Chúc mừng năm mới 2020. Nhân ngày đầu năm, mời các anh chị em cùng Chay365 điểm lại 10 khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chạy bộ đường dài thế giới và trong nước trong năm 2019. Tiêu chí lựa chọn của Ban biên tập là những sự kiện có tính chuyên môn cao và tầm ảnh hưởng lớn đối với chạy bộ đường dài (từ cự ly bán marathon trở lên).
Thế giới
1. Kosgei lập kỉ lục thế giới marathon của nữ
Đã 16 năm kể từ ngày Paula Radcliffe lập kỉ lục thế giới marathon với thành tích 2:15:25 ở London năm 2003. Trong 16 năm đó, người gần nhất tiếp cận thành tích của Radcliffe là Mary Keitany (2:17:01). Thế nhưng lịch sử marathon đã được viết lại khi tháng Mười 2019, chân chạy 25 tuổi người Kenya Brigid Kosgei giành chiến thắng ở Chicago Marathon, với thời gian 2:14:04.
Mặc dù thành tích này của nữ giới được coi như ấn tượng hơn sub2 ở nam giới, Kosgei tin rằng mình còn khả năng chạy tốt hơn nữa “Tôi tin rằng 2:10 là khả thi”. Hãy đợi xem năm 2020 này cô sẽ tiếp tục chinh phục thêm cột mốc nào nữa.
2. Kipchoge trở thành người đầu tiên chạy marathon dưới 2 giờ
Lần thứ hai thử sức, Eliud Kipchoge, VĐV marathon vĩ đại nhất mọi thời đại, đã thành công khi phá mốc 2 giờ. Thông điệp của anh không thay đổi “Không ai bị giới hạn cả”, bất kể bạn là ai. Màn trình diễn của Kipchoge trong công viên Prater ở Vienna có thể coi là chuẩn mực của sự phối hợp giữa công nghệ và thể lực con người.
Tuy nhiên, mục tiêu của anh không dừng lại đó, sẽ là một kỉ lục thế giới mới được Kipchoge nhắm tới ở London Marathon 2020, trước khi anh chinh phục mốc 2 giờ trong một giải đấu chính thức đạt chuẩn IAAF. “No human is limited”
3. Camille Herron phá kỉ lục thế giới chạy 24 giờ của nữ
Người phụ nữ người Mỹ 38 tuổi này đã chạy với pace 5:19 phút/km trong suốt 24 giờ liên tục để trở thành nữ vận động viên hoàn thành quãng đường dài nhất trong một ngày (270 km). Cô chạy nhiều hơn người về nhì 16 km, và chỉ chịu thua nhà vô địch nam gần 10 km.
Camille Herron, nổi tiếng vì thói quen uống bia và ăn tacos trong lúc chạy ultra, là một cái tên quen thuộc trong giới chạy siêu dài, với gần chục kỉ lục quốc gia đủ các nội dung thi đấu. Ngay cả khi mặc bộ đồ người nhện chạy bộ, thành tích marathon của cô cũng cực kỳ ấn tượng (2:48:51).
Camille từng nói: "Chạy càng dài thì khoảng cách về giới tính càng bị kéo gần lại". Trong khi các quý cô liên tục phá mốc thời gian mới, thì giới hâm mộ ultra tự hỏi bao giờ kỉ lục 24 giờ nam của Yiannis Kouros (303 km, lập năm 1997) mới bị phá vỡ.
4. Geoffrey Kamworor phá kỉ lục half marathon thế giới
Thêm một kỉ lục thế giới bị chinh phục bởi đôi giày VaporFly. Vận động viên Kenya 26 tuổi Geoffrey Kamworor, đồng đội cùng nhóm tập với Eliud Kipchoge, đã chạy half marathon trong 58:01, để phá kỉ lục cũ của Abraham Kiptum tới 17 giây (lưu ý rằng Abraham Kiptum sau đó bị cấm thi đấu vì dính doping).
Màn trình diễn của Kamworor ở đường chạy Copenhagen có thể coi là chuẩn mực khi tất cả các chặng 5 km đều được anh hoàn thành dưới 14 phút (nghĩa là anh chạy mỗi đoạn 5K còn nhanh hơn kỉ lục Sea Games nội dung 5000m).
- 0-5k: 13:53
- 5k-10k: 13:41
- 10k-15k: 13:31
- 15k-20k: 13:55
- 20k-21.1k: 3:01
Gần hai tháng sau khi lập kỉ lục thế giới, Kamworor tiếp tục bỏ túi một chức vô địch major (vô địch New York City Marathon 2019 với thành tích 2:08:13, chức vô địch thứ hai của anh ở đây trong vòng 3 năm. Liệu năm 2020 đã phải là thời điểm để hoàng tử trẻ thách thức ngai vàng của vua Kipchoge?
5. Kenenisa Bekele dư 2 giây để phá kỉ lục thế giới
Bạn vẫn có thể vô địch một giải major, bỏ xa các đối thủ khác, mà vẫn thất vọng tràn trề. Đó là trường hợp của Kenenisa Bekele, người duy nhất có khả năng thách thức vị trí của Eliud Kipchoge trong lịch sử chạy bộ đường dài.
Đó là một chiến thắng mang tính biểu tượng của Bekele, người đã tạo lập uy danh ở các cự ly đường dài trong sân vận động (đương kim kỉ lục thế giới cự ly 5000m và 10000m), kèm theo 11 danh hiệu vô địch thế giới nội dung chạy băng đồng (Cross Country). Anh đã phải nỗ lực rất nhiều để duy trì thành công đó khi chuyển sang thi đấu marathon.
Không giống Mo Farah, người có lẽ giờ đây chẳng bao giờ có thể thắng ở một giải marathon lớn nữa nên đành quay lại đường đua trong sân vận động, Bekele bền bỉ quay lại sau chấn thương, và tại Berlin 2019, khi mọi người đã gạch anh khỏi danh sách ứng viên vô địch thì anh có màn trình diễn đẹp nhất trong sự nghiệp của mình.
Sau 40 km anh thậm chí còn dẫn trước kỉ lục thế giới của Kipchoge 2 giây. Tiếc là 2 km cuối anh chậm hơn Kipchoge 4 giây, và hụt kỉ lục thế giới. Dù thế nào, thành tích chạy marathon của vận động viên 37 tuổi này vẫn nhanh hơn 67 giây hơn bất cứ ai trên thế giới không phải tên là Kipchoge.
Việt Nam
1. Phạm Thị Hồng Lệ giành huy chương Đồng marathon ở Sea Games 30
Cô bé nhỏ nhắn đến từ đất võ Bình Định đã giúp marathon Việt Nam duy trì vị thế ở đấu trường khu vực khi giành hạng ba nội dung marathon ở Sea Games 30 với thành tích 3:02:52, trong điều kiện đường đua nhiều dốc và nắng.
Thành tích này đã khẳng định ngôi vị số một của Hồng Lệ trong làng chạy đường dài Việt Nam, sau khi cô “đánh đâu thắng đó”, chinh phục hàng loạt giải đấu trong nước trong năm 2019. Hình ảnh Hồng Lệ phải nhờ tới sự chăm sóc của nhân viên y tế khi cán đích là một khoảnh khắc đầy xúc động.
Chúng ta cùng chờ đợi những chiến thắng mới của nữ hoàng marathon Việt Nam trong năm 2020, cũng như trông đợi cô đổi màu huy chương tại kỳ Sea Games trên sân nhà vào năm 2021.
2. Chi Nguyễn là vận động viên Việt Nam đầu tiên tham dự Boston Marathon bằng cách đạt chuẩn BQ
Boston Marathon là giải marathon danh giá nhất thế giới, với lịch sử huy hoàng. Đạt chuẩn BQ (Boston Qualifier) là giấc mơ của mọi người yêu marathon trên toàn thế giới. Tháng 4.2019, với việc có mặt trên phố Hopkinton nhờ đạt chuẩn tại giải chạy Mountains2Beach marathon, Chi Nguyễn, nữ VĐV phong trào số 1 Việt Nam, đã trở thành người gốc Việt đầu tiên dành vé dự Boston qua cánh cổng BQ.
Cô đã hoàn thành đường chạy Boston, nổi tiếng với các ngọn đồi cùng điều kiện thời tiết không thể dự liệu, trong thời gian 3:09, một thành tích mà đa số cánh mày râu chỉ dám mơ ước. Năm 2020, xin chúc Chi Nguyễn chinh phục thêm nhiều cột mốc mới.
3. Hùng Hải bảo vệ thành công chức vô địch Vietnam Mountain Marathon 100
Nam vận động viên phong trào số 1 Việt Nam, Hùng Hải, đã bảo vệ thành công chức vô địch ở VMM100, đường chạy ultra trail khắc nghiệt nhất. Sau những năm đầu tiên chức vô địch cự ly dài nhất (VMM 70km) thuộc về các vận động viên nước ngoài, thì từ năm 2017 tới nay, các chân chạy nội địa đã độc chiếm ngôi vị dẫn đầu (với nam giới).
Không chỉ có vậy, năm 2019 cả ba vị trí dẫn đầu đều thuộc về người Việt Nam. Đây là bằng chứng của sự phát triển về chuyên môn của phong trào chạy bộ đường dài trong nước.
4. Quang Trần trở thành người Việt Nam đầu tiên tranh tài tại giải chạy Spartathlon 243
Spartathlon là cuộc đua ultramarathon 246 km nối từ Athens tới thành phố cổ Sparta. Đây là giải chạy được tổ chức định kỳ hàng năm, để đạt chuẩn tham gia các vận động viên cần chạy 100 km trong dưới 10 giờ (nam) hoặc 10 giờ 30 phút (nữ).
Năm 2019, Quang Trần, nam vận động viên phong trào hàng đầu Việt Nam, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên tranh tài ở cuộc đua này. Quang về đích hạng 40 trong thời gian 31 giờ 10 phút. Trải nghiệm trên đường chạy di sản này là một thành công ngọt ngào nữa của chàng trai Bình Định rất yêu chạy bộ này.
5. Lần đầu tiên có vận động viên tham dự Boston Marathon nhờ đạt chuẩn tại một giải chạy marathon ở Việt Nam
Xuất phát từ gợi ý của Đinh Linh, ban tổ chức giải đấu Long Biên Marathon đã đăng ký thành công cho Hùng Hải dự Boston Marathon 2020. Thành tích Hùng sử dụng là 2:43:xx, lập tại giải đấu Long Biên Marathon 2018. Điều này chứng minh một giải đấu tổ chức ở Việt Nam nếu đạt tiêu chuẩn đường đua IAAF hoàn toàn đủ khả năng được BAA công nhận kết quả.
Sau đó, Lê Quang Hoà và Phạm Thị Hồng Lệ đã tiếp nối khi đăng ký Boston với kết quả tại giải VnExpress Marathon 2019. Đây là cột mốc đáng nhớ trong quá trình hội nhập của phong trào chạy bộ đường dài Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đường tới phố Hopkinton giờ đây không còn quá xa xôi với giới chạy bộ trong nước, khi runners bản xứ hoàn toàn có thể dùng kết quả của các giải đấu nội địa thay vì phải di chuyển xa xôi. Ngoài ra, trong hoàn cảnh các giải chạy “fast course” trong khu vực chưa nhiều, đây là cơ hội để các giải đấu ở Việt Nam bán vé cho những vận động viên ngoại quốc đang kiếm tìm BQ.
Chào mừng sự trở lại của chay365, vẫn luôn mong chờ các bài viết tốt của các bạn!
Về bài viết, đoạn (1) “lịch sử marathon đã được viết lại” mình nghĩ chưa phù hợp lắm vì đơn giản đó là sự kế tiếp của dòng chảy lịch sử Marathon và Kosgei đã xác lập 1 cột mốc quan trọng.
Các nhận định về mục tiêu của Kipchoge thì mình nghĩ Kipchoge chắc chắn tham dự (đã xác nhận) London 2020 và nhắm đến 1 kỷ lục đường chạy mới ở quãng 2:02 nếu thời tiết thuận lợi. Kip có lẽ vẫn sẽ cày sâu cuốc bẫm trên luống cày London và Berlin của mình trong các năm tới, thời gian chạy dưới 2h có chăng sẽ chỉ hy vọng được xác lập ở Berlin ở một năm mà các Pacer đc yêu cầu chạy nửa Hm đầu dưới 60:30 – Điều này thực sự rất khó. Kip chắc chắn vẫn trong vai một người thợ săn cừ khôi theo đuổi chỉ 1 con thỏ duy nhất trước mắt mình như anh nhiều lần chia sẻ, và con thỏ đó suy cho cùng là giành chiến thắng mỗi lần chạy và có thành tích tốt hơn nếu có thể mà thôi.
Một lần nữa chào mừng sự trở lại và chúc mừng năm mới 2020!
Cám ơn bạn đã góp ý và đồng hành cùng Chay365 🙂
[…] marathon nữ của VĐV Phạm Thị Hồng Lệ (mà Chay365 xếp đầu trong danh sách các khoảnh khắc đáng nhớ của chaỵ bộ Việt Nam năm 2019), cộng đồng chạy bộ đường dài trong nước không khỏi băn khoăn khi đoàn […]
[…] trong những sự kiện đáng nhớ của chạy bộ đường dài Việt Nam năm 2019 đó là việc lần đầu tiên có vận động viên sử dụng kết quả BQ của một […]
[…] sẽ là sự xuất hiện của HCĐ Sea Games 2019 – Phạm Thị Hồng Lệ, người đang là marathoner số 1 Việt Nam hiện […]
[…] có mặt tại giải đấu này như VĐV Brigid Kosgei, đương kim giữ kỷ lục thế giới marathon nữ, và VĐV chạy giải xe lăn Manuela Schär và David […]