Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nicholas Thompson, Tổng Biên Tập Tạp Chí WIRED (Kỳ 1)

Sau 20 năm thi đấu trong chạy bộ đường trường, tôi đã chạy được cuộc marathon nhanh nhất. Tất cả chỉ gồm có kĩ thuật, tập luyện và sự thấu hiểu chính cuộc đời mình.

I.

Chạy bộ là môn thể thao đơn giản nhất: chân phải, chân trái, rồi lại chân phải. Nhưng trong chính sự đơn giản lại hàm chứa điều phức tạp. Chẳng có trái bóng để tập trung tư tưởng vào, chẳng có tấm thảm để tiếp đất, cũng chẳng có ai lao sầm sập về phía bạn với cú húc vai hung tợn. Vì vậy, tâm trí của bạn tập trung vào bên trong. Khi chạy bộ, bạn là chính bạn – chân phải, rồi chân trái, tranh luận giữa bẩm sinh và nuôi dưỡng, hay bất kì điều gì khác trong tâm trí bạn.

Mối liên hệ giữa tôi với chạy bộ bắt đầu ở Bacone, Oklahoma, vào khoảng giữa thập niên 1940. Cha tôi, Scott Thompson, lớn lên ở đây. Ông là cậu con trai thẹn thùng, lạc lõng của một mục sư độc đoán theo dòng Baptist. Ông nội tôi, Frank Thompson, mạnh mẽ, oai vệ như cây sồi với lông mày chổi xể. Ông là một nhà vô địch Găng Vàng trong làng đấm bốc, và ông muốn cậu con trai duy nhất của mình cũng phải say mê thể thao. Thế nhưng, cha tôi lại vụng về và chẳng quan tâm đến mấy trò vận động. Ông chỉ muốn đọc sách và nghe bản The Marriage of Figaro (Cuộc hôn nhân của Figaro, một bản opera của Mozart). Cuối cùng, cha tôi bỏ trốn khỏi ngôi nhà bất hạnh của ông và học tại một ngôi trường nội trú ở Andover, Massachusetts. Ông bí mật đăng kí dự học và tự trả phí nhập học bằng tiền kiếm được từ công việc phát báo. Ông học hành tấn tới và nhận được học bổng đi học ở trường Stanford và một học bổng Rhodes để học tại trường Oxford. Bạn bè ông thời đó nhớ đến ông như một con người đầy năng lượng, khôn ngoan và có uy tín. Sau khi gặp cha tôi ở trường đại học năm 1960, John F. Kennedy từng được trích dẫn trên tờ The Saturday Evening Post rằng Scotty Thompson có thể vào được Nhà Trắng trước cả ông.

Sau khi học xong, cha tôi kết hôn với mẹ tôi và bắt đầu một cuộc sống trưởng thành năng động, tham vọng và nhiệt huyết. Ông ngủ rất ít; ông bắt đầu xuất bản sách và trở thành một giảng viên chính thức tại trường đại học; ông lên các kế hoạch để tham gia chính trường. Nhưng ông cũng bắt đầu uống quá nhiều rượu, hút quá nhiều thuốc và đi ra ngoài quá nhiều. Khi tới gần 40 tuổi – một độ tuổi mà như ông thường nói là cuộc đời của tất cả đàn ông đều sụp đổ – ông cảm thấy cần phải lập lại kỉ cương sau chuỗi ngày bát nháo. Như ông sau này nói với tôi, chạy bộ là môn thể thao hiếm hoi mà bạn hầu hết chỉ thi đấu với chính bản thân mình. Bạn có thể học hỏi được mà chẳng cần thất bại. Đó cũng là một điều mà cha tôi cảm thấy không làm ông nội tôi thất vọng.

Scott Thompson, cha của Nicholas Thompson

Năm 1980, khi cha tôi bắt đầu xỏ giày chạy bộ, tôi mới 5 tuổi, và như một lẽ tự nhiên, tôi muốn được lẵng nhẵng đi theo. Tôi vẫn nhớ ông lái xe lòng vòng quanh khu nhà chúng tôi ở, ngay ở ngoại ô Boston, mắt ông gắn chặt lấy công-tơ-mét. Xuất phát từ cửa trước bên cạnh mấy cây hoàng dương, rẽ trái rồi rẽ trái tiếp. Đi đủ 2 vòng quanh khu nhà, rồi ở vòng thứ 3 thì dừng lại ở cánh cổng chỗ hàng rào ngay sau cây dẻ. Đó là tròn 1 dặm. Tôi vẫn nhớ chiến công chạy đủ toàn bộ quãng đường này bên cha. Ông bị ám ảnh bởi thể hình của bản thân, và thường kèm tôi tập hít đất ở sân sau, cũng như gập bụng với một miếng tạ kim loại tròn mà ông cất dưới gậm giường. Ông bắt đầu tham gia các cuộc đua. Trên tường phòng ngủ của tôi có treo một tấm ảnh của ông hồi đó, đang chạy một giải 5 dặm ở Maine. Ông mặc một chiếc áo phông polo Lacoste màu đỏ và xỏ đôi tất có thể kéo dài lên đến đầu gối, nhưng lại bị kéo tụt xuống tận mắt cá.

Hai năm sau, tôi đi tới New York để xem ông chạy marathon. Lúc này, cha mẹ tôi đã ly hôn, và cha tôi đã chuyển tới ở Washington, DC. Ở đây, ông kiếm được một công việc tốt – nhưng ông không đi theo đúng con đường của John Kennedy. Ông là phó giám đốc Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, chính ông là người đưa các chính sách Chiến tranh lạnh của Ronald Reagan ra thế giới. Ông sống ở Dupont Circle và chạy bộ 12 dặm, 6 dặm xen kẽ nhau các buổi sáng. Ông đã chạy rất khá. Tôi ngóng tìm ông giữa biển người mồ hôi nhễ nhại mặc quần đùi chạy dọc theo cây cầu Queensboro. Ông trông thấy tôi và chạy lách về lề đường. Tôi đưa cho ông một cốc nước cam và một đôi giày chạy mới. Ông uống hết nước, buộc dây giày, mỉm cười rồi hối hả chạy đi. Mục tiêu của ông là hoàn thành dưới 3 tiếng, và ông suýt đạt được mục tiêu đó: 3:01:19. Tôi lúc đó không hiểu rõ lắm về môn thể thao này – hay nói rõ hơn là những cơn đau về thể xác hay các yếu tố thời gian của nó – suốt nhiều năm trời, tôi đã băn khoăn không hiểu sao ông không chạy nước rút khi về đích.

Sau cuộc đua, ông thề sẽ chạy nhanh hơn trong lần sau. Nhưng cuộc đời không diễn ra theo hướng đó. Không lâu sau, cha tôi tuyên bố là người đồng tính. Trước đó, ông nhận kết quả dương tính với HIV. Đó là khoảng thời gian khởi đầu cho những năm hoành hành của căn bệnh này. Khi đó, đối với ông, chạy được nhanh hơn chẳng còn là ưu tiên nữa rồi.

II.

Tôi bắt đầu thực sự chạy bộ ở tuổi 15, không lâu sau khi bị loại trong đợt tuyển lựa vào đội tuyển bóng rổ của trường Andover, trường cũ của cha tôi. Khi đó, sự tự tin của tôi đang ở mức thấp tồi tệ. Mặt tôi nổi mụn, tôi là con mọt sách, và lần đầu tiên tôi rời xa vòng tay yêu thương và chăm sóc của mẹ, người đã kiên cường nuôi dạy tôi cùng hai chị gái sau khi cha tôi chuyển đi. Tôi thấy chới với và cảm tưởng như đang mắc kẹt ở một nơi không quen thuộc. Một kí ức vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi như một hình ảnh ẩn dụ miêu tả quãng thời gian đó: Một buổi chiều, tôi đang trong phòng ăn của một căn nhà thuộc khuôn viên trường, lặng lẽ chuẩn bị cho bài kiểm tra môn sinh học, trong khi đó một trong số các bạn cùng kí túc xá của tôi – một ngôi sao trong đội bóng bầu dục – đang đứng hôn nhau với một nàng nào đó, dựa lưng ngay phía bên kia cánh cửa ra vào.

Học sinh năm thứ hai buộc phải chơi thể thao, và đội điền kinh trong nhà vẫn đang chấp nhận các thành viên cơ nhỡ. Vì vậy, tôi lần mò đến đó và nói với huấn luyện viên rằng muốn tham gia. Ông cho tôi đi chạy 2 dặm cùng với đám nam sinh khác, và trong vài cuộc đua đầu tiên, tôi đã hoàn thành 21 vòng quanh đường chạy hình ô-van ngay sát dưới 12 phút, tức là ở mức trên trung bình một chút. Huấn luyện viên nhìn thấy tiềm năng của tôi và cho tôi đi dự giải New England Prep School championships (Giải vô địch các trường dự bị đại học ở New England – ND). Và rồi, vào một ngày kì diệu tháng 2 năm 1991, tại một ngôi trường có tên gọi Moses Brown, tôi phát hiện ra một vũ khí mình vẫn sở hữu mà không hề hay biết.

Đường chạy hôm đó có kích thước bất thường, vì vậy, tôi không hình dung được ý nghĩa các quãng thời gian mà họ xướng lên sau mỗi vòng. Tôi đã băn khoăn không hiểu có nhầm lẫn gì không khi thời gian dặm đầu tiên của tôi được thông báo là 5:25 (khoảng pace 3:21/km – ND), là thành tích tốt nhất của tôi từ trước cho đến thời điểm đó. Tôi về đích thứ năm với thời gian kỉ lục cấp khối lớp 10 phút 48 giây. Cậu bạn ngôi sao bóng bầu dục đọc được tin này trong tờ báo trường và đã chúc mừng tôi. Tôi đã luyện tập khá chăm chỉ, nhưng bạn không thể thiết lập các kỉ lục nhờ vào 2 tháng tập luyện các bài tập giống hệt những người khác. Rõ ràng là gien di truyền của tôi có vai trò trong chuyện này.

Trong khi đó, cha tôi được trao cho cơ hội thứ hai, thứ cơ hội giá trị nhất đối với một con người. Một năm sau khi chẩn đoán có bệnh, ông tham gia vào một nghiên cứu về những người nam giới bị dương tính HIV chỉ để được thông báo là kết quả chẩn đoán ban đầu của ông bị sai; ông không bị nhiễm HIV. Nhiều năm sau, ông kể lại với tôi rằng án tử hình đầu tiên chính là thứ đã khiến ông có thể sống thực sự. Trước khi bị buộc phải thực sự đối mặt với ý nghĩa của cái chết, các lựa chọn tình dục của ông là vô tội vạ. Tuy nhiên, những tháng ngày chạy bộ thi đấu của ông đã trôi qua. Khi tôi bắt đầu thực sự chơi môn này trong trường cấp ba thì cha tôi đã bước sang độ tuổi 50, và cái lưng, đầu gối cũng như các móng chân thường xuyên bầm tím đã không cho phép ông chạy dài hơn vài dặm. Vì là người thích làm mọi việc đến nơi đến chốn hoặc là thôi luôn chẳng làm, nên ông đã cất các đôi giày chạy.

Lũ con trai tiến bộ gần như theo đường thẳng trong môn chạy bộ cho tới khi chúng trở thành người lớn. Nếu bạn tập luyện đều đặn, các hooc-môn của bạn sẽ hoà chung nhịp điệu với cơ bắp. Chỉ cần thêm vào đó chút tự tin là bạn sẽ có một vòng lặp với các tín hiệu trả về tích cực: Tốc độ đem lại lòng tự tin, lòng tự tin đem lại tốc độ. Đến năm học cuối, tôi đã là một nhà vô địch chạy đua đường track cấp trường dự bị đại học ở New England và sau đó tới Stanford học rồi chuẩn bị tham dự PAC-10 (Hội nghị thể thao 10 trường đại học bờ Thái Bình Dương – ND). Nhưng xu thế tiến bộ chỉ duy trì được nếu bạn lành lặn, khoẻ khoắn. Mùa hè trước khi tôi vào đại học, tôi tăng tổng cự li chạy hàng tuần từ 35 dặm lên khoảng 70 dặm (khoảng 56km lên khoảng 112km – ND). Chân tôi trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng rồi chúng cũng bị bào mòn. Tôi vào trường đại học với một vết rạn do áp lực ở ống đồng trong khi trước mắt có bao nhiêu giải chạy việt dã. Vài tháng sau, ngay khi tôi rón rén thử tập trở lại thì một bác sĩ bảo rằng tôi bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Mùa hè năm sau đó, tôi đi bơi trong một vùng nước ô nhiễm và bị viêm gan. Tôi nhận ra rằng có điều gì đó không ổn trong một buổi chạy trong rừng ở Northeast Harbor, Maine, tôi dừng lại bên một thảm rêu và thấy nước tiểu của mình chuyển thành màu đen.

Từ bỏ đội điền kinh quả là khó khăn, nhưng không chạy nữa lại rất dễ dàng. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng mức độ tập trung để tham dự thể thao Cấp độ 1 của Hiệp hội điền kinh đại học cấp quốc gia (NCAA Division I) sẽ khiến những dự định trong trường đại học của tôi bị thu hẹp lại. Khi không tập luyện trên đường track, tôi có thời gian để làm biết bao việc khác, bao gồm cả chơi ghita đệm hát. Vì vậy, mùa thu sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển đến một trang trại ở New Hampshire để tập trung cho âm nhạc.

Tuy nhiên, mùa hè năm đó, một hôm khi đang ngồi dựa lưng vào một bức tường đá granite, tôi quyết định trở lại với chạy đua. Tôi đang cố lần tìm sâu vào bên trong con người mình vì ở bên ngoài chẳng còn gì nhiều đang diễn ra nữa. Tôi như bị giáng một cú rất nặng khi nhận ra mình chơi ghi-ta không đủ giỏi để biến nó thành sự nghiệp. Tôi cũng chẳng bị phân tán tư tưởng bởi bạn bè, hội hè hay trường lớp. Tôi cần phải làm điều gì đó. Điều nảy ra trong đầu tôi là tôi sẽ theo đuổi mục tiêu của cha và biến nó thành mục tiêu của chính bản thân mình: chạy một cuộc marathon trong thời gian 3 tiếng. Tôi thậm chí còn rủ ông cùng làm điều đó, nhưng ông ngần ngại. Chương trình tập luyện của tôi bao gồm vài buổi chạy mỗi tuần và đi bộ trên thảm lá cây phong đường vào những ngày còn lại. Tôi hoàn toàn chẳng biết gì. Tôi đăng kí thăm dự một giải marathon ở Providence và lê lết qua vạch đích với thời gian 3 giờ 18 phút.

Trong suốt cả thập kỉ tiếp theo, tôi tập luyện cắc bụp và thỉnh thoảng tham dự các giải marathon, đồng thời bắt đầu sự nghiệp báo chí, một công việc khiến tôi cứ vài năm lại phải chuyển nhà một lần – từ New Hampshire tới Tây Phi, rồi thủ đô Washington, rồi tới New Haven. Tôi bỏ dở giữa chừng một cuộc marathon ở dặm thứ 23 vì đau đầu gối. Cha tôi, người rất yêu sở thích mới này của tôi, đã bị tôi bỏ lại đứng chờ một mình ở vạch đích. Tôi bỏ lỡ một giải marathon khác khi tôi đang cùng cha tôi đi xuống phía nam bang Virginia trong buổi sáng trước giải thì xe xịt lốp. Giải marathon mà tôi chạy nhanh nhất là ở Maryland với thời gian 3:07, đúng vào năm xảy ra vụ bắn tỉa (tháng 10 năm 2002, xảy ra một loạt các vụ giết người ngẫu nhiên bằng súng bắn tỉa tại thủ đô Washington, Maryland và Virginia – ND). Đến cuối độ tuổi 20, mục tiêu marathon 3 tiếng đối với tôi dường như đã là không thể.

Nhưng rồi, tôi mua một cuốn sách có tên là Advanced Marathoning (Marathon cao cấp – ND) và biết được những điều cơ bản về môn thể thao này. Chạy các chặng dài hơn 20 dặm nhiều lần quả thực có hiệu quả. Chạy tối thiểu 6 buổi một tuần quả thực là cần thiết, và trong số các ngày chạy đó, cần phải có những buổi chạy căng đến mức đau đớn. Cuối cùng, trên một đường chạy vòng lặp ở Delaware, ở độ tuổi 29, tôi đã chạy được cuộc marathon với thành tích 2:57. Cha tôi đặt mua một bức ảnh phóng to cảnh tôi vượt qua vạch đích. Mùa hè năm đó, tôi chuyển đến sống tại thành phố New York và gia nhập Câu lạc bộ điền kinh công viên Trung tâm (Central Park Track Club). Sáu tháng sau, tại giải New York City Marathon, tôi hoàn thành đường đua trong 2 giờ 43 phút, về đích thứ 146 trong số 37.000 người tham dự. Tôi chưa đạt trình độ elite (vận động viên cao cấp – ND), nhưng tôi đã gần tới mức mà dân chạy bộ gọi là “sub-elite” (cận cao cấp – ND): cấp độ của những người giành được các giải thưởng kiểu phiếu tặng quà cửa hàng Dick’s Sporting Goods tại các giải chạy địa phương.

Tôi cảm thấy mạnh mẽ và khoẻ khoắn. Tôi 30 tuổi và mới kết hôn với người phụ nữ tôi yêu hồi đại học. Cô chuyển tới New York sau khi tốt nghiệp và bắt đầu một sự nghiệp vừa làm vũ công chuyên nghiệp và là giáo viên dạy nhảy. Cuối cùng chúng tôi cũng về sống cùng với nhau. Tôi bắt đầu một công việc rất tuyệt là biên tập viên ở tạp chí WIRED và bắt đầu viết một cuốn sách. Trong khi đó, cha tôi bắt đầu bê bối. Sự nghiệp của ông chững lại, và đi đến đâu ông cũng mang theo mấy trang bản thảo ông đang viết dở dang, nào là sách lịch sử, tiểu thuyết, hồi kí hoặc truyện tình ái. Ông cũng bắt đầu bị ám ảnh về tình dục và dành nhiều giờ mỗi ngày để trò chuyện trên các trang hẹn hò đồng tính nam. Ông thường xuyên trích dẫn Carl Jung (một nhà tâm lý học và phân tâm học người Thuỵ Sĩ – ND) và nói rằng ông đang tự giải toả bản thân khỏi ám ảnh thời tuổi trẻ bị đàn áp. Ông chậm kê khai thuế thu nhập cá nhân đến bốn năm trời.

Sau giải marathon ở New York, tôi phát hiện mình mắc bệnh. Bác sĩ kiểm tra theo quy trình thông thường. Nhịp tim của tôi thấp và phản xạ của tôi bình thường. Nhưng khi đặt tay lên cổ tôi, ông phát hiện ra một cục u. Tôi phải đến để thực hiện thêm các xét nghiệm. Cha tôi vẫn thường nói: “Những kẻ mà đức chúa trời định huỷ diệt, trước tiên, họ thường thấy nhiều điều hứa hẹn”, một dị bản lời răn dạy từ cổ xưa mà ông cho rằng có thể giải thích được những thời điểm đen tối trong cuộc đời ông. Tin dữ giáng đòn nặng nhất khi mọi việc đang diễn ra suôn sẻ.

Tôi ngừng tập luyện vì đầu gối phải bị đau, và tôi cũng không muốn nghe những lời cấm đoán không được chạy giải. Lo lắng đó trở nên khôi hài khi kết quả xét nghiệm ngày càng trở nên tệ hơn. Bác sĩ bảo tôi cần phải đi siêu âm và làm sinh thiết. Và tin tiếp theo là tôi phải phẫu thuật: Một bác sĩ với cái tên không thể phù hợp hơn, bác sĩ Cutter (Cắt xẻo – ND) sẽ mổ banh cổ tôi ra để xem cục u nhỏ bé đó thực sự là gì. Cuộc phẫu thuật đầu tiên cho kết quả chẩn đoán: Ung thư tuyến giáp. Sau đó là một cuộc phẫu thuật nữa. Sau đó, tôi được cho một viên thuốc có chứa phóng xạ và được yêu cầu cách ly một tuần trong căn hộ. Vợ tôi hàng ngày đến và để súp cho tôi ở bậu cửa.

Căn bệnh ung thư tuyến giáp của tôi thuộc loại có khả năng cao chữa khỏi được, và trong những tháng tiếp theo, tôi hồi phục chậm chạp. Ban đầu, tôi bước ra khỏi căn hộ và phải gắng gượng mới đi bộ lên dốc qua được một dãy nhà từ căn hộ của chúng tôi ở Brooklyn để đi tới công viên Prospect. Nhưng rồi theo đúng tiến trình hồi phục, tôi bắt đầu đi bộ được khắp nơi và cuối cùng cũng chạy bộ được. Vào một ngày đầy vinh quang, tôi đã chạy được 10 dặm và trò chuyện đầy lạc quan với vợ tôi về chuyện có con. Sức khoẻ trở lại nhanh hơn tôi mong đợi. Chín tháng sau lần chẩn đoán bệnh, tôi đã chạy được 15 dặm tốc độ chậm trên vùng núi Aspen, Colorado và bật khóc khi từ đỉnh núi cuối cùng đi xuống. Sáu tháng sau đó, tôi chạy ba vòng quanh đường chạy vòng tròn trong công viên Prospect, về nhất trong một giải đua 10 dặm, chiến thắng đầu tiên kể từ thời học cấp ba. Không lâu sau đó, tôi trở lại với lịch tập marathon từ trước. Tháng 11 năm 2007, tôi chạy giải New York City Marathon nhanh hơn 13 giây so với thành tích năm 2005, ngay trước khi tôi phát hiện bệnh.

Nicholas Thompson

Trong 10 năm tiếp theo đó, tôi cứ chạy, chạy mãi. Tôi tham gia 10 giải marathon và hoàn thành hầu hết các giải này trong khoảng thời gian từ 2:42 và 2:46. Hầu hết các năm, tôi đều chạy ở New York, nhưng sau khi giải bị huỷ vì cơn bão Sandy, tôi đăng kí tham dự giải chạy có đường đua phẳng hơn là Philadelphia Marathon và vượt qua vạch đích với thời gian 2 giờ 39 phút. Trong tất cả các giải chạy này, điều ổn định duy nhất là tôi luôn hoàn thành đường đua. Trong giải này thì tôi xuất phát quá nhanh, còn giải khác thì tôi lại xuất phát quá chậm. Tôi ngủ ngon trước một vài giải chạy. Có một năm, tôi đi tới vạch xuất phát sau khi thức gần trắng đêm để nựng nịu nhóc con 3 tháng tuổi trên đùi, đứa thứ 2 trong số 3 đứa con trai giúp hình thành nên gia đình chúng tôi.

Tháng Giêng năm 2017, tôi bắt đầu công việc mới là tổng biên tập tạp chí này (tạp chí WIRED – ND). Cha tôi gửi cho tôi một bức thư dài thể hiện rằng ông tự hào đến nhường nào. Thời gian đó, ông đã sang châu Á và tiêu xài phung phí khoản tiền của mình. Sau mỗi thảm hoạ về tài chính, ông lại di chuyển đến sống ở vùng đất nghèo hơn để có thể giữ được mức sống tương đương với lúc trước. Lúc này, ông đang sống ở Philippines, bên một cái hồ ở tỉnh Batangas, gần như là nơi cách Bacone, Oklahoma xa nhất. Ông nói rằng ông vẫn khoẻ. Trong một bức e-mail, ông viết: “Bố hi vọng sẽ luôn gửi những tin tức tốt đẹp về một cơ thể khoẻ mạnh (trên thực tế, bác sĩ tim mạch của bố thường xuyên mắng y tá vì mang nhầm phim chụp X-quang của một người đàn ông 55 tuổi). Marathon đúng là một sự đầu tư đúng đắn.”

Hai tuần sau, ông bị một cơn đau tim. Ông không kịp đến bệnh viện và qua đời ở tuổi 75. Ông bị đốn ngã bởi cùng nguyên nhân và ở cùng độ tuổi của cha mình. Tôi đi tới Philippines để chôn cất ông. Trong phòng ngủ của ông, tôi tìm thấy một bài thơ tôi viết hồi lớp hai về chuyện được chứng kiến ông chạy dọc cây cầu Queensboro.

(Còn tiếp)

Link tới kỳ 2

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

  • Đinh Linh says:

    Đọc những bài dịch của Quốc về chạy bộ lúc nào cũng thấy sảng khoái như được uống một ly nước mát lạnh giữa mùa hè nóng nực

  • Thang says:

    Hay!

  • […] Bộ Từ Thiện 5 loại chấn thương bàn chân thường gặp khi chạy bộ Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nic… Những Người Chạy Marathon Sub3 (Phần 2) Huyền thoại Sir Roger Bannister […]

  • >
    79 Shares