• You are here:
  • Home »
  • Nhật ký »

Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nicholas Thompson, Tổng Biên Tập Tạp Chí WIRED (Kỳ 3)

Nicholas Thompson – chạy bộ đi làm

IV.

Bài toán làm thế nào để chạy được tốt hơn khi nhẩm tính ban đầu thì khá là đơn giản. Một thành tố là sức mạnh của cơ thể: khả năng bạn hấp thụ oxy và đưa nó tới các cơ bắp. Tiếp theo đó là tính hiệu quả của bạn trong khi chạy: chủ yếu là bạn vận chuyển oxy hiệu quả đến mức nào khi chạy ở một tốc độ nhất định. Tiếp đó là cân nặng của bạn. Để cải thiện hai yếu tố đầu tiên, bạn cần tập chạy căng hơn, chạy hiệu quả hơn và tránh chấn thương. Để giảm khối lượng cơ thể, bạn cần ăn nhiều rau chân vịt hơn và ăn ít kem đi.

Vậy thì tại sao người chạy bộ vẫn gặp các giới hạn? Và tại sao các giới hạn của từng người lại khác nhau? Một phần là các yếu tố sinh lý: mức độ oxy trong máu, lactate, sức mạnh cơ bắp, và từng yếu tố lại chịu tác động một phần của di truyền. Nhưng còn có một giả thuyết khác, được nêu ra bởi một nhà sinh lý học thể thao tên là Tim Noakes. Ông ta nói rằng, trong cái mà ông gọi là mô hình điều khiển trung tâm, một phần lý do chúng ta chậm đi là do bộ não của chúng ta bảo cơ thể phải dừng lại vì nó cảm thấy sợ. Nó không muốn bạn bị quá nhiệt hay bị một vết rạn do áp lực ở xương ống chân, vì vậy, nó chủ động đạp phanh từ trước. Nếu thuyết của Noakes là đúng thì có nghĩa là giữa tâm trí và cơ thể có một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tất cả chúng ta đều có thể chạy nhanh thêm. Ta chỉ cần phải thuyết phục não của mình đừng có bắt đầu quá trình đóng ngắt vô thức ngay từ sớm. Nhưng thứ duy nhất ta có thể dùng để đánh lừa bộ não lại chính là bộ não. Việc tập luyện trở thành trò chơi trốn tìm với chính bản thân. Khi nhớ lại ngày đó, khi tôi chạy trên đường track ở Moses Brown, tôi băn khoăn không hiểu liệu mình có thể chạy được nhanh như vậy không nếu như biết được tốc độ của mình ngay từ sớm. Nếu biết được mình đang chạy nhanh đến mức nào, rất có thể não tôi đã ngắt mạch.

Điều này cho thấy sự khôn ngoan ranh mãnh đến tài tình trong các bài tập của Finley. Anh ta thường xuyên bắt tôi chạy các quãng lặp 400 mét, hoặc thậm chí là các quãng lặp 200 mét. Tại sao lại như vậy? Đó là để chân tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng đó cũng là để cơ thể và tâm trí tôi làm quen với các tốc độ chạy cao hơn và giúp tôi đỡ sợ hãi chiếc đồng hồ. Nếu bạn từng chạy được tốc độ 4:40/dặm dù là ở bất kì cự li nào thì bạn vẫn sẽ đỡ lo lắng hơn khi nhìn thấy tốc độ 5:30/dặm xuất hiện trên đồng hồ trong một giải đua 10 dặm. Tuy vậy, anh ta không thể cho tôi biết điều này. Anh ta phải giúp một phần bộ não của tôi đi trốn, trong khi phần kia đang học cách đi tìm.

Hồi phục sau khi chạy giải Boston xong, tôi nói chuyện với Finley về một mục tiêu mới: phá ngưỡng 2 giờ 30 phút trong giải Chicago vào mùa thu tới. Anh ta lên kế hoạch các bài tập một cách có phương pháp để tôi có thể thay đổi cả về sinh lý và tâm lý. Tôi duy trì một file Google doc trong đó Finley ghi rõ tất cả mọi thứ, ví dụ như: “6 x 1 dặm với 90 giây nghỉ, với thời gian lần lượt là 5:50, 5:45, 5:40, 5:30, 5:25, 5:20.” Vào các ngày Thứ Ba, tôi sẽ chạy các quãng lặp dài và nặng. Vào các ngày Thứ Năm, tôi sẽ chạy các quãng lặp ngắn nhưng cường độ còn cao hơn. Vào mỗi Chủ Nhật, tôi chạy dài nhưng với tốc độ vừa phải.

Chúng ta chậm dần vì ta già đi và cơ thể ta suy yếu. Nhưng tôi tin rằng chúng ta chậm đi còn vì thời gian trong ngày của ta bị lấp kín. Công việc của tôi là một chuỗi không ngừng các khủng hoảng và những tình huống khó khăn đến bất khả; và làm cha của ba đứa nhỏ cũng chẳng khác gì. Chẳng còn chút thời gian nào như tôi từng dành cho các sở thích hồi tuổi đôi mươi nữa. Cậu bạn thân nhất của tôi từ thời mẫu giáo – một nhạc công kèn trumpet chuyên nghiệp – đã khổ sở chỉ ra rằng những năm tháng tôi chạy nhanh chính là những khoảng thời gian tôi chẳng viết được bản nhạc nào ra hồn.

Thật may, chạy bộ lại là thứ sở thích tuyệt diệu đối với những người bận rộn, vì nó chẳng tốn nhiều thời gian. Môn thể thao này thật đơn giản, chẳng có bài vở hay các động tác khó nhằn phải học. Và nó khiến bạn mệt nhoài, nghĩa là cơ thể bạn cũng chỉ được nhiêu đó thôi. Một vận động viên tennis cao cấp phải dành tới 40 giờ mỗi tuần trên mặt sân. Trong khi đó, lịch tập của một vận động viên chạy bộ hàng đầu cũng chỉ khoảng 12 giờ. Trong các tuần tập luyện căng nhất của tôi, tôi chỉ chạy tổng cộng khoảng 8 tiếng đồng hồ. Từng đó là nhiều lắm rồi. Nhưng hơn nửa quãng thời gian đó là chính là thời gian tôi di chuyển đi làm. Tôi đưa lũ trẻ đến trường rồi chạy bộ tới Manhattan. Sau khi xong việc, tôi chạy về nhà ở Brooklyn, về đến nhà trước 7 giờ tối. Vợ tôi hoặc người giúp việc đã đón lũ nhỏ và bắt đầu các công việc buổi tối. Buổi chạy sáng Chủ Nhật của tôi thường bắt đầu trước khi lũ trẻ thức dậy. Vì đã dành cả đời cho môn khiêu vũ nên vợ tôi hiểu được giá trị của việc tập luyện thể lực – nhưng cô ấy vẫn mong tôi trở về sau các bài chạy dài vào lúc 7:30 chứ không phải 8:00, và điều này cũng có thể thông cảm được.

Đôi khi tôi nghĩ rằng mọi thứ trong cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu tôi cất bỏ mấy đôi giày chạy. Nhưng tôi lại thường hay nghĩ ngược lại hơn. Với một công việc nhiều áp lực thì dành chút thời gian buộc mình phải ra ngoài trời để hít thở lại là điều có ích. Và tôi cũng đã hình thành một niềm tin rằng giữ kỉ luật ở một phần này trong cuộc sống giúp cho việc giữ kỉ luật cho phần khác trong cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Rất có thể công việc khó khăn của tôi sẽ còn trở nên nhọc nhằn hơn nữa nếu tôi không chạy bộ. Rất có thể cha tôi đã có cuộc sống tốt hơn nếu như ông bắt đầu chạy bộ sớm hơn chút nữa.

Trong những ngày nối tiếp cái chết của cha, tôi viết cho các con mình một bức thư kể về ông. Bức thư đó cũng dài ngang ngửa với bài viết này. Tôi sẽ đưa bức thư này cho chúng khi chúng lớn lên. Tôi muốn chúng hiểu rõ về một người mà chúng chỉ biết đến trong đoạn đời cuối cùng, yếu đuối và bệ rạc của ông. Dĩ nhiên, bức thư đó tôi viết cho cả chính mình nữa. Như những người tôi yêu thương nhất vẫn biết, tôi dành trọn đời mình để vừa đi theo cha và cũng vừa tránh trở thành người như ông. Tôi có cùng gien di truyền với ông về chạy bộ, và thừa hưởng cả phần lớn tính cách của ông nữa. Nhưng phần di truyền về khả năng dễ nghiện rượu tôi cũng được thừa hưởng luôn. Và cơn cuồng loạn của Vua Lear lúc cuối đời nữa? Tất cả gồm có bản chất, sự nuôi dưỡng và hoàn cảnh. Tôi hiện đang tiến gần tới độ tuổi mà mọi thứ bắt đầu xảy ra với cha tôi.

Tôi gửi một bản thảo sơ kì của bài viết này cho chị gái tôi, và chị đã thấy được một thứ mà rõ ràng là tôi còn chưa xác định được. “Chạy bộ đã chẳng giải quyết được chuyện gì cho Cha. Em đã có một cuộc hành trình dài hơi hơn với nó, và em đang sử sụng nó theo những cách có hiệu quả hơn rất nhiều. Nhưng chị vẫn có một cảm giác đau đáu rằng câu chuyện của em về nhu cầu được theo dấu chân ông (trường học, môn chạy bộ) và nhu cầu lớn không kém về việc không rơi vào vết xe đổ của ông (sự thái quá, sự lụi tàn, sự vô trách nhiệm và thất bại) còn đan quyện vào nhau phức tạp hơn nữa.”

New York Marathon

V.

Buổi sáng ngày chạy giải Chicago Marathon 2019, tôi uống cơ man nào là nước ép củ cải đường và vì không có đủ dao dĩa, tôi phải dùng con dao nhỏ trong cái mở nắp chai rượu của khách sạn để phết bơ lạc lên cái bánh mì vòng. Tôi uống nước, rồi lại nhả bớt nước bằng cách uống cà phê, rồi lại uống thêm nước nữa. Sau đó, tôi ra vạch xuất phát. Finley cũng tới, và anh ta, cùng con trai cả của tôi và em gái tôi, cùng các con của nó chia nhau ra đứng dọc đường chạy để cấp nước cũng như gel năng lượng cho tôi theo đúng chiến thuật. Trước khi chạy, tôi thoáng bị ám ảnh bởi thực tế là mình đã mua hai chiếc tất có kích thước hơi khác nhau, nhưng về tổng thể, tôi cảm thấy tự tin. Nếu ngày hôm đó diễn ra hoàn hảo thì ngưỡng 2:30 là khả thi.

Thế rồi, khi tiếng súng lệnh nổ và mọi sự trở nên hỗn loạn. Các toà nhà chọc trời ở Chicago đã đầu độc chiếc đồng hồ GPS, còn thiết bị đo nhịp tim của tôi cũng lên cơn luôn. Finley muốn tôi chạy nửa đầu với tốc độ 5:45/dặm (3:34/km – ND). Tôi thì muốn nhịp tim của mình ở mức dưới 140. Nhưng chạy được khoảng ¾ dặm đầu tiên, đồng hồ tôi lại hiển thị rằng tôi đang chạy với tốc độ 4:40/dặm (2:53/km – ND) và nhịp tim của tôi thì đang là 169. Tôi chạy hết dặm đầu tiên, trôi dạt mà chẳng có trợ giúp về công nghệ – một vật trong sở thú bị thả về thiên nhiên hoang sơ. Nhưng khi tôi nhìn chiếc đồng hồ ở cột mốc chỉ dặm đầu tiên: con số 5:45 hiện ra. Trong 3 dặm tiếp theo, tốc độ của tôi giữ nguyên như cũ. Đồng hồ của tôi lên cơn say xỉn, nhưng tôi vẫn duy trì tốc độ ổn định. Thỉnh thoảng, cũng giống như ở mọi giải đua khác, tôi cảm thấy kiệt sức, hoang mang và chỉ chực nôn ra hay bỏ cuộc. Nhưng rồi tôi lại cố gắng hít thở, thả lỏng và nghĩ càng ít càng tốt.

Tôi vượt qua nửa đầu với thời gian 1:14:59 và bắt đầu nâng tốc độ lên một chút. Ở dặm thứ 22, một phần bộ não tôi đang ăn mừng vì có khả năng tôi sẽ phá được ngưỡng 2:30, còn nửa kia lại đang vẽ ra tất cả những điều không hay có thể xảy tới. Thế rồi, ở dặm 25, tôi cố gắng tăng tốc và đột nhiên cảm giác như mình đang chạy với đôi ủng làm bằng bê tông.

Tôi có một thoáng hoảng loạn, kiểu cảm giác khi chiếc xe của bạn bắt đầu bị trượt bánh trên đường phủ băng. Nhưng rồi tôi gắng bình tâm lại, cố gắng tập trung vào việc hít thở và sử dụng một phép thiền định mà tôi thỉnh thoảng vẫn dùng khi đi chạy – đếm số lần chân chạm đất theo từng cụm 3 lượt. Một, hai, ba. Chân phải, chân trái, chân phải. Một, hai, ba. Trái, phải, trái. Tôi nghĩ đến dáng chạy và cố gắng thả lỏng từ phần gáy xuống gót chân và từ xương gò má xuống đầu ngón chân. Tôi tự nhắc mình rằng nếu phải kết thúc với một đoạn nước rút cũng chẳng sao, còn hơn là phải bò về đích.

Đạt được mục tiêu của tôi đồng nghĩa với việc phải chạy một cuộc marathon trong 9000 giây, và tôi vượt qua vạch đích chỉ dư 47 giây vỏn vẹn: 2 giờ 29 phút 13 giây. Ngày hôm đó, có duy nhất một người lớn tuổi hơn tôi về đích sớm hơn. Gia đình tôi gửi biết bao tin nhắn kèm các biểu tượng cảm xúc và tình yêu. Finley chạy ào tới chúc mừng tôi, để cùng ăn mừng, và để thổ lộ rằng khi chứng kiến các bài tập của tôi tuần trước và đoạn cuối cuộc đua hôm nay, anh ta lo ngại rằng tôi đã cố gắng quá mức. Anh ta nói rằng lần đầu tiên thấy tôi trông thực sự kiệt sức. Tôi đã làm được. Tôi đã thành công. Nhưng giờ là lúc để nghỉ ngơi một chút.

Phá ngưỡng sub 2:30 tại giải Chicago Marathon 2019, PR ở tuổi 44

VI.

Trong đám tang của cha tôi, một người bạn của ông kể cho tôi nghe một câu chuyện giữa hai người từ hồi đại học. Ông nội tôi, võ sĩ quyền anh nghiệp dư Frank Thompson, đã tới thăm trường đại học. Khi cha tôi giới thiệu ông với các bạn, ông tôi nói: “Tôi ước gì mình có một đứa con trai khoẻ mạnh và đẹp trai như cậu.” Cha tôi đã dành cả đời mình để trốn chạy khỏi người cha cao to và khoẻ mạnh hơn ấy. Ước vọng của ông nội rằng con trai mình sẽ giỏi thể thao đã khiến con ông từ bỏ thể thao hoàn toàn. Trên thực tế, nhiều thập kỉ sau, cha tôi nói rằng ông chỉ có thể thực sự chạy nhanh sau khi ông nội đã mất. Và thực sự là 2 năm sau khi Frank Thompson qua đời, Scott Thompson mới chạy được một kỉ lục cá nhân marathon, cái ngày mà tại thành phố New York, Nick Thompson đưa cho ông đôi giày và cốc nước cam ép.

Khi nghĩ xem tại sao người ta chạy được nhanh hơn, hay tại sao tôi chạy được sát dưới mức 2 giờ 44 phút ở tuổi 30, và sát dưới mức 2:30 ở tuổi 44, tôi lại nhớ rất nhiều về lời bình luận của cha. Ta chạy được nhanh hơn vì ta tập nặng hơn và cải thiện được khả năng xử lý oxy của các ty lạp thể. Ta chạy nhanh hơn vì tích luỹ được sự khôn ngoan và tuân thủ chương trình luyện tập. Và chúng ta chạy nhanh hơn được còn vì ta phá vỡ những rào chắn trong tâm tưởng mà ta không biết tới – và rất có thể sẽ chẳng vượt qua nổi nếu như ta biết chúng từng tồn tại.

Một phần lý do khiến tôi chạy được nhanh hơn là nhờ công nghệ – những đôi giày, các cảm biến, và cả file Google doc giúp tôi duy trì đúng hướng. Một phần nữa là sự tập trung huấn luyện, dẫn tới tập trung trong tập luyện và tập trung trong hồi phục. Có thể còn có những điều khác mà các con tôi sẽ hiểu ra sau vài thập kỉ nữa mà lúc này tôi chưa nhận ra. Nhưng ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng lý do khiến tôi cứ liên tục thất bại trong việc phá ngưỡng 2:40 những năm độ tuổi 30 là bởi vì tôi không muốn.

Kết quả chẩn đoán ung thư mà tôi nhận được năm tôi bước sang tuổi 30 khiến tôi lần đầu tiên cảm nhận rằng mình có thể bị chết, và điều đó thật đáng sợ. Tôi đã tin rằng ngay cả khi mình có thể sống sót được – mà trên thực tế là đúng như vậy – thì một điều gì đó tồi tệ sẽ lại xuất hiện trong lần tiếp theo khi bác sỹ lại đặt tay lên cổ tôi. Tôi làm việc trong các văn phòng của tạp chí WIRED, hồi đó là ở quảng trường Thời Đại, và tôi thường chạy bộ về nhà ở Brooklyn dọc theo đường xe đạp bên sông Hudson. Tôi không phải là người hay dừng lại dọc đường khi đang chạy, nhưng vào một buổi tối, sau khi nhận kết quả chẩn đoán và trước các ca mổ, tôi dừng bước ở đâu đó ngay phía nam Chelsea Piers và nhìn một cách u ám xuống làn nước sông Hudson lạnh ngắt. Khi đó tôi còn chưa có con, và tôi lo rằng mình chẳng thể nào có con được nữa. Tôi còn trẻ, nhưng lại cảm thấy như mình đang trượt xuống dốc núi. Tôi đứng đó trong khoảng nửa giờ đồng hồ, rồi sau đó lại loạng choạng chạy chầm chậm về nhà. Tôi cứ nghĩ mãi về khoảnh khắc đó, về ý nghĩa của việc mắc bệnh, gần như trong tất cả các giải marathon tôi từng chạy kể từ khi ấy.

Có lẽ, đó là lý do tại sao tôi mắc kẹt lâu đến vậy ở ngưỡng 2:40? Có thể tôi đã chẳng dành những năm tuổi 30 để chạy đua với đồng hồ, mà có thể tôi chỉ dành thời gian để chạy đua với chính bản thân mình, cũng như thời gian trước khi bị bệnh. Và tôi đã hoàn toàn hài lòng chấp nhận kết quả hoà với con người đó càng lâu càng tốt. Tôi đã cảm thấy hạnh phúc vì thoát khỏi bệnh ung thư, hạnh phúc vì có thể làm được điều gì đó để chứng minh rằng mình không chỉ sống sót, mà căn bệnh ung thư đã không làm tôi chậm đi.

Tôi sẽ ngừng lại ở một thời điểm nào đó. Trên thực tế, có thể mùa thu năm 2019 đã là đỉnh cao trong cuộc đời chạy bộ của tôi. Tôi đã phá ngưỡng 2 giờ 30 phút và mãi mãi trong mắt các con tôi, tôi sẽ luôn là người từng có lúc chạy nhanh được trong giây lát. Tôi thậm chí còn giúp truyền cảm hứng cho một trong số chúng tự tập luyện – đứa nhóc 3 tháng tuổi mà có lần tôi nựng nịu trên đùi suốt cả đêm, giờ đã 9 tuổi. Hai tuần sau giải Chicago, nó và tôi cùng nhau hoàn thành vòng lặp 3,35 dặm trong công viên Prospect. Dĩ nhiên, tôi lo lắng rằng không biết mình có đang đặt lên vai nó một gánh nặng. Ta cho con cái của mình gien di truyền và tình yêu, nhưng ta chẳng thể biết cuối cùng chúng sẽ làm gì với những thứ đó. Ông nội đã để lại vết thương trong lòng cha tôi khi cứ cố đẩy con mình vào thể thao; cha tôi lại truyền cảm hứng cho tôi khi dẫn tôi đi chạy vòng quanh khu nhà. Có thể một ngày nào đó, một đứa con tôi sẽ viết một bức thư kể cho tất cả mọi người về áp lực mà cha nó đặt lên vài nó về một thứ mà nó không muốn làm. Hoặc có thể chúng nhận ra rằng chúng cũng yêu thích môn thể thao này, và cuối cùng thì tôi sẽ suốt ngày ngồi uống nước củ cải đường với các cháu nội.

Nicholas Thompson – tổng biên tập tạp chí WIRED

Tôi lại bắt đầu trao đổi với Finley và lại làm một file Google doc khác, với các bài tập tàn nhẫn vào Thứ Ba, Thứ Năm và Chủ Nhật. Liệu tôi còn chạy được nhanh hơn nữa trong cuộc marathon tiếp theo không? Tôi không biết, nhưng chắc chắn là tôi sẽ thử. Tuy nhiên, cả ba đứa con tôi đều rất thực tế về chuyện cứ cố gắng chạy nhanh hơn trong khi cơ thể đang yếu đi mỗi ngày. Chúng hào hứng về chuyện sẽ cảm thấy thế nào khi ở tuổi 18 hay tuổi 28. Chúng đang leo lên ngọn núi còn tôi thì đang đi bộ xuống.

Trong chiếc xe taxi ra sân bay sau giải Chicago, tôi hỏi đứa con trai 11 tuổi rằng mục tiêu tiếp theo của tôi nên là bao nhiêu.

“2:35”, nó nói.

“2:35 á?” Tôi cảm thấy bất ngờ và hỏi lại, vì nghĩ rằng chắc ý nó là chạy nhanh thêm 10 phút.

“Bố vẫn nghĩ là có thể chạy nhanh được như thế lần nữa à?” nó đáp với cặp mắt mở to và nụ cười toét miệng.

(Hết)

Link tới kỳ 2

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

  • […] Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nichola… Tin vui cho runner Hà Nội: Phố đi bộ cuối tuần hoạt động trở lại từ ngày 15/5 Chạy Bộ Cuối Tuần Cùng Chay365 Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nicholas Thompson, Tổng Biên Tập Tạp Chí WIRED (Kỳ 2) Chạy Bộ Ảnh Hướng Tới Cơ Thể Như Thế Nào? Thử Thách Để Thay Đổi – Bài Phỏng Vấn Quý Nguyễn, Người Chạy Bộ Từ Thiện 5 loại chấn thương bàn chân thường gặp khi chạy bộ Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nicholas Thompson, Tổng Biên Tập Tạp Chí WIRED (Kỳ 1) Những Người Chạy Marathon Sub3 (Phần 2) Huyền thoại Sir Roger Bannister chạy 4 phút/dặm: Kẻ chinh phục “Everest điền kinh” […]

  • Thuy says:

    Câu chuyện rất hay và truyền cảm hứng mạnh mẽ. Cảm ơn a Nguyễn Kiến Quốc đã bỏ công sức và nhiều thời gian dịch thuật để nhiều người Việt biết đến câu chuyện này!

  • >
    1 Shares