• You are here:
  • Home »
  • Chân dung »

Câu chuyện của một bác sĩ kiêm người chạy bộ làm việc 80 giờ/ tuần

Hầu hết chúng ta không phải là vận động viên chuyên nghiệp, chúng ta phải luôn tìm cách phân bổ thời gian hợp lý trong quỹ thời gian làm việc của mình để dành cho việc tập luyện. Với một số người chạy buổi tối sau giờ làm là một lựa chọn tối ưu.

Những người còn lại thì thích chạy sáng sớm, như vận động viên đồng thời cũng là một y tá gây mê Sarah Seller về vị trí thứ hai nữ trong giải Boston marathon 2018 (với thành tích 2h44’4s chỉ sau Des Linden), hay Taylor Ward (vận động viên chạy bộ cũng là giáo sư X-Quang) về hạng nhì nữ (Hoa Kỳ) giải Chicago Marathon năm nay với thành tích ấn tượng 2h32’42s. Cả hai đều bắt đầu buổi chạy của mình từ 5 đến 6h sáng.

Thậm chí còn có một số người phải đặt chuông đồng hồ sớm hơn thế. Kelly Orzechowski, bác sỹ y khoa thai kỳ tại Washington DC là một ví dụ như vậy. Cô thường thức dậy rất sớm khoảng 3h30’ sáng và kết thúc buổi tập trước khi bắt đầu ca làm việc mỗi ngày của mình.

“Chạy bộ khiến tôi tràn đầy năng lượng và cảm thấy sáng khoái”. Orzechowski, người làm việc tới 80h/ tuần tại trung tâm bệnh viện Virginia tại Arlington Virgina kể với Runner’s World. “Tôi thà hi sinh giấc ngủ của mình để chạy còn hơn. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mệt mỏi nhưng tôi biết rằng nếu tôi bỏ qua buổi tập hôm đó tôi sẽ thấy uể oải và chán chường”.

Orzechowski bắt đầu chạy bộ từ khi còn là học sinh cấp hai khi mà cô tham gia đội tuyển cross-country (băng đồng) của trường. Mặc dù chỉ là người chạy nghiệp dư thay vì chuyên nghiệp, cô luôn chạy bộ hàng ngày ngay cả khi đã vào đại học. Năm 2000, khi cô 21 tuổi cô đã có nền tảng để tập luyện cho giải Marathon Philadelphia.

“Cuộc đua đó vô cùng khó khăn nhưng tôi rất thích nó”. Cô kể.

Năm sau đó, Orzechowski chạy giải Marine Corps Marathon nhưng khi tham gia chương trình sau đại học ngành sức khỏe cộng đồng tại ĐH George Washington, thời gian học chiếm quá nhiều cô đành phải giảm cự ly chạy lại. Sau khi kết thúc chương trình học này, cô tiếp tục học trường y tại ĐH St. George’s ở Grenada, West Indies theo sau đó là thời gian làm bác sĩ nội trú ở New Jersey. Với lịch học và làm việc dày đặc, cô không có đủ thời gian để chạy.

“Tôi đã rất mệt mỏi và bận rộn nên đã buông xuôi”. Trong năm thứ 2 làm bác sĩ nội trú cô phát hiện mình tăng cân và nhận ra sự quan trọng của việc tập luyện mà cô đã khuyên nhủ bệnh nhân của mình như thế nào.

“Là một bác sĩ, thật dễ dàng để giảng giải cho người khác nhưng thật khó khi làm gương cho họ, vì thế tôi quyết tâm quay lại đường chạy”.

Trở lại chạy bộ sau một thời gian dài không hề dễ dàng tí nào. Với cô, quá trình này mất khoảng 1 năm.

“Tôi phải thành thật với những khuyết điểm của bản thân mình, rồi phải hành động để vượt qua chúng”. Cô chia sẻ. Khi biết rằng lịch buổi tối của mình không cố định, cô tranh thủ chạy vào buổi sáng. Đồng thời cô cũng tìm thấy bạn chạy bộ gần khu vực để tập luyện, điều này giúp cô có động lực thức dậy mỗi ngày.

Cô trở lại cuộc đua marathon và nhanh chóng tham gia những cuộc đua khác. Cô hoàn thành hơn 7 giải marathon quanh nước Mỹ, bao gồm giải race yêu thích của mình – Boston Marathon. “Tôi phải được ghi tên mình vào giải này”, cô nói và đạt thành tích cá nhân là 3:35:15 vào năm 2015 khi chạy giải Adebe Bikila tại Washington DC. Sau đó tiếp tục chinh phục một thử thách khắc nghiệt khác: hoàn thành cuộc đua ba môn phối hợp full Ironman tại Louisville tháng 10 vừa qua với thành tích 12h35’38s trong đó chạy full marathon trong 4h17’.

Để chuẩn bị cho các cuộc đua này, đặc biệt là Ironman cô đã phải dành tận 6 tháng trời để tập luyện. Trong những tuần cao điểm của chương trình tập luyện, Orzechowski chạy 52 đến 60 dặm/ tuần (tương đương 80-95Km/ tuần). Vào những mùa thấp điểm, cô thường chạy khoảng 30-35 dặm/ tuần  (45- 60km/ tuần) và hầu hết chạy vào buổi sáng trước khi đi làm. Cô đi ngủ lúc 10h tối và thực dậy lúc 4h sáng hôm sau để chạy. Để hoàn thành điều đó đôi khi cô ngủ trong bộ đồ chạy của mình, để rồi sáng hôm sau việc cô cần làm đó là ra khỏi giường và mang giày vào để chạy.

“Tôi chuẩn bị túi đồ từ hôm trước nên không phải lo lắng vì điều đó nữa. Tôi mang giày, rồi vào nhà bếp pha cà phê, mang túi đồ lên vai rồi ra khỏi nhà. Điều này chỉ mất khoảng 15 phút, sau đó thì tôi đã sẵn sàng để chạy”.

Có rất nhiều người “điên” như tôi. Cô kể. “Trên đường chạy trước bình minh sẽ có những người chạy bộ khác, người đi làm và người dắt chó đi bộ nữa”.

“Tất cả chúng tôi đều đang hi sinh một điều gì đó vào mỗi sáng như vậy. Thỉnh thoảng người ta nói tôi rằng tôi có nhiều thời gian hơn người khác vì tôi chưa có gia đình và con cái. Nhưng tôi thực sự có một công việc rất áp lực. Sẽ có những người phụ nữ đã có con cũng chạy bộ nhưng có thể họ không có một công việc căng thẳng như tôi. Mọi thứ đều công bằng cả”.

Tất nhiên, sẽ có những thời điểm có những tình huống bất ngờ xảy ra. Với vai trò là một chuyên gia thai kỳ, Orzechowski không phải nhận quá nhiều cuộc gọi khẩn nhưng cô vẫn mang đồng hồ Apple watch đề phòng trường hợp phải nói chuyện với bệnh nhân của mình. “Tôi sẽ trả lời các câu hỏi trong khi chạy, nhưng may mắn thay tôi không bị gọi về bệnh viện khi chạy được 10 dặm ngoài đường (khoảng 16km).

Và cũng có những ngày bận rộn mà cô phải ở lại bệnh viện tới 11h đêm hoặc trễ hơn để hoàn thành các giấy tờ và do đó cô sẽ phải rút ngắn khoảng thời gian ngủ của mình (6h hoặc ít hơn). Thay vì ngủ bù cô vẫn dậy để chạy nhưng thường sẽ chạy ít hơn tùy thuộc vào cảm giác của cô như thế nào.

“Dù chạy hay không, tôi cũng sẽ mệt mỏi. Nhưng tôi chọn thiếu ngủ thay vì nghỉ chạy vì chạy bộ là cách tôi giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống”.

Trong khi trên đường chạy của cô một ngày đông đúc, cô không có nhiều bạn chạy trên chỗ làm. “Một trong những điều khó chịu nhất khi làm việc trong ngành y đó là chúng ta luôn có xu hướng không khỏe mạnh, chúng ta bận rộn chăm sóc người khác nhưng lại không quan tâm tới chính bản thân mình”.

“Chạy bộ không yêu cầu một sự cam kết lớn lao nào cả. Bạn không cần phải trở thành một marathoner. Điều bạn cần làm là mỗi ngày hành động một chút xíu và rồi bạn sẽ khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn”.

Hình ảnh và bài viết gốc được đăng tải trên tạp chí Runner’s World ngày 12.11.2018.

About the Author Mai Anh

Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.

>
41 Shares