động kỹ, GPS thiếu chính xác khiến tốc độ không ổn định, hoặc đơn giản, “chưa đủ trình”. Tôi khẽ gật đầu với anh, quá tập trung vào việc chạy để có thể đáp lời.

Bứt tốc ở kilomet số 30

“Đau chỉ khó chịu thôi”

10 km cuối, lẽ ra là thời điểm cần chạy pace 3:40 hoặc nhanh hơn. Nhưng đôi chân bắt đầu vượt khỏi sự kiểm soát của cơ thể. Tôi còn sợ mình sẽ chuột rút và phải dừng cuộc đua. Anh Định từ phía sau bắt kịp, và chúng tôi lại chạy cùng nhau. Đây hẳn sẽ là 10 km dài nhất, khi marathon thật sự trở thành một trò chơi khốc liệt.

Tôi đã dành gần 10 năm để học và rèn luyện cách chạy trong cơn đau, để có thể chạy tốt nhất trong giới hạn bản thân. Giờ đây tôi thấy mình hiểu kỹ năng đó tới mức nào. Tôi vừa chạy vừa nhắm mắt lại, lẩm nhẩm câu thần chú “Pain only hurts”. Hoặc tôi chơi trò “butt chasing” – đuổi theo mông người chạy trước. Khi chẳng thể đuổi theo người trước, tôi chọn từng mốc cố định trên đường để vượt qua, trạm cổ vũ, cột điện, người đánh trống,… Rồi tôi đếm từ 1 tới 100. Cố lên nào, cố lên một chút thôi, chỉ sau khúc quanh kia sẽ có điều thú vị, như Blossom Dearie vẫn hát “I walk a little faster”

Đường chạy qua China Town, khoảng kilomet số 34-35

Tốc độ từng chặng 5K. Số liệu của Ban tổ chức. Tôi duy trì negative split cho tới kilomet số 30 thì bắt đầu “đụng tường”

Đường đua Chicago Marathon phẳng, chỉ có con dốc duy nhất trước khúc rẽ cuối cùng. Ngày thứ Năm, tôi đã thử chạy con dốc  vài lần và đo kỹ, nó dài 250 m, sau đó rẽ trái để chạy thêm 220 m nữa là về đích. Dốc không cao, nhưng lúc này, nó thật sự như một ngọn núi. Tôi hiểu tại sao Deena phải đánh tay như thế, và tôi cũng làm điều tương tự.

Con dốc cuối cùng

100 met cuối cùng sao dài quá! Muốn giang tay ăn mừng mà không thể

Hoàn toàn kiệt sức khi băng qua vạch đích

Kỷ lục cá nhân

Tôi hoàn thành cuộc đua trong 2:41:25. Phá PR hơn 6 phút. Thứ hạng 601 chung cuộc, hạng 556 của nam, hạng 74 theo lứa tuổi. “Everyday with PR is a good day”.

Khoảnh khắc về đích ở Chicago Marathon 2023

Kết quả chính thức của Chicago Marathon. Tra cứu kết quả ở đây

Tôi và anh Định bắt tay nhau nơi vạch đích. “Căng thật! Nó vẫn là một cột mốc rất khác” – Không sao anh ạ, các cột mốc là để chúng ta chinh phục. Hạnh phúc là khi ta đã nỗ lực tối đa.

Hai anh em chụp ảnh với medal Chicago

Sau khi chụp tấm ảnh trên thì tôi bắt đầu rơi vào trạng thái hạ thân nhiệt. Tôi không quá xa lạ với hiện tượng này, cơ thể tôi có khả năng điều nhiệt rất tệ – nhất là khi cạn kiệt năng lượng. Run lập cập, tôi chủ động gặp nhân viên Ban tổ chức và được dắt vào lều y tế. Công tác tổ chức trong lều y tế rất quy củ. 45 phút trong đó, tôi học được nhiều điều để áp dụng cho giải chạy Heritage sắp tới. Tôi còn xin được mẫu bệnh án về tham khảo nữa. Thật là một công đôi việc.

“Full send”

Ra khỏi lều y tế, tôi kiểm tra biết Minh đã qua mốc kilomet số 30, chỉ khoảng 1 giờ nữa sẽ về đích, với thời gian dự báo 3 giờ 57. Thế là Minh sẽ có thể đạt sub4. Tôi quyết định đứng lại chờ Minh. Bao năm nay đi chạy, chỉ có Minh chờ tôi ở vạch đích thôi.

Minh về đích sau 3:56. Chúc mừng những nỗ lực của em. Vui quá cả hai vợ chồng đều đạt kết quả tốt

Tầm 12 giờ 15, Minh hoàn thành, thời gian 3:56:02. Minh và tôi chạy cùng nhau lần đầu ở Ventura Marathon, tháng 9.2014, Đó là lần đầu tiên tôi đạt sub4 (3:53). Giờ là Chicago, tháng 10.2023, lần đầu tiên Minh đạt sub4. 9 năm đã qua, chúng tôi đã thành một gia đình, thêm 3 thiên thần nhỏ. Chúng tôi đã cùng chạy ở New York Marathon, ở Richmond Marathon, và sẽ còn cùng nhau tham gia nhiều giải đấu nữa. Cám ơn em đã chia sẻ đam mê chạy bộ với tôi.

Từ Ventura 2014 đến Chicago 2023

Xem thêm:

Singapore Sundown 2014

Richmond 2017

New York City 2019

Vĩ thanh

Trong một ngày không phải phiên bản tốt nhất, kết quả 2:41:25 không quá tệ. Tôi nghĩ năng lực mình đang nằm đâu đó khoảng 2:40:30 – 2:41:30. Từ đây tới mốc sub2:40 còn khoảng cách 30-90 giây, tương đương 150-500m, chẳng dễ san lấp ngày một ngày hai. Có sao đâu, tôi đã khởi đầu hành trình marathon của mình ở mức 4 giờ 27 phút (Singapore Sundown 2014), mất 4 năm để đạt BQ, đã chạy 3:01:xx ở Long Bien Marathon tháng 10.2018, chạy 3:00:04 ở Surf City Marathon tháng 2.2019, trước khi thật sự chinh phục sub3 ở Seoul Marathon tháng 3.2019. Vậy thêm vài lần nữa mới phá ngưỡng sub2:40 là hợp lý!

Team Việt Nam ăn mừng sau Chicago. Tối nay uống chút bia được rồi

Kết quả thi đấu, dù tốt hay chưa như kỳ vọng, chỉ là chương cuối của cuốn sách, một cuốn sách vẫn còn nhiều chương khác đáng đọc, một cuốn sách đóng lại để mở ra nhiều chương mới. Tôi biết mình còn nhiều việc phải làm, tôi và coach sẽ cùng bàn bạc kỹ. Mục tiêu quan trọng nhất khi tham gia thi đấu, quan trọng hơn PR hay thứ hạng, là nâng bản thân lên một trình độ mới. Với thành tích 2:41:25 ở Chicago, tôi nghĩ mình đã đạt được mục tiêu ấy.

Chụp ảnh kỷ niệm ở sân bay O’Hare cùng vợ chồng anh Định, chị Trang Carmen

Nhớ về hành trình Chicago Marathon suốt 6 tháng vừa qua – hành trình chắc chắn sẽ khiến năm 2023 này trở nên đặc biệt, tôi xin gửi lời cám ơn đến những bạn chạy của mình đã cùng chia sẻ đam mê và là động lực để tôi cố gắng. Cám ơn các chiến hữu ở Chay365XmaX Media như chị Mai Hạnh, Lan Anh, Ngọc Lan, anh Quang Chiến và Xuân Hà 84Race, Hữu Mạnh, anh Hoàng Anh,… đã giúp tôi trong công việc ở hai nhóm này. Cám ơn coach đã đồng hành và luôn động viên tôi, bổ sung vào vốn kiến thức chạy bộ của tôi nhiều bài học bổ ích. Cám ơn Coros Việt Nam và Nike by ACFC đã hỗ trợ trang thiết bị luyện tập. Cám ơn GU Energy Vietnam và táo Mr Apple Vietnam hỗ trợ dinh dưỡng. Cám ơn các đồng nghiệp tại Viện Tim mạch, anh em kíp can thiệp, đã ưu ái tạo điều kiện thuận lợi cho tôi, trám vào những buổi tôi bận rộn.

Cuối cùng, cám ơn vợ và gia đình đã luôn thấu hiểu và chia sẻ. Chúc mừng Minh lần nữa với thành tích FM sub4 của em, chẳng biết có phải bà mẹ 3 con đầu tiên ở Việt Nam chạy marathon dưới 4 giờ hay không?

Ngày hôm qua, đường đua Chicago ghi dấu kỷ lục thế giới mới. Ở Chicago, lần đầu tiên con người chạy marathon dưới mốc 2:01 tại một giải đấu chính thức. Như Eliud Kipchoge đã nói, “No human is limited”, mọi cột mốc đều sẽ bị vượt qua. Điều đó đúng với elite ở đẳng cấp cao nhất, cũng đúng với mỗi chúng ta, những người bình thường chạy bộ. Đó là vẻ đẹp của chạy bộ đường dài, môn thể thao dành cho tất cả.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • NGUYỄN MẠNH HÙNG says:

    Một bài viết đầy cảm xúc, cảm ơn anh đã chia sẽ

  • >
    0 Shares