• You are here:
  • Home »
  • Chân dung »

Làm Thế Nào Eliud Kipchoge Phá Vỡ Giới Hạn Lịch Sử Trong Chạy Bộ (Phần 2)

Phần 2

Những cam kết này giúp cho những công việc tối quan trọng hàng ngày-tập luyện-giảm đi chút ít khó nhọc. Lịch tập của Kipchoge cũng đơn giản: chạy nhẹ (easy run) vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6; bài tập tốc độ (speed workouts) vào thứ 3 và thứ 7; một bài chạy dài (long run) có thể lên đến 25 miles (40,2km) vào thứ 5. Chủ nhật nghỉ. Anh nhiệt tâm thực hiện những bài tập này, lưu lại thời gian hoàn thành từng bài tập vào một quyển sổ. “Nếu bạn không có niềm tin vào sự tập luyện của mình, nó sẽ không mang lại điều gì cả”, anh nói. “Bạn không cần lục cuốn từ điển để tìm định nghĩa về niềm tin. Bạn cần định nghĩa niềm tin trong chính vốn từ của bạn”.

Anh ấy chỉ rời khỏi trại để về nhà thăm vợ anh ấy và 3 đứa nhỏ ở Eldoret, cách xa 15 dặm về phía tây, và để thăm nom khu trang trại của anh ấy, nơi anh trồng ngô và nuôi gia súc. “Đó là một cách để thư giãn tâm trí,” anh nói. “Nông trại còn giúp anh trở nên bận rộn, bởi vì nếu bạn đang bận rộn, tức là cuộc sống đang vận hành một cách trôi chảy”.

Khi tôi trò chuyện cùng anh trong vườn, ở Kipchoge tỏa ra sự điềm tĩnh. Khuôn mặt anh ấy đầy đặn hơn tôi tưởng, nước da anh ấy thì sáng hơn. Và phải nói rằng: anh ấy trông già trước tuổi. Hộ chiếu cho thấy anh ấy đã 35 tuổi, nhưng có tin đồn rằng anh đã ở vào tầm tuổi đầu 40. Hiểu biết thông thường cho thấy anh ấy chỉ có thể chạy một số giải marathon nữa thôi, và anh đang nhắm đến chạy một trong số chúng ở Olympics Tokyo, giải đã bị hoãn sang mùa hè năm 2021 do hậu quả của sự lan nhanh đại dịch coronavirus. Sự tham dự của các vđv trong bất kì giải marathon nào đều khó để dự đoán, nhưng Kipchoge dường như sẽ đối mặt với một siêu sao có tuổi khác – Kenenisa Bekele, vđv 37 tuổi người Ethiopia đang nắm giữ kỷ lục 5000m và 10000m thế giới, chủ nhân của thành tích marathon nhanh thứ 2 trong lịch sử (chỉ 2 giây kém kỷ lục của Kipchoge), và đối thủ duy nhất của Kipchoge là chính anh- vđv nam chạy cự ly daì vĩ đại nhất mọi thời đại.

Cuộc đua marathon này, nếu được hiện thực hóa  sẽ tương đương với trấn đấu tranh đai Ali-Frazier, và Kipchoge đang chuẩn bị cho cuộc đua với sự tập trung đặc biệt. “Khi bạn thấy những vđv marathon luyện tập và bạn thấy thành tích đạt được, bạn không biết được những gì bên trong những thành tích đó”, anh nói. “Rất nhiều thứ diễn ra đằng sau hậu trường. Đừng bỏ bài tập vào buổi sáng và tối, bời vì cơ thể luôn để mắt đến.”

Trái với sự giản dị của cuộc sống tách biệt trong trại huấn luyện là một phiên bản đối lập khác của Kipchoge được thể hiện ra trong các cuộc đấu. Thể hiện rõ ràng nhất là khi anh được trang bị các công cụ và công nghệ hiện đại nhất chỉ dành cho vđv tài năng nhất hành tinh. Kipchoge được hỗ trợ bởi một đội ngũ siêu tối tân bao gồm huấn luyện viên, bác sĩ sinh lý học, chuyên gia dinh dưỡng, và nhà thiết kế giày, tất cả phối hợp cùng nhau để tối ưu tóa mọi biến số ảnh hưởng đến chạy đường dài. Nhiệm vụ chạy marathon dưới 2 giờ của Kipchoge không đơn thuần chỉ là mục tiêu cá nhân- đó là một dự án phức tạp kéo dài hàng tháng trời do Nike tiến hành và ban đầu được gán tên là Breaking2. Vào tháng 5 năm 2017, với máy quay  ghi lại những thước phim mà sau này trở thành phim tài liệu của hãng National Geographic, Kipchoge cùng 2 chân chạy nữa bắt đầu phá vỡ mốc lịch sử 2 giờ trên đường đua Công thức 1 nhanh nhất thế giới tại Monza, Italy.

Tôi đã đứng bên đường chạy vào buổi sáng mưa phùn ngày hôm đó, và khi tôi chứng kiến Kipchoge bay quanh đường chạy nhanh hơn bất kì người đàn ông nào chạy marathon trước đây, tôi cảm thấy lo lắng- liệu anh ấy sẽ thực hiện được điều đó hay ngã vuống và chết.

Anh ấy được dẫn tốc bởi một đội hình tam giác bao gồm những vđv giỏi nhất do Nike bảo trợ, và anh chạy theo dấu một chùm tia laser được chiếu đằng sau chiếc Tesla. Ngày hôm đó, Kipchoge đạt thành tích 2 giờ 25 giây đầy nuối tiếc. Anh không đạt được mục tiêu, nhưng nỗ lực của anh ấy là một bước đột phá vượt qua kỷ lục thế giới lúc đó của Dennis Kimetto ở 2:02:57, và cũng chỉ một vài giây chậm hơn so với tốc độ 4:34/mile (2:50/km) cần đạt để vượt qua mốc 2 giờ.

Khi anh ấy vượt qua vạch đích, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm và hoan hỉ. Nhìn những người dẫn tốc cùng nhau tung anh ấy lên cao, tôi đã phải kéo kính râm xuống để che những giọt nước mắt của mình. Anh ấy có thể thiếu 26 giây ngắn ngủi, nhưng anh ấy cho thấy rằng sub 2:00 là có thể, rằng giới hạn của con người là không có giới hạn nào cả.

Những tháng sau đó, tôi chạy 100 miles một tuần (161km/tuần). Tôi hành thiền trong 90 ngày liên tục. Câu lạc bộ ở Brooklyn của tôi, Black Roses NYC, đã học tập tập quán sinh hoạt ở trại huấn luyện của Kipchoge, luyện tập cùng nhau, ăn cùng nhau. Sức ảnh hưởng của anh ấy thật sâu rộng. Ý tưởng về việc bạn có thể làm tốt hơn khi làm việc trong sự hòa hợp có thể quen thuộc với bất kỳ các cầu thủ bóng rổ trường cấp 2, nhưng trong một thế giới mà tư duy mặc định về Sự cô đơn của những ngươì chạy đường dài thì nó thất khác lạ. Và với sự chuyển đổi đó trong tư duy, chúng tôi đã bắt đầu thấy kết quả. Mùa thu đó, chúng tôi cử hơn 20 vđv tham dự Berlin Marathon, nơi có vòng đua nhanh nhất trong 6 giải marathon lớn nhất thế giới. Một nửa trong chúng tôi có kỷ lục của bản thân, và tôi chạy nhanh hơn 3 phút so với thành tích tốt nhất của tôi. Thời tiết thì mát mẻ và mưa giống như ở Monza. Kipchoge cũng thi đấu giải này – anh ấy về nhất với cách biệt 14 giây- và điều kiện thời tiết gợi cho anh ấy nhớ đến những cánh rừng Kenya. Thời tiết kiểu Kipchoge, chúng tôi đặt tên như thế.

Anh ấy trông rất nhàn nhã ở Monza và Berlin đến nỗi mà khi cuối cùng anh ấy cũng vượt qua mốc 2 giờ, nó cứ như là sự đã rồi. Anh ấy làm được điều đó vào tháng Mười vừa rồi, tại công viên Prater ở Vienna, với sự hỗ trợ của hãng dầu khí Anh quốc INEOS. Có những sự điều chỉnh đã được thực hiện: có đám đông người hâm mộ, đôi giày Nike có độ nảy tốt hơn, một đội hình dẫn tốc giảm khí động học tốt hơn. Sự điều chỉnh đó đã có tác dụng. Anh đã phá vỡ giới hạn, chạy trong 1:59:40. Khi đến gần vạch đích, thay vì yếu đi, Kipchoge dường như sung mãn hơn, vỗ ngực, chỉ vào đám đông và chạy phăng phăng đến trong vòng tay dang rộng của vợ anh ấy, Grace, người lần đầu tiên được xem anh ấy thi đấu ở nước ngoài.

Nhưng trước khi những giọt mồ hôi còn chưa kịp ráo, đã có những kẻ dèm pha. Những người theo chủ nghĩa thuần túy chĩa mũi dùi vào đội dẫn tốc, đội hình bao gồm 41 chân chạy thay phiên nhau, chỉ ra rằng cũng giống như ở Monza, màn trình diễn như vậy là không hợp lệ để đạt kỷ lục thế giới. Một số khác thì đặt vấn đề về đôi giày chạy của Kipchoge: nguyên mẫu của dòng Nike’s Alphafly Next%. Đôi giày anh ấy sử dụng ở Monza là một biến thể của dòng Vaporfly 4%, đôi giày hứa hẹn hiệu quả hơn 4% so với mẫu Nike nhanh nhất tiếp theo vào thời điểm đó. Phiên bản mới này mang lại những lợi ích chưa được biết tới. Xì xào về việc đôi giày bị cấm đã lan rộng. Sau cùng, Liên đoàn Điền kinh thế giới, cơ quan quản lý bộ môn này, quy định rằng trong tương lai, các vận động viên tham gia giải quốc tế phải thi đấu bằng đôi giày đã được phổ biến ra công chúng trong ít nhất 4 tháng, đi kèm với những quy định khác.

Đôi Nike của Kipchoge là hợp lệ, nhưng nó trở thành đề tài bàn tán về mốc 2:00: rằng nhà vô địch chân thật nhất, là kiểu một người đàn ông ngủ trên chiếc giường đôi, lái xe bán tải Isuzu, và tự nuôi bò lấy sữa, trở thành mục tiêu chính của cuộc tranh luận về việc sự đổi mới không ngừng đã làm phức tạp hóa nguyên tắc của môn thể thao đơn giản nhất thế giới. Nhưng giữa những cuộc trao đổi về đội dẫn tốc và Alphafly, thật dễ để quên điều gì đã đưa Kipchoge trở thành người đầu tiên đặt chân vào ngôi đền  sub 2:00: Dành 6 ngày một tuần trong gần 2 thập kỷ trong trại huấn luyện tách biệt của mình.

 Nhớ lại khi ở khu vườn, đây là điều Kipchoge muốn nhấn mạnh. “Điều chúng ta cần ở đây là sự bền bỉ,” anh nói với tôi. “Bạn có thật sự tập luyện trong 4 tháng không? Bạn có ăn uống đầy đủ? Bạn có thực sự xây dựng theo chiều hướng tích cực? Đó là những điều cần thiết mà các vđv nam và nữ cần có để có thể chạy rất nhanh.”

Sự bền bỉ. Sự dấn thân để trở nên vĩ đại. Không có nhân tố tuyệt vời nào của Kipchoge đạt được một cách dễ dàng cả. Con đường trở thành tượng đài trong giới marathon của anh ấy không hề bằng phẳng. Anh ấy cũng bắt đầu từ đường chạy. Năm 2003, chỉ một năm sau khi dấn thân vào con đường chạy chuyên nghiệp, anh ấy đã gây ra một bất ngờ lớn ở nội dung 5000m tại Giải Điền Kinh Vô địch Thế giới tổ chức tại Paris. Dường như tương lai của anh ấy sẽ gắn với đường chạy trong sân vận động. Nhưng sau đó mọi thứ trở nên mờ mịt đối với anh ấy. Sau khi giành được huy chương ở Olympics Athens và Bắc Kinh, anh bị loại khỏi đội tuyển Kenya tham dự Olympic London 2012- một thất bại buộc anh ấy phải xem xét lại. Marathon trở thành phương án B của anh ấy. 

Tôi đã theo dõi Kipchoge kể từ giải Paris đó, nhưng chỉ từ khi tôi gần gũi hơn với anh ấy, tôi mới hiểu làm thế nào mà anh ấy có thể giỏi như thế và giữ được điều đó lâu như vậy. Bí kíp của anh ấy là không có bí kíp nào cả. Bạn chỉ cần nỗ lực trong luyện tập, mùa này qua mùa khác. Cái đáng để chú trọng vào lại là điều đơn giản nhất: Đều đặn tích lũy số dặm chạy.

Kể cả khi không có bí mật nào để bật mí, tôi vẫn muốn biết chiến thuật của anh ấy cho những giải marathon sắp tới. Anh ấy muốn đánh bại Bekele như thế nào? Liệu anh ấy có thể trở thành người đầu tiên giành được huy chương vàng marathon hai kỳ  liên tiếp kể từ sau Waldemar Cierpinski, vđv người Đông Đức đã lập cú đúp ở hai kỳ thế vận hội 1976 và 1980?

Nếu có câu trả lời thì nơi tốt nhất để tìm thấy là trong thư viện của trại huấn luyện- một căn phòng giản đơn với ba giá sách nằm ở giữa khu nhà ở nam và nữ. Kipchoge thường vào đây một tiếng buổi chiều và một tiếng sau bữa tối. “Tôi đọc sách kinh doanh”, anh nói. “Bạn có thể ứng dụng kinh doanh vào chạy bộ.”

Thư viện có những đầu sách về Tâm lý học đại chúng và phát triển bản thân như: Điểm Bùng Phát (The Tipping Point), Siêu Kinh Tế Học Hài Hước (SuperFreakonomics), Chạy Marathon Cho Người Nhập Môn (Running a Marathon for Dummies). Gần đây Kipchoge đang đắm chìm trong một cuốn sách mới, The Infinite Game, của tác giả Simon Sinek. Anh ấy đang suy nghĩ về một phần đặc biệt, nói về thời điểm Sinek phát biểu tại “hội nghị thượng đỉnh về giáo dục” dành cho Microsoft và Apple. Sinek nói rằng, các nhà điều hành của Microsoft bị ám ảnh bởi thị phần của công ty, trong khi Apple chỉ tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm tốt nhất.

“Ở Apple cạnh tranh không phải là vấn đề được quan tâm”, Kipchoge giải thích. “Họ cũng làm việc, nhưng họ không ganh đua. Đội ngũ Microsoft có tư duy hữu hạn. Đội ngũ Apple là những bộ óc không bị giới hạn.” Anh ấy nở nụ cười quen thuộc và đưa ra một nhận định sâu sắc. “Ai đang dẫn đầu thị trường hiện tại? Chính là Apple, iPhone có mặt khắp mọi nơi- thậm chí phần lớn người dân Kenya đều sử dụng iPhone.” Anh tạm ngưng một chút. “Chúng ta thực ra đang bàn về marathon, cho nên điều tôi thực sự muốn nói là: Chúng tôi không chạy và ganh đua, nhưng chúng tôi có tư duy cạnh tranh.”

Trong số những người Đông Phi thống trị cự ly chạy đường dài trong suốt bốn thập kỷ qua, Kipchoge là người đầu tiên được nghĩ đến trong tâm trí và trở thành đại sứ toàn cầu- một bậc thầy như Usain Bolt nhưng thầm lặng. “Tôi đang mơ về việc tôi sẽ tiếp cận được đến hơn 3 tỷ người,” anh nói. “Tôi muốn mọi người trên thế giới này coi chạy bộ như một phong cách sống. Tôi muốn được thấy mọi người ý thức rằng tôi cần chạy 30 phút vào 5 giờ. Nếu tôi đến được mốc đó, tôi sẽ cảm thấy thỏa mãn.”

Tôi đã từng nghe một giáo sư nói rằng thơ ca nói chung là để hé lộ sự thật cho người nghe. Ngồi trong vườn cùng Kipchoge, tôi nhận ra rằng anh ấy đang hé lộ sự thật trong chính tôi. Mỗi lần tôi hỏi anh ấy điều gì, anh ấy lại xoay quanh- đội marathon của tôi, đội nhóm của tôi, tham vọng của tôi như thế nào? Khi anh ấy tiếp tục, tiếng chim hót trở nên líu lo hơn. Chúng tôi tiếp tục ngồi cùng nhau khoảng nửa giờ nữa trên những chiếc ghế nhựa- hai ông bố, hai anh chàng, bình luận về những tấm ảnh, chia sẻ với nhau về lũ trẻ. Anh ấy nói với tôi họ sẽ đóng cửa trại huấn luyện hai tuần để nghỉ lễ. Mọi người sẽ về nhà của họ, và anh cũng về với gia đình của mình. Nhưng đừng lo, anh nói với tôi- anh ấy sẽ thường xuyên lui tới, đơn giản chỉ để kiểm tra.

Và tôi chia tay anh từ đó. Anh có một buổi chạy nữa vào chiều nay- một giờ như thường lệ nữa – nhưng trước hết anh muốn đi dạo trong vườn đã. Anh muốn chắc chắn mọi thứ ở đúng chỗ của nó.

Knox Robinson là một nhà văn và người chạy điền kinh đang sống ở Brooklyn.

Một phiên bản của câu chuyện này sẽ được đăng đầy đủ  trên ấn phẩm xuất bản tháng 04 năm 2020 với tựa đề”Sub 2:00: Làm thế nào Eliud Kipchoge phá vỡ giới hạn lịch sử trong chạy bộ.”

Làm Thế Nào Eliud Kipchoge Phá Vỡ Giới Hạn Lịch Sử Trong Chạy Bộ (Phần 1)

About the Author Hưng Hoàng

  • […] Làm Thế Nào Eliud Kipchoge Phá Vỡ Giới Hạn Lịch Sử Trong Chạy Bộ (Phần 2) […]

  • >
    82 Shares