Đánh Giá Giày Adidas Rocket Boost

Đôi Adidas Rocket Boost dần trở thành đôi giày chạy đua ưa thích của mình. Giày khá nhẹ, theo thông tin của nhà sản xuất là chỉ có 8,5 oz, tương đương khoảng 240 gram. Thật ra, trên thị trường còn nhiều đôi giày nhẹ hơn, nhưng với một người quen chạy đôi Nimbus cồng kềnh như mình thì chuyển sang Rocket Boost đem lại một cảm giác nhẹ nhàng khác hẳn. IMG_7901

Công nghệ Boost đang là át chủ bài của hãng Adidas. Các hạt “boost” tạo lực nảy và lực đẩy rất tốt. Điều này đặc biệt rõ rệt khi chạy tốc độ cao. Với pace 5 (5 phút cho 1 km) mình chưa nhận thấy sự khác biệt. Nhưng khi tăng tốc lên pace 4.30 hoặc nhanh hơn, mình có cảm giác đôi chân như được gắn những con lăn ở phía dưới. Nhiều lúc tưởng như có thể trượt ngã về phía trước. Cảm giác này đặc biệt rõ khi tiếp đất phần giữa bàn chân hoặc phần gần gót (không phải tiếp gót nhé) và miết dần lên mũi chân.

Đôi Rocket Boost có độ dốc gót-mũi khoảng 8 mm. Mặc dù hỗ trợ chạy nhanh nhưng phần gót cao cũng giảm sóc tốt cho người chạy bộ và tạo cảm giác êm chân.

Nhân viên Adidas khuyên mình nên “tiết kiệm” các hạt boost. Hiểu như sau: không nên chạy đôi Boost liên tục 2 ngày, để độ đàn hồi của các hạt boost có thời gian “hồi phục”. Họ cũng nói không nên chạy quá cự ly 15 km. Không rõ lời khuyên chính xác tới đâu nhưng mình vẫn dùng đôi Rocket Boost chạy tới cự ly 25 km, và đua half-marathon 2 lần, hoàn toàn không gặp vấn đề giảm đàn hồi. Còn nguyên tắc của mình là cơ thể cần thời gian hồi phục (nghĩ đến bản thân trước khi nghĩ đến giày) nên rất ít khi chạy 2 ngày liền nhau.

Tuy thế, khi sử dụng Rocket Boost chạy cự ly 25 km, vào đoạn cuối gan bàn chân mình có cảm giác bị phồng rộp. Lúc đó là gần về đích nên hậu quả có vẻ không nghiêm trọng. Không rõ với quãng đường xa hơn (cự ly marathon chẳng hạn), bàn chân đã quen đi giày nệm êm của mình có thích nghi được không. Lần tới mình sẽ thử nghiệm đôi Rocket Boost với cự ly xa hơn.

Mặc dù là giày thiết kế cho đường nhựa-bê tông nhưng mình cũng đã dùng để chạy đường đất, sỏi (trail) vài lần. Không khó khăn gì khi tiếp đất và giữ thăng bằng. Hiển nhiên với những cung “khù khoằm” như Sapa hay Hàm Lợn thì sẽ cần các đôi giày chuyên biệt hơn.

Đôi Rocket Boost này có hai điểm yếu. Thứ nhất: dây giày dẹt nên rất dễ tuột. 1 phút để buộc dây giày khi chạy 10 km và bạn có thể không bao giờ còn đuổi kịp người đi trước. Khi vào giải đua cần buộc giày cẩn thận và chạy thử tốc độ cao để kiểm tra các nút thắt. Thứ hai là đế giày có lỗ thủng, do đó chạy trời mưa sẽ bị ướt tất. Tuy nhiên thiết kế thông thoáng cũng giúp đế giày khô nhanh.

Đôi Adidas Rocket Boost đã đồng hành cùng mình trong gần 500 km đường chạy và tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu khi chạy giải.

Về đích giải Sông Hồng 2014 cùng đôi Adidas Rocket Boost. PR 1h32 cho cự ly HM

Về đích giải Sông Hồng 2014 cùng đôi Adidas Rocket Boost. PR 1h32 cho cự ly HM

Hiện nay đôi Rocket Boost không còn được bán trên thị trường, nhưng mình hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có vài hình dung về dòng giày cao cấp Boost của hãng Adidas, trước khi quyết định đầu tư một khoản tiền không nhỏ.

Ưu điểm:

  • Nhẹ
  • Công nghệ boost hỗ trợ lực đẩy

Nhược điểm:

  • Dây giày dễ tuột
  • Đế giày có lỗ thủng
  • Giá thành còn cao

About the Author Mr Marathoner

  • […] cho mỗi km). Mặc dù không thể bằng những đôi giày đua (racing) chuyên dụng như Adidas Rocket Boost, Asics HyperSpeed, hay Asics Piranha, giày Sonic Pro lại có ưu điểm vế tính đa dụng, […]

  • >
    1 Shares