Osgood-Schlatter: Đau Đầu Gối Ở Trẻ Vị Thành Niên Khi Chạy Bộ

Osgood-Schlatter là nguyên nhân thường gặp gây đau đầu gối ở trẻ vị thành niên. Đây là tình trạng viêm phần đầu xương chày, nơi các gân xương bánh chè bám vào xương chày. Bệnh hay gặp ở các cấu trúc xương, cơ, gân trong giai đoạn phát triển nhanh. Trẻ em, trẻ vị thành niên tập thể thao tích cực – nhất là chạy bộ hay nhảy cao, nhảy xa – có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh được đặt theo tên của hai bác sĩ Robert Osgood (1873-1956) và Carl Schlatter (1864-1934), những người lần đầu tiên mô tả tình trạng này.

Giải phẫu

Xương của trẻ em phát triển trên một cấu trúc gọi là đĩa tăng trưởng (growth plate). Đĩa tăng trưởng là phần sụn nằm ở đầu xương. Khi trẻ đạt đủ chiều cao, đĩa tăng trưởng sẽ cứng lại thành xương đặc.

Trẻ Em Có Nên Chạy Dài?

Một số đĩa tăng trưởng đóng vai trò như điểm bám gân, giúp hệ cơ kết nối với xương. Xương chày là xương chính của cẳng chân, chống đỡ cho khớp gối và gắn với xương đùi qua khớp gối. Ụ chày, nằm ngay dưới khớp gối, là phần xương gồ lên che phủ đĩa tăng trưởng ở đầu xương chày. Cơ tứ đầu đùi – cơ giữ vai trò duỗi thẳng khớp gối – bám vào ụ chày qua gân bánh chè. 

Khi đứa trẻ chạy nhảy, vận động, cơ tứ đầu đùi sẽ kéo gân bánh chè và kéo ụ chày về phía đùi. Động tác co kéo này diễn ra liên tục có thể dẫn đến viêm sụn tăng trưởng. Nhất là khi quá trình tạo xương diễn ra, phản ứng viêm và sự ma sát liên tục có thể gây ra những nứt vỡ siêu nhỏ ở ụ chày.

Chú thích:

  • Quadriceps: cơ tứ đầu đùi
  • Patellar tendon: gân bánh chè
  • Tibial tubercle: ụ chày
  • Tibia: xương chày

Triệu chứng

Bệnh Osgood-Schlatter là nguyên nhân thường gặp gây đau đầu gối ở trẻ từ 8-15 tuổi. Độ tuổi thường gặp nhất là 11 tuổi (trẻ nữ), và 13 tuổi (trẻ nam).

Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ gặp bệnh này là 21% ở vận động viên tuổi vị thành niên, so với 4,5% ở những trẻ không tập thể thao. Trẻ nam có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ chạy, nhảy cao, nhảy xa, hoặc làm các động tác tương tự khác. Đau có thể gặp ở một bên hay cả hai bên.

  • Đau đầu gối và đau ụ chày
  • Sưng vùng ụ chày
  • Căng cứng cơ đùi

Nói chung khám lâm sàng là đủ để chẩn đoán bệnh Osgood-Schlatter. Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh (chụp XQ, MRI) có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định hoặc loại trừ các căn nguyên gây đau đầu gối khác.

Chụp XQ cho thấy ụ chày sưng to, có một xương nhỏ hình thành trước ụ chày, được bao bởi bao hoạt dịch.

Tiến triển của bệnh thường từ từ, qua thời gian. Ban đầu chỉ là cảm giác nhức ở vùng gối, sau đó đau rõ rệt hơn. Bệnh nhân dù đau những vẫn đi lại được. Nếu tình trạng diễn ra cấp tính, hoặc trầm trọng đến mức người bệnh không thể di chuyển, cần nghĩ đến tổn thương xương (gãy, rạn).

Điều trị

Điều trị bệnh Osgood-Schlatter tập trung vào giảm đau, giảm phù nề. Hạn chế vận động cho đến lúc trẻ có thể hoạt động bình thường mà hoàn toàn không khó chịu.

Khuyến cáo của Hiệp hội phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ cho việc điều trị bệnh Osgood-Schlatter như sau:

  • Hạn chế vận động
  • Chườm đá: 20 phút mỗi lần, 2-3 lần mõi ngày
  • Thuốc giảm đau
  • Đeo miếng đệm bảo vệ đầu gối
  • Tập thêm cơ tứ đầu, cơ đùi sau

Thời gian nghỉ ngơi có thể kéo dài tới vài tháng, kèm theo các bài tập phục hồi chức năng. Người bệnh cũng được khuyên nên tiến hành giãn cơ đùi (cơ tứ đầu và cơ đùi sau, hamstring) thường xuyên để giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Nếu đau nhiều có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm thông thường như ibuprofen.

Hạn chế vận động không có nghĩa là bất động khớp gối kéo dài, vì có thể dẫn tới cứng khớp gối.

Tiên lượng

Tiên lượng của bệnh Osgood-Schlatter thường rất tốt. Đa số các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn khi quá trình phát triển xương được hoàn thiện. Chỉ khoảng 10% vẫn còn di chứng ở tuổi trưởng thành, thường do bệnh nhân không tuân thủ các hướng dẫn điều trị.

Một nghiên cứu của Krause và cộng sự cho thấy, 90% người bệnh hồi phục trong vòng 1 năm kể từ khi khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, đôi khi cần tới 2-3 năm cho đến khi đĩa tăng trưởng xương chày đóng lại.

Kết luận

Phong trào chạy bộ trong cộng đồng ngày càng lên cao. Việc trẻ em (từ 8 đến 15 tuổi) xuất hiện trong các giải chạy cũng ngày càng phổ biến. Nhưng chúng ta cần có kiến thức về bệnh Osgood-Schlatter, với tỉ lệ gặp không nhỏ, có thể gây ảnh hưởng đến khớp gối của trẻ trong quá trình phát triển. Dù bệnh có thể lành hoàn toàn không để lại di chứng, cũng nên hạn chế việc trẻ chạy các cự ly quá dài (từ 10 km trở lên), chạy quá nhiều, để tránh tình trạng tổn thương xương.

Chạy bộ có gây hại cho khớp gối?

Tài liệu tham khảo

  1. https://emedicine.medscape.com/article/1993268-overview
  2. https://www.runnersworld.com/ask-the-coaches/ask-the-coaches-osgood-schlatters-disease
  3. http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00411

 

About the Author Mr Marathoner

  • […] Osgood-Schlatter: Đau Đầu Gối Ở Trẻ Vị Thành Ni&ecirc… […]

  • >
    107 Shares