Thiết kế cung đường cho giải chạy địa hình và vai trò của giám đốc đường đua

Lời dẫn: Với mong muốn cung cấp góc nhìn đa chiều về các giải chạy trail, để chúng ta có những sân chơi thú vị và an toàn, Chay365 xin gửi đến độc giả bài viết của anh Phạm Thúc Trương Lương (Lương Phạm), quản trị viên Hội chạy đường dài LDR, người có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực chạy bộ, nhất là chạy địa hình. Anh Lương Phạm là người duy nhất chưa bỏ lỡ một mùa Vietnam Moutain Marathon nào. 

====

Chạy địa hình, đặc biệt là các cự ly marathon hoặc siêu marathon, là môn thể thao đem lại nhiều cảm xúc. Hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, đẩy cơ thể đến ngưỡng mệt mỏi tới hạn, vượt qua những thách thức của cung đường hiểm trở, đối mặt với thời tiết đôi khi thù nghịch, chạy đua với thời gian khóa đường (COT – cut off time), tất cả tạo nên cảm giác phấn khích của sự khám phá và chinh phục.

Tận hưởng hay chịu đựng là do cách nhìn

Người chạy địa hình, tương tự như khi tham gia các môn thể thao mạo hiểm và sức bền khác, mặc nhiên phải đối mặt với những rủi ro tai nạn và sức khỏe cao hơn bình thường. Đôi khi một chút sơ sẩy sẽ dẫn tới điều tồi tệ nào đó. Ở giải Vietmam Mountain Marathon (VMM) 2019 tại Sa Pa, tôi tình cờ chứng kiến một tai nạn, hay chính xác hơn, đó có thể đã là một tai nạn đúng nghĩa. Và lãng nhách. Trên đoạn đường không quá hiểm hóc giữa Check-point 1 (CP1) và Check-point 2 (CP2), runner người Malaysia chạy trước tôi vô tình bước hụt khi trèo qua một tảng đá và bị tụt xuống mép vực khoảng gần 1m. May mắn là anh ta kịp bíu tay vào các bụi cây mọc trên vách đá nên không rơi tiếp và treo người ở đó. Tôi phải gọi thêm một bạn đi trước quay lại trợ giúp. Chúng tôi thả gậy xuống cho anh ta bám lấy rồi kéo lên an toàn. Sau đó cả ba đường ai nấy đi. Chẳng ai báo chuyện này cho ban tổ chức (BTC) tại CP2 hay tại vạch đích.

Tác giả bài viết trong một mùa thi đấu VMM

Trong một số trường hợp, tai nạn không may có thể gây chết người. Đường chạy càng dài và khó khăn, nguy cơ càng nhiều. Theo thông tin của bài viết với tựa đề “Chạy đến mức cực đoan” trên tạp chí online Trail Runner, có sáu vận động viên chạy địa hình đã thiệt mạng khi leo đỉnh Mont Blanc từ sườn núi phía nước Pháp trong hai năm 2018 và 2019. Tử vong không nhất thiết phải là một phần của cuộc chơi, nhưng trong một giải đấu dù công tác tổ chức và cứu hộ có tốt đến đâu thì xác suất của nó cũng không thể bị triệt tiêu hoàn toàn. Đường xa hẻo lánh, chủ yếu vẫn là runner tự giúp nhau. Sự ứng cứu từ BTC không phải lúc nào cũng có sẵn và nếu tai nạn xảy ra, không phải lúc nào BTC cũng có lỗi.

Gặp người 4 năm liên tiếp dự VMM

Để có một cuộc đua an toàn, đương nhiên cần sự cẩn trọng của cả BTC và các vận động viên. Không chỉ trong giải đấu mà cả quá trình chuẩn bị trước đó. Một trong những việc BTC sẽ thực hiện rất sớm là thiết kế đường chạy. Cung đường sẽ mang đến sự hấp dẫn và độc đáo cho một giải chạy địa hình, đồng thời cũng quyết định mức độ khó khăn và nguy hiểm của nó. Nhưng tính thách thức và an toàn của đường chạy không bắt buộc phải đánh đổi lẫn nhau. Thiết kế đường chạy tốt cần đảm bảo hài hòa cả hai yếu tố này.

Tôi muốn trao đổi về vai trò của giám đốc đường đua (race director) trong việc thiết kế cung đường cho một giải địa hình. Có thể nói đây là khâu then chốt nhất của công tác tổ chức. Một giám đốc đường đua đúng nghĩa cần tham gia trực tiếp vào việc tạo lập đường chạy. Họ không thể phó thác việc này cho ai khác. Nói không ngoa, giám đốc đường đua phải tự trải nghiệm từng mét trên toàn tuyến đường, lý tưởng là vào nhiều khung giờ khác nhau trong ngày. Họ phải thuộc từng điểm khó, điểm nguy hiểm, điểm dễ đi lạc để xác định chỗ nào cần cảnh báo, cần cải tạo đường, cần có các biện pháp hỗ trợ runner hay phân công người đứng chốt. Đường chạy là tác phẩm mà họ là tác giả chính.

Thiết kế cung đường chạy giữ vai trò quan trọng với một giải chạy địa hình

Vẽ đường cho giải chạy địa hình cũng giống như thiết kế một trò chơi, nhưng xét về mức độ cẩn trọng và cái tâm cần đặt vào thì chắc chắn đòi hỏi cao hơn rất nhiều. Trò chơi nói chung càng khó càng hấp dẫn. Người chơi từng mê mẩn game Flappy Bird vì nó khó phát điên nhưng con chim trên màn hình game cùng lắm chỉ va đầu vào ống khói và làm họ mất lượt. Với đường chạy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cái giá người chơi phải trả khi sai lầm và sự không may ập đến cùng lúc sẽ rất khác. Người thiết kế cung đường không những cần chạy thử trên lối mình chọn mà còn phải đặt bản thân vào vị trí của vận động viên, vốn dĩ có khả năng chạy địa hình rất khác nhau. Không nên tăng độ khó cho game một cách tuỳ tiện mà cần phù hợp với mục tiêu giải chạy hướng tới. Muốn game khắc nghiệt thì phải lọc được những người chơi giầu kinh nghiệm và có thực lực. Có thể bằng cách đặt ra các tiêu chí điều kiện như các giải đấu danh giá hoặc đặt thời gian khóa đường (COT) thật gắt ở một số điểm kiểm tra (check point) đầu nhằm sớm loại bớt những người chạy yếu, tránh để họ kiệt sức theo đuổi cuộc đua không thể về đích. Còn muốn đa phần ai cũng hoàn thành thì độ khó nên ở mức tiêu hóa được với số đông. Vẽ đường cũng cần liệu cơm gắp mắm, tính toán làm sao để cung đường phù hợp với khả năng hậu cần và cứu hộ của BTC. Một đường chạy quá tham vọng sẽ không chỉ thách đố các vận động viên mà còn tạo vấn đề cho chính BTC nữa.

Hình ảnh trong giải Dalat Ultra Trail

Tôi để ý giám đốc đường đua của Vietnam Trail Series (Asger Koppen và David Lloyd) rất chú trọng việc khảo sát đường chạy. Họ dành nhiều thời gian và công sức cho việc này. Một cung đường dọc sông Nậm Cang cho hai cự ly 11km và 25km được chụp tỉ mỉ tới 10.000 kiểu ảnh. Với kho tư liệu như vậy, giám đốc đường đua có thể xem lại từng bụi cây, hòn đá dọc đường. Họ cũng sử dụng người địa phương thông thạo thung thổ tham gia chọn và tu sửa đường hoặc canh chừng ở những điểm thử thách nhất với runner trong ngày giải đấu diễn ra. Hôm đó giám đốc đường đua sẽ phải chạy tới chạy lui, hiện diện khắp nơi để quán xuyến và nắm bắt tình hình. Vì vậy thiết kế đường chạy cần đảm bảo họ có thể cơ động bằng phương tiện, nhanh chóng tiếp cận tới nhiều điểm khác nhau trên toàn tuyến, ít nhất là tới các check point. Giám đốc đường đua là người đưa ra và chịu trách nhiệm cho những quyết định quan trọng vào phút chót hay tức thời như huỷ giải đấu, nắn chỉnh lại tuyến đường, điều phối nguồn lực hỗ trợ và giám sát,… Nếu việc cập nhật những gì diễn ra trên thực địa bị hạn chế, các quyết định của họ sẽ không thể chuẩn xác và kịp thời.

Cung đường chạy DLUT 2020, cự ly 70km. Ảnh: Ban tổ chức

Tôi không rõ đơn vị nào thiết kế đường chạy cho giải Dalat Ultra Trail (DLUT) năm nay và tôi hy vọng giám đốc đường đua nắm tường tận cung đường của mình. Trước giải mấy hôm, Quang Nguyễn, một runner xuất sắc trong cộng đồng chạy địa hình có chia sẻ clip anh cùng Quang Trần, runner hàng đầu khác, leo một con dốc cao và dựng đứng trên tuyến đường DLUT khi cả hai đi thử đường chạy. Quang Nguyễn nói rằng nếu trời tối hay mưa anh sẽ không dám đổ con dốc này. Người có thâm niên đứng bục còn thấy khó (chung cuộc anh xếp thứ ba cự ly 70km) nên quả nhiên nhiều người sau đó đã lâm vào cảnh leo xuống không ổn, leo lên cũng không xong khi di chuyển qua đây trong cơn mưa rừng.

Cung đường của giải chạy địa hình tựa như chữ ký của giám đốc đường đua. Nó vừa là chữ ký tự hào của tác giả nhưng cũng là chữ ký của cam kết trách nhiệm với các vận động viên tham gia.

  • […] Xem thêm: Thiết kế cung đường cho giải chạy địa hình… […]

  • […] ra? Ultra runner Nhật Bản chạy 100km DLUT 2020: Tôi chọn DNF Thiết kế cung đường cho giải chạy địa hình… Hoàng Hà Thạch Lâm là khu công viên địa […]

  • >
    200 Shares