Thấy gì từ chỉ số của các vận động viên marathon cao tuổi?

Tác giả Alex Hutchinson/Outsideonline

Dữ liệu mới thu thập được trong phòng thí nghiệm về kỷ lục gia chạy marathon 59 tuổi giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình lão hóa và có thể là cách chúng ta đối phó với quá trình này

Tại giải marathon Frankfurt tháng 10 năm ngoái, vận động viên Tommy Hughes 59 tuổi đã thi đấu với thành tích đáng kinh ngạc khi ông về đích với thời gian 2:27:52. Ông đã lập kỷ lục thế giới ở cự ly này cho độ tuổi 59 và chỉ và phút sau, con trai ông, Eoin, 34 tuổi, cũng cán vạch đích với thời gian ấn tượng 2:31:30. Tổng thời gian của hai cha con là 4:59:22 và qua đó đã ghi danh họ vào sách Kỷ lục Thế giới với danh hiệu cặp cha con chạy nhanh nhất.

Thành tích của hai cha con ông cũng đã được đưa lên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng khi tháng trước tạp chí này đã công bố một loạt các kết quả xét nghiệm sinh lý của hai cha con do nhóm nghiên cứu do giáo sư Romuald Lepers thuộc Đại học Bourgogne Franche-Comté tại Pháp đứng đầu phối hợp với các đồng nghiệp tại Đại học Toulon và Đại học John Moores Liverpool tại Anh. Dữ liệu thu được giúp chúng ta có được cái nhìn sâu hơn về những yếu tố khiến ông Hughes khác biệt và có lẽ mang lại một số thông tin tích cực và lạc quan cho tất cả chúng ta.

Dữ liệu từ phòng thí nghiệm

Mô hình sinh lý truyền thống được sử dụng để phân tích thành tích chạy marathon bao gồm ba trụ cột: 1) VO2max, nói một cách đơn giản chính là dung tích động cơ của mỗi người; 2) hiệu suất chạy, tức hiệu suất hoạt động của động cơ; và 3) ngưỡng lactate, yếu tố quyết định mức nỗ lực chúng ta có thể duy trì ở ngưỡng VO2 max trong suốt 42,195 km.

Cả hai cha con ông Hughes đều có chỉ số VO2 max tương đồng một cách bất ngờ: Chỉ số này của ông Tommy là 65,4 ml/kg/min trong khi của Eoin là 66,9. Chỉ số của ông Tommy có phần ấn tượng hơn nếu chúng ta so sánh chỉ số này của một người lười vận động ở độ tuổi 59 là 30. Cả hai cha con đều có hiệu suất chạy tốt nhưng không phải thuộc nhóm cao khi chạy ở tốc độ marathon. Chỉ số này của ông Tommy là 209,6 ml/kg/km và của anh Eoin là 199,6. Ở chỉ số này, kết quả càng thấp thì càng hiệu quả, tức chúng ta phải đốt ít năng lượng hơn để duy trì một tốc độ chạy nhất định. Đây là những con số thường thấy ở những vận động viên chạy marathon thành tích tốt mặc dù một số vận động viên hàng đầu khu vực Đông Phi có chỉ số thấp ở mức 185.

Chỉ số thú vị nhất của hai cha con ông có lẽ là chỉ số về khả năng duy trì mức nỗ lực ở ngưỡng VO2 max. Tốc độ chạy marathon bình quân của ông Tommy đòi hỏi ông phải chạy ở mức 91% VO2 max trong khi đối với Eoin là 85%. Trở lại thời điểm năm 1991 khi chuyên gia sinh lý học Michael Joyner của Mayo Clinic thử tính toán giới hạn chạy marathon trên lý thuyết. Ông này ước tính rằng tốc độ chạy marathon nằm ở ngưỡng giữa 75-85% VO2 max mặc dù một số tài liệu không chính thức cho thấy một số vận động viên thành tích cao có thể chạy ở ngưỡng 90% khi chạy marathon.

Đây là vấn đề đã dấy lên nhiều tranh luận khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Delaware trong thời gian vừa qua đã kiểm tra chỉ số này của ông Gene Dykes, vận động viên có thành tích 2:54:23 ở độ tuổi 70 vào cuối năm 2018. Với chỉ số VO2 max là 46,9 ml/kg/min, ông Dykes đã chạy toàn bộ quãng đường marathon ở ngưỡng 95% VO2 max.

Với việc ông Hughes có chỉ số này trên 90%, chúng ta có thể kết luận rằng một trong những siêu năng lực giúp tạo ra sự khác biệt cho những chân chạy marathon nhiều tuổi là khả năng chạy marathon ở ngưỡng sát với VO2 max. Hay nói cách khác, theo ông Lepers, chúng ta có thể chưa đánh giá hết giá trị VO2 max của các chân chạy cao tuổi vì đây là nhóm thường không đạt tới giới hạn tuyệt đối khi chạy thử trên máy chạy cho tới khi kiệt sức. Một yếu tố ủng hộ cho quan điểm này là khi ông Tommy bước khỏi máy chạy vào cuối bài kiểm tra VO2 max thì ngưỡng lactate của ông chỉ đạt 5,7 mmol/L, trong khi của Eoin lên tới 11,5 mmol/L. Do chỉ số lactate là dấu hiệu của tình trạng đau mỏi do việc tập luyện ở cường độ cao gây ra nên chúng ta thấy có thể còn có yếu tố nào đó, chắc chắn không phải độ lì của cơ thể, đã buộc ông Tommy phải dừng bài kiểm tra trên máy chạy sớm hơn con trai trong khi kết quả thi đấu của ông rất tốt.

Quá trình tập luyện

Chúng ta cũng cần lưu ý thêm một chi tiết về ông Tommy Hughes: ông cũng không phải chân chạy không có tên tuổi. Trở lại thời điểm năm 1992, thành tích marathon của ông là 2:13:59 và đại diện cho Ireland tại Thế vận hội Barcelona. Sau đỉnh cao sự nghiệp đó, ông bỏ chạy 16 năm và bắt đầu lại khi đã 48 tuổi.

Ông cho biết, thời gian này ông luyện tập tương tự như thời còn đỉnh cao. Ông Lepers cùng các đồng nghiệp đã dùng đồng hồ Garmin để theo dõi quá trình tập luyện của cả hai cha con trong hai tháng trước khi diễn ra giải marathon Frankfurt. Dữ liệu thu được cho thấy, khối lượng tập luyện bình quân của ông Tommy là 180 km/tuần trong suốt 2 tháng này, hầu hết là các bài chạy bền và chạy nhanh khi tham gia các giải đấu ở địa phương. Khối lượng tập luyện của anh Eoin là 140 km/tuần.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra một số chi tiết rất thú vị. Ví dụ: “cả hai cha con đều có thó quen ăn uống cơ bản giống nhau. Bữa sáng, cả hai đều ăn cháo yến mạch và trái cây tươi hoặc khô, ăn bánh mì sandwich nguyên cám vào bữa trưa và khoai tây, cơm hoặc pasta cùng với rau củ và ga vào bữa tối. Ông Tommy cũng uống một ly nhỏ nước ép củ dền mỗi ngày. Vài ngày trước khi diễn ra giải marathon, hai cha con ăn rất nhiều pasta.”

Cả hai cha con đều đi đôi Nike Vaporfly Next% khi tham gia giải marathon Frankfurt.

Quỹ đạo xuống dốc

Lịch sử tập luyện và thi đấu của ông Tommy khiến chúng ta đứng trước một vấn đề nan giải. Tốc độ đáng kinh ngạc của ông ở độ tuổi 59 liệu có phải chủ yếu do ông là một chân chạy có năng khiếu như thành tích Olympic của ông đã chứng minh? Rõ ràng quá trình tập luyện của ông đóng vai trò nhất định nhưng chúng ta nên quan tâm tới việc ở độ tuổi này ông vẫn có thể tập luyện rất nặng hay việc ông không tập luyện trong độ tuổi từ 32-48 đã giúp ông “bảo vệ đôi chân”?

Chúng ta không thể rút ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào từ câu chuyện của cá nhân ông Hughes. Tuy nhiên, dữ liệu thu được từ ông lại có thể ghép vào một bức tranh tổng thể hơn trong một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Y học Thể thao do một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế (bao gồm cả hai ông Lepers và Joyner) do giáo sư Pedro Valenzuela thuộc Đại học Alcalá của Tây Ban Nha đứng đầu. Nghiên cứu này tìm hiểu vai trò của hoạt động tập luyện sức bền suốt đời trong việc ngăn chặn quá trình suy giảm VO2 max theo độ tuổi vì theo nhóm nghiên cứu đây là chỉ số giúp dự báo rất sát tuổi thọ của chúng ta và khả năng hoạt động của cơ thể trong những năm về già.

Một trong những câu hỏi mà nhóm nghiên cứu xem xét là mức suy giảm tất yếu VO2 max là bao nhiêu. Theo quan điểm truyền thống, chúng ta càng nhiều tuổi thì độ dốc càng lớn trong đó “điểm đột phá” nằm đâu đó khi chúng ta sang tuổi 70. Nhưng nếu quan sát những người như ông Hughes, những người tiếp tục tập nặng khi về già, chúng ta lại thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Ở biểu đồ dưới đây, đường liền đoạn cho thấy giá trị VO2 max ở các độ tuổi khác nhau theo giá trị tham chiếu của Đại học Y học Thể thao Hoa Kỳ (ACSM). Hai đường đứt đoạn thể hiện bách phân vị thứ 5 và thứ 95. (Giá trị tham chiếu của ACSM chỉ tới nhóm tuổi 65-75 nên đường phía sau nhóm tuổi này chỉ là số liệu ngoại suy.) Chấm màu đen cho thấy số liệu về các vận động viên thành tích cao ở các độ tuổi khác nhau, từ Oskar Svendsen với 96,7 ml/kg/min ở tuổi 18 cho tới vận động viên xe đạp người Pháp Robert Marchard với 35 ml/kg/min ở độ tuổi 103. Kết quả 65,4 của ông Hughes ở độ tuổi 59 là một trong những chấm đen này.

(Nguồn: Tạp chí Y học Thể thao)

Thông tin tích cực: Mặc dù số liệu khá phân tán nhưng các điểm đen của các vận động viên đỉnh cao tạo thành một đường khá thẳng. Không có bằng chứng cho thấy giá trị VO2 max lao dốc đột ngột sau một số điểm đột phá nhất định. Điều này không đồng nghĩa với việc xu hướng giảm đều này diễn ra một cách dễ dàng và tự nhiên. Như trường hợp ông Tommy Hughes, ông đã phải tập luyện rất nặng để chuẩn bị cho Thế vận hội. Nhưng biểu đồ cho thấy độ dốc sâu nhất khi chúng ta bắt đầu tập luyện ít dần, không hẳn là khi chúng ta bước sang một độ tuổi nào đó. Như ông Valenzuela cùng các đồng nghiệp đã nhận định, chúng ta cần tiến hành các nghiên cứu trong thời gian dài hơn, đối với cùng một nhóm người qua nhiều năm để xem liệu việc tập luyện thường xuyên có thể giúp VO2 max suy giảm theo một đường thẳng tuyến tính hay không. Còn hiện tại, chúng ta hãy hy vọng ông Hughes sẽ giúp chúng ta thu thập được một số dữ liệu kiểu như: ông đã bước sang tuổi 60 vào tháng 1/2020 và vẫn hướng tới mục tiêu viết lại sách kỷ lục thể giới ở nhóm tuổi mới của mình.

About the Author Phạm Thao

  • […] Thấy gì từ chỉ số của các vận động viên marathon cao tuổi? […]

  • […] Thấy gì từ chỉ số của các vận động vi&e… […]

  • […] Thấy gì từ chỉ số của các vận động vi&e… […]

  • >
    129 Shares