Trải nghiệm Singapore Sundown

Giải chạy bộ Singapore Sundown 2

Singapore Sundown là một trong hai giải marathon chính thức ở Singapore (cùng với giải Standard Chartered  tháng 12). Nói thật, mảnh đất này không phải là một địa điểm lý tưởng để chạy marathon. Khí hậu nóng ẩm, cảnh quan nhàm chán, con người tốt bụng lịch sự nhưng ít thân thiện. Không thể kỳ vọng người Singapore ra đường cổ vũ cho dân chạy bộ được. Nếu không vì vài lý do cá nhân, tôi chẳng bao giờ đăng ký chạy ở đây, nhất lại là lần chạy đầu tiên.

Tuy nhiên, marathon vẫn là marathon, sự phấn khích của cuộc thi đến ngay từ lúc hạ cánh xuống sân bay. Trong khi chờ nhập cảnh, tôi quen một bác người Mỹ 61 tuổi, đã chạy trên 50 cuộc marathon đủ loại, road, trail, ultra, 100 miles, 12 giờ, 24 giờ. Trò chuyện với một chuyên gia thế này, người bắt đầu chạy marathon từ trước khi bạn sinh ra, và đã từng chạy Boston hơn 10 lần, luôn tràn đầy cảm hứng. Mục tiêu của bác ấy ở Sundown là phá vỡ mốc 5 giờ – “Nhưng tôi sẽ đi bộ tuyệt đối, không chạy. Tôi bị chấn thương 3 tháng nay, chỉ có thể đi bộ”. Đi bộ 42 km trong 5 giờ. Bác bảo tổi “Đây là giải marathon đầu tiên của cậu, vì vậy hãy tận hưởng nó”. Sẽ cần rất nhiều trải nghiệm nữa để tôi có thể hiểu hết ý nghĩa của từ “tận hưởng”.

Dòng người xếp hàng lấy số bib

Có mấy người là VĐV chuyên nghiệp?

Hẳn nhiên không phải ai tham gia Sundown cũng sở hữu bản lý lịch hoành tráng như bác người Mỹ “mình đồng da sắt”. Khi đến lấy áo và số bib, tôi thấy nhiều người chẳng có dáng chạy bộ gì cả. Có nhiều bác bụng phệ, nhiều bà trung niên béo tròn đi lại lạch bạch, có cả mấy thiếu nữ yểu điệu đi giày cao gót lênh khênh. Điều này củng cố thêm chân lý chạy bộ là một thể thao của tất cả mọi người, ai cũng có thể tham gia. Bản thân tôi cách đây một năm còn chưa chạy quá 3 km. Mỗi người đến đây đều có một mục tiêu hay động lực riêng, có lẽ không ai chạy vì giải thưởng. Chỉ riêng việc là một phần của sự kiện này đã đủ khiến mọi người hào hứng rồi.

Tôi đến vạch xuất phát với mục tiêu rõ ràng: làm tốt hơn các lần chạy trước đây. Để chuẩn bị cho giải lần này, tôi đã hai lần hoàn thành cự ly FM 42.195km. Lần đầu tiên là hồi tháng Hai, tôi chạy mất 4h37. Lần thứ hai, tôi còn chủ động tổ chức buổi chạy đêm cùng mấy anh em LDR, xuất phát lúc 23h30, mô phỏng đúng thời điểm chạy Sundown Marathon (có lẽ vì vậy mà chúng tôi tự phong sự kiện này là Hanoi Sundown). Hôm đó tôi mất trên 5 giờ mới lết được về đích, phải ngồi nghỉ và đi bộ rất nhiều lần, dù có anh Doãn Cường làm pacer nhiệt tình. Sau kinh nghiệm đau thương ấy tôi từ bỏ tham vọng phá mốc 4 giờ hay ngay cả 4 giờ 15 tại giải Sundown. Dù thế nào, đây vẫn là cuộc chạy đầu tiên, không thể lê lết về đích được, nó sẽ để lại nhiều ấn tượng xấu cho các lần chạy sau này.

Chạy bộ Hanoi Sundown cùng anh em LDR, 3 tuần trước race chính thức

5 km đầu tiên khá khó khăn. Những người cùng chạy liên tục vượt lên. Có nhiều phụ nữ và cụ già, vượt qua mình và một lúc sau không nhìn thấy đâu nữa. Thỉnh thoảng có mấy chú từ đâu vọt lên, nai nịt từ đầu tới chân, tai nghe bluetooth, ba lô nước, tất áp lực đủ cả, chạy hùng hục như được tiêm doping. Tôi cố gắng kiên trì giữ pace 6:15-6:30 cho mỗi km. Chỉ muốn chạy nhanh hơn nhưng bài học hôm chạy Hanoi Sundown còn đó, không thể chủ quan được.

Thời tiết giữa đêm vẫn oi ả, đoàn leo qua cây cầu đầu tiên. Các trạm tiếp nước được đặt không đều nhau, tôi bỏ qua một trạm để rồi ân hận vì gần nửa tiếng sau mới tới trạm tiếp theo. Ngoài ra, tôi hơi mỏi chân. Buổi sáng đến thăm Viện Tim mạch Singapore, đi ăn với tụi bạn bác sỹ, chiều đi lấy số bib cùng Tieu Muoi, cả ngày tôi cuốc bộ chắc cũng phải 15 km. Để giữ sức, tôi càng chủ động chạy chậm hơn. Tôi nhẩm tính đến km thứ 12 sẽ ra tới bờ biển, khí hậu mát hơn tôi sẽ tăng tốc chút ít. Đến 2 giờ sáng sẽ có mưa (Accuweather bảo thế), khi ấy tôi sẽ ở vào khoảng km thứ 22-24, và vẫn đang chạy dọc bãi biển. Hội đủ các yếu tố thiên thời điạ lợi, nhân hoà, lúc đó bứt lên cũng không muộn.

Chúng tôi dần dần đi ra khỏi thành phố. Singapore là một thành phố không ngủ, cả đêm vẫn sáng bừng ánh điện của các siêu thị, khách sạn, dọc đường cao tốc. Tôi vẫn nhớ cảm giác 1 giờ sáng băng đường Eu Tong Sen sang bệnh viện làm cấp cứu mà thấy xe cộ nườm nượp như ban ngày. Thế nhưng, thật khó tin là ở quốc đảo này  còn có những nơi không có ánh điện. Đoàn chạy qua một khu rừng nhỏ, gần như đường trail, hoàn toàn không nhìn thấy đường trước mặt. Các tình nguyện viên phải đặt thanh phát sáng xuống đất để dân tình men theo. Tuy nhiên sau một hồi chạy trong phố, chạy trail cũng thích. Tôi nhớ hôm Cao Hà chạy 100km Hàm Lợn, chắc cũng tối cỡ này. Nghĩ đến đó tự nhiên lại có cảm hứng chạy hơn.

Sau 10 km đầu tiên, đã thấy nhiều người đi bộ. Đến km số 13-14 thì tôi đã túc tắc vượt qua khá nhiều người vượt mình khi trước. Tôi vượt qua cả một người đi bộ “chủ động”, gọi là chủ động vì tay này đi bộ rất nhanh, rất chuyên nghiệp, và hoàn toàn không thèm chạy. Có lẽ gã theo trường phái “race walking” giống bác người Mỹ tôi gặp ở sân bay. Không hiểu vì lẽ gì một người đi bộ lại vượt trước mình xa như thế. Nhưng thôi cũng kệ. Tôi đang chạy dọc khi khu East Coast nổi tiếng với những nhà hàng hải sản, Chilli Crabs. Bờ biển khá đông, có nhiều gia đình đi dã ngoại và ăn tối. Họ đang say bia trong một đêm cuối tuần nóng nực đầu mùa hạ, thế nên hò reo và cổ vũ nhiệt tình làm ai cũng hưng phấn.

Tới km số 15 tôi bắt kịp nhóm pacer 4 giờ 30, có hai bác đeo bóng bay và đèn nhấp nháy kéo theo một tốp rất đông, chạy rầm rập sôi nổi như rạp xiếc. Đường dọc bãi biển East Coast khá nhỏ, nhiều người phải chạy lấn lên bãi cỏ hai bên. Tôi quyết định tăng tốc để vượt quá nhóm “rạp xiếc” này. Trước mỗi lần tăng tốc tôi đều nhìn đồng hồ Garmin, nếu pace hiện tại chậm hơn 5:45 thì cứ tăng tốc thoải mái. Nếu pace gần với 5:45 thì thôi. Tất cả là để tránh tình trạng phá sức.

Có một điều hay khi chạy đường dài là nếu khởi đầu chậm thì càng chạy lại càng khoẻ ra. Khi vượt qua cột mốc 20 km tôi cảm thấy rất sung sức. Cảm giác mỏi chân ban nãy cũng hết. Tôi chạy nhẹ nhàng và khi ngó đồng hồ thấy pace của mình là 5:08 cho mỗi km. Thật không tin được. Lúc này một suy nghĩ đến với tôi là: coi như mình bắt đầu chạy Half Marathon. Thể trạng ở sau mốc 21km của tôi hoàn toàn tương tự thể trạng hôm tôi chạy giải HM Sông Hồng 2013. Như vậy có thể chạy với pace giải HM Sông Hồng được (trung bình 5:12). Nếu thế tôi có thể chạy dưới 4h15, thậm chí dưới 4h. Đây là một liều doping tinh thần rất lớn, cộng thêm gió biển mát rượi làm tôi sung hẳn lên. Đến km số 24, y như rằng trời đổ mưa. Cơn mưa mùa hạ nặng hạt, gợi lại ký ức hôm chạy Hồ Tây trong mưa cùng anh Lâm và em Kelly. Giày và tất ướt hết, nhưng tôi vốn chẳng ngán mưa hay blister, vẫn duy trì đều pace 5:15, có lúc tiệm cận 5’. Đây là pace mà bình thường tôi hay tập chạy tempo 15 km. Tôi nhẩm tính là sẽ cứ chạy thế này, đến đoạn sau sẽ bắt kịp tốp chạy nhanh và để họ kéo đi khi mình đã mệt.

Con đường dọc bãi biển và đường cao tốc East Coast Parkway dài hun hút. Những người đi dã ngoại bắt đầu nhổ lều ra về. Mưa chỉ còn lác đác vài giọt nhưng tôi vẫn chạy pace như cũ, cứ vượt liên tục và nhiều đoạn “một mình một ngựa”. Pace trung bình xuống tới 5:56 cho mỗi km. Các trạm tiếp tế đã bắt đầu phát gel và nước chanh. Mỗi lần uống tôi chỉ nhấp một ngụm nước trắng, còn lại dội lên người theo lời khuyên của anh Cường. Việc này có hiệu quả rất tốt. Cốc giấy và vỏ gel nằm la liệt dọc đường chạy. Đây là dịp vô cùng hiếm hoi bạn có thể thoải mái vứt rác trên lãnh thổ Singapore.

Đến km số 34, đường chạy quay vào phố, tốc độ của tôi chậm dần. Tôi bắt đầu ân hận vì đoạn trước hưng phấn quá đà. Tôi hy vọng tìm được một ai đó chạy pace 5:15 – 5:30 để bám theo, nhưng không có ai cả. Trước mặt chỉ toàn người đi bộ. Người đi bộ ở đâu túa ra lắm thế, giăng kín đường đi. Hoá ra ở đoạn này đường chạy 21 km và 42 km đã nhập chung lại với nhau. Tốp Half Marathon – phần lớn là người mới tập chạy – giờ này kiệt sức nên ai cũng đi bộ cả. Có mấy đôi nam nữ đeo số bib màu xanh (cự ly 21 km) dung dăng dắt tay nhau như đi dạo thật là lãng mạn. Cũng tốt thôi, nhưng mình không nhờ họ kéo mình được.

Đêm Singapore

Đêm Singapore (hình chụp từ Singapore Flyers hôm xem đua F1)

Sang km số 36 thì tôi biết mình đã “hit the wall”. Tôi không xa lạ gì cảm giác này cả, và trong vô thức chuyển sang chiến thuật mà có lần anh Cường bày cho “Cứ đi bộ một lúc rồi chạy, được một đoạn mọi việc sẽ qua”. Tôi ăn gói gel cuối cùng nhưng chân không lê nổi nữa. Lúc này tôi mới nhận ra mình đang leo cầu. Cây cầu không dốc lắm nhưng cảm giác như dài vô tận. Ì ạch leo mãi không thấy đến điểm cao nhất. Xung quanh tôi chỉ toàn người đi bộ, giống như một màn đi bộ tập thể. Phần mình, tôi vẫn cố chạy – nếu có thể gọi như vậy – với tốc độ chỉ hơn đi bộ chút ít. Tôi đang leo lên cầu Kallang bắc qua eo Marina. Chếch trước mặt tôi là Marina Bay Sands cao sừng sững, bên phải là vịnh Marina và trung tâm Singapore sáng lung linh, ngay phía trái là Singapore Flyer, vòng đu quay lớn nhất thế giới, đang toả ánh sáng lộng lẫy. Trong đêm tối, chiếc đu quay khổng lồ lấp lánh sắc màu nhìn cực kỳ hoành tráng và rực rỡ. Nhiều người không chạy nữa mà dừng lại lấy điện thoại chụp ảnh, có người còn selfie tự sướng. Không biết họ có tranh thủ post lên FB không. Dân Singapore nghiện FB chắc còn hơn dân Việt.

Khi xuống dốc tôi bắt đầu chạy thoải mái hơn, nhưng tốc độ trung bình vẫn sút dần. Thật chua chát khi biết rằng giai đoạn chạy nhanh và lúc leo cầu đã vắt hết năng lượng của tôi. Từ phía sau đã có vài người vượt lên. Có một cậu cởi trần đeo HR monitor chạy rất sung. Tôi định bám theo để cậu ta kéo mình đi nhưng không sao bám nổi nữa.

Sang đến km số 40 tôi đã có thể chạy được với pace 6. Tôi cố bung hết sức, nghiến răng chạy vì nghĩ chỉ còn đoạn cuối thôi.Trước mặt vẫn toàn người chạy bộ. Đường chạy hẹp như công viên Thống Nhất, nhưng dân đi bộ đông gấp ba lần. Các sách về marathon đều kể về những người chạy chậm nhưng vẫn miệt mài và bền bỉ chạy về đích. Ở giải Sundown này là sự bền bỉ đi bộ. Tôi không nhìn thấy đường chạy nữa và cứ cố gắng lách ra khỏi đám đi bộ, đa phần là chạy trên mặt cỏ. Tôi vượt qua cậu cởi trần đeo HR monitor lúc nãy, cậu ấy cũng đang đi bộ. Pace của tôi lúc đó khoảng 5’45”, không nhanh lắm, nhưng là tất cả những gì cơ thể tôi còn cho phép.

Điều kinh khủng nhất là quá 42km tôi vẫn không nhìn thấy đích đâu cả. Lúc đó một cảm giác hẫng hụt và gần như vô vọng ập tới, chân thì đã tê cứng. Thế thì đích ở đâu? Còn bao xa nữa? Tôi có bỏ sót chỗ rẽ nào không? Nhưng dù thế nào, vẫn không thể ngừng chạy được. Tôi đành chạy kiểu interval workout, cứ cố chạy nhanh một đoạn rồi chạy chậm một đoạn. Đoạn cuối rất vòng vèo và tối. Tôi chạy – đi bộ – chạy mà không ý thức rõ lắm về không gian xung quanh. Cậu cởi trần khi nãy lại vượt qua tôi. Nhưng lúc này còn tinh thần đâu mà đua nữa, cứ cố gắng chạy cho đến đích thì thôi.

Lần đầu hoàn thành một giải marathon. Singapore Sundown, sáng sớm ngày 1/6/2014

Tôi hoàn toàn không có cảm giác dễ chịu hay viên mãn sau khi băng qua vạch đích. Thực ra, tôi cũng chẳng rõ đó có phải là vạch đích hay không, cho đến khi nhìn thấy vài người trước mặt ngồi thụp xuống. Chỉ là một cảm giác trống rỗng khi các tình nguyện viên mỉm cười “Congrats!” và đưa tôi một lon Soda mát lạnh. Sau khi nhận áo và huy chương, tôi khật khừ đi về sân tập kết. Trong ánh đèn vàng vọt, các runner đang nằm ngồi la liệt, đủ các tư thế, quang cảnh giống như thành phố Atlanta sau trận Gettysburg trong phim “Cuốn theo chiều gió”. Khi nhập vào đám nhốn nháo ấy và nằm lăn ra đất, tôi biết mình đã hoàn thành giải marathon đầu tiên trong đời.

Nghĩ lại, tôi tự rút ra vài kinh nghiệm để lần sau chạy tốt hơn. Có thể điều này chỉ đúng với tôi thôi, nhưng cứ viết ra.

  • Phải thật sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn không bao giờ là thừa. Negative split, negative split, negative split. Chạy nửa đầu chậm hơn nửa sau. Chạy 10 km đầu chậm hơn 10 km thứ hai, 10 km thứ ba chậm hơn 10 km cuối. 10 km đầu tiên tốt nhất chạy easy run. Chỉ cần lúc cuối còn sức để không đi bộ, kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
  • Cần nghiên cứu kỹ đường chạy, nhất là các cây cầu. Một cây cầu dù thấp nhưng xuất hiện vào lúc mình kiệt sức cũng có thể thay đổi cục diện.
  • Lý tưởng nhất là nắm được 2-3 km đường chạy cuối cùng trước vạch đích. Điều này sẽ giúp mình có động lực chạy hơn.
  • Đừng nên kỳ vọng có ai đó “kéo” mình chạy. Phải luôn chủ động tốc độ. Những người chạy nhanh hơn mình sẽ bứt trước, những người chạy chậm hơn sẽ đi bộ.
  • Gel là biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng tốt nhất. Nhờ có vài gói gel của anh Dzung Ng mà tôi sung sức cho đến mấy km cuối cùng.

Về giải Singapore Sundown, có mấy kinh nghiệm sau, dành cho anh em nào có dự định tham gia.

  • Trước khi chạy không nên đi shopping hay ngắm cảnh, sẽ mỏi chân lúc nào không biết. Singapore đợt đó đang là mùa sale. Chạy xong đi chơi hay mua sắm cũng được.
  • Có khả năng đường chạy thực tế sẽ dài hơn đường chạy đo bằng đồng hồ GPS hay phần mềm trên smart phone, ngay cả khi bạn chỉ kích hoạt sau khi chạy qua vạch xuất phát. Cần chuẩn bị tinh thần cho điều đó.
  • Hãy nghĩ đến việc đi vệ sinh ít nhất 45 phút trước giờ chạy, vì sẽ cần khoảng 30 phút để xếp hàng.
  • Nên chạy đêm vài lần cho quen. Nếu đeo đèn trên đầu không ảnh hưởng tốc độ chạy, tốt nhất là đeo một cái.
  • Nên chạy trail vài lần. Có lúc phải chạy trail, ít nhất là chạy trên cỏ.
  • Khu gửi đồ rất an toàn. Đừng gửi những thứ quá quan trọng như hộ chiếu hay thẻ tín dụng, còn gửi tiền và máy ảnh bỏ túi thoải mái. Rất yên tâm.
  • Nên đi Tiger Air vì giá rẻ và mọi thứ đều tốt hơn Vietnam Airlines.

About the Author Mr Marathoner

  • […] Xem thêm: Trải nghiệm Singapore Sundown […]

  • >
    112 Shares