10 năm Chay365 – 10 tấm ảnh kể chuyện

Lời dẫn:

Chay365 lên 10 tuổi. 10 năm ngắn ngủi thôi, nhưng cũng kịp lưu giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhân kỷ niệm 10 năm tuổi, mình chọn ra 10 tấm ảnh đặc trưng nhất. Phía sau mỗi tấm ảnh là một câu chuyện để kể, những câu chuyện sẽ thuật lại một phần chặng đường 10 năm qua của Chay365. Hy vọng sau chuỗi bài này, mọi người sẽ yêu màu áo Chay365 không chỉ vì nó… đẹp và nổi bật, mà còn vì Chay365 thật sự là điểm hẹn của người yêu chạy bộ.

Đinh Linh

Ảnh số 1: Bài viết chuyên sâu đầu tiên

Ảnh 1 là ảnh chụp màn hình (không rõ tư liệu gốc). Đây là các công thức phân vùng theo nhịp tim mà mình thấy phù hợp nhất với cộng đồng, lại dễ áp dụng và tính toán. Những công thức phổ biến hơn như 180-tuổi dù dễ tính toán, nhưng độ chính xác không cao. Ảnh này nằm trong bài viết “Tập chạy đường dài theo nhịp tim”, đưa lên website Chay365.com vào tháng 11/2014. 

Tim mạch là nghề của mình rồi, nên mình hiểu rõ nhiều vấn đề chuyên sâu về tần số tim, các biến đổi sinh lý của quả tim khi tập thể thao sức bền. Tuy nhiên, như trong bài viết mình có nói, mình hơi băn khoăn khi đưa chủ đề này ra thảo luận rộng rãi. Thứ nhất, nó chuyên sâu, đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và đề cập nhiều thuật ngữ, công thức phức tạp – những thứ có thể vô tình triệt tiêu niềm vui chạy bộ. Thứ hai, các quan điểm hay kiến thức mình thu lượm được chỉ có tính tương đối, không có một sự đồng thuận tuyệt đối giữa các tài liệu.

Thời điểm ấy, mình đã tập chạy theo nhịp tim khoảng nửa năm, dùng công thức của Karvonen. Ban đầu tập với đai đeo tim FT7, sau đó với chiếc đồng hồ chạy bộ đầu tiên (V800). Mình nhận thấy các ưu điểm tuyệt vời của phương pháp luyện tập này (chạy kiểu MAF chỉ là một biến thể đơn giản và thô sơ). Bài viết về tập chạy theo nhịp tim được rất nhiều người hưởng ứng, nhờ đó website chay365.com được anh em trong cộng đồng biết tới (hồi ấy cộng đồng chạy bộ còn nhỏ thôi). Nhờ vậy, mình có thêm động lực để viết nhiều bài chuyên môn khác. Sau 10 năm, mình nhận thấy đây vẫn là bài viết hữu ích cho mọi người. Ai cũng có thể chạy bộ, nhưng chạy bộ đồng thời hiểu rõ cơ thể sẽ tốt hơn và tiến bộ nhanh hơn.

Website Chay365 lên sóng tháng 8/2014. Ban đầu chủ yếu chỉ gồm những bài bút ký, như một trang blog về chạy bộ. Thời đó hoàn thành Half Marathon cũng đủ cảm xúc để cặm cụi gõ 2 trang giấy. Sau bài viết “Tập chạy theo nhịp tim” vào tháng 11/2014, Chay365 bắt đầu tập trung nhiều hơn về chuyên môn chạy bộ, phân ra các mục “Luyện tập”, “Dinh dưỡng”, “Chấn thương”, “Thi đấu”,… Nguồn thông tin chủ yếu dịch từ internet, sách chạy bộ, cũng như đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân của người viết. Bài “Tập chạy theo nhịp tim”, vì thế, giữ một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Chay365.

Ảnh số 2: Ban biên tập Chay365 năm 2020

Đây là một tấm hình Photoshop. Mình ghép ảnh và đưa lên page Chạy 365 ngày 7/1/2020.

Chuyện thế này, sau vài năm lọ mọ viết bài, mình bị tụt mood. Chay365 cần một đội thật mạnh cùng chung tay. Đầu năm 2020, mình rủ một số anh em tham gia ban biên tập. Đây đều là những người có kiến thức và rất đam mê chạy bộ. Chạy bộ đường dài là môn chơi còn mới mẻ, để viết tốt không chỉ đòi hỏi am hiểu chuyên môn, mà còn cần nuột nà cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Đội hình hồi ấy, như mọi người thấy, rất khủng, toàn superstar. Team này chơi game đồng đội kiểu Commandos là bất bại luôn!!!

– Nguyen Kien Quoc, dịch giả nổi danh với hai bản dịch “Born to Run” và “Meb for Mortals”.

– Anh Bruce Vu là người yêu chạy bộ, rất chăm viết bài trên SRC và LDR, với vốn kiến thức đầy đặn về chạy bộ, cùng hiểu biết sâu sắc văn hoá Đông – Tây

– Phạm Thao là admin nhóm Vung Tau Beach Runners, cũng là người ưa đọc sách chuyên môn. Đặc biệt dịch rất nhanh và chuẩn xác, văn phong mềm mại.

– Nguyễn Đạt là người đưa tin có duyên. Các mẩu tin nhanh, xúc tích, đi vào lòng người

Ngoài ra còn anh Luong Pham, Trần Mai Anh, Lê Khánh Toàn, Nguyễn Minh Phụng, Thành Trịnh… Cộng thêm một số cộng tác viên như Phạm Bảo Tùng, anh Trung Linh, anh Nguyễn Đức Trung Kiên,… Mình đứng chung team cũng thấy tự hào. Mình tin đây là những biên tập viên đáng mơ ước của một tạp chí về Chạy bộ.

Anh em phân việc rõ ràng, ai nhận phụ trách mảng nào phải đảm bảo có đủ bài viết về mảng mình được phân công. Có cả quy trình viết và đăng bài, tách ra nhiều khổ thế nào, ghi đầu mục ra sao, số lượng ảnh thế nào là phù hợp, kích cỡ và độ phân giải của ảnh,…

Không khí hồi ấy rất sôi động. Website Chay365.com và fanpage có đủ các bài chuyên môn sâu, kiểu đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn hữu ích (evergreen content), lẫn những dòng tin nóng hổi theo sát thông tin chạy bộ trong nước và quốc tế. Những ngày tháng 8.2021, Thế vận hội Tokyo, anh em đạt độ sung, bài ra liên tục, chỉ ngồi lướt fanpage đã thấy đầy cảm hứng, muốn xỏ giày ra đường chạy bộ ngay. Có lần anh Cao Huy Tho, nhà báo lão làng phụ trách Thể thao của tờ Tuổi Trẻ, nhắn tin khen “Chay365 tuyệt vời thật đấy, báo chí chính thống còn không bằng được”. Lời khen của anh làm mình sướng như vừa đạt PR.

Cùng với thời gian, duy trì team không dễ. Giờ đây thông tin nhiều và miễn phí, nhưng việc sản xuất tin lại chẳng bao giờ miễn phí (chí ít là tốn kém thời gian, mọi người cần dành thời gian tập chạy chứ). Anh em bận việc này việc khác, ít tham gia dần. Nhưng kỷ niệm về những ngày viết bài sôi nổi năm 2020-2021 vẫn chẳng thể nào quên được.

Ảnh số 3: Chạy dài cuối tuần ở Green Stars

Ảnh này do anh Linh Triệu chụp. Đó là những ngày tháng 2/2020, dịch Covid bắt đầu hoành hành, phố đi bộ tạm ngừng hoạt động. Vì thế, Chay365 Long Run chuyển lên hồ Green Stars.

Ở trên hồ Green Stars, lần đầu tiên mình gặp anh Nguyễn Đông Định, chị Trang Carmen, 2 elite có thể hình đẹp, rất yêu chạy bộ, và chạy bộ rất tốt. Những buổi chạy này cũng có sự tham gia của anh Giang Panda, người bạn thân thiết luôn gắn bó với Chay365 từ ngày đó. Anh Giang nhờ mình hiệu đính cuốn “Run to Overcome” của Meb Keflezighi, sách rất hay, mọi người nên tìm đọc.

Nhóm luyện tập FM sub3 có anh Đông Định, Lê Trung Tâm, Tien Mai, Đinh Linh, Huy Thang Nguyen, Phạm Đức Lu, Nông Chuyền, Tuấn Amater Runner, đôi khi còn thêm Bùi Thế Anh và mấy em trẻ đoàn việt dã Bộ đội biên phòng. Hồ Green Star có chu vi 1,7 km, tương tự Hồ Gươm, nghĩa là rất “vừa miếng” cho người chạy bộ, việc tiếp nước cũng thuận lợi. Nhóm sub3 thường chạy 30-32km, pace 4:15-4:20. Ngoài ra còn vài đội nhóm nữa, nhất là mấy anh em Green Star Runners. Hồ Green Stars mỗi sáng Chủ nhật lại đông vui tấp nập, chẳng kém Hồ Gươm thứ Bảy bây giờ. Ham ngủ như bạn Hoàng Lan Anh, mà cũng lên tập khá đều (hồi đó bạn ý chạy còn chậm và chưa quyền lực như bây giờ, nên vẫn đằm thắm).

Công sức đợt này thuộc về anh Quach Tuan và anh Huy Thắng. Hai anh Chủ nhật nào cũng lên từ mờ sáng, mang sẵn bàn, 1-2 thùng đá, 10-20 thùng nước, thiết lập trạm nước. Standee bố trí gửi ở nhà văn hoá chung cư. Ngoài ra, còn 1 em nhân viên Pocari rất chăm chỉ và bền bỉ. CLB GSR cũng bố trí trạm tiếp nước. Lúc nào cũng vậy, để có sân chơi cho anh em, không thể thiếu những đóng góp thầm lặng ấy.

Những buổi tập trên hồ Green Stars là cơ sở cho giải chạy Breaking330 đầu tháng 3/2020, giải đấu mà Chay365 cùng nhóm GSR, 84Race, Bigfoot, chung tay tổ chức. Giải đấu “cây nhà lá vườn” này được tổ chức do TCB Hanoi Marathon bị hoãn (cái dớp đen đủi vẫn theo giải chạy của TCB đến tận bây giờ). Breaking330 diễn ra đúng vào ngày mà đêm trước Hà Nội phát hiện “em Nhung – số 17”. Cả Hà Nội như “lên đồng”, nhưng Ban tổ chức Breaking330 vẫn kiên định theo đúng kế hoạch, dựa trên phân tích tình hình một cách bình tĩnh và cân nhắc lợi ích, nguy cơ. Breaking330 diễn ra tốt đẹp, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng chạy bộ.

Chuyện về Breaking330 mình viết nhiều rồi, mọi người có thể đọc thêm trong link này: https://chay365.com/tag/breaking-330/

Ảnh số 4: Tập biến tốc ở sân vận động Hoàng Mai

Ảnh do Lưu Minh Khương chụp tháng 6/2020. Tháng 6 năm nào cũng vậy, nắng như đổ lửa, chai nước để ngoài trời cũng nóng ran. Tuy nhiên, đợt ấy khí thế tập luyện của anh em lên rất cao. Nhờ sự giúp đỡ của Kiều ChiếnChạy 365 được phép vào sân Hoàng Mai tập mỗi tuần 1 buổi chiều thứ Tư.

Ấn tượng của mình là rời bệnh viện về sân, nắng chưa tắt, trời vẫn oi bức nóng nực, nhưng anh Long Bùi đã kịp hoàn thành bài Yasso 10 x 800 rồi, đang cởi trần giãn cơ (chắc chuẩn bị cho cữ tập chiều tối ngoài quán beer đầu làng). Xâm xẩm tối, sân bắt đầu đông các đội đá bóng, cũng là lúc Chay365 thu dọn ra về. Nhà bao việc…

Đội Chay365 hay tập chạy ở sân Hoàng Mai gồm Đinh Linh, Long Bùi, Giang PandaQuach TuanHuy Thang Nguyen, Nguyễn Đạt. Lại là anh Quách Tuấn và anh Huy Thắng, sẵn thùng đá mua cho những buổi Long Run trên hồ Green Stars, chất vào hòm xe, tuần nào cũng đến sớm, ướp lạnh các chai nước cho anh em sử dụng.

Cùng với bài chạy dài cuối tuần, bài biến tốc giữa tuần giúp mọi người nâng cao đáng kể thành tích khi thi đấu. Đây là cơ sở để các giải đấu cuối năm 2020, mọi người trong team Chay365 đều đạt kết quả cao.

Video về buổi chạy biến tốc: https://www.youtube.com/watch?v=ZMnjH4GxA7A&t=10s

Ảnh số 5: Chạy Long Run ngày mưa

Đây là một tấm hình biểu tượng của Chay365 Long Run, đại diện cho tinh thần của nhóm.

Không nhớ ảnh do Dzung Võ hay Van Nguyen Bich chụp. Tấm hình đẹp. Câu chuyện về nó cũng đẹp.

Một sớm đầu tháng 7/2020. Hôm ấy, mình ngủ ở cảng Sa Kỳ, để Chủ nhật thi đấu TPM tại đảo Lý Sơn. 4h sáng, group chat của BQT Chay365 sôi nổi, trời mưa to quá – nghỉ hay tập đây?

Quan điểm của mình xưa nay vẫn thế, trời có mưa được mãi đâu! Nhưng tuỳ anh em thôi.

Hồi ấy chưa có trạm nước chuyên nghiệp như bây giờ. Nhóm duy nhất cần cam kết có mặt là đội dẫn tốc 84Race.

5h sáng, mình nhận được tấm hình này. Standee của Chay365 đứng ở số 8 Lê Thái Tổ, đơn độc và kiêu hãnh. Bên ngoài trời mưa tầm tã, “Bọn em vẫn chạy anh ạ. Cả team có mặt đủ cả”

Chẳng phải “cố đấm ăn xôi” gì đâu. Trời mưa vẫn không bỏ bài, đơn giản vậy thôi. Một cơn mưa cỡ này đâu thể khiến giải chạy bị hoãn, vậy tại sao lại hoãn buổi tập? Tặc lưỡi ngủ tiếp không sai, nhưng với nhiều người, sáng thứ Bảy là cơ hội hiếm hoi trong tuần để thực hiện bài chạy dài. Khởi động một chút rồi mưa sẽ tạnh.

Cuối cùng mưa tạnh thật. Buổi chạy dài của Chay365 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Chay365 không thiếu ảnh chạy mưa. Nhưng đây là buổi chạy mưa đầu tiên. Sẽ còn nhiều bình minh mưa nữa. Nếu tiết trời không quá khắc nghiệt tới mức mất an toàn cho runners, buổi chạy dài sẽ vẫn diễn ra.

Ảnh số 6: Chạy Long Run ở Star Lake

Ảnh này cắt từ 1 clip, quay cuối năm 2021.

Đó là những ngày cả nước trong đỉnh dịch Covid. Chỉ Hà Nội còn tương đối yên bình. Mọi người tiêm vaccine, hối hả liên hệ bệnh viện cấp 1, cấp 2, cấp 3, rộ lên câu chuyện về Sinopharm, AZ, hay Pfizer – những ký ức sẽ trở thành một phần lịch sử.

Chay365 vẫn sinh hoạt đều đặn mỗi sáng thứ Bảy, trên Star Lake. Star Lake ngày đó, cũng như Green Stars hồi 2020, trở thành thánh địa của dân chạy bộ đường dài Hà Thành. Các nhóm chạy đều tụ tập về đây, đông vui như hội.

Tháng 11 có nhiều cơn mưa bất chợt lúc rạng đông, lúc rả rích, khi ào ạt. Mặc mưa mặc gió, đội sub3 vẫn tập luyện chăm chỉ. Nhiều anh em nhắm tới mốc sub2:50. Những bước chân đều đặn trong ánh đèn vàng vọt, đạp lên mặt đường loang loáng nước.

Ngày đó, Chay365 luyện tập cùng team HBPR, các anh Long Bùi, Tuyền, Toàn, Mạnh,… Dù nhà gần Star Lakes, mọi người đều dậy từ 3h sáng, sẵn sàng để 4h vào bài tập. Còn nhớ một hôm Nguyễn Mai Trung ra tập cùng, nói “Hôm nay cố gắng lắm em mới có mặt lúc 5h, mà mọi người đã được 12 km rồi”. Ngoài ra còn Hoàng Lan Anh (hồi này đã là đàn chị “số má”), Quach Tuan (khá béo, nhưng vẫn chăm chỉ), anh Giang Panda lúc nào cũng có mặt từ 4h. Anh Quang Hung Do thường lái xe ga đưa nước trực tiếp cho từng người. Thi thoảng còn dùng máy phim ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ sau bài tập. Kipchoge cũng chỉ được chăm sóc đến cỡ đó mà thôi.

Với cá nhân mình, đây là một giai đoạn đáng nhớ. Chân bắt đầu hồi phục hoàn toàn sau chấn thương PF, công việc ở bệnh viện bận rộn vì phải gánh việc cho đệ vào Nam chiến đấu, vợ đi công tác xa nhà, hai đứa nhỏ học online,… Thời gian phải tính toán chi li đến từng 15 phút. Có sao đâu, trong những bài long run cuối tuần, thời gian chi li từng giây. Đầu tháng 10 chạy 30 km pace 4:15, tới cuối năm đã đẩy lên được pace trung bình 4:08, là pace sub3.

10 năm Chay365, có bao nhiêu buổi Long Run? Buổi chạy nào cũng vô cùng đáng nhớ.

Ảnh số 7: Đêm trước Breaking3

Tấm hình này có vẻ chẳng liên quan gì tới chạy bộ. Ảnh chụp ở khách sạn Holiday, gần khu đô thị Thanh Hà.

Nhưng đó là 1 thời điểm đặc biệt, rạng sáng ngày Chủ nhật 9/1/2022. Chỉ vài giờ nữa, Breaking3 sẽ khai màn. Một vụ tai nạn vừa xảy ra trên đường chạy, xe ô-tô đâm vào bốt điện. Toàn bộ đèn đường sẽ tắt. Những người đêm ấy, anh Trung Linh, anh Tuấn Phan, má Phương, anh Dang Ngoc Lam, Trung Hiếu, sẽ phải quyết định “Chơi hay nghỉ”. Cuối cùng, tất cả đồng lòng chơi tới bến… Bởi Breaking3 quá đặc biệt, nếu dừng lại – sẽ ân hận biết bao nhiêu!!!

Đây là giải đấu tổ chức giữa giai đoạn dịch Covid, như một cơ hội tranh tài cho những runners đã luyện tập chăm chỉ suốt mùa hè, mùa đông. Quá trình tổ chức Breaking3 rất chóng vánh, vỏn vẹn 5 tuần lễ, từ đầu tháng 12/2021 cho tới ngày thi đấu, 9/1/2022.

Một giải đấu khác một buổi Long Run ở cách ghi nhận thành tích. Người đầu tiên mình liên lạc là Trịnh Hồng Minh của 123Go, cần có chip time. Rồi gọi má Le Thanh Phuong, anh Nguyễn Quang ChiếnHoàng Lan Anh, anh Vũ Quang Hưng. Vậy là Breaking3 Marathon có chip tính giờ của giải marathon lớn nhất Việt Nam (Techcombank Ho Chi Minh), đội làm route của hệ thống VnExpress Marathon, đội hậu cần của giải marathon vô địch quốc gia (Tien Phong), có chuyên gia y tế của Viện Huyết học TƯ, người trực tiếp làm test Covid cho mọi VĐV và tình nguyện viên. Rồi anh Tuan Phan, chủ tịch CGPR, xác nhận tham gia, kèm theo hỗ trợ tài chính từ Navibank. Anh Tuấn có tầm nhìn và tinh thần dám làm dám chịu của một leader, cũng như trái tim của một người yêu chạy bộ (HM 1:34 ở tuổi 47, nhìn tracklog nói chuyện). Đội CGPR toàn nhân sự cấp cao, như Chương Lê – designer chuyên nghiệp, như Huyền Thương hay Anh Quan, cả Việt Nguyễn – quay phim của Chuyển động 24h. Nhóm Thanh Hà Runners ngỏ ý kéo giải về Thanh Hà, giải quyết được khó khăn lớn nhất: địa điểm thi đấu.

Cần một nhạc trưởng để chỉ huy tất cả, đó là anh Pham Trung Linh, người luôn điềm tĩnh với plan B cho mọi việc, cũng rất giàu kinh nghiệm tổ chức giải chạy. Ban tổ chức họp qua zoom, hai ngày 1 buổi – kể cả mùng Một Tết Dương lịch.

Đó là những ngày gấp gáp. Mình có vài người quen nhập viện vì F0, liên hệ xếp giường nội trú và luân chuyển tầng 1 – tầng 2 – tầng 3 đã ngốn kha khá thời gian. Các lo ngại về giải đấu càng trở nên có cơ sở. Nhiều tiếng nói phản đối, nghi ngại, dè bỉu,… Nhưng mình nhận định nguy cơ bùng dịch sau giải rất thấp, vì đây là sự kiện ngoài không gian mở, tất cả mọi người đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và test Covid cẩn thận. Chính quyền không cấm, ta cứ triển khai thôi.

Chỉ sau 3 tuần, Breaking3 đã từ một đốm lửa leo lét bùng cháy thành một ngọn lửa đầy phấn khích, hâm nóng nhiều group chạy bộ. Dân tình đăng ký sôi nổi. Do hoàn cảnh Covid, BTC giới hạn chỉ 60 VĐV tranh tài, với chuẩn đăng ký là sub 3:20 cho nam và sub3:50 cho nữ (không nhớ rõ lắm). Tính đến cuối năm 2024, Breaking3 là giải đấu duy nhất ở Việt Nam hoàn tiền cho người đăng ký, theo đúng tinh thần của Boston Marathon – đạt chuẩn chưa đủ, phải dư chuẩn mới có slot. “Bạn rất đam mê nhưng chúng tôi rất tiếc. Hẹn dịp sau”. Dưới tay race director Trung Linh sẽ là đội tình nguyện viên được đánh số chi tiết, với các nhân sự cỡ Tuấn Cob, Diem Diem, hay Toàn chồng cz Thuỳ – những leaders nhiều năm kinh nghiệm vận hành giải chạy,… Anh Lâm Sắt sẽ đảm bảo đường chạy “sạch” nhất có thể, xe máy sẽ xuôi ngược đảm bảo không bàn nào thiếu nước. Vạch đích sẽ là không khí hân hoan phấn khích của một ngày hội thể thao, ngày hội văn hoá. Kết quả sẽ cập nhật từng phút trên trang chủ của 123Go. Đây sẽ là một giải chạy mà một runner khó tính và đòi hỏi cao như mình thật lòng muốn tham gia. Mà có ai không muốn tham gia, khi số thành viên BTC và đội TNV gấp hơn 2 lần số VĐV thi đấu?

Những mảnh ghép cuối cùng đã hoàn tất. Má Phương nhắn, “Ông Linh biến ra chỗ khác đi”. Mình cũng chuyển dần sang “race mode”, mọi việc đã có những bàn tay đáng tin cậy đảm trách. Chiều thứ Bảy 8/1, một ngày trước ngày chạy giải, anh chị em rủ lên chùa mong mọi việc bình an. Nhưng khi ấy mình đã vào trạng thái thi đấu, trầm mình trong cảm giác tĩnh lặng ngập tràn, với sự thanh thản trước cơn sóng lớn. Đêm 8/1, thời điểm chụp tấm hình này, mình ngủ ngon ở một căn phòng khác cùng khách sạn, trên bàn đặt áo chạy có gắn số bib, vài gói gel, đôi tất xỏ ngón cùng giày Vaporfly Next% 2 ….

10 năm Chay365 có nhiều câu chuyện đẹp. Breaking3 là một trong những câu chuyện đẹp nhất. Tấm hình kia dù chỉ có rượu chứ không có giày chạy bộ, vẫn là minh chứng rõ ràng về tình yêu chạy bộ, về đam mê và sức mạnh của cả cộng đồng. Breaking3 còn là minh chứng cho sự đồng lòng, kiên định và cam kết. “First they ignore you, then they laugh at you, then they fight you. Then you win.”

Ảnh số 8: Trạm nước yêu thương – Trái tim của buổi Long Run

Ảnh năm 2023 do Le Quang chụp, buổi chạy dài tuần thứ 53, ngày 20/05/2023. 

Khó khăn lớn nhất để duy trì đều đặn buổi Long Run là tổ chức trạm nước. Tháng 4/2022, khi Chay365 Long Run quay trở lại Hồ Gươm, mình liên hệ các em sinh viên hỗ trợ. Sinh viên nói chung ngoan, nhưng tiếp nước hơi thụ động, thi thoảng chị gái áo vàng phải ra chỉ đạo (nghề của chị ý)…

Cuối năm 2022, cơ duyên làm sao, chị Hanh Nguyen Mai nhận lời đảm trách trạm nước. Cùng với chị là anh Đào Minh Tuấn, chị Hằng Đặng, em Anh Hoang Kim, những người không thiếu sự tận tâm bền bỉ, cũng rất yêu buổi chạy dài.

Từ ngày ấy, trạm nước của Chay365 Long Run không đơn thuần là nơi tiếp nước nữa. Trạm nước trở thành điểm tụ họp của những nụ cười, nơi giãn cơ và chia sẻ kinh nghiệm chạy bộ, nơi anh chị em runners quệt mồ hôi tuôn trên trán và nhận lời động viên khích lệ, nơi lưu giữ bao kỷ niệm chứa chan tình cảm, nơi chị Hạnh cắm cành đào thắm ngày Tết hay anh CST kiểm tra tracklog và tặng quà 8/3 cho các bạn nữ, nơi xả stress và hóng hớt drama,… Số 8 Lê Thái Tổ luôn rộn rã, ngập tràn màu sắc tươi vui. Quan trọng nhất, nắng cũng như mưa, lúc nào trạm nước cũng chuyên nghiệp và hiệu quả. Có mặt từ 4h30 và thu dọn sạch sẽ lúc 7h30.

Ban quản trị Chạy 365 là bộ não của buổi Long Run, tổ chức các đội nhóm, còn trạm nước là trái tim của buổi chạy. Ai có thể hoàn thành bài chạy 30 km nếu thiếu nguồn tiếp tế được bơm từ trạm nước? Nhờ nhịp đập sôi nổi nơi trạm nước, ngày thứ Bảy hào hứng hơn, “có hồn” hơn.

Eliud Kipchoge nói, “Chạy bộ không chỉ có đôi chân, mà còn là câu chuyện của khối óc và con tim”. Buổi Chay365 Long Run không chỉ có những đôi chân chăm chỉ, mà còn có cả lý trí của khối óc và cảm xúc của con tim. Ảnh về trạm nước yêu thương nhiều lắm, tấm hình nào cũng đẹp. Cám ơn chị Mai Hạnh và anh chị em trạm nước rất nhiều.

Ảnh số 9: Người dẫn tốc của buổi Long Run

Ảnh này không có gì đặc biệt cả. Nó quá quen thuộc, tuần nào cũng gặp.

Ảnh do Le Quang chụp, buổi chạy dài tuần thứ 77, ngày 04/11/2023.

Nguyễn Xuân Hà đang giơ tay chào NAG. Hà là pacer bền bỉ nhất của Chay365 Long Run, tham gia dẫn tốc không dưới 90% số buổi chạy.

Cùng với trạm nước, đội dẫn tốc nhà 84Race là một niềm tự hào khác của Chay365 Long Run. Áo Xuân Hà mặc trong tấm hình là áo pacer đời đầu, “ra lò” năm 2020. Hồi ấy, mình bàn với anh Nguyễn Quang Chiến, leader 84Race, chia nhóm dẫn tốc cụ thể, các pacer mặc áo và đeo bib như trong giải đấu. Điều này sẽ tăng tính chuyên nghiệp cho buổi chạy. Activ Store tài trợ áo. Bib đeo cả mặt trước và mặt sau, mỗi tốc độ in một màu, giúp runners dễ nhận biết. 84Race là đơn vị chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực tổ chức dẫn tốc tại Việt Nam, các pacer trước khi nhận nhiệm vụ tại giải đấu chính thức, đều được “thử lửa” qua buổi Long Run ngày thứ Bảy.

Có ai tham gia Long Run mà chưa một lần chạy cùng đội dẫn tốc, những người không chỉ chạy đúng tốc độ quy định, mà còn luôn chú ý kiểm soát đoàn của mình, trao đổi, nhắc nhở, động viên mọi người.“Your GPS watch can pace, but the GPS can’t talk to you” – Đồng hồ của tôi có thể dẫn tốc, nhưng nó không biết trò chuyện cùng tôi. Đồng hồ GPS sẽ không làm gì nếu người chạy bộ “hit the wall” ở cuối chặng đường, đồng hồ dĩ nhiên chẳng biết lấy nước cho nhóm, không tinh ý phát hiện sớm các NAG…

Mọi người có thể tuỳ hứng lên Hồ hoặc không, có thể chịu thua cơn buồn ngủ,… Nhưng đội dẫn tốc chắc chắn luôn có mặt – dù ngoài trời đang mưa, hay đêm qua làm việc muộn. Ngay cả khi chẳng ai theo tàu, đã đeo bib pacer, phải chạy đủ quãng đường, đúng tốc độ.

Nhiều năm nữa, những buổi Long Run sẽ đánh số tới con số hàng trăm, hàng nghìn. Hình ảnh Xuân Hà giơ tay chào NAG, rồi mọi người trong đoàn cùng bắt chước, sẽ trở thành một ký ức khó phai trong tâm trí những runners gắn bó với Hồ Gươm mỗi sáng thứ Bảy.

Ảnh số 10: Người tiếp nước “nghiệp dư”

Tấm hình này chính tay mình chụp, lúc 6 giờ 33 phút ngày 01/06/2024, buổi chạy dài tuần thứ 107.

Đây là một khoảnh khắc đặc biệt.

Thông thường trạm nước sẽ hoạt động đến 7h15. Nhưng hôm đó phải dừng sớm. Chị Hanh Nguyen Mai cùng chị Hằng Đặng bị triệu tập lên công an phường Hàng Trống, bàn nước bị thu. Mình nói hôm nay nghỉ sớm thôi, để giải quyết các việc.

Nhưng nhiều người vẫn đang chạy… Anh chị em chỉ biết hoàn thành nốt bài chạy dài, đâu nắm được tình hình. Tiết trời đầu hạ thì oi nóng.

Trong không khí hoang mang ấy, mình thấy một hình ảnh thật đẹp. Những người đã chạy xong mang nước ra hỗ trợ người đang chạy. Chu đáo, tận tình. Chỉ runners mới hiểu runners cần gì.

Đây là tinh thần của buổi Long Run. Mỗi người đều tập trung làm thật tốt việc của mình. Mọi người đều tự nguyện hỗ trợ người khác.

Các việc rồi cũng ổn. Mình lên đồn, anh em công an rất thiện chí, phòng Văn hoá thể thao của quận chân tình hướng dẫn mọi việc. Chay365 Long Run trải qua vài tuần khó khăn, rồi mọi thứ trở lại quỹ đạo bình thường. Cám ơn bè bạn đã chung tay góp sức. Cám ơn những người tiếp nước “nghiệp dư” đã giúp trạm nước không bị gián đoạn dù chỉ vài phút.

10 năm Chạy 365, không thiếu hình ảnh “gorgeous”(9 tấm hình vừa qua chẳng hạn), cũng trải đủ thử thách, có những góc buồn. Nhưng như tấm hình này, Chay365 may mắn vì lúc nào cũng được nhiều người yêu quý và hỗ trợ, những người cùng chia sẻ đam mê và nỗ lực phát triển cộng đồng. 10 năm gắn bó với chạy bộ đường dài, lấp lánh một niềm vui nho nhỏ, khi làm được dăm điều hữu ích, đem lại giá trị bền vững, “cũng vui vì làm chiếc lá, trong vô vàn hoa lá bay rợp trời…”

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares