Câu Chuyện Của Một Pacer Marathon 4:00

Tôi đến Houston vào trưa thứ Bảy 1/2/2020, một ngày trước khi diễn ra giải đua USA Fit Marathon ở Sugarland, Texas. Tôi đã đến Houston vài lần, nhưng lần nào cũng vì công việc ở trung tâm Johnson Space Center. Đây là lần đầu tiên tôi qua đây không phải vì công việc, lần này tôi qua Houston một công hai ba chuyện, ngoài việc làm pacer 4 tiếng cho cự ly marathon ở giải đua USA Fit Marathon & Half Marathon tôi sẽ làm quen với một vài người bạn và nối lại liên lạc với một bạn học cấp ba sau 40 năm.

Tôi nhắn tin cho Hà Anh Vũ, một người bạn làm quen được qua nhóm chạy bộ đường dài ở Hà Nội, là thay vì gặp nhau ở khách sạn thì hẹn ở expo vì giờ này sớm qua chưa check-in khách sạn được. Vũ nói ok và cũng nhắc tôi đây là giải đua nhỏ, chỗ lấy bib là một cửa hàng bán đồ thể thao chứ không phải là cái expo như ở các giải đua có chục ngàn runner.

Lấy bib xong còn sớm nên tôi tạt qua tiệm bánh mì Subway ăn trưa. Từ ngày đổi qua chế độ thuần chay tôi gặp nhiều khó khăn ăn ngoài và phải từ bỏ những tiệm thức ăn nhanh, nhưng đặc biệt tiệm Subway thì tôi vẫn là khách trung thành và món duy nhất ở đó là “veggie delight sandwich” không có cheese. Ăn uống xong thì Vũ đến nơi và sau đó một vài phút là một bạn trẻ khác tên là Lê Tiến xuất hiện. Ba anh em chúng tôi hẹn nhau ở một quán ăn chay Houston. Tôi biết là họ muốn thết đãi tôi vì cả hai bạn trẻ này không ai ăn chay, nhưng rất tiếc tôi đã no kềnh, nhưng tôi vẫn phải đi theo họ và ăn một vài món tráng miệng. Sau khi ăn xong tụi tôi kéo nhau ra một quán cà phê gần đó để chém gió.

Vũ-Tiến-Bruce

Qua câu chuyện, tôi biết được Vũ chỉ 31 tuổi nhưng đã có con 5 tuổi còn Tiến đã 36 nhưng vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng. Vũ làm ngành dầu khí và là bạn của hai chân chạy hổ báo ở VN là anh Lê Trung Tâm và Đỗ Trần Trung. Vũ cũng không phải dạng vừa, chỉ mới đến với chạy bộ, luyện tập không nghiêm túc nhưng lần đầu race half marathon ở giải Chevron Marathon, Houston tuần rồi với thời gian 1:38. Còn Tiến thì đã chạy 3 cái marathon nhưng chỉ chạy cho vui và đang cố gắng đạt sub2 half marathon, vì thế ngày mai sẽ bám theo tôi.

Sau khi chia tay hai bạn trẻ, tôi gặp lại Phan Anh Tú, người bạn sau 40 năm không gặp. Tôi thật sự cảm động khi biết Tú và vợ đã lái xe 2 tiếng rưỡi từ thành phố Austin xuống đây và thuê cùng khách sạn nơi tôi đang ở để tiện việc đưa đón tôi vì lần này tôi không thuê xe và hoàn toàn phụ thuộc vào Uber. Cả chiều hôm đó vợ chồng Tú dẫn tôi đi chơi ở Houston, coi múa lân ở chợ Hongkong xong ăn chay ở một nhà hàng trong khu Kim Sơn. Bốn chục năm là một thời gian dài, lần cuối gặp nhau chúng tôi là hai đứa con trai tuổi teen, bây giờ con út của chúng tôi lớn tuổi hơn tụi tôi thời đó. Mặc dù còn muốn nói chuyện nhiều nhưng chúng tôi phải chia tay, tôi cần giữ sức ngày mai còn chạy 42km dù chỉ là làm pacer.

Gặp lại bạn cũ sau 40 năm

Làm pacer có nghĩa là chạy dưới sức của mình. Theo luật của Beast Pacing, đội pacer tôi tham gia thì pacer chỉ được dẫn nhóm chậm hơn 10 phút so với thành tích chậm nhất trong 3 giải đua gần đây ở cự ly Half Marathon và 20 phút ở cự ly Marathon. Thí dụ như để dẫn nhóm 4:00 marathon thì pacer phải đủ sức chạy nhanh hơn 3:40. Riêng cá nhân tôi đang tập luyện để đạt thành tích dưới 3:25 cho nên việc chạy 4:00 chỉ là pace Easy, tôi hoàn toàn tự tin sẽ làm tốt điều này. Tuy nhiên mấy ngày hôm nay cơ thể tôi còn đang hồi phục từ triệu chứng cảm lạnh. Tôi không còn bị xổ mũi và hắt hơi nhưng vẫn còn còn ho nhẹ và trong phổi vẫn còn chút tắc nghẽn. Tôi vẫn chưa quên thảm họa Florida Half Marathon cách đây hai năm khi tôi cố chạy trong khi bị cảm và đã ngất xỉu. Trước  khi đi vợ tôi dăn tới dặn lui là nếu thấy mệt thì bỏ cuộc, Vanessa (người sáng lập ra Beast Pacing) sẽ thông cảm.

Sáng hôm sau tôi định đón Shuttle của khách sạn ra điểm xuất phát thì Tú đã thức dậy và đòi chở tôi đến điểm xuất phát thay vì đợi xe của khách sạn sẽ trễ hẹn với nhóm pacer. Cự ly marathon và bán marathon khởi hành cùng một lúc 6:30 sáng mà 5:30am người leader của nhóm pacer đã yêu cầu cả bọn tập trung gần điểm xuất phát để chụp hình và chém gió. Vì đây là giải nhỏ và cự ly marathon là 2 lần của bán marathon nên không cần pacer cho bán marathon. Nhóm pacer của chúng tôi gồm có 9 người chạy với những mốc thời gian 3:40, 3:50, 4:00, 4:15, 4:30, 4:45, 5:00, 5:15 và 5:30. Những người này tôi chưa từng gặp bao giờ, tôi chỉ nói chuyện qua loa với trưởng nhóm là Corey dẫn 4:30 và David dẫn 3:50. Đa số trong các giải đua, nhóm pacing 4:00 cho FM và 2:00 cho HM là nhóm đông người theo nhất vì sub4 và sub2 là những cái mốc quan trọng của runner, vì thế tôi biết lần này trách nhiệm của mình không phải nhỏ.

Beast Pacing Group, 2/2/2020

Sau đó tôi gặp Vũ và hai anh em đứng nói chuyện, chụp hình cho đến gần giờ xuất phát. Tôi nói với Vũ: “Đây là giải nhỏ, em cố lên biết đâu lấy được giải nhóm tuổi”. Vũ nói: “Chân em chưa hoàn toàn hồi phục sau cái race Chevron nhưng em sẽ thử, biết đâu.” Chúng tôi chờ đợi mãi mới thấy Tiến xuất hiện. Tiến than là hôm qua uống cà phê xong anh bị cao huyết áp, bố mẹ không cho đi chạy đến khi huyết áp giảm chút đỉnh.  Trước khi chia tay để lên xếp hàng nhóm chạy nhanh hơn, Vũ dặn Tiến hãy bám theo tôi.

Tôi quay lại đằng sau thấy lố nhố chừng chục mạng. Một runner nữ gốc La Tinh đến cạnh tôi, hỏi nhỏ: “Anh định pace như thế nào?” Tôi trả lời chắc nịch: “Đều từ đầu đến cuối!” Bạn này chạy Half với mục tiêu là tầm 1:57 có nghĩa là giữa tôi (4:00) và pacer 3:50. Tôi nói với cô ấy vậy tốt hơn là đừng để tôi đuổi kịp nhé. Tôi quay lại nhìn một vòng, thấy cũng khá đông, nhưng tôi biết rõ đa số chạy bán marathon vì hôm qua ban tổ chức cho tôi hay là chạy marathon chỉ có khoảng 200 người; giải này tổ chức một tuần sau Chevron Houston Marathon thì khó có thể thu hút được các runner trong vùng.

Đọc thêm:

Chạy bộ ở tuổi ngoài 40

Làm pacer (người dẫn tốc)

Pacer của Kipchoge lập KLQG Úc sau hơn 50 năm được Strava vinh danh

Tiến chạy song song với tôi và nói chuyện luôn miệng, chứng tỏ bạn này còn khỏe lắm, tuy nhiên còn quá sớm để nói. Chạy qua 3 miles, khi Tiến hỏi về công việc của tôi đang làm. Thật ra hôm qua đi uống cà phê với Tiến và Vũ, tôi có  nói rằng mỗi lần đi làm pacer khi biết mình làm cho NASA các runner có vẻ lý thú lắm, Tiến nói anh giữ câu chuyện lại ngày mai để kể cho bọn em. Tôi chạy băng lên phía trước và quay đầu lại nói lớn:

Tôi đoán tất cả các bạn đang chạy theo tôi có mục tiêu 2 giờ cho Half hoặc 4 giờ cho Full, đúng không?

Tất cả lên tiếng đồng tình. Tôi nói một tràng dài:

Tên tôi là Bruce, tôi đến từ Florida, làm việc cho cơ quan NASA nơi phóng tên lửa. Pacer chỉ là sở thích của tôi và tôi muốn giúp các bạn đạt mục tiêu của mình. Để tôi kể các bạn nghe công việc tôi làm, khi phi thuyền được phóng ra ngoài không gian, nhiệm vụ của nhóm chung tôi là bảo toàn dàn phóng cũng như phi thuyền được an toàn từ những tác động do tên lửa tạo ra. Như các bạn cũng biết hiện nay NASA đang ráo riết chuẩn bị phóng phi thuyền thế hệ mới để đáp lên Mặt Trăng, và song song là công ty SpaceX của Elon Musk cũng đang làm việc tương tự.”

Tôi ngừng lại và hỏi mọi người có biết Elon Musk là ai không, tất cả đều gật đầu hoặc trả lời là biết. Tôi nói tiếp:

Nhiều người cho rằng NASA và SpaceX đang cạnh tranh nhau, sự thật không đúng như vậy. Chúng tôi hỗ trợ nhau cùng tiến bộ thì đúng hơn.”

Tôi định kể nhiều nữa về công việc thám hiểm không gian. Những lần khác đề tài nay luôn lôi cuốn runner, họ muốn lắng nghe để quên đi cơn đau do chạy bộ. Tuy nhiên hôm nay đám đông có vẻ không hưởng ứng làm tôi cụt hứng. Không sao, hôm nay tôi cũng chưa hoàn toàn hồi phục do bị cảm từ tuần rồi, cho nên khỏi phải tốn sức chém gió càng tốt. Tuy nhiên chạy dưới sức của mình cũng không phải là chuyện đơn giản.

Điều khó khăn nhất mà một pacer phải đối phó là làm sao chạy cho đúng tốc độ được giao phó. Pacer thật ra cũng là một runner và cũng sẽ bị không khí giải đua cuốn hút, làm cho họ có khuynh hướng chạy nhanh, kiềm chế để chạy chậm lại là điều không dễ làm được ở một giải đua. Tôi có cảm giác mình chạy rất chậm rồi, nhưng cứ mỗi một dặm tôi xem đồng hồ đều thấy mình chạy nhanh hơn cả chục giây. Lần này tôi chạy và đo cự ly bằng thiết bị Stryd nên bắt buộc phải chính xác, tôi để ý ở mỗi bảng “Mile Marker” được ban tổ chức cắm thì đồng hồ đeo tay đều rung lên, chỉ sai lệch chừng vài mét.

Tôi tiếp tục chạy và tìm cách nói chuyện với các runner đang theo mình, một bạn Mỹ to cao đang chạy bên tôi liên tục hỏi mình chạy có đúng mục tiêu không. Tên anh ta là Mark, thành tích HM tốt nhất là 2:08 và hôm nay anh muốn phá mốc 2 giờ. Tôi nói với Mark chắc chắn bạn sẽ làm được điều này, dáng bạn chạy còn khỏe lắm, cứ đều đều bám theo tôi là ổn. Lúc đó Tiến đã dừng lại để cởi giày và mặc “compression socks” vào, nhưng không lâu sau bạn ấy đã đuổi kịp chúng tôi.

Đến mile thứ 10 tức là chỉ còn 5km nữa thôi, tôi quay lại nói lớn:

Các bạn nào chạy Half thì đây là lúc các bạn có thể tăng tốc để đạt PR. Tôi sẽ không đuổi theo các bạn.”

Có một vài runner hưởng ứng và chạy băng lên phía trước. Mark quay qua tôi nói nhỏ:

Tôi không có khả năng bứt tốc 5K, chắc phải bám theo anh đến 1-2 dặm cuối mới dám bung lụa.”

Nói vậy chứ chừng 100m sau đó Mark và Tiến rủ nhau bỏ tôi để chạy về trước. Tôi nói với theo: “Đừng để tôi bắt kịp các bạn!” Còn khoảng chừng hơn một mile đến đích của cự ly bán marathon, trong khi Mark vẫn chạy rất khỏe thì Tiến có vẻ thấm mệt và chậm hẳn lại. Tôi chạy băng qua và nói nhỏ “Cố lên Tiến ơi!

Ở mốc 13.1 mile, có nghĩa là nửa đoạn đường của cự ly marathon, trong khi mọi người chạy băng băng về đích thì tôi phải quay đầu ngược trở ra. Một người trong ban tổ chưc hô lớn: “Lập lại đúng như hành trình chạy buổi sáng.” Lúc này những người theo tôi đã bỏ về hết chỉ trừ một bạn chạy song song và bám theo tôi như sam. Tôi nhớ lại lúc nãy cũng có ít nhất 4 bạn chạy marathon, tôi đoán họ bị rớt lại đằng sau vì tôi nhìn về phía trước không thấy ai hết, đến những đoạn lặp vòng thì tôi thấy một số runner chạy theo pacer 3:40 hay 3:50. Tôi quay qua hỏi chuyện với người đồng hành:

Bạn tên gì?”

Farzam

Một cái tên nghe rất Trung Đông, nhưng anh bạn trẻ này nói tiếng Mỹ không có một chút accent, chắc hẳn bạn này sinh ra ở đây hoặc là qua đây từ hồi rất bé. Farzam cho tôi biết là PR của bạn ấy là 4:18, hôm nay bạn mạo hiểm chạy theo pacer 4:00. Tôi nói dáng bạn chạy còn tốt lắm, chắc hôm nay sẽ sub4. Farzam nói còn quá sớm để tiên đoán, thường thì anh ấy sẽ bị rớt pace ở mile thứ 22. Tôi nói hôm nay có tôi, tôi sẽ đưa bạn về đến đích. Farzam mĩm cười cám ơn.

Farzam và Bruce, đằng sau là vạch đích

Đến mile thứ 20, tôi quay qua Farzam, nói:

Đây là cái mốc được gọi là bức tường. Chúc mừng bạn đã vượt qua nó thành công!

Tuy nhiên tôi cũng nhắc nhở thêm cho Farzam biết là từ đây trở đi bạn phải chiến đấu bằng ý trí bởi vì bộ não nó sẽ bắt bạn phải dừng lại. Đến mile thứ 21, hơi thở của Farzam bắt đầu trở nên nặng nề. Tôi hỏi có sao không thì Farzam trả lời bắt đầu mệt, đến đoạn gặp gió trước mặt tôi kêu bạn núp gió sau lưng tôi, đến khi mặt trời lên tôi kêu bạn chạy ở trong cái bóng râm của tôi chiếu trên mặt đường. Farzam than nóng và dừng lại ở trạm nước lâu hơn để lấy nước dội lên người, tôi cũng kiên nhẫn dừng lại theo. Tôi thậm chí giảm tốc độ chạy còn pace 9:50/mile (6:06/km), tôi vẫn tự tin là nãy giờ mình chạy trước mục tiêu và thậm chí nếu phải tăng tốc ở đoạn cuối thì tôi vẫn làm được.

Ở mile thứ 23 chúng tôi gặp Dave, pacer 3:50, đang đứng căng cơ. Tôi ngạc nhiên hỏi chuyện gì đã xảy ra? Dave nói anh bị chuột rút. Tôi không thể hiểu được, dắt pace 3:50 thì phải chạy nhanh hơn 3:30, vả lại hồi nãy Dave khoe với tôi thành tích của anh ấy là 3:08 và định sub3 ở giải Woodland marathon vào tháng tới. Tôi an ủi và kêu Dave chạy theo tôi, tuy nhiên anh ấy chỉ bám theo được chừng 1/2 mile, khi Farzam quyết định dừng lại để tôi về trước cũng là lúc Dave rơi lại.

Gần đến mile thứ 24 tôi gặp một nữ runner trẻ tuổi tên là Aimee, cô ta hỏi tôi: “có phải anh chạy trước mục tiêu không?” Tôi nói đúng, nhưng chỉ chừng một phút thôi. Aimee cố bám theo tôi được chừng 1 mile rồi dừng lại. Tôi ngoái đầu lại, vừa ngoắc tay vừa la lên: “Ráng lên, Aimee, chỉ còn 2 miles nữa thôi!” Cô ấy mĩm cười: “Tôi ổn, anh về trước đi!

Sau đó tôi gặp thêm 3 runner nữa từ nhóm pacing nhanh hơn bị rớt lại. Tôi động viên các bạn này chạy theo tôi. Mấy bạn này đang mệt đừ, được tôi động viên như có thêm adreneline tự nhiên xung lên, có người còn rủ tôi đua nữa chứ. Tôi chỉ mĩm cười nói bạn chạy về trước đi, tôi phải chạy đúng theo thời gian. Ở gần đích chừng 30 mét, một bạn gốc Ấn Độ chạy như bay về đích trước mặt tôi. Tôi tự nhủ trong bụng: “Hôm nay tớ làm pacer chứ không thì còn lâu mới có chuyện cậu chén tớ một cách dễ dàng như vậy.” Cuối cùng tôi cũng cán đích 3:59:09.

Về Đích

Ở vạch kết thúc tôi rất ngạc nhiên là ngoài Tiến và Vũ ra còn có vợ chồng Tú, người bạn mất liên lạc 40 năm. Các bạn chụp hình và quay phim khoảnh khắc tôi về đích. Mặc dù về sau tôi ở đoạn Half nhưng Tiến vẫn đạt được mục tiêu sub2, chính xác là 1:59:00. Vũ mặc dù chưa hoàn toàn hồi phục nhưng vẫn chạy được 1:38:35 và đứng thứ 6 trong nhóm tuổi, muốn được hạng ba nhóm tuổi M30-39 thì Vũ phải chạy 1:34. Dò bảng kết quả tôi còn biết thêm thời gian của Farzam là 4:14:34, đủ để hạng ba trong nhóm tuổi M20-29. David, pacer 3:50, về đích 4:14:16, tôi nghĩ chắc anh ấy chạy theo pacer 4:15. Aimee, cô bé tôi gặp ở mile thứ 24 có thời gian là 4:00:24. Bạn Mark chạy chung với tôi 11 mile đầu tiên phá kỷ lục cũ 2:08 của anh ấy bằng thời gian 1:57:34; Mark đã tìm thấy tôi trên Strava và ghi lời cám ơn.

Đang đứng loay hoay chụp hình kỷ niệm với Tiến và Vũ thì có một bạn Mỹ cao to đến ôm tôi và nói cám ơn tôi đã dắt bạn ấy về trước 4 giờ. Thật sự thì tôi cũng không nhớ ông bạn này ở đâu ra, chắc chắn không có trong nhóm 4:00 pacing của tôi rồi; tôi đoán chắc bạn bị rớt từ các nhóm pacing khác và âm thầm bám theo tôi mà tôi không hay. Tôi cũng ôm lại một cái xã giao và chúc mừng anh ấy.

Chúc mừng sub4 marathoner

Làm pacer không phải ai cũng làm được. Tôi đã từng ngưỡng mộ các bạn pacer vì họ là những người không có tính ích kỷ, lấy niềm vui của thiên hạ làm niềm vui cho mình. Thú thật là khi thấy runner mừng rơi nước mắt khi họ đạt được PR tôi cảm thấy như PR đó chính là của mình. Ở bên Mỹ, tất cả các thành tích ở các giải đua đều được lưu lại trên Internet trong trang Athlinks, khi xem thành tích của pacer chúng tôi chắc hẳn có nhiều người tự hỏi sao thành tích kém thế. Đã lâu rồi tôi không quan tâm các dữ liệu thông tin đó, niềm vui khi giúp được người khác đạt được mục tiêu của họ nó to tát vạn lần những con số không phản ánh đúng năng lực của mình.

Nói thì vậy nhưng tôi vẫn phải luyện tập và vẫn muốn đạt được những thành tích cao hơn cho riêng cá nhân mình, các buổi chạy làm pacer tôi coi như là những buổi tập luyện mà thôi. Có những bạn làm pacer quanh năm và không tham gia đua thật sự. Tôi không có trong số đó.

 

Bruce Vu

Florida, USA

8/2/2020

About the Author Bruce Vũ

Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.

>
53 Shares