Nhịp tim nghỉ thấp: nên mừng hay lo?

Nếu là người đã chạy bộ một thời gian dài và tham gia vào các nhóm chạy, nhiều khả năng ai trong chúng ta cũng từng nghe thấy một vài chân chạy khoe nhịp tim khi nghỉ (NTN) thấp hoặc chính chúng ta cũng từng khoe chỉ số này với bạn bè. Đây tưởng chừng là câu chuyện mua vui nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, NTN thấp cũng đồng nghĩa với nền tảng thể lực rất tốt.

Tuy nhiên, NTN thấp có phải lúc nào cũng tốt hay không? Liệu đây có phải là mục tiêu tập luyện mới để chúng ta phấn đấu giống như khi chúng ta cố gắng chạy ngày càng nhanh nhất có thể hay không? Hay trong một số trường hợp, nhịp tim thấp ở các vận động viên hoặc người tập luyện thường xuyên lại là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời qua ý kiến của các chuyên gia trong bài viết dưới đây.

Cách xác định NTN

Nhịp tim khi nghỉ được định nghĩa là “số nhịp đập của tim mỗi phút khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi”. Dù thiết bị đo tim di động giúp chúng ta xác định được khá chính xác chỉ số NTN trước khi tập luyện nhưng sẽ chính xác hơn nếu chúng ta đo chỉ số này khi vừa mới tỉnh ngủ và cơ thể còn ở trên giường. Điều này đảm bảo số liệu thu được không bị nhiễu do các hoạt động thường nhật gây ra.

Cách kiểm tra nhịp tim khi nghỉ

Ngay khi thức giấc, đặt ngón trỏ và ngón giữa lên phía trong cổ tay, cách phần dưới ngón cái khoảng 2cm. Đặt nhẹ hai ngón tay, dùng đồng hồ đếm số nhịp đập trong 30 giây, nhân số này với 2 để xác định số nhịp đập mỗi phút. Thực hiện nhiều lần để thu được con số chính xác. Nên thực hiện việc này trước khi làm bất kỳ việc nào khác.

Chỉ số bình thường

Theo tiến sĩ Brian Mikolasko thuộc trường Dược, Đại học Brown, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhịp tim khi nghỉ như tình trạng thể lực, tuổi tác và môi trường sống. Trẻ nhỏ có nhịp tim khi nghỉ dao động rất lớn, từ 70-190 nhịp/phút và ngưỡng này giảm dần đến khi trẻ 9 tuổi về ngưỡng 70-110 nhịp/phút. Từ 10 tuổi trở đi, ngưỡng này dao động trong khoảng từ 60-100 nhịp/phút.

Đối với người trưởng thành, chỉ số bình thường dao động từ 60-100 nhịp/phút. Tuy nhiên, như đã nhắc tới ở trên, chỉ số này ở người trưởng thành vận động thể chất nhiều thường thấp hơn, rơi vào khoảng 40-60 nhịp/phút và đây là ngưỡng bình thường. Đối với các vận động viên sức bền tập luyện nhiều năm hoặc các vận động viên ba môn phối hợp, chỉ số này có thể chạm mốc 42 hoặc thậm chí 38 nhịp/phút.

Nhịp tim thấp

Nếu bạn thuộc nhóm vận động thể chất thường xuyên và tích cực, và NTN của bạn rơi vào ngưỡng dưới 60 (hoặc dưới 50), chúng ta đang gặp hiện tượng nhịp tim thấp (bradycardia). Câu hỏi là chỉ số này có bình thường và an toàn không? Theo tiến sĩ William O. Roberts, giáo sư khoa Y học gia đình và sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Minnesota, việc những người khỏe mạnh tập luyện chạy bền có nhịp tim thấp “do hoạt động tập luyện kích thích dây thần kinh phế vị phát triển mạnh hơn và làm chậm nhịp tim”. Ngoài ra, việc tập luyện thường xuyên cũng làm kích thước cơ tim tăng lên, giúp cung lượng máu bơm đi nhiều hơn mỗi lần tim co bóp. Do đó, một trái tim được luyện tập khi đập chậm sẽ đẩy đi cùng lượng máu với một trái tim không được tập luyện nhưng đập nhanh. Ngoài ra, việc dừng hoặc giảm tần suất tập luyện sẽ làm đảo ngược cả 2 lợi ích này và do đó, một chân chạy trở lại sau chấn thương hoặc bệnh sẽ phải tập luyện để khôi phục hai lợi ích này.

Khi nào thì nên lo lắng?

Như vậy, chúng ta có cần phải lo lắng về tình trạng nhịp tim thấp hay không? Câu trả lời là không hẳn, trừ khi nhịp tim thấp đi kèm với những triệu chứng dưới đây:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Ngất hoặc bất tỉnh
  • Tức/đau ngực
  • Thường xuyên mệt mỏi, đờ đẫn
  • Khó thở
  • Tim không có khả năng tăng nhịp đập đáp ứng yêu cầu vận động

Việc xuất hiện các triệu chứng này cùng với hiện tượng nhịp tim thấp có thể là dấu hiệu cho thấy các nút điện của tim đang lão hóa hoặc tín hiệu điện của tim không được truyền đi bình thường. Do đó, trong trường hợp này chúng ta cần khám bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể.

Theo tiến sĩ Roberts, chúng ta cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, người vận động thể chất tích cực nhiều gặp tình trạng hơi chóng mặt khi chuyển từ tư thế ngồi xổm sang đứng là hiện tượng bình thường và thường trong trường hợp này chúng ta phải đứng tại chỗ một lúc để máu kịp đưa lên não nếu ngồi lâu.

Nhịp tim chậm và bệnh tim

Tiến sĩ Roberts cũng cho rằng có một vài bằng chứng chỉ ra rằng tình trạng nhịp tim thấp do tập luyện có thể trở thành mãn tính và gây ra những vấn đề sức khỏe đối với người tập luyện sức bền. Dù điều này khiến nhiều người trong chúng ta quan ngại nhưng theo ông Roberts, với dữ liệu như hiện nay, chúng ta không đủ cơ sở để đưa ra kết luận cụ thể và do đó dừng việc tập luyện.

Quan điểm này của tiến sĩ Roberts cũng được khẳng định trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học JAMA do chuyên gia y học, tiến sĩ Ajay Dharod thực hiện. Theo nghiên cứu này, “nhịp tim thấp nhìn chung không đi đôi với các bệnh tim mạch hoặc tình trạng tử vong do tim mạch, trừ những trường hợp có sử dụng các loại thuốc điều tiết nhịp tim.” Tiến sĩ Dharod cho biết thêm rằng: “đối với phần lớn những người có nhịp tim khoảng 40 hoặc 50 nhịp/phút và không có triệu chứng, tiên lượng là rất khả quan.”

Trang bị kiến thức cho bản thân và lưu ý các dấu hiệu

Do đó, những người thường xuyên chạy bộ và có NTN thấp nhưng không có triệu chứng bất thường nêu trên cần theo dõi cập nhật các kết quả nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta cũng cần quan tâm tới những biểu hiện bất thường và thăm khám bác sĩ khi cần thiết. Và trừ khi có chỉ định của bác sĩ, không có lý do gì chúng ta phải dừng chạy.

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares