Thử Thách Để Thay Đổi – Bài Phỏng Vấn Quý Nguyễn, Người Chạy Bộ Từ Thiện

Mặc dù đã theo dõi cô từ lâu trên Strava—mạng xã hội dành cho những người chơi thể thao bơi đạp chạy —phải tới giải đua Marathon quốc tế California 2018 (CIM), tôi mới gặp Quy. Tôi biết cô chạy giỏi, nhưng hơn thế nữa, cô là một chân chạy có cái tâm; cô sinh hoạt tại CLB Chạy bộ Người Việt San Jose (SJVRC), câu lạc bộ chạy từ thiện và mọi thành viên đều chạy vì một sứ mệnh.

Tên đầy đủ của cô là Nguyễn Thị Quý, thường được gọi là Quy SJ vì cô sống tại San Jose, để khỏi nhầm lẫn với một chân chạy khác trùng tên—Quy Nguyen ở Quận Cam, hay còn gọi là Quy OC. Quy SJ còn được mệnh danh là Con Thỏ nhờ vào tốc độ nhanh như chớp của mình. Tại CIM 2018, Con Thỏ đạt tiêu chuẩn để tham dự giải Marathon Boston lần thứ 124, trước đó dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2020 nhưng nay phải lùi lại tới ngày 14/9/2020.

Khi tôi liên hệ với chủ tịch SJVRC Luong Le và nhờ anh giới thiệu cho một chân chạy nữ để khắc họa trong cộng đồng chạy bộ người Việt, không chút do dự anh giới thiệu tôi với Quy Thỏ. Theo Luong, Quy dành toàn thời gian nuôi con, làm chủ nhiệm chương trình, kiêm tình nguyện viện/thủ quỹ của SJVRC. Cô gắn bó với sứ mệnh và tầm nhìn của câu lạc bộ là chạy vì trẻ em bất hạnh ở Việt Nam và cô đã tập luyện rất chăm chỉ để có được ngày nay. Cũng tình cờ là trong tuần lễ đó Quy vừa mới hoàn thành 140 dặm (224 km) đường chạy và đứng đầu bảng tổng sắp của SJVRC.

Xin hân hạnh được giới thiệu với quý khán giả Quy Thỏ và chặng đường trở thành một trong những chân chạy từ thiện giỏi nhất ở Bắc California. Không dông dài thêm nữa, hãy làm quen với chân chạy nữ 45 tuổi của chúng ta…


BV: Cảm ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn. Chị giải quyết lệnh Ở-nhà của California thế nào?

QN: Shelter in Place (SIP – ở nguyên tại chỗ) chắc chắn là một thời gian đáng sợ và thử thách do phải đột ngột thay đổi lịch làm việc và đóng cửa trường học. Tôi phải điều chỉnh đôi chỗ để thích nghi. Trong 7 tuần qua tôi đã làm việc ở nhà và hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ con gái học từ xa. Trong cơn khủng hoảng như thế này, tất cả chúng ta đều phải thay đổi và cố gắng hết sức để ủng hộ SIP và chờ lệnh cách ly qua đi.

BV: Hãy kể cho chúng tôi nghe về bản thân, gia đình, công việc.v.v.

QN: Gia đình tôi có 8 người, có mình tôi là con gái. Tôi sống ở Montery, CA và sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 1992, tôi vào Đại học San Jose State và bố mẹ tôi quyết định chuyển tới San Jose. Hiện tôi đang làm việc cho một công ty phi lợi nhuận hỗ trợ cho cộng đồng địa phương của tôi và những gia đình có trẻ bắt đầu đi học.

Chồng tôi là Nguyễn Hữu Quốc Thông và chúng tôi có hai cô con gái đáng yêu (Evelyn&Mekayla). Công việc thường ngày của tôi là chạy bộ, làm việc, và đi dạo. Tôi thích dành thời gian ngồi bên bãi biển nghe tiếng sóng vỗ và ngắm nhìn hoàng hôn.

Quý và Gia Đình

BV: Quê chị ở đâu? Chị tới Mỹ năm nào? Trước khi chuyển tới San Jose thì chị sống ở đâu?

QN: Tôi sinh ra ở Đà Nẵng, và tôi rời quê hương khi còn bé. Gia đình tôi tới Mỹ năm 1980. Thời thơ ấu, tôi đi học mẫu giáo, phổ thông, trung học ở Monterey, CA. Sau khi tốt nghiệp trung học vào tháng Năm 1992, tôi được nhận vào Đại học San Jose State. Mẹ tôi quyết định chuyển toàn bộ gia đình tới San Jose vào mùa hè năm 1992.

BV: Tôi đang theo dõi chị trên Strava và nhận thấy chị có rất nhiều tag, từ đó người ta có thể dễ dàng nhận thấy chị đang chạy cho một sự kiện từ thiện. Hãy kể cho chúng tôi nghe về điều đó.

QN: Hồi tháng Tư 2017, sau khi chạy xong giải ở Los Gatos, tôi ghé nhanh qua cửa hàng. Tình cờ có người tới gần, giới thiệu câu lạc bộ SJVRC và hỏi tôi có muốn gặp các thành viên hay không. Tôi nghĩ, sao lại không nhỉ? Và thế là tôi đến với #OneMile4OneChild của SJVRC. Là một người mới gia nhập tổ chức, tôi gặp chị Tara Đặng và chủ tịch Lê Lượng và cuối cùng thì cũng hiểu được sứ mệnh của câu lạc bộ. Giờ thì tôi chạy không chỉ để cho khỏe mà còn giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng cách làm từ thiện và gây quỹ cho trẻ mồ côi.

Đọc thêm:

Mục tiêu bất khả thi

Tập chạy chậm để tỏa sáng ở giải đua

Tỉ lệ đạt chuẩn Boston Marathon của một số giải chạy

Boston Marathon – Giải chạy trong mơ của giới chạy bộ

BV: Chị thường nhắc tới PRAYER4ASIANA trong các lần chạy. Chị có thể nói cụ thể hơn được không?

QN: Có thể coi đây là bước khởi đầu trên chặng đường tôi đến với SJVRC. Người giới thiệu tôi đến với câu lạc bộ hồi tháng Tư 2017 là Charlie Bùi và cô con gái 9 tuổi của anh ấy Asiana. Họ đều rất yêu chạy bộ và làm công tác cộng đồng, và điều này khiến tôi quan tâm muốn tìm hiểu xem tổ chức này thế nào. Mùa thu 2017, cô bé gặp một chứng động kinh hiếm gặp (F.I.R.E.S). Từ đó, tất cả mọi lần chạy của tôi đều nhắc tới PRAYER4ASIANA. Tôi muốn dành tặng bài chạy của mình, gửi những ý niệm tốt lành và một lời cầu nguyện cho cô bé.

Chạy Cho Asiana

BV: Giờ thì hãy nói về OneMile4OneChild của SJVRC. Hãy kể về tổ chức này và vai trò của chị ở đó?

QN: OneMile4OneChild của SJVRC là một tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3), được thành lập vào tháng Chín 2016 bởi Lê Lượng và một nhóm nhỏ chạy bộ ngẫu hứng hàng tuần. Chúng tôi có trên 500 thành viên và đang mở rộng cả trong nước lẫn quốc tế. Tầm nhìn—Một Dặm Cho Một Bé—và sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy và nuôi dưỡng thành viên xây dựng phong cách sống lành mạnh, đồng thời tạo cơ hội để đền đáp cho cộng đồng thông qua hoạt động tình nguyện và gây quỹ để hỗ trợ trẻ em bất hạnh ở Việt Nam. Khẩu hiệu của chúng tôi là “Chạy vì từ thiện, vì niềm vui!” Chúng tôi gặp nhau vào khoảng 7h sáng Chủ nhật hàng tuần tại đường Silver Creek ở San Jose gần bãi đậu xe của Starbucks để quảng bá và các thành viên sẽ chạy với nhau. Đồng thời, chúng tôi tổ chức giải chạy từ thiện thường niên 5K/10K và hi vọng sẽ bổ sung được giải chạy 1 dặm (1.6 km) vào giải thường niên sắp tới của năm 2020.

Hiện nay, vai trò của tôi trong SJVRC với tư cách thành viên ban quản trị là thủ quỹ và cùng với Lê Lượng cũng như các thành viên cốt cán khác xử lý mọi vấn đề về tài chính và chi phí. Nếu không, hàng ngày tôi lại tiếp tục quảng bá tổ chức của mình thông qua gia đình và bạn bè. Tôi thích được quảng bá và truyền cảm hứng về sống lành mạnh thông qua chay bộ và hỗ trợ cộng đồng bằng hoạt động tình nguyện cho các sự kiện từ thiện.

One Mile for One Child

BV: Hãy giải thích giúp tôi làm cách nào để có thể đóng góp cho quỹ từ thiện của chị? Nhiều người muốn đóng góp để được trừ thuế. Như vậy có được không?

QN: Bất cứ ai muốn gia nhập tổ chức của chúng tôi đều được hoan nghênh cả. Tầm nhìn của SJVRC là #OneMile4OneChild. Chúng tôi chạy bộ là có mục đích và 100% tiền thu được sẽ được sử dụng trực tiếp cho việc cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng gặp thảm họa và khủng hoảng. Bất cứ ai muốn đóng góp đều có thể ghé thăm website www.SJVRC.org hoặc email theo địa chỉ sjvrc16@gmail.com. Bất cứ khoản đóng góp nào cũng đều có thể chuyển online hoặc gửi check. Khoản đóng góp của bạn có thể được khấu trừ thuế và chúng tôi có thể cung cấp chứng từ thuế.

BV: SJVRC cũng lên kế hoạch tới Việt Nam để các thành viên có thể tham gia vào các sự kiện từ thiện, đồng thời chạy marathon ở Việt Nam. Chị đã đi một chuyến rồi, chị có thể mô tả nhanh về trải nghiệm của mình được không?

QN: SJVRC cố gắng sắp xếp các chuyến đi Việt Nam để thành viên có thể tham gia vào các sự kiện từ thiện và đồng thời chạy marathon ở đó. Là một thành viên, tôi rất biết ơn khi được tham gia chuyến đi từ thiện và có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi ghé thăm nhiều nơi khác nhau và hỗ trợ nhiều khu vực nông thôn ở Việt Nam. Được có mặt ở đó và đóng góp vào sứ mệnh của tổ chức là điều vô giá và vinh dự đối với tôi. Bên cạnh lịch trình và kế hoạch thường niên của sự kiện từ thiện này, phần thưởng lớn nhất là được chạy giải Marathon Quốc tế Đà Nẵng. Được về Việt Nam làm từ thiện và chạy marathon là một trải nghiệm hết sức đáng nhớ đối với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được về lại quê hương kể từ khi ra đi. Tôi luôn có ý định quay về nhưng việc gia nhập SJVRC đã thúc đẩy ý nghĩ của tôi đối với việc trở về. Tôi được gặp những người bà con đầu tiên của mình và giới thiệu họ vào tổ chức và tham giam cùng các hoạt động từ thiện của SJVRC. Các chuyến từ thiện của chúng tôi cho phép tôi hiểu rõ và trân trọng lý do tại sao tôi lại tiếp tục chạy bộ và hỗ trợ trẻ em bất hạnh ở Việt Nam.

Viếng Thăm Cô Nhi Viện

Tham Gia Giải Đà Nẵng Marathon 2018

BV: Giờ thì hãy nói về chuyện chạy bộ nhé. Chị vui lòng điền vào các thông tin dưới đây…

  • Số năm chạy bộ: 23 năm
  • Lý do bắt đầu chạy bộ: Tôi bắt đầu chạy bộ thời học đại học khi một người bạn bảo tôi chạy theo bạn ấy.
  • Tôi biết mình “sụp hố” vào: Năm 1997, khi mới bắt đầu chạy tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian dần trôi và tôi thấy mình càng thích chạy hơn. Tôi thích chạy ngoài trời và ngắm cảnh đẹp tự nhiên, nhờ đó tôi thấy thư giãn và tươi mới để khởi đầu buổi sáng—việc này trở thành “tách cà phê” mỗi ngày của tôi.
  • Giải chạy hài lòng nhất: Los Angeles Marathon.
  • Giải chạy ưa thích: Marathon Quốc tế Big Sur: cảnh đẹp tuyệt vời từ đầu đến cuối.
  • Nơi chạy ưa thích: Tôi có vài nơi tập luyện ưa thích như Piedmont, Đường mòn thung lũng Hellyer Coyote, Hồ Almaden & Đường mòn Campbell Los Gatos.
  • Bạn chạy: Các thành viên SJVRC và đội chạy dài Piedmont Warriors.
  • Nếu tôi có thể tham gia một giải chạy tập luyện cộng đồng với bất cứ người nào, dù còn sống hay đã mất: Nếu có thể chạy với ai đó, tôi sẽ chạy với người mẹ kính nhớ của mình đã mất cách đây gần 14 năm.
  • Điều buồn cười/kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy khi chạy bộ: Điều kỳ lạ nhất và buồn cười nhất mà tôi từng thấy khi chạy bộ là “Khi bị Tào Tháo đuổi thì phải kiếm chỗ giải quyết!”
  • Lời khuyên dành cho người mới bắt đầu chạy bộ: Một lời khuyên mà tôi muốn dành cho người mới chạy bộ là “Đừng bao giờ từ bỏ thì bất cứ điều gì cũng làm được!” và “Điều gì không thách thức sẽ không thay đổi được bạn” của Fred Devito.
  • Các môn thể thao và sở thích khác: Ngoài chạy bộ, tôi còn thích các hoạt động ngoài trời như đi dạo, đi bộ, đạp xe, cắm trại, và tập gym.
  • Thích đọc: Tiểu thuyết “Love Story” và tạp chí Home
  • Bữa ăn ưa thích trước giải đua: Spaghetti/Pasta
  • Nơi nghỉ mát mơ ước: Bahamas

BV: Chị có tập theo giáo án cụ thể nào không?

QN: Tôi tập theo giáo án 18 tuần từ năm 2018. Tôi dùng nó làm mẫu và trong lúc tập luyện nếu cần thì tôi điều chỉnh.

BV: Chị tham gia rất tích cực vào bài chạy nhanh ngày thứ Tư do huấn luyện viên Quang Nguyen hay còn gọi là Spidey tổ chức. Chị có thể chia sẻ với chúng tôi về bài tập này? Mọi người áp dụng loại tốc độ thế nào?

QN: Tôi rất biết ơn khi HLV Spidey tổ chức bài chạy thứ Tư trong sân vận động. Nếu không có các bài tập tốc độ hẳn là tôi đã rất vất vả mới duy trì được mục tiêu marathon của mình. Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi xuất hiện, còn có chút e ngại bởi vì tôi sợ sẽ không vượt qua được bài tập này. Khi quan sát các chân chạy khác thở hổn hển lúc tập, trông thật là thử thách. Sau nhiều tuần kiên trì trên đường chạy của HLV Spidey, tôi nhận ra lợi ích của các bài chạy tốc độ tích lũy. Thứ Tư hàng tuần với HLV Spidey, chúng tôi chạy 1-2 dặm khởi động, 4 bài 200m khởi động và sau đó là 10 bài 400m. Mỗi tuần thì bài tập lại tăng lên thành 8 x 800m, và huấn luyện viên  sẽ tăng dần lên hàng tuần cho đến ngày thi đấu.

Ủng Hộ Coach Spidey ở Giải Vô Địch Kona Ironman

BV: Con đường đến với giải marathon Boston của chị không hề dễ dàng. Chị đã đến rất gần với giải marathon Boston 2019, hẳn đây phải là một thời điểm rất đáng thất vọng. Sau đó chị vụt trở lại và đạt chuẩn Boston 2020 với một khoảng đệm lớn. Tuy nhiên, Boston 2020 vẫn chưa diễn ra. Đây thực sự là một trải nghiệm đột ngột đối với chị. Hãy kể cho chúng tôi nghe về điều đó.

QN: Hồi 2018, khi tôi bắt đầu tập luyện hướng tới đạt chuẩn marathon Boston, chắc chắn đây không phải là điều dễ dàng gì. Tập luyện quá nhiều làm chân tôi có cảm giác như kiệt sức. Tôi không biết rằng đạt chuẩn Boston lại khó khăn đến vậy. Với mục tiêu thời gian cho giải marathon Santa Rosa 2019 là 3:53:21, tôi nghĩ mình sẽ kiếm được một suất chạy. Hãy nhớ rằng, thời gian đạt chuẩn là 3:55 nhưng tôi đã không có đủ thời gian đệm để có suất chạy. Thật đau khổ khi phải chờ đợi ứng dụng xử lý và cuối cùng nhận được một email là tôi không được chạy Boston. Mục đích của tôi khi cố gắng chạy Boston 2019 là để tưởng nhớ người bạn Gregory đã mất vì ALS (xơ cứng teo cơ một bên). Anh ấy cũng là một chân chạy marathon và mơ ước của anh ấy là được chạy Boston. Không giành được suất chạy Boston là một thất vọng to lớn, nhưng con đường tôi đến với Boston chưa kết thúc và tôi biết rằng có ĐỘNG LỰC và QUYẾT TÂM, một ngày nào đó tôi sẽ làm được. Trở lại với bảng vẽ, tôi tiếp tục tập luyện và đăng ký các giải đua để nhằm đạt chuẩn Boston. Nhờ quyết tâm và tập luyện chăm chỉ, giải đua CIM 2018 đã cho tôi đủ khoảng đệm để giành một suất chạy Boston 2020 lẽ ra đã diễn ra vào 20 tháng Tư 2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, sự kiện này đã phải dời lại tới ngày 14 tháng Chín. Cuộc đời là một chiếc tàu lượn… Khi nó tới thì tôi sẽ leo lên. Thật tuyệt nếu tất cả mọi người đạt chuẩn đều có thể chạy giải Boston vào ngày 14 tháng Chín. Nếu không, tôi sẽ đăng ký giải marathon Boston 2021 và hy vọng có thể sử dụng thời gian chạy giải marathon Los Angeles của tôi là 3:42:51.

Đọc thêm:

Chạy bộ nghiêm túc: tuổi tác chỉ là những con số

Breaking 330: Cặp vợ chồng 7X chạy marathon siêu nhanh kỷ lục Việt Nam

Chạy bộ khi ở tuổi ngoài 40

BV: Mấy tuần trước, chị chạy 224 km trong một tuần. Đây thật là một kỳ tích. Hãy nghĩ mà xem, đây là chạy 32km/ngày suốt bảy ngày liên tục. Chị làm thế nào để thực hiện được điều đó?

QN: Mục tiêu của tôi là thử và chạy 160 km tuần đó nhưng mặc dù đầu đã quyết nhưng chân lại không nghe. 160 km một tuần không phải là việc dễ làm. Trước đó, sau vài tuần từ từ tăng quãng đường chạy từ 64 km một tuần tới 96 km, 112 km, và cuối cùng là 160 km. Điều này đòi hỏi nhiều cam kết, mạnh mẽ, và quyết tâm. Thực tế, tôi đã quyết tâm và liên tục tự nhủ rằng “MÌNH CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC” và tôi chỉ còn mỗi việc thực hiện và tuân thủ cam kết mà thôi. Để đạt được toàn bộ quãng đường, tôi vạch ra kế hoạch trong đầu, biết rằng mình không thể thực hiện toàn bộ trong một lần chạy được. Tôi đề ra chiến lược và chia bài chạy thành hai lần trong ngày. Một bài vào sáng sớm và một bài vào buổi tối. Mỗi bài chạy tôi phải bổ sung dinh dưỡng phù hợp và uống sinh tố xay để hồi phục. Và nữa, cảm ơn rất nhiều Herbal life 24 và vô số lần lăn ống foam roller. Không có gì là dễ dàng cả, nhưng nếu đặt tâm trí vào và tuân thủ thì bạn có thể đạt được. Về phần mình, tôi là mẫu người tự thôi thúc và tự thực hiện. Chạy bộ giúp tôi giải tỏa căng thẳng, tự ngẫm nghĩ, tự mang lại hạnh phúc cho bản thân, và giữ cho cơ thể được thon thả, khỏe mạnh. Tôi ngưỡng mộ tất cả những vận động viên vĩ đại ngoài kia. Bất kể bạn đi bộ, chạy, đạp xe, hay bơi—hãy tiếp tục làm những gì làm bạn hạnh phúc và trung thực với giá trị của bản thân mình.

BV: Bình quân, hiện nay mỗi tuần chị chạy bao xa?

QN: Bình quân tôi chạy 60 – 80 km mỗi tuần. Ngày chạy của tôi là thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Bảy, và Chủ nhật. Thứ bảy thường là lịch chạy dài của tôi.

BV: Chạy nhiều như vậy, chị sắp xếp như thế nào với lịch trình bận rộn của mình?

QN: Nếu tôi định chạy 160 km, tôi phải dậy sớm để chạy trước khi bắt đầu công việc. Sau khi chuẩn bị bữa tối cho gia đình, tôi thực hiện bài chạy thứ hai vào buổi tối. Để so sánh, đấy là sự cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình. Gia đình có hạnh phúc thì người chạy bộ mới hạnh phúc!

BV: Chị chủ yếu chạy một mình hay với đội nhóm?

QN: Trước khi vào SJVRC, tôi luôn tập một mình. Không tập trung gì vào quãng đường hay tốc độ. Với SJVRC, có rất nhiều kiểu kết hợp. Có lúc tôi hẹn bạn bè ở công việc hoặc đường mòn để chạy cùng nhau nhưng ai chạy pace người đó. Vào ngày chạy ở sân vận động, chúng tôi hẹn HLV Spidey và bắt đầu cùng nhau và cuối cùng chạy ở thời gian/pace cố định và cố gắng bám lấy pace. Cũng có những lúc tôi chạy một mình để theo kịp kế hoạch tập luyện của mình.

Chạy Chung Với Nhóm SJVRC

BV: Có điều gì chị muốn chia sẻ với khán giả không? Chẳng hạn như tập luyện (bài tốc độ, bài chạy dài, chạy thả lỏng, khối lượng.v.v.), dinh dưỡng, ngủ nghỉ, v.v.

QN: Cứ tiếp tục chạy! Hoặc làm bất cứ thứ gì bạn thích. Có một câu trích dẫn của Fred Devito mà tôi rất thích là “Điều gì không thách thức thì sẽ không thay đổi được bạn.” Tôi tin rằng nếu tập luyện phù hợp, bạn sẽ tới được nơi muốn tới. Bất kể chúng ta chạy nhanh hay chạy chậm thế nào, hãy nhớ thực hiện từ từ và chậm rãi tăng năng lực bản thân lên khi cơ thể đã sẵn sàng cho điều đó. Tôi không trở thành người chạy nhanh chỉ qua một đêm. Hãy xử lý từng ngày một và quan trọng nhất, nên nhớ chăm sóc cơ thể của mình. Với tất cả những bài chạy tôi đã thực hiện trong 3 năm không nghỉ, tôi thường không có đủ thời gian để nghỉ ngơi hay lắng nghe cơ thể. Tôi không nạp đủ dinh dưỡng để hồi phục. Tôi hiểu rằng cần phải đối xử tốt với cơ thể mình, có vậy mới có thể tiếp tục chạy bộ và mạnh khỏe được.

BV: Chị có chú trọng chuyện tập bổ trợ không?

QN: Tất nhiên! Tôi đề nghị nên tập các môn bổ trợ như đạp xe, máy ellip, và tập gym. Nó góp phần tích lũy, phát triển và duy trì các cơ khác trong cơ thể để xây dựng sức mạnh.

BV: Mục tiêu tiếp theo của chị là gì, cả chạy bộ lẫn từ thiện?

QN: Chạy bộ và từ thiện sẽ tiếp tục gắn liền với đời sống hàng ngày của tôi. Tiếp tục chạy và đem nhận thức tới cho người khác là đam mê lớn của tôi. Tôi dự định sẽ tiếp tục hỗ trợ SJVRC và đóng góp cho các sự kiện từ thiện. Khi cơ hội cho phép, tôi muốn được quay về Việt Nam và cùng với SJVRC thực hiện nhiều công việc từ thiện hơn nữa. bên cạnh chạy giải marathon Boston, tôi muốn được chạy giải marathon Chicago và hy vọng có cơ hội được chạy 6 giải marathon lớn theo bất cứ cách nào có thể.

Thành tích gần đây của Quy:

2012 San Jose Rock and Roll 2:23

2012 Vegas RockNRoll Marathon 5:30

2018 Big Sur International Marathon 4:11:31

2018 Santa Rosa Marathon 3:53:21

2018 San Jose Rock N Roll 1:41:36

2018 CIM 3:44:02 (BQ 2020)

2019 Big Sur International Marathon 4:07:10

2019 Santa Rosa ½ Marathon 1:39:32

2020 Los Angeles Marathon 3:42:51 (BQ 2021)

Bài gốc trên SJVRC
Bản Việt ngữ do anh Lê Khánh Toàn dịch

About the Author Bruce Vũ

Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.

  • […] Thử Thách Để Thay Đổi: Bài Phỏng Vấn Qu&yacute… […]

  • >
    110 Shares