Dân amateur thắng áp đảo elite, nhóm runner U70 Việt Nam đông dần lên là những điểm đáng chú ý của giải chạy marathon bước sang năm thứ 7 này.
Saeki Makino – Bạn tập của Kawauchi “nâng tầm” giải
Saeki Makino, nhà vô địch nam chung cuộc năm nay, đã từng chạy ở Hạ Long Marathon (2:23:xx) nhưng có lẽ cũng không nhiều người nhớ đến hay để ý. Với PR sub 2:16 thì 2h33 trong tầm tay runner Nhật Bản cho dù đường chạy Sài Gòn nóng và dốc hơn Hạ Long. Nhờ có Saeki Makino, chất lượng chuyên môn của giải sáng sủa hơn một chút bởi chí ít anh đã chạy nhanh hơn nhà vô địch năm ngoái. Tương tự, Hồng Lệ, HCĐ SEA Games, cũng chạy nhanh hơn chính mình mùa trước.
HCMC Marathon hầu như không có elite “khủng” cỡ sub 2:15 tranh tài nên Course Record cự ly marathon cần phải rút xuống để xứng tầm một giải chạy qui mô lớn có tuổi đời trên 5 năm. Trở ngại ngăn cản các elite “xịn” tham gia chính là đường chạy “nút cổ chai” cầu Phú Mỹ. Quá hẹp và quá đông.
“Ngựa ô” Hứa Thuận Long
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã giúp cho Hứa Thuận Long (CLB chạy PTR) bất ngờ tỏa sáng ở giải năm nay (2:49:26) với vị trí thứ 3 chung cuộc và danh hiệu VĐV Việt Nam xuất sắc nhất, xếp trên cả nhóm Elite. Chiến thắng của Long một phần vì các “hổ báo” của Việt Nam tập trung lên núi Bà Rá hết. Kết quả này khiến người viết nhớ lại Kawauchi vô địch Boston Marathon nhờ hàng loạt các elite khác…rụng sạch trong một ngày mưa buốt. Ở ngưỡng Sub 3, Long (M30-39) phá vỡ PB khá sâu. So với năm ngoái, Hứa Thuận Long (hạng 9) rút ngắn tới…17 phút.
“Elite” chất lượng thấp
Việc một VĐV Việt Nam hạng mục Amateur có thành tích tốt nhất rõ ràng cho thấy Elite Việt Nam của HCMC Marathon năm nay chất lượng thấp. Người chạy tốt nhất nhóm Elite là Đoàn Ngọc Hoàng (2:55:xx). Đành rằng khi thi đấu theo hạng phân chia, yếu tố chiến thuật được các VĐV tính đến để tranh podium nhưng 6 phút vênh nhau giữa hai hạng thì…xa quá. Trong Top 10 chung cuộc, nhóm amateur cũng áp đảo với sự xuất hiện thêm của Đàm Hồng Phong (3:00:xx, hạng 8), Đỗ Ngân Sơn (3:02:xx, hạng 9). Năm ngoái, nhóm elite dẫn đầu còn có Quốc Dũng (Khánh Hòa, hạng Nhì), Tấn Hi (Lâm Đồng, hạng 4).
Diễn ra trùng ngày, HCMC Marathon, giải chạy nằm trong hệ thống giải của Liên đoàn điền kinh Thành phố, đã thua giải chạy việt dã Bà Rá (nằm trong hệ thống giải quốc gia) trong việc thu hút các elite tên tuổi của Việt Nam. Gác qua một bên yếu tố lịch sử, truyền thống của giải Bà Rá, người viết vẫn muốn một vài elite marathon của Việt Nam như Văn Sơn (Ninh Bình), Quốc Luật, Quốc Lượng (Quân đội), Hoàng Nguyên Thanh (Bình Phước)…chạy trên đường chạy cự ly marathon vốn dễ đong đếm phong độ của VĐV hơn là một cuộc thi leo bậc thang lên núi (độ dài quãng đường 7km). Để cạnh tranh, thu hút thì tăng tiền thưởng là một giải pháp.
Phong trào chạy bộ phía Nam ngày càng đi vào chất lượng
Ở một số giải chạy trước đây, số lượng runner phía Nam đạt sub 3:30 không nhiều. Tuy nhiên từ giải TCB HCMCIM 2019, các runner phía Nam tập luyện có chiều sâu hơn nên ngày càng chạy nhanh hơn. Từ Kha Ly, Đàm Hồng Phong, Đỗ Ngân Sơn cho đến Hứa Thanh Giang (nhóm F40-49) đều có sự tiến bộ và cận ngưỡng Sub 3 (nam), Sub 3:10 (nữ). Tổng số lượng VĐV Sub 3:30 năm nay (19) đông hơn so với năm ngoái (14). Các nhóm chạy trong Nam nổi lên về chuyên môn như VBRC, PTR, Bình Dương Runners.
Sự trỗi dậy của… người già
Tất nhiên, người già ở đây theo quan niệm phổ biến của người Việt Nam. Những người từ 60 tuổi trở lên thường được gọi là các ông già, bà già, thậm chí là các cụ. Người viết có may mắn được gặp gỡ một số runner trên 60 tuổi của Việt Nam và toàn xưng anh, chị vì họ…trẻ quá. Chuyện tuổi tác và ngoại hình của runner sẽ còn được nhắc đến ở một chủ đề khác.
Trở lại giải này, theo kết quả ghi nhận nhóm nam từ 60 tuổi trở lên có tới 6 người. Nói một cách hài hước là từ nay, người già Việt Nam đã xếp “đủ mâm” và podium lúc nào cũng có thể chọn lựa ra ít nhất 3 người xứng đáng để trao giải. Ở một số giải chạy trước đây, nhóm cao tuổi, nhất là nữ, chỉ có tối đa 3 người, thậm chí có đúng 1 người nên những người tham gia chỉ cần hoàn thành nghiễm nhiên có giải. Còn bây giờ, người già cũng phải cố gắng như người trẻ nếu muốn lên podium.
Trong 6 finisher M60-69, runner Nguyễn Thế Dũng (TP.HCM) có thành tích tốt nhất (4:20:xx), người chậm nhất đạt sub7. Ông Dũng từng xếp hạng 7 (2h46) ở giải San Miguel HCMC Marathon 1994. Trong những năm 9X, giải San Miguel được tổ chức luân phiên ở HN & TPHCM. Ông Dũng không phải dân “ăn cơm tuyển”, nghĩa là ông Dũng cũng giống như Thuận Long, Tiến Hùng…bây giờ.
Tôi tin rằng, ông Dũng với chất marathon “ngấm vào máu” nếu tập luyện thường xuyên thì ông sẽ là người già chạy nhanh nhất Việt Nam trong tương lai gần.
Những “hạt giống” cao tuổi này là điều đáng mừng cho thể thao quần chúng. Họ sẽ là những người truyền cảm hứng và làm thay đổi nhận thức của người Việt Nam về người cao tuổi cũng như về chạy bộ đường dài. Hi vọng 6 finisher đều sử dụng bib chính chủ, không có bạn trẻ nào sử dụng bib của các “cụ” để chạy.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.