Tôi bắt đầu tập luyện trở lại từ giữa tháng 8.2024. Quá trình chuẩn bị cho giải có thể chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn xây nền tảng: kéo dài khoảng 3 tháng rưỡi, tới đầu tháng Mười Hai. Sau năm 2024 chấn thương và trải qua nhiều rối ren, võ công 10 phần phế mất 8. Tôi tập trung cày mileage, chủ yếu chạy easy, cố gắng hoàn thành 20-30 km ngày thứ Bảy. Đợt này tôi dính ITBS vào cuối tháng Mười, nghỉ 1 tuần. Rất may sau 3 tuần tập nhẹ, kết hợp dùng foam roller và massage, chấn thương IT band đã khỏi.
Giai đoạn tập theo giáo án: kéo dài 4 tháng từ đầu tháng Mười Hai tới lúc thi đấu. Tôi bê giáo án tập Chicago 2023 ra xào lại, có điều chỉnh VDOT theo năng lực hiện tại, giữ nguyên cấu trúc các bài Quality.
Về tâm lý, tôi khá “nuông chiều” bản thân. Bình thường nghiêm khắc 9 điểm, đợt này mức độ nghiêm khắc, kỷ luật chỉ cỡ 7 điểm thôi. Suy nghĩ của tôi là, thời gian qua quá nhiều biến cố, giờ được chạy bộ là vui rồi, chưa phải lúc đặt nặng thành tích. Tôi bỏ một số bài easy nếu không thu xếp được thời gian, dễ tặc lưỡi với đồ ăn ngon miệng, giảm tập bổ trợ, tập drill. Từ đầu năm 2025, bệnh viện thiếu phòng mổ, vì thế ngày thứ Hai, thứ Tư tôi thường phải làm tới tận nửa đêm, hệ quả là liên tục lỡ buổi biến tốc sáng thứ Ba. Dù sắp xếp chạy vào chiều thứ Ba hoặc sáng/trưa thứ Tư, nhưng chất lượng bài tập bị ảnh hưởng.
2 tháng cuối, tôi cảm giác mình đã trở lại 90% phong độ so với thời điểm trước Chicago 2023. Một số bài chạy thông số còn tốt hơn. Tuy nhiên, tôi không ảo tưởng khi so sánh bài chạy tháng 2.2025 (lạnh khô 10ºC) với tháng 8.2023 (nóng ẩm 30ºC). Ngược lại, điều kiện thi đấu ở Huế khó khăn hơn Chicago nhiều, chưa kể tôi vẫn dư khoảng 1,5kg. Vì vậy, tôi không đặt mục tiêu PR. Có lẽ 2:45 sẽ vừa sức.
Trước giải, tôi bị cúm. Ngày thứ Bảy chạy shakeout run cùng Cường Bún, nước mũi vẫn chảy ròng ròng. Tuần lễ thi đấu, tôi bỏ toàn bộ các buổi chạy sáng, đặt mục tiêu ngủ càng nhiều càng tốt. Nhờ đó, HRV khi ngủ tăng dần từ 73 ms (thiếu cân bằng) lên 89 ms (cân bằng). Tôi sẽ chia sẻ về HRV sau.
Tôi lập 2 chiến lược thi đấu, plan A 2:42, plan B 2:45. Đêm thứ Bảy mưa nhẹ, Huế mát mẻ, tôi mạnh dạn kích hoạt plan A trên đồng hồ Garmin. Theo plan A mà tôi đã trao đổi với Tuyển Nguyễn (THR), sẽ chạy pace 3:55 cho 5 km đầu, 3:50-3:52 cho 10 km sau đó, rồi đẩy dần tốc độ.
Cuộc đua khởi đầu thuận lợi. Độ ẩm cao nhưng nhiệt độ chỉ 22ºC. 10 km đầu quanh Đại Nội, tôi chung tốp với Tuyển, Mai Trung, Nam Nguyen HBPR. Khi đoàn đua quay lại đường Lê Duẩn, tôi bứt lên, pace 3:50. Tới đường Tố Hữu, tôi bắt kịp 2 VĐV chạy trước, về sau tôi biết là Dương Quang và Châu Viết Khuyên. Chúng tôi chạy cùng nhau suốt chặng đầu của đường Võ Chí Công. Đoạn đường khá xấu, nhiều ổ gà to, nhưng chiều qua khi đi xe khảo sát tôi đã lưu ý kỹ. Hai bạn chạy rất khoẻ, thường vượt tôi khi leo dốc. Tôi bám lại khi đổ dốc, pace trung bình vẫn duy trì 3:50. Tới đoạn quay đầu ở đường Võ Văn Kiệt, tôi ở vị trí số 8 hay 9 gì đó.
Tôi bắt đầu thấy mỏi cơ tứ đầu đùi. Lúc ấy, tôi nghĩ: mục tiêu của mình đâu phải 2:42, mà sub2:40 hoặc nhanh hơn nữa. Thế không được sợ, cần làm quen với tốc độ nhanh hơn. Tôi vẫn giữ plan A, chạy pace 3:48. Tân số tim 160+.
Khoảng 2 km sau, cơ đùi hai bên căng cứng dần. Mấy cây cầu nho nhỏ mà tác động không nhỏ. Khi vượt các con dốc lần thứ hai, pace giảm dần, tôi bị Quang bỏ lại. Khuyên từ sau cũng vọt lên. 10 km kế tiếp thật sự khó khăn, chân tôi như đeo đá, cố lắm cũng chỉ chạy được pace 4:05-4:10. Đôi AF3 nặng nề nện xuống, không còn nảy nữa. Nhịp tim giảm xuống 155, nhưng chân quá mỏi không đẩy lên được.
Tôi đã trải nghiệm cơn đau này 1 lần, ở Copenhagen 2017, nên hiểu có thể bị chuột rút bất cứ lúc nào. Giờ thì plan A, B, C không có gì quan trọng nữa. Tôi cố gắng duy trì ổn định nhịp thở và guồng chân, chia quãng đường thành từng chặng nhỏ: đến nút giao Tố Hữu, đến khúc quay đầu, đến đường Lê Đức Anh,… Trái với đoạn chạy Đại Nội hay cầu Tràng Tiền, cảnh quan đẹp, giàu cảm xúc, đường chạy ngoài quốc lộ cứ dài thăm thẳm mịt mùng. 10 km tưởng chừng vô tận. Mục tiêu duy nhất là tiếp tục chạy, không dừng lại. Nếu dừng sẽ phải dừng luôn.
Đến kilomet cuối cùng, Mai Trung từ phía sau vượt qua tôi. Trung có vẻ rất sung sức. Tôi không có ý niệm mình về hạng mấy, chỉ tập trung đếm các bước chân, từ 1 tới 100 rồi quay lại đếm từ 1, nhủ thầm đếm được vài chu kỳ sẽ cán đích. Kết quả, tôi hoàn thành cuộc đua trong 2:47, chậm hơn PR 6 phút, may mắn vẫn lọt top 10 chung cuộc và hạng nhất lứa tuổi 40-49.
Dù vui với thứ hạng chung cuộc, tôi hiểu FM 2:47 không phải cái gì đó quá hoành tráng. Với nền tảng thể lực và điều kiện thi đấu hôm nay, nếu điềm tĩnh và khôn ngoan hơn, có thể tôi đã đạt plan B 2:45. Sau giải, tôi tổng kết một số điểm chính: (1) tập luyện chưa đủ, đặc biệt thiếu bài bổ trợ, (2) đường chạy dốc nên bào sức, (3) đợt cúm, (4) chiến thuật thi đấu thiếu sự điều chỉnh hợp lý. Điểm cộng là tôi đã áp dụng thành công nhiều “mẹo” để tiếp tục chạy khi toàn bộ cơ thể đã rệu rã.
Marathon là vậy, nó không biết nói dối. Marathon khác với bóng đá, không có sự thần kỳ hay phép màu nào cả. Thành tích thi đấu của bạn phụ thuộc vào năng lực và khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt và mạnh mẽ về tinh thần trong cuộc đua. Giờ nghỉ ngơi và xây dựng những mục tiêu mới.
Admin Chay365. Bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Chay365 và Hội những người thích chạy đường dài (LDR). Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.