Sifan Hassan: Hành trình chinh phục ba huy chương Vàng Olympics

Sau khi vượt qua vạch đích cuộc đua thứ sáu và cũng là cuộc đua cuối cùng của mình, sau 24.500 mét chạy thi trên sân vận động trong chín ngày trời, Sifan Hassan đổ gục xuống đất. Đấy là buổi tối thứ Bảy ở Tokyo, và chân chạy 28 tuổi người Hà Lan vừa giành huy chương thứ ba của mình ở Olympics, giành huy chương vàng nội dung 10.000 mét nữ với thành tích 29:55.32.

Vậy nên cô mệt, rất rất mệt.

Với hai tấm huy chương vàng ở nội dung 5.000 và 10.000 mét và một đồng ở nội dung 1.500 mét, Hassan trở thành nữ vận động viên thứ hai trong lịch sử giành được ba huy chương cá nhân trong cùng một kỳ Olympics. (Người kia cũng mang quốc tịch Hà Lan: Fanny Blankers Koen, giành huy chương vàng ở nội dung 100, 200, 80 mét vượt rào, và 4×100 mét tiếp sức tại Olympics London 1948).

Sau khi kết thúc nội dung 10.000m, Hassan ngồi bệt xuống đất và xin nước từ các tình nguyện viên, sau đó bò tới khu vực sau đường chạy và chườm đá vào lòng bàn chân khoảng bảy phút thì mới đủ năng lượng đứng dậy.

“Tôi rất đau,” cô nói. “Chạy 10.000m đúng là phát điên lên vì nóng.”

Điên: Đây là từ mà Hassan dùng rất nhiều trong suốt cả tuần qua. Cô dùng nó để mô tả kế hoạch thực hiện ba trận chung kết trong sáu ngày với những đối thủ sừng sỏ nhất thế giới. Cô dùng nó để mô tả về chính mình. “Nhiều người nghĩ tôi điên,” cô nói. “Tôi cũng nghĩ là mình điên.”

Cô lấy đâu ra cái ý nghĩ này vậy? Hassan bảo điều này bắt đầu từ năm ngoái khi một người bạn nói đùa, hỏi cô tại sao lại không chạy cả ba nội dung ở Olympics.

“Ban đầu tôi phá lên cười,” Hassan nói. “Nhưng rồi tôi nghĩ, ‘chưa có ai làm điều đó cả.’”

Vì vậy nên cô muốn thử sức.

Suốt cả năm đó, cô chẳng hề tiết lộ bất cứ kế hoạch nào cả, hy vọng để ngỏ các lựa chọn của mình cho đến tận phút cuối. Cô lọt vào cả ba nội dung, nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ cô sẽ vào sâu hai nội dung, do các cặp 1.500-10.000 mét hoặc 5.000-10.000 mét được xếp lịch khả dĩ nhất.

Trong suốt hầu hết năm đó, Hassan nghĩ cô sẽ thi đấu hai nội dung, nhưng trận thua trước chân chạy Faith Kipyegon của Kenya ở nội dung 1.500 m tại giải Monaco Diamond League hồi tháng 7 đã khiến cô nghĩ lại. Nỗi giận dữ đã thắp lên một khao khát mới.

“Trận thua đó làm tôi phát điên lên; khi thua cuộc tôi có thể vượt qua cả đỉnh núi,” cô nói. “Tôi thực sự sợ phải thi đấu ba nội dung, nhưng khi không đạt được điều mình muốn ở Monaco, tôi nói với người quản lý, ‘Tôi sẽ chơi ba môn. Tôi không quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra, tôi sẽ thực hiện điều đó.’”

Một trong những người đầu tiên mà cô tham vấn là Tim Rowberry, người phụ trách huấn luyện trong sự nghiệp của cô sau khi huấn luyện viên trước đó, Alberto Salazar, bị cấm bốn năm vì vi phạm quy định chống doping năm 2019.

“Tôi suy nghĩ nhiều tháng trời, sau đó tôi gọi điện (cho Tim) và nói, ‘Em muốn thi đấu ba nội dung,’” Hassan nói. “Ông ấy im lặng. (Nhưng) huấn luyện viên của tôi cũng có chút máu điên. Ông nói, ‘Ừ, em có thể làm được.’”

Trước giải Monaco, Hassan được sủng ái cho cả ba sự kiện ở Tokyo, nhưng sau trận thua đó, cô đành ngồi chiếu dưới ở nội dung 1.500.

“Tôi chẳng có gì để mất,” cô nói. “Tại sao tôi lại không làm điều gì đó điên rồ cơ chứ? Tôi thích những việc điên rồ.”

Cho tới lúc này, con đường của cô luôn chứa đầy chông gai — cả trên đường chạy lẫn ngoài đường chạy. Hassan lớn lên tại Ethiopia và chuyển tới Hà Lan năm 15 tuổi, ở trong khu tị nạn. Cô hiếm khi nhắc tới giai đoạn đó của cuộc đời, không muốn lôi ra những vấn đề chính trị ở Ethiopia khiến cô phải tha hương. Ở Tokyo, cô hé lộ một chút về những năm tháng tuổi thơ của mình.

“Tôi sống một cuộc đời rất tuyệt cho đến tận năm 14 tuổi, suốt ngày vui đùa, hạnh phúc,” cô nói. “Sau năm 14 tuổi mới thực sự gian khổ. Cuộc đời quăng quật tôi quá nhiều lần.”

Sifan Hassan – Từ cô bé chạy tị nạn đến nữ hoàng điền kinh

Cô muốn chuyển tải thông điệp gì tới những người đang gặp khó khăn?

“Chẳng có cuộc đời nào là hoàn hảo cả,” cô nói. “Khi gặp khó khăn, bạn sẽ thấy mình không giống với bất cứ điều gì mà bạn từng tưởng tượng trước đó. Đừng bỏ cuộc.”

Ở Tokyo, chính thái độ không-bao-giờ-bỏ-cuộc đó đã được thể hiện rõ trong bước chạy của cô.

Trong đêm đầu tiên, cô nhanh chóng giành thắng lợi ở vòng loại 5.000 mét, nhưng ba ngày sau đó, cô vấp phải tảng đá chắn đường lớn nhất của mình: Hassan ngã khi còn chưa tới 400m nữa thì kết thúc vòng loại 1.500 mét, nhưng rồi cô nhanh chóng đứng dậy và hoàn thành 300 mét cuối cùng trong thời gian không tưởng 43 giây để giành vị trí số một.

Vấn đề duy nhất đối với nỗ lực kinh khủng đó? Cô phải chạy trận chung kết nội dung 5.000 mét sau đó chưa đầy 12 giờ. Lượng adrenaline tiết ra từ cú ngã khiến cô tỉnh như sáo suốt ngày, cảm giác như cô mới uống “20 tách cà phê.”

“Tôi không thể nào bình tâm lại được, suốt ngày hôm đó tôi cứ run hết cả lên,” cô nói. “Buổi tối tôi rất mệt. Tôi cứ nói, ‘Minh muốn kết thúc, không thể nào (mình giành huy chương) vàng được. Chỉ cần kết thúc cuộc đua.’”

Khi khởi động, cô cảm thấy “khắp người đau như dần.” Trước và trong suốt cuộc đua, Hassan nói rằng cô chiến đấu với một vài con quỷ bên trong cô. “Mày không thể, không mày có thể,” cô nhớ là mình đã nghĩ như vậy. “Giống như một cơn ác mộng.”

Trong trận chung kết 5.000 mét đó, cô hoàn thành vòng cuối cùng trong 57.36 giây và đoạt huy chương vàng với tổng thành tích 14:36.79. Ngay sau đó, cô được sống cuộc đời của một ngôi sao Olympic hạng A. Hassan buộc phải trả lời mọi câu hỏi phỏng vấn ở mixed zone (khu vực tác nghiệp chớp nhoáng của giới báo chí ngoài sân thi đấu), mất khoảng 90 phút để len qua các phóng viên—và sau đó đi tới phòng họp báo.

Ngày hôm sau, cô được nghỉ ngơi, nhưng ngày tiếp theo cô lại đặt chân vào vạch xuất phát và chiến thắng ở cuộc đua bán kết nội dung 1.500 mét. Cô dự trận chung kết vào thứ Sáu trước đó, và cố gắng đẩy nhanh tốc độ từ sớm để xóa đi nỗi đau từ thất bại trước Kipyegon. Nhưng vô ích, chân chạy Kenya giành huy chương vàng bằng một kỷ lục Olympic 3:53.11, còn Hassan về thứ ba với 3:55.86, sau Laura Muir của Anh.

Rút được bài học từ buổi tối thi đấu nội dung 5.000 mét, Hassan đi nhanh ra khỏi khu tác nghiệp nhanh và bỏ qua buổi họp báo dành cho những vận động viên đoạt huy chương, quay trở lại với vạch xuất phát chỉ 22 giờ sau nội dung 1.500 mét để bước vào trận chung kết 10.000 mét. Đối thủ lớn của cô là Letesenbet Gidey của Ethiopia, hồi mùa hè đã phá vỡ kỷ lục thế giới 10.000 mét của Hassan.

Sau màn xuất phát ổn định, Gidey tăng tốc, nhưng cô đã không bao giờ đủ nhanh để vượt qua Hassan, vốn đã kiên nhẫn chờ đợi trước khi ra chân ngoạn mục giành lấy huy chương vàng, 100 mét cuối cùng cô chỉ chạy hết 13.6 giây. Nhanh hơn cả 100 mét cuối cùng của hai nữ vận động viên giành huy chương vàng nội dung 800 mét và 1.500 mét, nhanh hơn cả Allyson Felix khi nước rút giành huy chương đồng nội dung 400 mét.

Mặc dù vượt trội như vậy, Hassan vẫn không hề cảm thấy tự tin trong suốt cả cuộc đua.

“Tôi không tin, cho đến khi mình vượt qua vạch đích,” cô nói.

Cô tiết lộ, cô phải chịu những cơn đau ở cổ trong suốt những vòng cuối, và trong vòng chạy vinh danh, cô di chuyển đến chỗ đoàn Hà Lan để được điều trị.

Sau đó thì sao? Hassan bảo sớm thôi, cô sẽ cố gắng lập một kỷ lục thế giới, chắc chắn là nhằm vào nội dung 10.000 mét. “Nhưng bất kể tôi có chạy nhanh thế nào đi chăng nữa, điều đó sẽ không thể nào so sánh được với cảm giác này,” cô nói, giơ cao tấm huy chương vàng.

Là một người Hồi giáo mộ đạo, cô bảo rằng phần khó nhất trong thời gian chuẩn bị của mình là duy trì luyện tập trong suốt kỳ Ramadan, kéo dài từ ngày 12/4 đến 12/5, đòi hỏi tín đồ phải nhịn từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Cô cho biết, bài chạy 27 km trong một ngày đặc biệt nóng đã khiến cho cô “suýt thì bị sốc (nhiệt).”

Đã nhiều lần cô tự hỏi mình làm gì khi quyết định tham gia thi đấu ba bộ môn ở Tokyo.

“Đôi khi, tôi choàng tỉnh vì ác mộng và tự hỏi: ‘Tại sao mình lại phải tự làm mình trở nên căng thẳng thế này?’ Điều gì đó trong tôi bảo tôi phải làm điều đó, và tôi đáp, ‘không, tôi không làm được.’ Cứ như thể hai người vậy.”

Trước khi cô hoàn thành mục tiêu của mình, nhiều người cho rằng ý định của cô sẽ phản tác dụng, nhưng Hassan đã chứng minh điều ngược lại. Cô biết có thể sẽ không đạt được cả ba danh hiệu, nhưng cô hài lòng với điều đó.

“Cuộc sống đâu chỉ có giành huy chương vàng, chiến thắng và danh vọng,” cô nói. “Mà còn là nghe theo trái tim mình nữa chứ.”

About the Author Khánh Toàn

Lê Khánh Toàn làm kinh doanh ở Sài Gòn. Anh xuất thân là biên tập viên Anh ngữ tại NXB Thế Giới, với các tác phẩm dịch thuật như "Hoa trên mộ Algernon," "Phù thủy phố Portobello," "Tình dục thuở hồng hoang,"... Với anh, chạy bộ là một cách để rèn luyện sức bền và tinh thần kỷ luật.

>
0 Shares