Trò chuyện cùng Lee Grantham

Buổi trò chuyện với Lee Grantham diễn ra trong phòng ăn của một khách sạn 5 sao, đêm trước giải Ha Long Bay Heritage Marathon. Chỉ gọi duy nhất súp bí đỏ và cơm trắng trộn salad dưa chuột, Lee giới thiệu cậu là người ăn chay thuần (vegan) từ lâu, “Như Scott Jurek phải không?” – “Giống Scott, nhưng tôi không quá nghiêm khắc, miếng pizza lẫn chút phô-mai tôi vẫn ăn.”

Lee có mái tóc và bộ râu dài của một ngôi sao nhạc rock, trang phục giản dị và khắc khổ, gợi hình ảnh vận động viên chạy ultra nổi tiếng người Mỹ Anton Krupicka, người hay xuất hiện trong các đoạn phim quảng cáo chỉ với chiếc quần cộc, hay tay cầm hai bình nước, thoăn thoắt băng qua những con dốc gập ghềnh sỏi đá (mà ai mê ultra trail hẳn đã từng xem.) Một chút google cho chúng ta thông tin về Lee Grantham, quốc tịch Anh, đang sống và tập luyện tại Chiang Mai, Thái Lan. Năm 2017 và 2018 Lee đều đại diện cho nước Anh dự giải vô địch thế giới cự ly 100K (một nội dung thi đấu không quá nổi bật, bằng chứng là thông tin ít ỏi và không nhiều hổ báo tham dự). Thành tích tốt nhất của Lee là 6:42:42 cho 100K và 2:21:43 cho full marathon (lập tại London Marathon 2017, hạng 37 chung cuộc), quá đủ để áp đảo mọi đối thủ khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu năm 2018 của Lee là phá mốc 2:20, nhưng cậu khá thận trọng khi nói về cuộc đua ngày mai, “Còn tuỳ thuộc địa hình và thời tiết nữa.”

Điều đầu tiên mình hỏi Lee là động lực nào dẫn cậu tới đây, tham dự giải marathon này. Lee trả lời cậu thích du lịch nên qua chơi và tranh thủ chạy giải luôn. Dù rằng facebook cho thấy Lee chẳng hề đi chơi sau giải, nhưng thời gian và địa điểm tổ chức Ha Long Bay Heritage Marathon rõ ràng khá thuận lợi cho các vận động viên trong khu vực tham gia (Lee ở Thái Lan). Tiếp đó, mình hỏi về quá trình ăn chay của Lee, lợi ích của nó? “Ban đầu, tôi ngừng ăn thịt, sau đó ngừng ăn cá, rồi tôi bỏ các đồ ăn từ sữa. Ngay sau khi ngừng hoàn toàn các sản phẩm sữa, tôi thấy sức bền của mình được cải thiện đột biến” – “Vậy cậu lấy protein từ đâu?” – “Tôi có một số nhà tài trợ hỗ trợ chế phẩm protein, ngoài ra tôi ăn nhiều gạo nâu, nó cũng giàu protein”. Lee không dùng bột whey, với thành phần chiết xuất từ casein trong sữa. Cậu nhấn mạnh thêm, “Tôi ăn rất nhiều chuối, khoảng 15 quả mỗi ngày, thường dưới dạng sinh tố xay (smoothie). Tôi gần như không có cảm giác mình ăn chuối, chỉ là uống mà thôi.”

Mình tiếp tục hỏi Lee về khung thời gian luyện tập. Lee tập khoảng 20-25 giờ mỗi tuần, một nửa dành cho đạp xe, phần còn lại là chạy bộ hoặc bơi. Quãng đường trung bình chỉ khoảng 100 km (không quá nhiều nếu so với tốc độ chạy của Lee) – “Đạp xe giúp tôi cân bằng hơn và tránh chấn thương.”

Câu chuyện bị gián đoạn vì ngồi cùng bàn còn có một bạn VIP người Ba Lan (mà mình quên luôn tên). Bạn này xuất thân là hướng dẫn viên du lịch, tranh thủ dẫn khách đi chơi thì chạy marathon, đang cố lập kỷ lục Guinness về số giải marathon hoàn thành trong một năm. Nói chung, mình thấy Guinness là một tổ chức bờm xờm với nhiều loại kỷ lục bờm xờm, vì vậy cũng chả quan tâm đến bạn kia cho lắm (đang cố chạy 60 marathons trong năm 2018 này, đúng kiểu “cày” chứ không phải “đua”.) Nhưng bạn ấy nhiệt tình bắt chuyện với Lee nên mình thấy hỏi mãi về chuyên môn hoá ra vô duyên. Hai người trao đổi tài khoản Instagram cho nhau (Lee có 76 ngàn người theo dõi), hẹn nhau ở Chiang Mai marathon vào cuối năm. Sau khi hỏi dăm ba câu về ăn ở tại Chiang Mai, bạn người Ba Lan đứng lên đi lấy một đùi cừu lớn trộn sốt tiêu đen, trả lại bàn ăn cho Lee và mình.

Mình tranh thủ tham khảo kinh nghiệm luyện tập của Lee, nói rằng mình đang chạy FM 3:01 và muốn phá sâu mốc này. “That’s easy!” Lee vừa nhồm nhoàm chén cơm trắng vừa mô tả về giáo án sơ lược của cậu “Anh chỉ cần 12 tuần, gồm 10 tuần tập và 2 tuần taper.” Mỗi tuần gồm hai bài tập nặng, chạy nhanh giữa tuần và chạy dài vào Chủ nhật, ngày hôm sau đó nghỉ hoàn toàn – “Điều đó giúp anh chỉ phải chạy 5 buổi một tuần, phù hợp với công việc bận rộn của một bác sỹ”. Theo Lee, tất cả các ngày khác chỉ là chạy phục hồi, với thời gian và tốc độ tuỳ ý. Tổng cộng 12 tuần chỉ có 20 ngày được gọi là “tập” mà thôi. Hồi tháng 5, khi dịch bài “A just enough training approach for a 3 hour marathon”, mình đã nhận ra giáo án nào cũng gồm ba bài tập quan trọng: chạy tempo với pace marathon đầu tuần, chạy biến tốc giữa tuần, chạy dài cuối tuần. Mình áp dụng phương pháp này cho bản thân và nhiều người khác, thấy rất ổn. Theo cách tập của Lee, đơn giản là lược bỏ một bài chạy tốc độ, tăng thời gian nghỉ ngơi. Buổi chạy  nhanh giữa tuần được thay đổi luân phiên giữa chạy tempo và interval.

Cách tiến hành bài tập không quá khác biệt với những gì mình biết. Lee nhấn mạnh vai trò bài tập chạy đường dài – cái này ai cũng rõ, nhưng cách nhìn của cậu khá thú vị. “Anh phải đảm bảo chạy được một cách tương đối thoải mái trong 30 km đầu tiên, rồi anh biết đấy, 12 km cuối cùng là ý chí và nỗ lực.” Chuyên chú cự ly ultra, bài chạy dài cuối tuần của Lee thường kéo dài khoảng 3 giờ (tương đương 40-45 km.) Tốc độ chạy ra sao? “Nếu anh định chạy FM 2:48, nghĩa là pace trung bình 4 phút/km, anh cần phải thấy thoải mái khi chạy pace 3:50-3:55.” Rất đơn giản, còn áp dụng thế nào tuỳ thuộc mỗi người.

Mình muốn hỏi Lee nhiều thứ nữa nhưng không còn thời gian. Lee mượn máy điện thoại của mình, tự tìm tài khoản Facebook và Instagram của cậu để add. “Khi ai đó tìm Instagram của tôi, nó sẽ hiện ra tài khoản của Kipchoge ở ngay dưới, điều đó khiến tôi rất tự hào.” Ai muốn xem Lee cập nhật các ảnh sống ảo thì có thể tìm Instagram jungle.vip.

Mình đưa Lee về khách sạn, cậu vớ lấy bốn quả chuối, chắc để dành load carb ban đêm. Lee diện đồ Nike từ đầu tới chân, với đôi giày là dòng sản phẩm mới, na ná giống đôi VaporFly 4%, mà ai chứng kiến Lee chạy ở Hạ Long đều thấy. “Việc đầu tiên tôi làm khi tới Hà Nội là qua cửa hàng Nike, họ là nhà tài trợ của tôi.” Cậu chỉ vào cái áo đang mặc trên người “Tôi thấy đẹp nên mua, dù chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì ‘Uphill Both Ways’.” Có gì đâu, đi đường nào cũng khó! Rất may, với chạy bộ thì chỉ có một con đường tiến về phía trước. Chúc Lee Grantham chinh phục được các cột mốc mới trong tương lai.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Trò chuyện cùng Lee Grantham, runner từng tham gia giải VĐTG 100K […]

  • >
    0 Shares