• You are here:
  • Home »
  • Nhật ký »

“Ông Vua” Cung Đường “Boston Marathon” Và Những Chia Sẻ Về Bài Tập Chạy Bộ

Là người quen thuộc với nền tảng Strava, hẳn bạn sẽ hiểu hình ảnh dưới đây có nghĩa gì: All-Time Course Record (CR) của một cung đường nhất định nào đó. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu đây không phải là đường chạy huyền thoại: nối từ Hopkinton về phố Boylston, đường chạy của giải Boston Marathon.

Boston Marathon rất nổi tiếng, không mấy người biết được quá 2 cái tên trong danh sách này. Lý do đơn giản, các vận động viên đẳng cấp cao nhất (elite) không xài Strava, lắm khi họ chẳng đeo đồng hồ nữa. Hoặc có đeo, ít khả năng họ sẵn sàng chia sẻ những bài tập của mình.

Cái tên runners Việt biết tiếng nhất ở đây có lẽ là Sage Canaday, chuyên gia cự ly Ultra, có hình thể đẹp như một vận động viên thể dục dụng cụ, cùng các giáo án chạy bộ nặng khủng khiếp (mileage trung bình 120 km/tuần) và các bài chém gió trên kênh youtube VO2max Productions.

Nhưng Sage chỉ có thành tích ở mức được dự Olympic Trial, và thời đỉnh cao của anh đã trôi qua từ hồi Sir Alex còn dẫn dắt MU. Người đang giữ vương miện cho cung đường “Boston Marathon” trên Strava, cũng là người Mỹ chạy marathon nhanh nhất năm 2019 này, là anh Scott Fauble.

Scott giờ đây đã nổi tiếng khi về đích thứ 7 ở giải Boston Marathon 2019 vừa qua (đứng đầu trong số các chân chạy xứ cờ hoa). Chàng trai mảnh khảnh 27 tuổi này lại càng nổi tiếng hơn khi anh công khai toàn bộ quá trình tập luyện của mình trên internet.

Tìm hiểu tài khoản Strava của một vận động viên sub 2:09 cũng thú vị như khi bạn có cơ hội ngắm một ngôi sao của giải Ngoại hạng Anh tâng bóng trong sân nhà hàng xóm. Thậm chí, nếu chịu khó google một chút, bạn có thể tìm thấy trang FinalSurge, nơi Scott chỉ rõ hôm nào là bài chạy phục hồi, hôm nào là chạy biến tốc, hôm nào chạy tempo, hôm nào chạy đường dài. Toàn bộ các thông số như tốc độ chạy, địa điểm chạy, thời gian nghỉ… đều minh bạch.

Scott có lý do khá rõ ràng để làm việc này. Đầu tiên, anh là “gà nhà” của Hoka One One và đồng hồ Polar, trở thành nhân vật đình đám sẽ giúp quảng bá thêm các nhãn hàng này. Thứ hai, anh tin việc này sẽ giúp nhiều người chạy bộ tốt hơn.

Khi được hỏi có ngại bị đối thủ tìm hiểu hay không, Scott Fauble, ở thời điểm hiện tại là người Mỹ chạy marathon nhanh thứ hai chỉ sau Galen Rupp, tỏ ra bình thản: “Chạy bộ không phải bóng bầu dục hay bóng rổ, khi bạn cần chiến thuật bí mật làm đối thủ bất ngờ. Bạn có mặt ở vạch xuất phát, sung mãn hoặc không. Việc chia sẻ giáo án tập luyện không thay đổi thể lực và trình độ của bạn”.

Thế còn những vận động viên che giấu giáo án của mình thì sao? Nếu theo dõi tài khoản Instagram của Mo Farah, chúng ta sẽ thường xuyên thấy Quý Ngài này (Mo đã được phong tước hiệp sỹ) đăng tải video các buổi chạy của mình, cùng các slogan rất hổ báo như “Go hard or go home!”, có lẽ nhằm tự PR cho bản thân hơn là giúp đỡ fan hâm mộ.

Scott trả lời đơn giản, “Có thể họ muốn giữ kín một bí quyết thần kỳ nào đó. Điều đó, theo tôi là hơi ngạo mạn, khi ai đó nghĩ rằng mình nắm được những kiến thức mà người khác không biết”.

Vậy giáo án của Scott Fauble như thế nào? Rất nhiều buổi chạy Easy, với tốc độ chậm khó, tưởng tượng với một elite chạy Boston pace trung bình 3:02. Như trưa hôm qua, anh chạy quanh công viên, 8.75km pace 4:35. Anh cũng thường xuyên chạy hai lần mỗi ngày, có lần chỉ chạy ngắn 6-7km.

Điều này đúng cả trong giai đoạn hiện tại (phục hồi sau Boston Marathon) lẫn thời kỳ luyện tập cho giải đấu quan trọng. Lúc chuẩn bị cho Boston, Scott Fauble có một buổi chạy dài mỗi cuối tuần, với tốc độ xấp xỉ tốc độ thi đấu (pace 3:10-3:15), cự ly dao động 32-38km. Anh cũng tham gia một giải Half Marathon làm nóng cho Boston (vào tháng 3 năm 2019, giải này anh đã vô địch).

Scott Fauble không phải là vận động viên xuất sắc nhất. Trong các giải đấu tham gia, anh thường chỉ loanh quanh top 10, chỉ đứng podium khoảng 1/3 số giải. Nhưng anh thật đáng yêu khi công khai các bài tập (và còn chia sẻ nhiều suy nghĩ thú vị nữa trên blog cá nhân).

Chắc hẳn mọi người trong cộng đồng chạy bộ đều hoàn toàn đồng ý với anh ở một điểm: chúng ta tiến bộ hơn, hay chạy nhanh hơn người khác, là nhờ chăm chỉ và bền bỉ hơn, chứ không phải nhờ “giấu nghề”. Chia sẻ chỉ làm mọi người cùng vui và chính chúng ta chạy tốt hơn mà thôi. Nếu anh chị em nào muốn tham khảo các bài tập của elite Scott Fauble có thể tìm trên strava hoặc vào website cá nhân http://scottfauble.com/home nhé.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] Ông vua Cung Đường “Boston Marathon” Và Những Chia S&… […]

  • >
    0 Shares