Mặt đường track “nảy tưng” trong sân vận động Olympic ở Tokyo được so sánh với một chiếc thảm nhún lò xo trampoline. “Bạn có thể cảm nhận rõ sự bật nảy,” một vận động viên nhận xét.
Chiếc đồng hồ đặt ngay sau vạch đích nhoáng lên con số 10 giây 60 và dòng chữ “NEW OR”, nghĩa là “kỷ lục Olympic mới” khi Elaine Thompson-Herah của đội Jamaica giành chiến thắng ở cự li 100m tối thứ Bảy vừa qua.
Thompson-Herah không chỉ bảo vệ thành công danh hiệu ở cự li 100m Olympic mà cô giành được tại Rio de Janeiro năm 2016, mà còn phá tan kỷ lục mà Florence Griffith Joyner lập năm 1988. (Thành tích chính thức của Thompson-Herah được ghi nhận kỷ lục là 10 giây 61).
Tokyo 2020: Vua 400m rào Warholm ghi dấu ấn KLTG sub 46:00 trong trận CK kinh điển
Một ngày sau, đến lượt Lamont Marcell Jacobs đội Ý giành chiến thắng bất ngờ ở cự li 100m nam với thành tích còn ấn tượng hơn là 9 giây 80, trở thành người tiếp bước Usain Bolt giữ vị trí người chạy nhanh nhất thế giới. Jacobs chẳng có mấy tên tuổi trước khi bước lên ngôi vị danh giá này.
Cả Thompson-Herah và Jacobs đều vui mừng rạng rỡ sau cuộc đua. Nhưng một con người bí hiểm ẩn danh mặc sơ mi và quần khaki thụng ngồi trên ghế nhìn xuống đường track cũng phấn khởi không kém. Đó là Andrea Vallauri, quản lý thị trường quốc tế của Mondo, nhà cung cấp đường track cho Olympic.
Ông có nhiệm vụ cung cấp cho các chân chạy nhanh nhất thế giới loại đường track khủng nhất địa cầu. Thực tế là mặt đường của ông khiến kỷ lục thế giới bị đe doạ.
Từ thứ Sáu, ngày bắt đầu khởi tranh bộ môn điền kinh – các kỉ lục và thành tích cá nhân thay nhau bị lật đổ. Hết lượt thi đấu này đến lượt thi đấu khác, bảng điểm liên tục nhấp nháy thông báo rằng các kỷ lục cá nhân và kỷ lục quốc gia cũ đã đi vào dĩ vãng.
Sáu nữ vận động viên đạt mức dưới 11 giây trong cuộc thi chung kết 100m nữ. Shericka Jackson của Jamaica đạt mốc 10 giây 76, trở thành người về ba nhanh nhất tại một kỳ Olympic. Đến ngày Chủ Nhật thì Jacobs, chàng vận động viên không nổi danh trong làng chạy nước rút, vốn chỉ chuyên thi đấu nhảy xa cho đến tận năm 2018, lại lập một kỉ lục Châu Âu mới trong lượt chung kết 100m nam.
“Đó là một điều mới mẻ ở Tokyo,” Vallauri nói về mặt đường track ‘nhanh như chớp giật’ này. “Chúng tôi đã có tham vọng mang tới một thứ gì đó khác biệt.”
Sân vận động Olympic do Kengo Kuma thiết kế nhận được nhiều lời khen ngợi với kiểu dáng một chiếc bát khổng lồ gắn mái che bằng gỗ, cho phép nó tiệp vào không gian xung quanh. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn chẳng có nghĩa lý gì đối với các vận động viên thi đấu bên trong. Thứ quan trọng hơn hẳn đối với các vận động viên là mặt đường mà họ phải phi nước rút, bật nhảy, lò cò và nhảy cóc trên đó.
Đối với Vallauri, những tín hiệu tốt đến từ các cuộc thi điền kinh chính là một kiểu chiến công Olympic hiển hách đặc biệt. Mondo, công ty từng thiết kế 12 đường track Olympic, đã dành gần 3 năm để nghiên cứu làm ra mặt đường track ở Tokyo, bao gồm các công đoạn như thử nhiều loại mặt đường khác nhau, tìm kiếm vật liệu, thử nghiệm nhiều loại cao su khác nhau. Trong quá trình này, Mondo tham khảo ý kiến các vận động viên, tương tự như tổ chức nếm thử công thức pha chế cho một loại đồ uống mới.
Vallauri kể rằng các câu trả lời mà công ty nhận được đều để khuyết danh. “Ý kiến phản hồi của các vận động viên đều giống nhau,” ông nói. “Họ chọn cùng một loại.”
Dựa trên những phản hồi đó, các chuyên viên thiết kế ở nhà máy của Mondo ở Alba, Italy, gần Turin, lại tiến hành thử nghiệm các kiểu cao su khác nhau trước khi đưa hình dáng các hạt được dựng 3D vào bản thiết kế cuối cùng. Theo lời Vallauri, sản phẩm cuối cùng này cho phép hấp thụ shock va đập và cho phép hoàn trả năng lượng “như một chiếc thảm nhún lò xo trampoline.”
Những người từng chạy trên mặt đường này cũng nhận xét như vậy.
“Bạn có thể cảm nhận rõ sự bật nảy,” Sydney McLaughlin, ngôi sao cự li 400m vượt rào nữ phát biểu. “Một số đường track chỉ hút mất sức nảy và chuyển động; còn loại này thì tạo ra sức nảy và hoàn trả năng lượng cho bạn.”
Thompson-Herah còn ám chỉ rằng nếu như không ăn mừng quá sớm khi còn cách vạch đích vài mét thì cô có thể còn đe doạ được cả kỉ lục thế giới 10 giây 49 của Griffith Joyner. “Tôi có lẽ còn chạy được nhanh hơn nữa nếu không chỉ trỏ và ăn mừng sớm,” nhà vô địch nói thổ lộ.
Thành tích của cô là điển hình cho một loạt các kết quả khác trong những ngày thi đấu đầu tiên: Thành tích thời gian vượt qua kỳ vọng.
Trong một môn thể thao mà vấn nạn doping lặp đi lặp lại một cách dai dẳng, những thành tích nổi bật có thể bị nghi ngờ. Nhưng Vallauri và các vận động viên thì nói rằng đường track “nảy tưng” (theo lời mô tả của một số người) đóng vai trò quan trọng (cùng với các đôi giày hỗ trợ nâng cao thành tích và ngay cả không khí nóng bức mùa hè).
Vallauri nói rằng ông mong đợi mặt đường track trị giá 1,5 triệu đô la này giúp nâng cao thành tích cho các vận động viên tới 2%. Khi mà các kỷ lục được phá vỡ chỉ bằng vài phần trăm giây thì con số đó sẽ là thứ làm nên khác biệt.
Marie-Josée Ta Lou thuộc đội Bờ Biển Ngà cảm thấy không thể tin nổi khi biết mình đã chạy nhanh đến mức nào ở vòng đấu 100m đầu tiên hôm thứ Sáu. “Tôi thực sự không hề trông đợi là mình chạy nhanh được đến thế,” cô nói. Cuối cùng, cô giành vị trí thứ tư trong lượt đấu chung kết.
Sau khi vượt qua vòng loại dễ dàng vào ngày thứ Bảy, McLaughlin (21 tuổi) ám chỉ rằng đường track ở Tokyo là một mối đe doạ cho sách kỷ lục.
“Có thể sẽ có kỷ lục thế giới mới,” cô nói về nội dung vượt rào. “Các đấu thủ của tôi đều rất cừ nên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ai đó trong số họ làm nên kỷ lục.”
Trong khi cái tên Mondo có thể còn lạ tai với hầu hết người hâm mộ thể thao thì nó lại chẳng xa lạ gì với các vận động viên. Theo Mondo, hơn một nửa số kỉ lục thế giới trong 20 năm qua đều được lập ra trên đường track do công ty Italia này thiết kế.
“Chúng tôi xem các bạn nữ thi đấu ngày hôm qua và bảo nhau, ‘Được đấy, mặt đường này chạy được rất nhanh’” – vận động viên chạy nước rút người Nam Phi Gift Leotlela nói sau khi giành được suất dự bán kết 100m nam.
Đường track này không chỉ trợ lực cho những người muốn chạy thật nhanh, mà còn giúp sức cho các vận động viên muốn bật lên thật cao nữa. Sau khi vượt qua vòng loại môn nhảy cao, Samory Fraga của Brazil nói rằng mặt đường này đủ tốt để đe doạ đến các kỉ lục.
Hôm Chủ Nhật, trong bộ môn nhảy ba bước, Yulimar Rojas của Venezuela đã “bay” xa tới 15,67m, phá kỉ lục thế giới tồn tại suốt từ năm 1995 và kỉ lục Olympic có từ năm 2008. Rojas không phải là người duy nhất ngỡ ngàng về thành tích của mình. Các đối thủ của cô cũng tròn mắt khi màn hình trên sân vận động khẳng định vết tiếp đất mang lại chiến thắng của cô.
Đối với một số vận động viên, mặt đường ở Tokyo cũng có nhược điểm: Nó đẩy cơ thể họ đi theo cách không giống với các loại mặt đường chậm hơn.
Vận động viên chạy nước rút Jimmy Vicaut của đội Pháp, người vừa đạt thành tích tốt nhất một mùa thi đấu để vào được bán kết, nói rằng tập luyện trên một bề mặt như vậy có thể là “quá nguy hiểm”, vì nó có thể khiến người tập gặp rủi ro chấn thương cơ bắp. Gavin Smellie của đội Canada nói rằng đường track này quá ghê gớm, khiến anh ta phải thay đổi cách vẫn thường chuẩn bị cho cuộc đua.
“Nó khiến cơ thể bạn bị đau mỏi, đặc biệt là ngày hôm sau,” anh nói. Để thích ứng với điều này, Smellie nói rằng anh phải dồn lịch tập luyện sớm lên 24 tiếng để cho cơ thể thêm thời gian phục hồi.
Cuộc đua tranh thành tích đã đẩy một số vận động viên đi quá xa. Sau khi đạt kỉ lục cá nhân và giành suất dự chung kết 100m nam, vận động viên Enoch Adegoke của Nigeria đã không thể hoàn thành cuộc đua và phải ôm gân khoeo khi mới chỉ chạy được khoảng 20 mét. Các chân chạy khác, bao gồm Dina Asher-Smith của Anh nói rằng chấn thương của họ trở nên trầm trọng hơn.
Tuy vậy, hầu hết những băn khoăn kể trên đều chỉ xếp sau sứ mệnh tìm kiếm kỉ lục và những lời ngợi ca dành cho loại mặt đường track có thể mang đến những kỉ lục đó.
Sự phát triển của công nghệ đường track, cũng như những tiến bộ trong thiết kế giày đã làm dấy lên những câu hỏi về việc các vận động viên nên được phép nhận các kiểu trợ giúp như vậy đến mức nào, và liệu như vậy có công bằng đối với các kỷ lục được lập ra trong những điều kiện khác hay không.
Để hạn chế những lợi thế kiểu này, cơ quan cầm cân nảy mực bộ môn điền kinh là Worth Athletics đã đặt ra những quy định cho đường track, tương tự như các quy định về giày, bao gồm cả giới hạn về mức độ hấp thụ shock, độ hoàn trả năng lượng và độ dày.
Tuy nhiên, đối với Vallauri, sứ mệnh lại rất đơn giản: Cung cấp một mặt đường mà các vận động viên Olympic có thể vươn tới những tầng cao mới, bất kể họ chơi bộ môn gì, ở vào tình trạng ra sao. Ông so sánh đường track với lốp xe trong các cuộc đua đỉnh cao F1.
“Nếu tất cả các xe đều dùng lốp giống nhau, thì vẫn công bằng đấy chứ,” ông nói.
Dịch từ The New York Times
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.