INEOS 1:59 – Cuộc đổ bộ lên mặt trăng của Kipchoge (Phần cuối)

INEOS 1:59 – CUỘC ĐỔ BỘ LÊN MẶT TRĂNG CỦA KIPCHOGE: NHÂN VẬT, PHƯƠNG PHÁP VÀ NHỮNG ĐIỀU GÂY TRANH CÃI

Dịch từ bài viết của Tom Reynolds trên trang BBC Sports: https://www.bbc.co.uk/sport/athletics/50460861

PHẦN CUỐI

Valentijn Trouw – Năng lượng từ đám đông và cách phòng bệnh truyền nhiễm bằng nắm đấm

Trouw sinh ra ở Hà Lan. Ông làm việc cho một công ty bảo hiểm và huấn luyện môn trượt băng trước khi gia nhập công ty quản lý thể thao Global Sports Communication. Ông là người thân tín của Kipchoge kể từ khi họ bắt đầu làm việc cùng nhau hồi năm 2003. Hai người cùng nhau ăn điểm tâm vào buổi sáng diễn ra thử thách – “Eliud ăn cháo yến mạch với chuối và mật ong, đó là món yêu thích của cậu ấy vào ngày chạy giải, và cũng là thời điểm duy nhất cậu ấy ăn món đó” – và họ cũng dính nhau như hình với bóng trong suốt cuộc chạy marathon ngày hôm ấy. Trouw luôn ở đó, đạp xe ngay bên cạnh Kipchoge, một nhiệm vụ khá là khó khăn khi vây quanh anh là cả một đội pacer. “Môn chạy bộ với người Kenya cũng như đạp xe đối với người Hà Lan chúng tôi,” ông nói. “Chuyện đó không thành vấn đề.”

Ngoài nhiệm vụ đưa các bình nước cho Kipchoge, khi xem video về cuộc chạy hôm đó, bạn có thể thấy dường như viên quản lý người Hà Lan này còn đưa ra các lời khuyên “công nghệ cao” từ một chiếc máy tính xách tay gắn trên ghi đông xe đạp.

Trên thực tế, cách làm của Trouw lại cổ điển hơn rất nhiều. “Rất nhiều người hỏi tôi đã làm gì với chiếc laptop gắn trên ghi-đông,” ông phá lên cười. “Thực ra đó chỉ là cái giá để tôi gắn mảnh giấy ghi thời gian mà Eliud cần chạy trên từng km”.

“Chúng tôi có một đội ngũ các nhà khoa học siêu đẳng. Nhưng tôi vẫn thích cách làm kiểu cũ. Tôi tin tưởng 100% vào yếu tố tác động của con người. Rõ ràng là Eliud có thể nhìn chiếc xe dẫn tốc để biết được mình có đang chạy đúng tốc độ hay không, nhưng tôi vẫn có thể cho cậu ấy thêm chút bảo đảm.”

Trouw nhắc đến yếu tố tác động của con người vì trên thực tế, ông đã hoà chung với một nguồn lực vô hình, giúc sức đẩy Kipchoge tiến về phía trước và làm nên lịch sử vào ngày 12 tháng 10. Đó là tác động của đám đông.

Ở bên Kipchoge, bạn sẽ có khoảng thời gian bình lặng. Ngoại trừ khi bạn nhắc đến đôi giày của anh – chuyện này sẽ bàn sau.

Kipchoge chạy trên đường đua không có khán giả ở sự kiện Breaking2, tháng 5/2017

Kipchoge hầu như chẳng bao giờ phàn nàn về bất cứ chuyện gì, nhưng lượng khán giả quá ít ỏi trong sự kiện Breaking2 ở Monza lại là một nguyên nhân gây chán nản. Ở Vienna thì hoàn toàn không có vấn đề này – và Trouw tin rằng đó là một yếu tố giúp Kipchoge làm nên lịch sử.

“Đoạn đường nhựa trải mới (ở chỗ bùng binh) dĩ nhiên là rất hay và tạo nên thay đổi to lớn, nhưng đám đông (khoảng 120.000 người đứng dọc theo đường chạy) cũng là một nguồn năng lượng không thể đong đếm nổi,” ông nói. “Eliud cảm nhận được nguồn năng lượng ấy trong ngày diễn ra sự kiện và cả những ngày trước đó nữa. Khi cậu ta bắt đầu buổi chạy sáng vào lúc 7 giờ hằng ngày ở Vienna, luôn có nhiều người đứng sẵn chờ xin chữ kí. Họ đến từ Ecuador, Colombia, từ khắp nơi trên thế giới. Một người đã bảo cậu ta rằng: ‘Tôi rất mong sự kiện sẽ được chọn tổ chức vào ngày Thứ Bảy, vì tôi không thể ở lâu hơn thế được.’ Những tương tác đó đã tạo nên sự khác biệt.”

Tuy nhiên, đối với đội ngũ tổ chức Thử thách 1:59, tương tác với mọi người không phải chỉ mang lại điều tốt đẹp.

“Trong văn hoá Kenya, người ta cứ bắt tay nhau suốt,” Trouw nói. “Mới chỉ vừa gặp nhau một giờ trước, khi gặp lại nhau là họ lại bắt tay. Dĩ nhiên, điều này có tác động tích cực đến bầu không khí, ví dụ như mối quan hệ giữa các pacer chẳng hạn, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải nắm tay với những người có thể vừa chạm tay lên mắt, tai, hoặc miệng.”

“Vì vậy, chúng tôi giới thiệu với họ cách chạm nắm đấm để thay cái bắt tay, và ban đầu bọn họ chưa thấy quen lắm, nhưng sau khi chúng tôi chế ra một câu chuyện hài về động tác này thì bọn họ nhanh chóng làm theo. Chúng tôi đã phòng tránh các bệnh truyền nhiễm bằng cách đó, và một đống nước rửa tay tiệt trùng.”

Sự chu đáo đến tiểu tiết như vậy làm Kipchoge thấy hứng thú. Anh dành hầu hết thời gian cả tuần diễn ra sự kiện ở trong phòng riêng để đọc một cuốn sách tự-lực có tên First Things First (Tư duy tối ưu). “Đó là một cuốn sách hướng dẫn về cách sắp xếp các công việc ưu tiên cho hợp lý,” anh kể với tôi qua điện thoại khi đang ngồi ở nhà mình ở Kenya.

Đôi giày “gian lận”, khoa học thể thao và lời nhân vật chính

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Kipchoge ở Vienna là chạy dưới 2 tiếng đồng hồ – bằng bất kì giá nào. Tham vọng thuần nhất đó khiến anh lập tức sửng cồ lên khi tôi nhắc đến dư luận ồn ào nổ ra sau thử thách về đôi giày Nike mới của anh.

Cuộc chạy phá vỡ mọi kỉ lục của Kipchoge diễn ra vào đợt cuối tuần tháng Mười trùng với một số giải marathon tầm cỡ thế giới, trong đó, người đồng hương của anh, Brigid Kosgei, đã phá sâu kỉ lục mararthon nữ của Paula Radcliffe tới 81 giây ở Chicago. Mẫu số chung trong cả hai kỉ lục này là gì? Giày Nike Vaporfly Next%. [Chỗ này tác giả bài báo có nhầm lẫn nghiêm trọng. Đôi giày Kipchoge chạy là một thiết kế mới chưa bán trên thị trường, được tạm gọi là AlphaFLY]. Vận động viên người Mỹ Jake Riley cũng đi loại giày này [Next%] khi chạy giải Chicago và mô tả lại cảm giác là “như chạy trên mấy tấm bạt nhào lộn có lò xo [trampoline].”

“Đó là lời bịa đặt trắng trợn,” Kipchoge trả lời gay gắt. “Thế giới không ngừng vận động nên bạn không thể phàn nàn như vậy được.” Vận động viên người Kenya này cũng quyết liệt không kém khi người ta đem lời quả quyết của anh “con người không có giới hạn” ra so đo với việc đôi giày mới của Nike có giá tận 240 Bảng Anh (hơn 7,2 triệu VND).

“Tiền nào của nấy chứ,” anh nói. Đối với Kipchoge, khi được hỏi làm cách nào anh đạt được “khoảnh khắc đặt chân lên mặt trăng”, câu trả lời luôn là tập luyện chăm chỉ, chứ không phải miếng đệm làm từ sợi carbon ở trong giày.

“Nếu không tập luyện, bạn sẽ chẳng thể chạy nhanh,” anh nói. “Nếu không đủ khoẻ khoắn và gọn gàng, bạn không thể chạy nhanh được.”

Brailsford gật gù tỏ vẻ thông cảm khi chủ đề của chúng tôi chuyển sang chuyện giày dép. Xuyên suốt sự nghiệp xe đạp đua cả lòng chảo lẫn đường trường đầy thành công của ông, thường xuyên có những công nghệ tối tân giúp gia tăng lợi ích cận biên bị công kích. Tại Olympic London 2012, đội tuyển Pháp gây ầm ĩ khi tố cáo đội tuyển Anh – đội giành được 7 huy chương vàng trên tổng cộng 10 hạng mục đua xe đạp lòng chảo – đã sử dụng “bánh xe ma thuật”.

Khi tôi nhắc đến một bài báo viết rằng kì tích của Kipchoge “không phải thành tích thể thao, mà là thành tựu của một ngành có liên quan gọi là ‘hiệu năng con người với sự trợ giúp của khoa học’” thì ông lập tức phản pháo.

“Đó chính là thể thao còn gì nữa,” Brailsford nói. “Thử kể tên một đội tuyển tầm cỡ thế giới mà không có bộ phận khoa học thể thao đi. Bất kể bạn đang xem môn thể thao nào. Bóng bầu dục, Cúp bóng đá thế giới, Đua xe F1… bất kì loại hình thể thao nào của con người cũng đều đang sử dụng khoa học thể thao. Bạn không thể giành chiến thắng mà không có nó.”

Và như vậy, Brailsford đã động đến bản chất của Thử thách 1:59. Do nhận được hỗ trợ nhiều tầng lớp, từ việc sửa cả chỗ bùng binh đến đoàn quân pacer, nên cuộc chạy của Kipchoge không thể được công nhận kỉ lục thế giới. Thế nhưng, khuôn mặt hoan hỉ của Brailsford đã thể hiện rõ ràng – bọn họ đã giành thắng lợi.

“Bước vào bầu không khí tại trung tâm điều hành hiệu suất đó giống như bước vào vòng chung kết một kì Olympic vậy,” ông nói. “Tôi thực sự đã cố gắng và hấp thụ bầu không khí ấy, bởi vì khi bạn được thông báo mình mắc bệnh ung thư và không biết chuyện gì sẽ xảy ra, cách suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi và bạn sẽ nhận ra rằng mình nên cố gắng sống ý nghĩa hơn một chút nữa mỗi ngày.

“Tôi luôn suy nghĩ về việc cần làm tiếp theo, việc tiếp theo nữa và sau đó nữa, nên cuối cùng tôi cũng ngồi xuống và nghĩ lại được rằng: ‘Ồ, mình cảm thấy thật tự hào vì được tham dự vào sự kiện này.’ Một sự kiện tràn đầy cảm xúc. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Cái cách mà cậu ấy lao băng băng ở kilomet cuối cùng… chúng tôi đã chuẩn bị ba, bốn kịch bản khác nhau cho đoạn kết, tuỳ vào việc Kipchoge cảm thấy ra sao, và cuối cùng cậu ấy đã trình diễn theo kịch bản tuyệt vời nhất. Mọi sự thật hoàn hảo.”

Đối với Kipchoge, sự kiện đó có thực sự hoàn hảo hay không thì ta chỉ có thể phỏng đoán. Về cá nhân mà nói, rõ ràng mọi sự không thể đẹp hơn. Anh chạy hết 26,2 dặm (42,4km) trong 1 giờ 59 phút 40 giây, với vợ và ba đứa con lần đầu tiên tận mắt chứng kiến anh chạy. Tuổi các con của Kipchoge lần lượt là 13, 8 và 6. Mười hai chiến thắng tại các giải marathon lớn – cũng như một danh sách dài dằng dặc các giải thưởng danh giá khác của anh, bao gồm cả tấm huy chương vàng Olympic 2016 – đều bị trùng với kì học của lũ trẻ ở trường. “Tôi muốn chúng được chứng kiến một bước ngoặt lịch sử,” anh nói.

Các fan hâm mộ của anh trên mạng xã hội thắc mắc rằng liệu màn ăn mừng rạng rỡ của anh khi về đích có đồng nghĩa với việc anh vẫn còn dư sức? Trouw cũng có cảm giác tương tự. “Bạn đã thấy cậu ấy bùng nổ ra sao ở kilomet cuối, nên không rõ mọi chuyện sẽ ra sao nếu cậu ấy bung sức sớm hơn chút nữa,” vị quản lý người Hà Lan nói.

Thế còn nhân vật chính thì sao? Lẽ ra anh đã có thể làm tốt hơn nữa? Liệu anh có thể lặp lại phép thuật sub 2:00 ở một giải marathon chính quy và gỡ bỏ dấu hoa thị (*) ở thành tích tại Vienna?

Hai tuần sau, khi các buổi tiệc mừng không ồn ào đã chấm dứt, “Tôi không khoái ăn mừng ầm ĩ. Tôi đã tập trung trước hết cho việc hồi phục” – Kipchoge nói. Đánh giá cuối cùng của anh vừa ngắn gọn, vừa khiêu khích:

“Thực ra, hôm đó tôi chẳng mệt lắm đâu.”

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

>
0 Shares