100 tuổi, 4 kỷ lục thế giới và vẫn chạy tiếp

Cụ Mike Fremont bắt đầu chạy bộ cách đây hơn 60 năm sau khi người vợ đầu tiên của cụ qua đời và kể từ đó chạy bộ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông

Mike Fremont chào gần như tất cả mọi người ông gặp trên đường chạy gần nhà vì hầu hết mọi người đều quen biết ông. Ở tuổi 100, cụ Fremont đã chạy tuyến đường này cả mấy chục năm qua. Cụ cho biết: “Mọi người đều quen mặt tôi. Họ nói tôi đã thấy ông chạy ở đây cả 40 năm qua.”

Cụ bà 82 tuổi lập kỷ lục thế giới chạy 24 giờ 125km

Cụ ông 100 tuổi chạy 100m phá kỷ lục thế giới

Chế độ ăn của cụ bà hơn 100 tuổi vẫn thi chạy

Nữ hoàng tốc độ 95 tuổi phá kỷ lục thế giới chạy 1 dặm

Có thể nói cụ Fremont là một nhân vật “nổi tiếng” không chỉ ở vùng quê Cincinnati (Ohio), nơi ông đang sống. Cụ đang nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới về chạy bộ cho nhóm tuổi của mình, từ cự ly 1 dặm cho tới marathon. Điều đáng ngạc nhiên là Cụ đến với chạy bộ khá muộn. Cụ Fremont chỉ bắt đầu đến với chạy bộ khi đã bước vào đoạn cuối của những năm 30 tuổi sau khi người vợ đầu tiên của cụ bất ngờ qua đời vì xuất huyết não, bỏ lại cụ với 3 con nhỏ, gồm một bé mới chỉ 2 tuần tuổi.

Cụ Mike và thú vui chèo thuyền

Cụ tâm sự: “Tôi đã rất đau khổ khi vợ tôi ra đi và tôi cần làm điều gì đó mỗi ngày để vơi bớt nỗi đau này. Lúc đó, tôi thường đưa con nhỏ đi chơi, con sẽ nắm ngón tay tôi và chúng tôi cùng chạy. Tôi cảm nhận được sự thoải mái từ những giây phút đó và nghĩ rằng chạy bộ tốt cho tôi, dù sao tốt hơn 2 ly rượu nặng tôi thường tìm đến khi đó.”

Và từ đó chạy bộ, cùng với chèo thuyền đường dài, đã nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cụ Fremont. Mặc dù chạy thường xuyên và nhiều nhưng cụ Fremont chỉ tham gia thi đấu bắt đầu từ năm 1992 khi cụ được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng và bác sĩ nói cụ chỉ còn có thể sống thêm 3 tháng, cần phải phẫu thuật nhưng cụ từ chối và chuyển sang chế độ ăn chay. Chế độ ăn của cụ chủ yếu là rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt và một số loại vitamin.

Vì lý do nào đó, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cụ Fremont sống qua thời gian 3 tháng và nửa năm sau các bác sĩ đã cắt khối u ra khỏi cơ thể cụ. Mọi người đã rất ngạc nhiên khi thấy căn bệnh không hề lan ra các bộ phận khác. Cụ cho biết “bác sĩ phẫu thuật nói đã tìm kiếm dấu hiệu di căn ở 35 vị trí nhưng không phát hiện dấu hiệu nào. Nói cách khác, tôi cho rằng chế độ ăn chay, ăn thực vật và đồ ăn nguyên cám đã ngăn chặn tình trạng di căn. Chế độ ăn chay thật tuyệt vời và kể từ đó kỷ lục thế giới đã bắt đầu tìm tới tôi.”

Chạy để phá kỷ lục

Đón nhận tin tức như được tái sinh này, ông bắt đầu đăng ký tham gia các giải đấu với các cự ly từ 10K cho tới marathon. Lúc đó cụ nhận ra: “Tôi cũng chạy khá tốt, lại nhẹ cân và nhỏ con.” Cụ cho biết chế độ ăn chay đã giúp cụ rất nhiều và “tôi bắt đầu đứng bục một số giải đấu và câu chuyện cứ thế tiếp tục diễn ra.”

Người bạn đời trong 29 năm qua của cụ, bà Marilyn Wall, 69 tuổi tự hào nói: “Đó là khi ông ấy bắt đầu thiết lập kỷ lục lứa tuổi của mình.”

Cụ Fremont đang nắm giữ 5 danh hiệu xuất sắc: kỷ lục thế giới về thời gian chạy marathon nhanh nhất ở tuổi 80 và 90; kỷ lục chạy bán marathon ở tuổi 90 và 91; và kỷ lục chạy 1 dặm nhanh nhất của Mỹ ở độ tuổi 96.

Tuổi tác chỉ là con số.

Cụ Fremont vui vẻ chia sẻ: “Tôi giúp rút ngắn kỷ lục chạy 1 dặm thêm 53 giây nữa. Cảm giác thật tuyệt vời!”

Hiện tại cụ Fremont không có kế hoạch xô đổ các kỷ lục thế giới khác vì cụ cho rằng: “Tôi nghĩ 100 tuổi rồi chắc không nên chạy marathon nữa” và sau đó mỉm cười nói thêm: “Tôi còn cần phải chứng minh điều gì với ai nữa đâu chứ?”

Hiện tại cụ Fremont chỉ đơn thuần dành thời gian bên vợ và gia đình với 5 đứa cháu và 4 chắt. Vào ngày sinh nhật thứ 100 của mình, con cháu làm cho cụ một bánh sinh nhật chay và tổ chức chạy dọc bờ biển.

Cụ ông 100 tuổi tâm sự: “Đây là thời gian đẹp nhất trong đời tôi.”

Khi được hỏi cụ có lời khuyên gì cho các chân chạy trẻ, ông cho biết: “Ăn chay ngay bây giờ!” và lời khuyên của cụ dành cho các chân chạy lớn tuổi cũng tương tự: “Hãy ăn chay. Ăn chay sẽ mang lại hàng ngàn lợi ích khác nhau. Đừng bị cuốn hút bởi những thứ như bánh rán hay đồ ăn nhanh và cuối cùng là phải sẵn sàng tâm lý về đích cuối cùng trong các giải đấu.”

Khi được hỏi cụ muốn nói gì với những người sợ chạy hoặc sợ tập luyện marathon, cụ trả lời là hãy duy trì vận động và đừng ngại thử: “Hãy đến đây. Tôi sẽ đi bộ với bạn. Tôi sẽ chạy cùng bạn. Tùy theo ý muốn của bạn.” Vì xét cho cùng, đối với cụ “niềm vui thực sự trong đời là được giúp đỡ người khác nhiều nhất có thể dù bằng cách này hay cách khác.”

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares