Mục lục
Salomon vẫn được biết đến với các sản phẩm giày chạy đường đồi núi (trail) – dường như giày trail đã trở thành một phần trong ADN của hãng. Tuy nhiên, công ty đã có sự thay đổi và bắt đầu hướng tới những người chạy bộ đường nhựa (road). Cuối năm 2015, Salomon đã tung ra dòng sản phẩm Sonic gồm S-lab Sonic, Sonic Pro, và Sonic Aero.
Salomon Sonic Pro thuộc nhóm Neutral, thiết kế cho người có bàn chân gồ, xu hướng đáp ngoài.
Chay365 hân hạnh giới thiệu bài đánh giá về giày Salomon Sonic Pro (có lẽ là bài review sớm nhất trên internet), sau khi các thành viên đã trải nghiệm trên 200 km đường chạy với đôi giày này.
Đôi Salomon Sonic Pro dành cho nam có các phiên bản màu xanh dương, đen, vàng chanh. Tuy nhiên, hàng bán ở Việt Nam chỉ có màu xanh dương đậm. Tông màu lạ mắt khiến giày rất nổi bật. Có điều, đặt cạnh những mẫu thiết kế khác (như đôi SpeedCross nổi tiếng ) thì thiết kế một màu của Sonic Pro có gì đó hơi đơn điệu. Rõ ràng, các nhà thiết kế của Salomon có thể làm tốt hơn thế để đôi giày trở nên bắt mắt hơn. Dĩ nhiên, điều này còn tuỳ thuộc gu thẩm mỹ từng người.
Salomon Sonic Pro mang theo nhiều công nghệ tiên tiến của hãng. Phần đế giữa (Midsole) sử dụng công nghệ EnergyCell+ siêu nhẹ tạo độ nảy và độ êm chân. Phần thân trên dùng các mắt lưới mở (Open Mesh) tạo độ thông thoáng, cùng với công nghệ SensiFit khiến giày rất ôm chân.
Trong khi hai người anh em cùng dòng Salomon road là S-lab Sonic và Sonic Aero dùng thiết kế dây buộc như các giày chạy thông thường khác, Sonic Pro vẫn giữ kiểu “Quick lace” truyền thống của các đôi Salomon trail. Ưu điểm hiển nhiên của loại dây giày quick lace là thắt nhanh và khó tuột, bạn hoàn toàn yên tâm chạy bộ với tốc độ cao mà không lo tuột dây giày. Nhược điểm – có lẽ chỉ những người chạy road mới lưu ý – đó là bạn không thể gắn cảm biến đo guồng chân. Khi chạy trail, guồng chân chẳng quan trọng lắm, nhưng chạy road thì thông số này rất có ý nghĩa đối với những người tập luyện nghiêm túc. Ngoài ra, hiện nay nhiều giải đấu phát chip tính giờ là một miếng nhựa nhỏ có lỗ để lồng vào dây giày khi chạy. Nếu bạn chạy giày Sonic Pro mà gặp tình huống này thì đúng là “bó tay”.
Dòng giày SpeedCross có phần mũi hơi thuôn hẹp, nên tôi phải chọn lớn hơn cỡ chân mình 0,5 số (size US). Sonic Pro khắc phục được điểm yếu này, với phần mũi giày (toe box) mở rộng rất thoải mái, cho phép tôi dùng giày đúng cỡ chân của mình.
Vốn ít chạy đường núi (trai), tôi không phải fan của giày Salomon. Các đôi Salomon trail nói chung khá cứng và nặng (hãy xỏ thử chân vào một đôi SpeedCross và bạn sẽ thấy nó nặng thế nào). Tuy nhiên, đôi Sonic Pro nhẹ hơn khá nhiều đôi giày khác của tôi (như Asics Nimbus hay Adidas UltraBoost). Với trọng lượng 240 gr, Sonic Pro được xếp vào nhóm “giày nhẹ” (light weight). Giày Salomon Sonic Pro là đôi giày tập luyện chủ yếu của tôi trong tháng vừa qua, với khoảng 200 km. Thực sự thì dạo này tôi gần như không dùng đôi giày nào nặng quá 300 gr cho các bài tập của mình.
Phần đế trước khá cứng, do đó nếu bạn không quen chạy minimalist thì sẽ hơi đau chân. Tuy nhiên cùng với thời gian, đế giày sẽ mềm dần ra. Bạn cần lưu ý khi đáp mũi chân và dùng sức mạnh phần cẳng chân (calf) nhiều hơn.
Phần đế sau (gót) rất êm. Cự ly dài nhất mà tôi đã chạy là Half marathon (21km), hoàn toàn không gặp vấn đề phồng rộp hay đau móng chân.
Tất cả các dòng sản phẩm Salomon vẫn nổi tiếng về độ bền. Đôi Sonic Pro này cũng không ngoại lệ, với phần đế ngoài (Outsole) sử dụng công nghệ Premium High Abrasion Contagrip. Có thể tóm tắt công nghệ này như sau: các phần khác nhau của đế giày dùng các vật liệu với mật độ khác nhau, với độ cứng, mềm khác nhau. Ví dụ, phần rìa đế giày hay phải tiếp đất sử dụng vật liệu cứng hơn, còn phần giữa dùng các vật liệu mềm và linh hoạt. Công nghệ Contagrip này được hãng Salomon áp dụng cho nhiều dòng giày khác nhau như XA-Pro 3D, Speedcross, Wings Pro, S-lab Sense,… tuỳ vào công năng và địa hình chạy bộ.
Phần thân trên khá thoáng mát và chống nước tương đối tốt. Tôi đã chạy 1 lần trong mưa phùn tháng 12 và chân vẫn khô ráo. Tất nhiên, khả năng chống nước của giày cần được kiểm chứng thêm trong các điều kiện khắc nghiệt hơn.
Với trọng lượng 240 gr, giày Sonic Pro cho phép tôi đạt tốc độ cao (có thể đạt pace 4 phút cho mỗi km). Mặc dù không thể bằng những đôi giày đua (racing) chuyên dụng như Adidas Rocket Boost, Asics HyperSpeed, hay Asics Piranha, giày Sonic Pro lại có ưu điểm vế tính đa dụng, đa mục đích. Trọng lượng cũng như độ êm của giày cho phép tôi thực hiện đầy đủ các bài tập từ interval, tempo, cho tới long run.
Ngoài ra, tôi cũng dùng đôi này để chạy trail một lần (lần chạy đó là do hoàn cảnh, có lẽ hãng sản xuất không khuyến khích). Thừa hưởng DNA của công ty mẹ nên Sonic Pro có độ bám đường rất tốt, không thua gì những đôi trail khác. Đế giày cứng cũng giúp bảo vệ chân tốt hơn.
Xem thêm: Có thể mang giày đường nhựa để chạy địa hình hay không
Đôi Salomon Sonic Pro có giá trên amazon khoảng 140 USD, giá bán của Salomon Việt Nam là 3 triệu đồng. Rõ ràng, với một thị trường như Việt Nam, khi phần lớn người mua giày chạy bộ chỉ để … đi bộ, thì giá thành của các sản phẩm giày luôn là trở ngại. Tuy nhiên, người chạy bộ nghiêm túc biết mình cần gì, và nếu bạn muốn có một đôi giày bền, nhẹ và đa dụng cho các bài tập chạy cũng như thi đấu trên đường nhựa, Salomon Sonic Pro là một lựa chọn rất đáng lưu ý.
Cám ơn Salomon Việt Nam đã gửi tặng website chay365.com đôi giày Sonic Pro để trải nghiệm và đánh giá. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính khách quan của bài viết.
Xem thêm: Chọn mua giày chạy bộ
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.