Tình yêu chạy bộ

Tinh yeu chay bo

Tình yêu chạy bộ

Đào Trung Thành

Frédéric Beigbeder nói “Tình yêu kéo dài ba năm” (L’amour dure trois ans) , chỉ ba năm dịu ngọt, đam mê rồi sau đó là những thất vọng, chán nản, nghĩa vụ, áp lực.  Tôi chạy bộ cũng được ba năm và trong ngần ấy năm cũng có nhiều cung bậc cảm xúc. Từ việc làm quen với việc chạy, sự háo hức khi chạy, sự hồi hộp khi tham dự cuộc thi, sự ghen tỵ khi thua kém khi chạy, sự giận dữ và chán nản khi bị chấn thương không được chạy đến sự đam mê khi chạm  vạch đích, khoái cảm khi thân thể rã rời nhưng kết thúc được một cuộc chạy dài 30 km.

Tình yêu gắn với đam mê nhưng đam mê với thể thao hình như ít tồn tại trong bản thân. Chơi các môn thể thao từ bơi lội, cầu lông, bóng đá đến tennis rồi chạy bộ đều không khá. Không giỏi được thì không có đam mê hoặc cũng vì không có đam mê mà không giỏi. Riêng với môn chạy bộ ngày càng cảm thấy nghiện, một biểu hiện của đam mê. Gắn bó với nó được ba năm nay, liệu có phải là một đam mê không khi bản chất “con người là một đam mê vô ích”? (L’homme est une passion inutile – J.P. Sartre).

Đam mê là liên quan đến khái niệm “ái” của đạo Phật. Từ “ái” đến “thủ”, muốn nắm giữ, muốn chi phối, muốn tước đoạt rồi đến “hữu”, sự tồn tại, sự hiển hiện của một cái tôi đam mê. Cho nên, hành giả không nên có những đam mê thì tốt hơn. Nghĩa là cầm lên được thì bò xuống được. Với việc chạy, có lẽ cũng nên thế chăng? Forrest Gump cảm thấy cô đơn. Lúc đầu anh chỉ muốn chạy, trong thị trấn, sau đó xa hơn nữa và ngày càng xa. Forrest cứ chạy mãi, trở thành một hiện tượng, thậm chí thần tượng và nguồn cảm hứng cho nhiều người. Cho đến khi anh nhận ra mình đã chạy hơn 3 năm, vòng quanh nước Mỹ, anh cảm thấy mệt mỏi và muốn trở về quê nhà. Thế là mình chạy một thời gian bằng với Forrest Gump và có mệt mỏi không? Với ai không biết chứ mỗi lần tập luyện tôi đều có cảm giác giống như vận động viên Olympic Toshihiko Sekokhi khi có người (Haruki Murakami) hỏi ông: “Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?” Ông ta trố mắt nhìn, bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng là ông thấy câu hỏi mới ngớ ngẩn làm sao, đáp, “Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy!”. Một phức cảm đặc biệt của những kẻ chạy bộ, vừa muốn xỏ giày ra đường và vừa muốn không chay. Thế rồi, hầu như mọi dân chạy bộ đam mê nào khác, việc chạy sẽ chiến thắng sự chán nản ban đầu hoặc sự chạy dần dần thay đổi cách suy nghĩ lúc khởi động. Càng chạy càng hứng khởi.

Người ta sinh ra để chạy (born to run). Với hàng triệu năm tiến hóa, chức năng của bộ phận truyền động (chân, hông, khớp…) có lẽ thoái hóa dần. Bây giờ một bước lên xe, chạy ra đầu hẻm mua đồ cũng phải xách xe máy, vài trăm mét đi bộ là thấy ngại. Rồi máy tính, điện thoại, internet, mạng xã hội cũng khiến người ta cảm thấy không cần giao tiếp trực tiếp, không cần phải thăm viếng nhau và như thế không có nhu cầu đi bộ. Không có nhu cầu đi bộ nhưng vẫn có nhu cầu khỏe mạnh và xinh đẹp. Thế là hàng loạt các phương pháp giảm cân, các thực phẩm chức năng, các phương pháp detox ra cát như một em Hoa hậu vừa rồi quảng cáo. Phương pháp tốn tiền cũng được, miễn là nhanh và không vất vả tập luyện. Tất nhiên là các phương pháp ấy chỉ có tác động tức thời, mang lại cái đẹp bề ngoài, sự giảm cân tạm thời mà không  bền vững. Chạy bộ mang lại hiệu quả bền vững, mang lại sức khỏe cho mọi người không phải bàn cãi và như thế chạy bộ mang lại  giá trị phương tiện (instrumental values).

Người ta đến với chạy bộ ban đầu là do giá trị phương tiện mà nó đem lại nhưng những kẻ chạy được một thời gian dài, chắc phải ba năm trở lên, sẽ cần phải tìm cho nó một giá trị nội tại (intrinsic value) nghĩa là bản thân việc chạy có ý nghĩa tự thân, “chạy chỉ vì chạy” (“running for running’s sake”).

Anh ta thấy bản thân sự chạy có vẻ đẹp tự thân, có ý nghĩa nội tại phản ánh trong từng bước chạy, thân tâm hòa hợp (body-mind harmony), lúc đó, “hành giả” như đồng hóa với bản thân sự chạy, anh ta chính là sự chuyển động lên phía trước. Vì bản chất của chạy bộ là đơn độc. Thỉnh thoảng có những sự kiện, tập hợp chạy chung cho “có không khí” nhưng đa phần là chạy một mình, một mình lầm lũi trên đường. Người ngoài nhìn vào thấy thật kỳ cục, một kẻ có thể chạy hàng giờ liền, hàng chục vòng công viên. Hẳn mức độ “tự kỷ” phải rất cao mới thắng được cảm giác nhàm chán của việc chạy hay phải gán cho nó một ý nghĩa nào đó.

Dân chạy thường được đánh giá là hạng “cơ bắp”, loại “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Hiếm có triết gia, nhà khoa học, nghệ sĩ chạy. Kể cũng đúng, khi anh suy nghĩ, anh trầm tư mặc tưởng thì như thế yêu cầu thân thể phải tĩnh lặng và năng lượng được dồn cho các hoạt động suy tư. Còn “hành giả”, những kẻ thiên về thực hành, anh cần phải đối phó, phản ứng với những bất trắc trên đường chạy như nhìn xe cộ, đường, người, chó… cho nên, ít có thời gian suy nghĩ trong lúc chạy.

Trong nhóm chạy SRC (Sunday Running Club) có anh chạy được 30 năm nên ba năm chạy của mình không thấm vào đâu. Tuy nhiên, như một kẻ chạy đường dài (long distant runner), để chạy được 30km thì cũng phải chạy qua được 3km. Ba năm cũng đủ xác lập tình yêu cho một môn thể thao. Những năm kế tiếp chưa rõ nhưng  bây giờ và ở đây (here and now), mình vẫn muốn chạy.

About the Author Thành Đào Trung

  • […] bất cứ khi nào. Bạn chỉ cần đầu tư rất ít cho môn thể thao này. Nhìn chung, đam mê chạy bộ có đôi chút khác biệt so với những đam mê khác đòi hỏi nhiều “đồ […]

  • […] Ý tưởng thành lập website chay365.com đến từ mong muốn tập hợp những kiến thức về bộ môn chạy bộ đường dài, bao gồm tất cả các lĩnh vực có liên quan như tập luyện, dinh dưỡng, chấn thương, phụ kiện chạy bộ,… Ai cũng có thể chạy, nhưng một số cần học cách chuyển động tốt hơn. Chạy bộ phải thú vị, có hiệu quả, và ít chấn thương. Việc tăng thành tích có thể được tích lũy bằng cách hoàn thiện kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng, các bài tập, chứ không chỉ đơn thuần bằng việc luyện tập nặng hơn. Có nhiều kiến thức chúng tôi học hỏi được từ sai lầm của bản thân, những kiến thức mà chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ cùng các bạn – những người cùng đam mê chạy bộ. […]

  • […] Ý tưởng thành lập website chay365.com đến từ mong muốn tập hợp những kiến thức về bộ môn chạy bộ đường dài, bao gồm tất cả các lĩnh vực có liên quan như tập luyện, dinh dưỡng, chấn thương, phụ kiện chạy bộ,… Ai cũng có thể chạy, nhưng một số cần học cách chuyển động tốt hơn. Chạy bộ phải thú vị, có hiệu quả, và ít chấn thương. Việc tăng thành tích có thể được tích lũy bằng cách hoàn thiện kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng, các bài tập, chứ không chỉ đơn thuần bằng việc luyện tập nặng hơn. Có nhiều kiến thức chúng tôi học hỏi được từ sai lầm của bản thân, những kiến thức mà chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ cùng các bạn – những người cùng đam mê chạy bộ. […]

  • […] người, khi bước chân vào lãnh địa của đam mê chạy bộ, hầu như đều nỗ lực thực hiện 1 hoặc cả 2 […]

  • >
    0 Shares