Phạm Thúc Trương Lương
Giám đốc Công ty Sách điện tử giáo dục
Bài đăng trên mục “Blog doanh nhân”, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số 42, ngày 16/10/2014
Bài viết được tác giả gửi trực tiếp cho chay365.com. Bản quyền thuộc về tác giả.
“Xét độ cao và các điều kiện khó khăn nói chung, đây không thể là marathon đầu tiên của bạn”
Mặc dù ban tổ chức đã có lời cảnh báo như vậy trên trang web của cuộc thi, tôi vẫn quyết định chọn giải Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2014 cho lần đầu chạy 42km của mình. Năm ngoái tôi tham dự cự ly 21km. Khi hồi tưởng lại, đành rằng cũng có vài từ khóa tiêu cực đọng lại như chuột rút, cháy nắng hay nóng và mệt. Tuy nhiên, chúng nằm lẻ loi trong ký ức giống như những tảng đá mồ côi giữa một đại dương những hình ảnh phấn khích của cảnh đẹp đại ngàn Sa Pa, niềm xúc động dâng trào khi về đích, những tiếng vỗ tay, huýt sáo động viên của mọi người, cảm giác thư giãn tuyệt đối khi để nguyên người ngợm bẩn thỉu, tán gẫu với những người bạn mới quen về những gì vừa trải qua trên đường. Động lực đó và một năm luyện tập giúp tôi tự tin sẽ chinh phục được chặng marathon đường núi này.
Cự ly marathon của VMM năm nay có 72 vận động viên đến từ 25 quốc gia. Một số người từng dự nhiều cuộc thi marathon vượt núi trên khắp thế giới nhận xét rằng với họ cung đường Sa Pa thuộc loại khó khăn nhất và cũng đẹp nhất. So với năm ngoái, ban tổ chức quyết định đưa thêm một quả núi lớn vào đường chạy để tăng thêm thử thách.
Cuộc đua kéo dài từ suốt sáng đến chiều. Chúng tôi rong ruổi qua những vách đá tai mèo, những khúc lên dốc và xuống dốc dài bất tận, bùn lầy, những con suối cạn có, chảy xiết có, những cây cầu độc mộc, bờ ruộng bậc thang mà khi ở gần thì không nên thơ như khi nhìn từ xa, những hiên nhà và làng bản của người Dao đỏ, người Hmong, những cung đường đang đào đắp dở dang, những đoạn rải đá, đoạn trải nhựa gồ ghề, những đường mòn lưng chừng núi chỉ rộng một người đi với một bên là vực sâu thăm thẳm.
Có những lúc, tôi chạy một mình giữa cánh rừng u tịch, cả phía trước và phía sau đều không một bóng người. Đó quả là một cảm giác khó tả và có phần siêu thực. Sương giăng trước mặt. Tất cả đều tĩnh lặng. Âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng bước chân của mình giẫm lên thảm lá rụng và nền đất ẩm. Xét cho cùng, tôi chạy là tận hưởng những khoảnh khắc như vậy.
Sa Pa một ngày có bốn mùa. Chúng tôi phải chạy giữa tiết trời se lạnh của buổi sáng, cái nóng oi ả của vùng thung lũng vào buổi trưa, và dưới cơn mưa nặng hạt, mát lạnh lúc xế chiều.
Trên đường chạy các vận động viên không coi nhau như những đối thủ. Họ giúp đỡ nhau vượt qua những con dốc khó, hoặc khi ai đó ngã hay bị chuột rút. Họ chia sẻ với nhau ngụm nước, chút đồ ăn hay đơn giản là những lời động viên, những câu chuyện vô thưởng vô phạt giúp đường bớt xa.
Có những thời điểm tôi cảm giác mình không thể đủ sức tiếp tục cuộc đua. Nhưng thử thách lớn nhất chính là quả núi cuối cùng, bắt đầu ở km thứ 34. Đến mốc đó, nói chung mọi người đều đã kiệt sức. Vì vậy, chặng dốc đứng kéo dài khoảng 2km không chỉ thử thách sức chịu đựng còn lại của cơ thể mà còn đòi hỏi nghị lực rất lớn từ các vận động viên. Khi tôi tới khích lệ một bạn chạy người Singapore đang nằm vật ra đất vì mệt, cậu ta thở dài và nói: “Vì sao tôi lại làm điều này chứ?”. Có lẽ trong đầu cậu ta đang lướt nhanh những hình ảnh cuộc sống hàng ngày với tiện nghi thoải mái nơi quê nhà, và không hiểu tại sao giờ này mình lại nằm đây, giữa lưng chừng núi tại Sa Pa ở Việt Nam, mệt đứt hơi và không biết làm gì tiếp. Đúng là ngoài mục đích khám phá và vượt qua giới hạn của chính mình, chẳng có lý do gì để chúng tôi chấp nhận trải qua những gì đã trải qua.
Chung cuộc, tôi về đích lúc 17:20, sau 09:28 phút trên đường, xếp thứ 33/72. Một kết quả không tốt như dự tính, nhưng làm tôi hoàn toàn hài lòng.
Nếu cho rằng các vận động viên marathon phải là những con người có tố chất đặc biệt, thì từ bản thân mình suy ra, tôi thấy không phải như vậy. Đành rằng việc chạy 42km trên các quả núi của dãy Hoàng Liên Sơn đòi hỏi ý chí và sự khổ luyện thực sự, nhưng các vận động viên nghiệp dư có mặt tại cuộc thi thể là bất kỳ ai. Theo thống kê của ban tổ chức, xấp xỉ 40% người tham gia cự ly marathon có độ tuổi từ 40 trở lên, một lứa tuổi mà thể thao đã bắt đầu mang tính dưỡng sinh. Tôi gặp ở đây những bà mẹ hai con, một bạn bị bệnh tim bẩm sinh hay một bác người Nhật gần 60 tuổi với chiến thuật đi bộ suốt chặng được xác định ngay từ trước khi xuất phát.
Và nhân vật nổi bật nhất giải VMM ’14 là một “running boy” nằm ngoài danh sách đăng ký, em bé 8 tuổi gầy gò Giàng A Cha người Hmong. A Cha từ đâu xuất hiện ở vạch xuất phát cự ly 21km trong bộ quần áo lem luốc và cặp dép tông. Em cũng xuất phát cùng và chạy theo mọi người. Ai cũng nghĩ em sẽ chạy một quãng rồi thôi, vậy mà cứ như thế em theo luôn một mạch về đến đích, hoàn thành cự ly bán marathon đầu đời.
Chạy đường dài đòi hỏi sự dẻo dai, ý chí và đặc biệt là tính kiên nhẫn. Cả trong lúc luyện tập và thi đấu, đây phần lớn là cuộc đối đầu với chính bản thân mình. Ngoài sự mệt mỏi của cơ thể, bạn phải biết cách vượt qua sự buồn tẻ, cảm giác lo sợ mơ hồ và cả những hoài nghi khi phải vận động liên tục và đơn điệu trong nhiều giờ đồng hồ. Với những đặc điểm này cộng với tính linh hoạt và tiết kiệm thời gian, chạy là một môn thể thao có ích và khá phù hợp với những doanh nhân bận rộn. Bạn có thể chạy bất cứ lúc nào trong ngày, chỉ một mình, lâu hay chóng tùy ý, hầu như không đòi hỏi sự chuẩn bị cũng như các dụng cụ hỗ trợ. Nhiều người trong số bạn chạy mà tôi quen là những nhà quản lý, có người là giám đốc của các công ty lớn với lịch làm việc lúc nào cũng đầy ắp. Họ tìm đến môn chạy như một cách để duy trì được tư duy minh mẫn, giảm stress và cũng là để rèn luyện cho mình ý chí bền bỉ, một điều rất cần thiết trước áp lực công việc.
Vì vậy nếu bạn muốn thử thách bản thân, muốn được chạy giữa cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, hãy luyện tập sẵn sàng cho cuộc đua năm sau. Giống như hầu hết mọi chuyện trong cuộc sống, gọi trải nghiệm này là sự tận hưởng hay sự chịu đựng, hoàn toàn là do cách nhìn nhận của bạn.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Tận hưởng hay chịu đựng là do cách nhìn […]