Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nicholas Thompson, Tổng Biên Tập Tạp Chí WIRED (Kỳ 2)

Nicholas Thompson tại giải Chicago Marathon 2018

III.

Tôi từng nghĩ rằng năng lực thể thao giống như một ngọn núi. Bạn sinh ra ở chân núi và cũng sẽ chết ở dưới đó. Trong khoảng giữa, bạn leo ngày một cao hơn cho đến khi bạn bắt đầu đi xuống. Nhưng so sánh như vậy cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì khi bạn già đi, bạn có được sự khôn ngoan giúp bạn tập luyện. Tôi đã nhận ra rằng có cách ví von hay hơn, đó là các đỉnh núi nối nhau liên tục. Bạn đi lên rồi đi xuống. Một lúc nào đó, bạn sẽ lên đến một đỉnh cao của của mình, nhưng khi bạn đi xuống thì phía trước vẫn còn muôn trùng cảnh đẹp.

Một năm sau khi cha tôi mất, vào mùa xuân năm 2018, khi tôi 42 tuổi, tôi nhận được một cú điện thoại từ Nike. Họ đang tìm người tập luyện dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên bậc thầy, một dự án nhắm tới những mục tiêu không tưởng mà mục đích cuối cùng là thử nghiệm và quảng bá các sản phẩm mới của họ. (Vâng, dĩ nhiên tôi hiểu tại sao tổng biên tập của một tạp chí chuyên viết bài về công nghệ và các công cụ lại được lựa chọn bởi một công ty sản xuất công cụ và công nghệ). Và tôi có muốn tham gia không? Thành tích trong các giải của tôi đang chậm dần đi trong khoảng 5 năm liền. Dĩ nhiên là tôi muốn chứ.

Như câu chuyện tôi viết trên tạp chí WIRED hồi năm 2018, tôi nhanh chóng được trang bị một thiết bị đo nhịp tim đeo trên cánh tay, một thiết bị theo dõi độ cân bằng trên thắt lưng, và các cảm biến gắn trên giày để đo mức độ ập vào của bàn chân khi tiếp đất và phản lực. Tôi bắt đầu thực hiện các bài tập nặng, có cấu trúc theo kiểu mà tôi chưa từng tự tập một mình, và tôi được kiểm tra mức độ tiêu thụ oxy của máu tại phòng thí nghiệm của Nike ở Portland. Tôi uống nước ép củ cải đường mỗi buổi sáng vì các nghiên cứu cho thấy rằng thức ăn giàu nitrate có thể giúp cải thiện sức bền của hệ tim mạch. Tôi bắt đầu ghi lại tất cả các bài tập một cách công khai trên Strava. Tháng 10 năm đó, tôi vượt qua vạch đích ở Chicago với thời gian 2 giờ 38 phút, thành tích tốt nhất mà tôi từng đạt được.

Nicholas Thompson đang chạy trên máy để đo VO2max tại trụ sở của Nike ở Portland, Oregon

Rất ít người từ bỏ chạy bộ sau khi đạt một kỉ lục cá nhân. Bạn thường muốn chạy được nhanh hơn, cho đến khi nhận ra mình không thể làm được nữa. Và vì vậy, sau Chicago, tôi bắt đầu một sứ mệnh đi tìm hiểu xem trong các giới hạn của chúng ta, bao nhiêu phần là thể chất và bao nhiêu phần là tinh thần, và bao nhiêu phần là đâu đó ở giữa hai thứ đó. Tôi đã tiến bộ được ở một độ tuổi mà con người được cho là sẽ ngừng tiến bộ. Giờ đây, tôi cứ nghĩ mãi về những giải đua trong suốt những năm mà mình không tiến bộ. Tại sao tôi chỉ chạy được duy nhất một giải marathon với thời gian dưới 2 giờ 40 phút? Và nếu đó không phải là giới hạn của tôi thì ngưỡng 2 giờ 30 liệu có khả thi? Có thể cậu nhóc Nick 7 tuổi đã đúng. Có thể Cha đáng ra vẫn tăng tốc được ở đoạn cuối.

Và cứ thế, với tinh thần thử nghiệm, tôi quyết định thử xem mình có thể chạy được hai cuộc marathon tốc độ cao liền nhau hay không. Một trong những bí ẩn vĩ đại nhất của chạy bộ là ngưỡng nỗ lực khiến bạn gục ngã. Trong một giới hạn nào đó, thì chạy gắng sức hơn sẽ khiến bạn trở nên mạnh hơn, giống như bơm hơi vào một lốp xe sẽ khiến nó trở nên chắc chắn hơn vậy. Nhưng vẫn có một giới hạn, và khi bạn vượt qua ngưỡng đó, lốp xe sẽ nổ. Cơ bắp bạn cạn kiệt và tinh thần bạn nao núng. Các cuộc marathon khiến tôi cảm thấy mình như con búp bê vải. Phải mất nhiều tháng để tôi sẵn sàng chạy gắng sức trở lại. Nhưng biết đâu đấy, tôi nghĩ, năm nay có thể sẽ khác. Có thể vẫn còn hơi trong chiếc lốp xe đủ để chạy giải New York City Marathon chỉ ba tuần sau giải Chicago.

Hai đứa con trai lớn đã tới cổ vũ tôi ở giải Chicago, nhưng cậu út, khi đó mới 4 tuổi thì ở lại New York. Tôi có cảm giác mình sẽ chẳng bao giờ chạy nhanh được như thế này nữa, và tôi muốn nó cũng được thấy tôi chạy tốt. Cha mẹ chẳng bao giờ biết chắc được điều gì sẽ truyền cảm hứng hay để lại vết sẹo ám ảnh suốt đời lũ trẻ, và rất ít người có khả năng nhìn thấu được sự trống rỗng và giả dối của chính mình giỏi hơn con họ. Thế nhưng, ít nhất thì con tôi vẫn sẽ cảm nhận được điều mà tôi đang làm khi tôi xỏ chân vào giày chạy.

Nicholas Thompson về đích ở giải Chicago Marathon năm 2018

Vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 11, tôi lọ mọ đi đến giải chạy phiền phức nhất trong các giải marathon major: đi tàu điện ngầm, rồi qua phà và đi xe buýt mới tới được chỗ xếp hàng kiểm tra an ninh (các giải major: 6 giải marathon lớn nhất thế giới bao gồm Boston, New York, Chicago, London, Berlin và Tokyo – ND). Ở khu vực xuất phát chật ních, tôi đứng đó và ép dẻo cổ chân và phần cổ – là các bộ phận cơ thể duy nhất mà bạn có thể thả lỏng được trong tình trạng chen chúc. Tiếng súng lệnh nổ vang và mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Sau khi chạy được 8 dặm, ngay trước cửa Trung tâm Barclays, tôi chạy dạt sang phải để lấy đám gel Gu từ tay hai nhóc nhà tôi. Tôi cảm thấy có thể kiểm soát được và bình tĩnh đến bất ngờ khi chạy xuyên qua Williamsburg rồi dọc theo cây cầu Queensboro ở dặm thứ 16. Ở mốc 22 dặm chỗ công viên Marcus Garvey ở Harlem, tôi cảm thấy thật tuyệt. Tôi chạy 4 dặm cuối cùng với tốc độ nhanh nhất trên cả đường đua. Lần thứ hai trong cùng một tháng, tôi vượt qua vạch đích với thời gian 2 giờ 38 phút.

Tôi đã vượt qua một rào cản nào đó về tâm lý, và rất có thể là cả rào cản về thể chất nữa. Tôi còn được trợ giúp bởi công nghệ. Tôi đã chạy bằng đôi giày Vaporfly mới của Nike gần như ngay khi chúng vừa xuất hiện: đầu tiên là trong cuộc chạy với thành tích 2:43 ở New York, và rồi trong cả hai lần chạy được thời gian 2:38. Nhưng phần hỗ trợ công nghệ lớn nhất hẳn thiết bị đo nhịp tim trên cánh tay tôi. (Tôi đã dùng thử vài loại thiết bị đo nhịp tim cổ tay, nhưng chúng luôn cho các kết quả lộn xộn; còn thiết bị đo nhịp tim đeo trên ngực thì có cảm giác cứ như đeo thêm một chiếc thắt lưng.) Màn hình đồng hồ Garmin của tôi hiển thị hai thông số: nhịp tim và tốc độ của tôi. Tôi ghi lại dữ liệu về tất cả các bài tập nặng và nhận tin nhắn phản hồi từ các huấn luyện viên mới, họ sẽ săm soi các con số mà tôi tải lên và theo dõi báo cáo bài tập mà tôi ghi vào một file Google doc. Tiết kiệm năng lượng là cốt yếu nhất của chạy marathon. Điều quan trọng là phải bình tĩnh, và trong cả hai cuộc marathon vừa chạy tôi đều tuân theo một quy tắc rất cụ thể: Trong 20 dặm đầu tiên, nếu tôi chạy nhanh hơn mức 6 phút một dặm (khoảng 3:43/km), hay nếu nhịp tim của tôi vượt qua ngưỡng 145, thì tôi phải chạy chậm bớt. Sau dặm thứ 20, tôi có thể chạy gắng sức đến đâu tuỳ thích. Và trong 4 dặm cuối cùng ở giải New York, chính dữ liệu đã cho tôi sự tự tin để đẩy tốc độ lên xấp xỉ 5:45 mỗi dặm (khoảng 3:34/km).

Lúc này tôi đang mệt rã rời. Tất cả các cơ bắp đều đau nhức, cơ thể tôi như một tháp Jenga đã bị rút một nửa số que gỗ (trò chơi xây tháp lên cao hơn bằng cách rút các que gỗ ở phần dưới tháp – ND). Tôi nghỉ ngơi trong hai tháng rồi viết thư cho Stephen Finley, người đứng đầu Brooklyn Track Club. Anh ta đã huấn luyện cho tôi suốt cả mùa hè như một phần của dự án không tưởng của Nike và chúng tôi đã trở thành bạn. Tôi vẫn muốn chạy được nhanh hơn nữa. Anh có sẵn sàng giúp không? Dĩ nhiên, anh ta trả lời.

Điều đầu tiên Finley bảo tôi là phải duy trì chu trình tập luyện lâu nay và tăng cường độ lên một chút. Khi tôi ở New York, tôi thức dậy vào cùng một thời gian, ăn cùng một kiểu bữa sáng (cháo yến mạch và các loại hạt), và chạy 4 dặm tới văn phòng. Cuối ngày, tôi chạy bộ về nhà.

Finley tạo ra một chương trình tập luyện cho tôi trên Google doc, và tôi bắt đầu tập nghiêm túc theo chương trình đó khi mùa đông New York bắt đầu lui gót. Trước giải Chicago, tôi chạy trung bình khoảng từ 55 đến 60 dặm một tuần (khoảng 88 đến 96km), bằng cỡ một nửa tổng cự li mà các vận động viên marathon chuyên nghiệp vẫn chạy. Tới tháng 2 năm 2019, tôi nâng tổng cự li lên từ 65 đến 70 dặm (khoảng 104 đến 112km). Tôi tập các bài tốc độ hai lần mỗi tuần. Các bài này bao gồm kiểu chạy ngắn và nhanh (tám lần lặp 1000 mét gắng sức và các quãng nghỉ xen giữa) hoặc kiểu bài chạy dài và chậm hơn (ba lần lặp một đường chạy vòng tròn 2 dặm và các quãng nghỉ xen giữa). Thỉnh thoảng tôi lại chạy chân trần để giúp bàn chân trở nên khoẻ hơn và để nhắc nhở bản thân về dáng chạy. Thỉnh thoảng cũng có các sự gián đoạn. Khi đi công tác ở Abu Dhabi, tôi bị cát và gió cản trở. Khi trở về, tôi cố gắng chạy dài trong công viên Prospect vào buổi đêm để rồi đâu đó bên mặt phía xa của công viên, tôi phải dừng lại bên một đài phun nước và suýt thì ngủ gật trên nền đất ngay cạnh một con gấu trúc bắc Mỹ. Một ngày khác, tôi xỏ đôi Vaporfly đi tới đường track gần nhà ngay khi một cơn bão tuyết bắt đầu nổi lên. Các đôi giày Vaporfly thế hệ đầu có rất nhiều điểm ưu việt, nhưng chúng có độ bám đường của một cái thìa bọc bằng vỏ chuối. Các dấu vết tôi để lại trên tuyết hôm đó là như thế này: chân trái, chân phải, chân trái, vết mông, vết cánh tay, chân trái, chân phải, rồi lại mông.

Trong chu kỳ tập luyện trước, cứ khi nào chạy một dặm dưới 5 phút 35 giây là tôi lại hết hơi. Thế rồi một hôm, khi tôi đang lao đi dọc theo con đường trong công viên Prospect, núp gió sau một anh chàng đạp một chiếc xe chở hàng. “Này anh, anh đang chạy tốc độ bao nhiêu đấy?” anh ta hỏi. Tôi nhìn xuống đồng hồ và tự mình cũng thấy ngỡ ngàng khi trả lời anh ta rằng mình đang chạy tốc độ 5:25/dặm (khoảng 3:21/km). Anh ta giơ ngón tay cái lên với tôi và cho tôi được tiếp tục núp gió phía sau.

Thử thách thực sự đến vào tháng Tư, trong giải Boston Marathon, một đường đua nhiều dốc, khó chạy được nhanh. Tôi đưa ra các mục tiêu một cách thận trọng. Tuy nhiên, biết đâu đấy, có thể tôi sẽ vượt được mốc 2:35. Nhưng một vận động viên marathon khôn ngoan thường có mục tiêu riêng giấu kín và mục tiêu công khai. Tôi nói với mọi người rằng mình đang định phá ngưỡng 2:37:12, tức là chạy cả cự li marathon với tốc độ chính xác 6 phút/dặm, tốc độ mà huấn luyện viên việt dã ở trường cấp ba của tôi từng một lần nói rằng đó là ngưỡng thời gian để được coi là người chạy bộ thứ thiệt.

Súng lệnh nổ và mọi thứ diễn ra trôi chảy. Tôi vượt qua các dặm xuống dốc ở đầu đường đua theo đúng hoàn toàn theo mục tiêu. Tôi không gặp phải vấn đề gì ngoài cảm giác hoang tưởng như mọi vận động viên marathon bình thường khác: Ở một thời điểm, tôi bị ám ảnh với ý nghĩ rằng chiếc giày bên phải bị buộc dây quá chặt. Các đoạn đèo dốc trôi qua sớm hơn tôi tưởng. Khi đường chạy rẽ về bên phải gần nhà thờ mà tôi hay đến hồi còn nhỏ, và sau khi vượt qua hàng cây gỗ hoàng dương cạnh nhà cũ của tôi khoảng 2 dặm, tôi nghe tiếng mẹ tôi hò reo cổ vũ. Không lâu sau đó, tôi lao xuống dốc về phía quảng trường Kenmore. Tôi chạy dặm thứ 22 với thời gian 5:27 và hoàn thành cuộc đua với kỉ lục cá nhân mới là 2 giờ 34 phút. Sau đó, Hội đồng các giải marathon lớn thế giới của Abbott (Abbott World Marathon Majors) gửi cho tôi e-mail với nội dung rất phấn khởi: Thành tích thời gian ở Boston và Chicago đã giúp tôi đạt thứ hạng 29 thế giới trong số các vận động viên marathon trên 40 tuổi.

Sau khi hoàn thành giải Boston, tôi chợt nghĩ về cha. Ông hẳn phải thấy tự hào lắm. Ông luôn có niềm tin rằng tôi có thể làm được bất cứ điều gì, ngay cả khi chẳng có gì để đảm bảo. Hồi học cấp ba, tôi là một diễn viên rất xoàng nhưng lại rất ham mê; tôi muốn được nhận vai diễn Rosencrantz trong vở diễn Hamlet ở trường nhưng rồi phải thất vọng vì không được chọn. Cha tôi nói rằng nếu đạo diễn có chút cảm nhận nghệ thuật nào thì hẳn ông ta đã phải trao cho tôi vai chính. Niềm tin của ông chẳng bao giờ mai một. Ngay trước khi qua đời, ông gửi cho tôi một bức e-mail dài. “Con hãy đọc lại Khúc ca thứ 24 của Iliad, chỗ mà các vị thần ném tro lên những người này và vàng lên một số người khác,” ông viết. Có thể cách ông hiểu những vần thơ ấy hơi khác thường nhưng tôi đã hiểu rõ điều ông muốn nói: Tôi có một người vợ và một gia đình tuyệt vời, và mọi việc với tôi đang ổn thoả. “Định mệnh đấy, và tất cả những gì con có là vàng,” ông viết. Những lời ngợi ca của ông có thể là một nỗ lực để đảo ngược lại cách mà ông bị cha mình đối xử. Nhưng dù sao đi nữa, một đứa con còn mong đợi gì hơn ngoài việc cha mẹ trao cho mình trọn niềm tin?

(còn tiếp)

Link tới kỳ 1

Link tới kỳ 3

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

  • […] Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nichola… Chạy Bộ Ảnh Hướng Tới Cơ Thể Như Thế Nào? Thử Thách Để Thay Đổi – Bài Phỏng Vấn Quý Nguyễn, Người Chạy Bộ Từ Thiện 5 loại chấn thương bàn chân thường gặp khi chạy bộ Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nicholas Thompson, Tổng Biên Tập Tạp Chí WIRED (Kỳ 1) Những Người Chạy Marathon Sub3 (Phần 2) Huyền thoại Sir Roger Bannister chạy 4 phút/dặm: Kẻ chinh phục “Everest điền kinh” Tóm Tắt Công Thức Chạy Bộ Của Jack Daniels (Phần cuối) Những Người Chạy Marathon Sub3 (Phần 1) Chạy marathon trong 2 giờ 27 phút ở tuổi 59 […]

  • […] hoạt động trở lại từ ngày 15/5 Chạy Bộ Cuối Tuần Cùng Chay365 Vượt Qua Quá Khứ Để Phá Kỉ Lục Cá Nhân Ở Tuổi 44 – Câu Chuyện Của Nichola… Chạy Bộ Ảnh Hướng Tới Cơ Thể Như Thế Nào? Thử Thách Để Thay […]

  • >
    0 Shares