Tập chạy chậm để tỏa sáng ở giải đua – câu chuyện của Trần Năng Hùng

Trong bộ môn chạy bộ, chúng ta thường thấy những cự ly dài thường được lấn át bởi những vận động viên ở những lứa tuổi 40, 50, hoặc thậm chí ngoài 60, điều này không có nghĩa là những người trẻ không đủ khả năng cạnh tranh với vận động viên cao niên. Lý do đơn giản là các bạn trẻ có quá nhiều thú tiêu khiển, họ không có đủ thời giờ cũng như sự kiên nhẫn để luyện tập và thi đấu ở những cự ly dài hơn bán marathon. Các thống kê xác định trong ở giải đua marathon phong trào thì lứa tuổi chạy nhanh nhất là từ 35-39.

Chay365 xin hân hạnh giới thiệu với các bạn một chân chạy gốc Việt 36 tuổi hiện đang cư ngụ tại thành phố Silver Spring, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, anh Trần Năng Hùng. Anh chỉ mới đến với bộ môn chạy bộ vài năm nay thôi nhưng đã có những thành tích thật ấn tượng, chúng ta hãy cùng theo dõi bài phỏng vấn dưới đây do Bruce Vu, phó biên tập của Chay365 thực hiện từ Florida, Hoa Kỳ.

Xem thêm:

Ironman Spidey Nguyễn: Muốn chơi triathlon giỏi thì phải chạy tốt

Trò chuyện cùng Lee Grantham, runner từng tham gia giải VĐTG 100K

Thấy gì từ chỉ số của các vận động viên marathon cao tuổi?

Breaking 330: Gừng càng già càng cay

Chạy Marathon: Những Câu Hỏi Cho Người Mới Tập

BV: Cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn. Tôi đã nghe nhiều điều tốt đẹp về anh và tôi tin rằng anh có một câu chuyện thật hay để chia sẻ với cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Hãy nói đôi điều về bản thân anh đi. Anh sinh ra ở đâu? Anh tới Mỹ khi nào? Có phải là anh đi học ở Maryland?

HT: Cảm ơn anh vì cuộc phỏng vấn này. Tôi sinh ở Sài Gòn và đến Mỹ năm 13 tuổi. Vâng, phần lớn gia đình tôi đều sống ở Maryland, vì vậy bố tôi, tôi và người em song sinh sống cùng với chú ở Silver Spring MD. Tôi vào lớp 8 ở đó và tiếp tục học tới năm thứ hai đại học, sau đó gia nhập Hải quân Mỹ 6 năm. Tôi nghĩ là tôi tới Mỹ vào khoảng tháng Mười Hai năm 1996.

BV:  Anh có nickname rất dễ thương là “Canh Bún.” Anh có thể chia sẻ được tại sao lại dùng cái tên này không?

HT: Cánh bún là món ăn ưa thích thời thơ ấu của tôi, đến tận giờ tôi vẫn thích nhưng ở Mỹ không được ăn mấy nữa.

BV: Anh lập gia đình chưa? Đã có con hay chưa? Có thể nói đôi chút về gia đình được không?

HT: Rồi chứ. Tôi cưới người vợ xinh đẹp của mình cách đây bốn năm và bây giờ thì chúng tôi đã có một cháu gái xinh xắn 1 tháng tuổi.

Hùng bên mái ấm gia đình

BV: Anh làm nghề gì sau khi rời hải quân? Nhìn bức ảnh anh gửi cho tôi và Lương xem thì tôi đoán anh làm nghề xây dựng hoặc đại loại thế. Anh có thể chia sẻ đôi chút về công việc được không? Nhân tiện, chúc mừng anh vì đã được làm bố nhé.

HT: Cảm ơn anh! Tôi phải thức dậy nhiều lần giữa đêm nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi làm những việc đó. Khi rời Hải quân, tôi tiếp tục học đại học, đồng thời làm thêm ngoài giờ chỗ bạn của em tôi, làm thợ điện. Cuối năm đó, anh ấy quyết định nghỉ việc ở một hãng điện lớn và mở công ty riêng. Anh ấy mời tôi về làm toàn thời gian, lúc đó tôi cần tiền nên cố gắng trở thành thợ điện chuyên nghiệp, và gắn bó với anh ấy đến giờ.

Thợ điện Trần Năng Hùng

BV: Bây giờ thì nói về chuyện tập luyện của anh nhé. Hai trong số những người tôi biết (Lương Lê và Quý Nguyễn) vẫn đang theo giáo án tập luyện của anh và tiến bộ nhiều lắm. Theo tôi biết thì họ tập chạy chậm và tích lũy quãng đường nhiều ghê gớm, nhưng khi đua thì lại tỏa sáng như sao. Anh có thể giải thích thêm về cách tập này không?

HT: Về cơ bản thì đây là cách tập luyện chạy chậm theo nhịp tim sử dụng phương pháp MAF (Maffetone Aerobic Function: Chức năng Hiếu khí Maffetone). Áp dụng phương pháp này, chúng ta có thể gia tăng quãng đường chạy mà không bị chấn thương và xây dựng nền tảng mạnh mẽ cho cơ thể; hầu hết những người mới chạy bộ đều không có nền tảng mạnh mẽ. Đối với dân chạy xuất sắc, họ đã chạy lâu rồi, nhiều năm rồi, có nền tảng mạnh mẽ rồi nên hầu hết các giáo án truyền thống đều phù hợp, nhưng hầu hết người mới chạy như chúng ta đều cần phải xây dựng nền tảng mạnh mẽ trước khi thử những pace nhanh hơn như interval và tempo.

Cơ thể của chúng ta có một thứ gọi là tế bào ti thể, có chức năng phá vỡ carbonhydrate và mỡ để lấy năng lượng, vì vậy càng nhiều ti thể thì cơ bắp càng có nhiều năng lượng. Để gia tăng lượng ti thể, chúng ta phải chạy thật nhiều dặm trong ít nhất 2 đến 3 tháng, vì vậy sử dụng MAF là một công cụ tuyệt vời để xây dựng nền tảng mạnh mẽ, nhưng yếu tố then chốt ở đây là khối lượng. Chúng ta chạy chậm nhưng phải dần dần tăng khối lượng lên để tăng tốc, anh không thể chạy chậm ở quãng đường ngắn và mong phát huy hiệu quả được.

Bên cạnh đó, nhờ chạy chậm mà chúng ta có thể dạy cho cơ thể đốt mỡ hiệu quả, giúp chúng ta không bị đụng tường khi chạy đua.

Tham khảo: Chạy chậm để chạy nhanh hơn

BV: Cả Lương và Quý đều không chạy interval hay tempo. Tôi đã nói chuyện với nhiều người chạy bộ nhưng nhiều người không hiểu được phương pháp MAF này, họ hỏi nếu không quen với pace nhanh thì làm thế nào đủ tự tin để chạy nhanh khi đua. Anh trả lời họ thế nào?

HT: MAF là một quá trình tập luyện lâu dài, như tôi đã nói thì khối lượng là điều then chốt, nó giúp cơ thể phát triển nhiều ti thể và đốt mỡ hiệu quả, chỉ cần tin tưởng hệ thống và kiên nhẫn, càng chạy chậm nhiều thì anh sẽ càng nhanh hơn, nhưng chậm không có nghĩa là rùa bò đâu mà phải căn cứ vào nhịp tim. Anh chạy dài càng nhiều thì anh chạy càng nhanh với cùng nhịp tim chậm đó lúc ban đầu. Ví dụ, cách đây 1 năm pace chạy chậm của tôi là 5:40 – 6:13p/km nhưng bây giờ tôi có thể chạy với nhịp tim thấp ở pace 4:40 – 5:16p/km cho bài chạy easy. Thường thì tôi chạy 95% ở pace easy và 5% ở pace interval cuối bài tập. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên với những gì mình có thể làm được vào ngày chạy đua, nhưng yếu tố then chốt ở đây là quãng đường tích lũy thật nhiều, tôi chạy dài tuần này qua tuần khác và việc áp dụng MAF giúp tôi đạt được khối lượng bài tập cần thiết.

Và một điểm quan trọng khác là khi tôi tập luyện vào những ngày chạy easy, tôi thực hiện 2 đến 3 lần một tuần pha chạy biến tốc (strides) ở cuối bài chạy, 4-6 strides kéo dài tầm 50-100m với tốc độ 90-95% của nhịp tim tối đa, để giúp tôi cải thiện dáng chạy và nhắc nhở đôi chân ghi nhớ tốc độ nhanh.

BV: Bình quân anh chạy bao nhiêu dặm mỗi tuần?

HT: Sau khi ra quân vào năm 2011, tôi về nhà và tham gia đội bóng người Việt của em tôi ở Maryland. Năm 2016 tôi quyết định chạy bán marathon cho vui nhưng rồi sụp hố vì thấy không khí đua vui quá. Tuy nhiên, từ 2016 đến tháng Ba năm 2019, tôi không tập chạy nhiều lắm, có lẽ chỉ khoảng 50-80km/tuần thôi, bởi vì phải ưu tiên cho bóng đá và chúng tôi có nhiều giải đấu ở bang khác vui lắm. Đến tận tháng Ba 2019 thì tôi quyết định dừng chơi bóng. Giờ thì tôi chỉ tập luyện cho Boston và nhờ áp dụng phương pháp MAF, tôi chạy được 160-180km mỗi tuần, có khi 210 – 225km mỗi tuần.

Hung Tran trên sân bóng

BV: Anh sắp xếp thế nào để chạy được nhiều như vậy trong khi còn phải cân bằng với công việc và gia đình?

HT: Để đảm bảo được quãng đường như vậy trong một tuần, hầu như là ngày nào tôi cũng phải chạy hai lần, vì vậy tôi dậy lúc 4 giờ sáng để chạy và sau khi đi làm về, tầm 6 hoặc 7 giờ tối tôi lại chạy nữa. Hồi đó thì còn tập được bởi vì vợ tôi về nhà lúc 8 rưỡi tối thì tôi đã chạy xong rồi, nhưng giờ có em bé thì tôi phải cố gắng dậy sớm để chạy còn buổi chiều thì có thể vừa chạy máy vừa trông con. Cuối tuần cũng vậy, dậy từ sáng sớm để chạy và buổi chiều vừa trông con vừa chạy thêm phát nữa trên máy. Để xem sự việc như thế nào, tôi sẽ tùy theo tình huống mà linh động xử lý.

BV:  Ở trường phổ thông thì anh có tham gia đội chạy trên sân vận động hay chạy băng đồng không?

HT: Tôi chưa bao giờ chạy sân vận động gì cả, thời đi học gần như ngày nào tôi cũng chơi bóng rổ, vào hải quân chơi một chút, và sau khi xuất ngũ tôi chơi bóng đá, như vậy về cơ bản là tôi hoạt động suốt đời nên điều này hỗ trợ rất nhiều khi tôi bắt đầu chạy đường dài.

(Ghi chú: đội bóng đá mà Hùng tham gia nhiều lần đoạt chức vô địch trong cộng đồng người Việt và Mỹ)

Vô Địch 2014 ở New Jersey (Giải Đấu Sóng Việt)

BV: Hiện tại anh có huấn luyện viên không?

HT: Không, tôi chẳng có huấn luyện viên nào cả, tôi thích tự mình huấn luyện lấy, nếu không làm được thì chỉ có tự trách mình chứ không trách huấn luyện viên. Có quá nhiều thông tin trên mạng xã hội, trên Strava… rất nhiều chân chạy xuất sắc chia sẻ bài chạy lên Strava và Youtube, tôi lấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít đưa vào giáo án của mình. Đến nay thì điều này vẫn hiệu quả với tôi, chừng nào không còn có ích nữa thì tôi lại tìm cách khác.

BV: Anh tập một mình hay có bạn chạy cùng?

HT: Hầu như là tôi tự tập một mình bởi vì tôi dậy rất sớm, thỉnh thoảng tôi có chạy cùng em trai vào cuối tuần nhưng hầu như là một mình cày trên đường. Tôi có nhiều bạn bè nhưng phần lớn không ai tập giống tôi cả, hơn nữa thời gian lệch nhau nên thường là tôi tập một mình.

BV: Nhiều người chạy bộ tin tưởng vào tầm quan trọng của dáng chạy và kỹ thuật thở. Quý Nguyễn rất để tâm đến hai yếu tố này. Anh thấy sao?

HT: Ồ vâng, cơ cấu chạy bộ rất quan trọng. Khi chúng ta già đi, VO2max giảm xuống. Để chạy nhanh hơn, chúng ta cần phải cải thiện cơ cấu chạy bộ. Vì vậy khi chạy tôi không nghe nhạc mà lắng nghe cơ thể, chú ý đến dáng chạy, hơi thở, sải chân, và tất tần tật mọi thứ. Dáng chạy lý tưởng nhất là chạy theo kiểu Khí, tức là đáp chân bằng giữa lòng, thả lỏng cơ thể, mở rộng vai ra một chút để hít được nhiều không khí hơn. Tôi hít từ mũi vào bụng và thở ra đường miệng. Khi chạy chậm, tôi bắt nhịp hơi thở với bước chân, cứ 3 bước tôi lại hít vào bằng mũi và 3 bước sau đó thở ra bằng miệng. Khi chạy nhanh hơn, tôi áp dụng tỉ lệ 2-2, và lâu lâu tôi lại hít một hơi thở thật sâu rồi thở ra bằng miệng, sau đó trở lại với nhịp chạy.

Hung Tran cùng đồng đội ở giải vô địch bóng đá DC 2017

Có thời gian tôi không thực sự để ý đến việc này, nhưng rồi tôi kiểm tra hơi thở để đảm bảo mình đã trở lại với nhịp thở. Đối với nhịp chân, lý tưởng nhất là 180 bước/phút để bàn chân chịu ít tác động hơn; tôi cố gắng thu hẹp sải chân lại, đẩy tốc độ nhanh hơn một chút. Tôi đã quen với nhịp chân 184 khi chạy easy, nhưng khi chạy nhanh hơn thì nhịp chân của tôi cao hơn, vì vậy tôi cần phải tập nhiều động tác đá mông để giảm nhịp chân xuống.

BV: Hãy nói về chế độ dinh dưỡng của anh khi tập luyện và khi đua.

HT: Dinh dưỡng là một đề tài lớn và mỗi người một khác. Trước hết hãy nói về chế độ ăn của tôi đã. Kể từ tháng Ba năm ngoái tôi đã cố gắng tập trung toàn bộ cho chạy bộ và ăn uống, vì vậy ngày nào tôi cũng áp dụng chế độ nhịn ăn cách quãng. Tôi áp dụng tỉ lệ 16/8, nghĩa là tôi sẽ không ăn bất cứ thức ăn gì trong 16 giờ và chỉ ăn trong khoảng thời gian 8 giờ còn lại, vì vậy tôi không ăn gì từ 8 hoặc 9 giờ tối cho đến 12h hoặc 1 giờ chiều hôm sau. Trong suốt thời gian này, tôi uống rất nhiều nước hoặc trà. Nhịn ăn cách quãng thực sự tốt cho sức khỏe, và là chế độ ăn tự nhiên để giảm cân nếu như ai đó muốn giảm cân một cách tự nhiên. Đối với tôi thì chỉ là để khỏe mạnh và phục vụ chạy bộ thôi vì tôi đã khá gầy rồi. Trong cơ thể của chúng ta có hai nguồn năng lượng để chạy: carbonhydrate và mỡ. Carbonhydrate chỉ tồn tại 1 tiếng rưỡi đến hai tiếng trong những lần chạy căng như marathon, nhưng cơ thể chúng ta không dùng mỡ để gia tăng hiệu suất nhiên liệu như một nguồn năng lượng, và đấy là lý do tại sao chúng ta thấy có rất nhiều người đụng tường khi cạn carbonhydrate. Vì vậy, để huấn luyện cho cơ thể dùng mỡ một cách hiệu quả, chúng ta phải chạy chậm và nhịn ăn, nghĩa là không dùng gel hay nạp nhiên liệu khi tập.

Quay trở lại với đề tài này, tôi áp dụng nhịn ăn cách quãng để dạy cho cơ thể dùng mỡ làm nhiên liệu liên tục và tôi thích chạy buổi sáng sớm khi đang đói. Mấy tuần đầu thì khó chịu nhưng sau đó tôi thực sự cảm thấy dễ chịu khi cơ thể bắt đầu lấy mỡ làm nhiên liệu. Khi chạy tôi không mang theo chút nước hay gel nào và gần như tất cả các bài chạy tôi đều cảm thấy tốt, ngoài đôi chân đôi khi mệt nhoài do đường xa.

Vô Địch 2015 ở Buffalo (Giải Đấu Sóng Việt)

Tôi uống rất nhiều nước suốt ngày hôm đó nên khi tập tôi không uống chút nước nào. Điều này dạy cho tâm trí tôi trở nên cứng rắn hơn, vì vậy khi vào cuộc đua nếu gặp khó, bạn vẫn có thể đẩy được nhiều hơn nữa và điều này rất quan trọng; hầu như lúc nào tâm trí cũng bảo bạn hãy ngừng chạy trong khi cơ thể chưa muốn ngừng, vì vậy đây là một cách rất hay để dạy cho cơ thể bạn chịu đựng khi tập luyện mà không nạp bất cứ thứ gì, nhưng hãy nhớ uống đủ nước cả ngày thì sẽ không có vấn đề gì cả. Tôi biết nhiều vận động viên giỏi tập luyện theo phương pháp này và chạy nhanh hơn tôi nhiều.

Hiện nay tôi đang cố ăn chủ yếu thực vật giống như một người theo chế độ thuần chay, không thịt, không sữa, nhưng không hoàn toàn chay bởi vì vợ tôi không ăn như vậy, thỉnh thoảng tôi có ăn chút thịt, nhưng 99% thời gian tôi cố gắng ăn chay, bởi vì tôi tin rằng điều này cho phép tôi hồi phục nhanh hơn để tập luyện mỗi ngày. Một điều nữa là chúng ta cần tế bào hồng cầu để chạy, vì vậy hàng ngày tôi đều ăn rất nhiều rau lá thẫm như cải xoăn, rau bina để có thêm tế bào hồng cầu, và tôi ăn củ cải đường khoảng 3 lần/tuần để máu luân chuyển tốt hơn, giúp cơ thể có nhiều ô xy hơn, nhờ vậy có thể chạy nhanh hơn và xa hơn.

Nói về dinh dưỡng cho ngày đua, đây là điều đang có hiệu quả với tôi: ba ngày cuối cùng trước cuộc đua, tôi thường nạp carb và uống nhiều nước, buổi sáng hôm chạy đua tôi dậy khoảng 4 giờ, ăn bánh mì tròn và chuối rồi uống nước củ cải đường 1-2 giờ trước khi đua. 15 phút trước giờ đua tôi ăn 1 gói gel và 2 viên muối có chứa magne. Tôi tin rằng muối và magne giúp tôi tạo nên sự khác biệt lớn, magne giúp tôi cân bằng điện giải nên tôi không bị choáng. Trong suốt cuộc đua, tôi không ra nhiều mồ hôi lắm nhưng vẫn mất nhiều muối, và bằng cách ăn viên muối từ năm ngoái, tôi không bị chuột rút hay gì hết, nhưng cũng có thể là nhờ luyện tập. Khi chạy đua, cứ 6,5km tôi lại ăn một gói gel và cứ 8km tôi lại ăn một viên muối.

Có rất nhiều thông tin về cách tôi luyện tập, tôi chỉ muốn chia sẻ càng nhiều càng tốt, biết đâu ai đó có thể tiếp thu để giúp họ luyện tập tốt hơn.

BV: Anh có tập bổ trợ chéo không?

HT: Không, tôi không tập bổ trợ ngoại trừ khi bị chấn thương, khi đó tôi đạp xe để tập tim mạch. Cách đây vài năm, tôi bị chấn thương khi chơi bóng nên phải đạp xe mất vài tháng, nhưng bây giờ không chơi bóng nhiều nữa và chủ yếu chạy chậm nên tôi không hay bị chấn thương lắm, trừ việc mỏi chân thì tôi chỉ cần nghỉ một ngày hoặc bỏ một buổi tập là lại đâu vào đấy ngay.

Xem thêm: Thế nào là tập bổ trợ chéo – Cross Training?

BV: Bây giờ, hãy nói về thành tích gần nhất của anh. Anh chạy trong khoảng thời gian khó tin 56:29 cho quãng đường 10 dặm (16km) tại giải 2020 Reston 10-Miler, tương đương với pace 3:30p/km. Anh về thứ ba nhưng thời gian của anh đúng bằng với thời gian của Kevin Wright (bib 245), về nhì. Trong bức ảnh chụp chạy đua, anh chạy song song với Kevin. Anh có thể kể cho chúng tôi nghe về giải này được không?

HT: Vâng, giải gần nhất của tôi là chạy 10 dặm trên đường chạy khá dốc. Tôi đang tập cho giải Boston và tôi biết đường chạy Boston dốc, trong khi gần đây tôi lại không tập leo dốc nhiều, vì vậy tôi quyết định cùng em trai tham gia giải này, vừa để tập leo dốc vừa xem kết quả sau ba tháng tập nền tảng thế nào. Tôi tính chạy pace 3:34p/km để xem có thể chịu được bao lâu nhưng có một số người chạy nhanh nên tôi cố bám lấy người dẫn đầu và người thứ hai để xem sức mình thế nào. Sau 4 dặm chạy với pace bình quân 3:25p/km, tất cả đều bị rớt lại sau trừ top 3, và người dẫn đầu tăng tốc thêm một chút từ dặm thứ 6 nên tôi cố gắng bám người thứ hai. Tôi và người thứ hai chạy cùng nhau từ đầu đến cuối, nhưng tôi bám anh ấy thì đúng hơn bởi vì tôi chưa bao giờ chạy nhanh và lâu ở pace đó lúc luyện tập cả. Chân tôi vẫn ổn bởi vì trước giờ tôi chạy nhiều, cơ thể có thể giữ ở pace nhanh đó. Nói thật thì đến dặm cuối tôi có thể đua với người về nhì nhưng tôi quyết định để cho anh ấy về đích bởi vì nếu muốn đua thì tôi sẽ đua với người về nhất, nhưng không đuổi kịp anh ta nên nhì ba gì với tôi cũng vậy. Được chạy ở pace đó và có PR (kỷ lục cá nhân) là tôi thấy vui rồi.

Hung Tran và Kevin Wright, 2020 Reston 10-Miler

BV: Năm ngoái ở giải Marines Corp Marathon (MCM), thời tiết rất kinh khủng, lạnh và gió mạnh. Bạn tôi nhiều người đau đớn và chậm hơn mục tiêu tới 20-30 phút. Nhưng anh vẫn hoàn thành trong khoảng thời gian khó tin 2:54:07 và về đích thứ 32 trong số 18.355 vận động viên và đạt hạng tư lứa tuổi. Hãy kể cho chúng tôi nghe về giải này.

HT: Tôi nghĩ giải này không chỉ cải thiện pace mà còn rèn cả tâm trí kiên cường để chạy với pace nhanh hơn. Giống như tôi đã nói, tôi chạy đường dài mà không uống nước hay cắn gel, tôi nghĩ điều này giúp tôi chạy được hết giải. Tôi nhớ 2-3 dặm cuối rất vất vả nhưng không hiểu sao tôi vẫn kết thúc được. (BV: một tháng sau MCM Hùng chạy một giải marathon khác trong thời gian 2:48:39 ở Philadelphia)

Hung Tran, sau giải MCM 2019, 2:54:07

Hung Tran tại lễ trao giải MCM 2019, 2:54:07

BV: Rõ ràng là chúng ta vẫn chưa được chứng kiến thành tích tốt nhất của anh. Anh có thể chia sẻ kế hoạch của mình được không, mục tiêu tiếp theo của anh là gì?

HT: Lương Lê bảo tôi nên chạy 2:19 và trở thành người Việt Nam đầu tiên đủ tiêu chuẩn xét tuyển Olympic cho nước Mỹ. Chả chơi! Tôi đã 36 tuổi rồi, phải thực tế chứ. Thêm bốn năm nữa là tôi bốn mươi tuổi, vì vậy mục tiêu của tôi là trở thành chân chạy cấp Master với thời gian hoàn thành marathon 2:30. Đấy là mục tiêu tối hậu của tôi. Olympic ngoài tầm với.

BV: Anh có điều gì khác muốn chia sẻ với khán giả chạy bộ của chúng ta hay không?

HT: Slogan của tôi là tập luyện chậm và chạy đua nhanh. Ngoài kia có rất nhiều giáo án luyện tập, đừng chỉ bám lấy một giáo án truyền thống rồi thấy mình chẳng khá lên được, hãy cởi mở với các dạng tập luyện khác, chỉnh sửa và làm cho nó trở nên hiệu quả cho bản thân. Nhưng tôi tin rằng khối lượng luyện tập, kiên định và nhẫn nại là chìa khóa dẫn tới thành công, ít nhất là chạy gần với giới hạn của bản thân. Đôi khi bạn phải hy sinh điều gì đó trong đời để đạt được thứ mình thực sự muốn.

Gần đây, tôi được em trai và Lượng Lê giới thiệu vào câu lạc bộ SJVRC nên tôi có quen rất nhiều người bạn tuyệt vời trong câu lạc bộ, họ rất thích chạy bộ và góp tay vào giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ ở Việt Nam. Tôi muốn cảm ơn họ đã giới thiệu tôi vào câu lạc bộ này, bởi vì bây giờ mỗi khi chạy giải tôi lại trân trọng giới thiệu sự nghiệp lớn lao này và góp phần quảng bá câu lạc bộ để người nào biết tới có thể giúp đỡ trẻ em ở Việt Nam.  Và đây cũng là động lực to lớn để tôi tập luyện chăm chỉ hơn nhằm giới thiệu câu lạc bộ và lũ trẻ.

Bây giờ mỗi khi thi đấu tôi mang một cảm giác khác biệt bởi vì tôi không chỉ đua để lấy PR. Tôi chạy với một mục đích khác, và đó là nâng cao nhận thức về “One Mile for One Child” và giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh ở Việt Nam.

Hung Tran ở 2019 Philadelphia Marathon, 2:48:39

BV: Trước khi ‘buông tha’ cho anh, tôi phải hỏi nốt câu này: anh biết đấy, hiện đang có dịch virus Corona. Điều này có ảnh hưởng đến việc tập luyện của anh hay không? Anh đối mặt với nó thế nào?

HT: Không hề ảnh hưởng, bởi vì dù sao thì tôi cũng tập một mình. Bên cạnh đó, các giải đua đều đã bị hủy, tôi ủng hộ bởi vì như vậy sẽ an toàn cho mọi người và gia đình tôi. Sau này còn nhiều giải khác nữa. Đối với tôi, tập luyện thêm cho nền tảng là điều rất tốt.

(Bài viết trên do Lê Khánh Toàn chuyển ngữ)

— Link bài gốc ở đây —

About the Author Bruce Vũ

Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.

>
2K Shares