Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô cùng toàn thể các bạn sinh viên. Tôi xin chân thành cảm ơn BTC chương trình “Cùng bước vì tương lai” do ActionAid Vietnam, Quỹ AFV và trường Đại học Tôn Đức thắng tổ chức, đã trao giải “Người truyền cảm hứng” và cho tôi có vinh dự được chia sẻ những trải nghiệm của mình.
Cách đây 10 năm khi bước vào tứ tuần tôi được chẩn đoán thừa cân, 80 kg, mỡ máu, đường trong máu cao, chỉ số nào có thể cao đều cao hết. Những chỉ số mà người đàn ông khó nói lại thấp đáng ngại. Bác sĩ bảo tôi nếu không giảm cân thì chỉ vài năm sau là… đứt.
Ngày đầu tiên ở công viên Gia Định, tôi chạy 200m thôi mà thở không ra hơi. Tôi quyết tâm tập luyện: 3 tháng chạy được liên tục 1 km, 6 tháng mới chạy được 5km, một năm sau mới chạy được 10 km. Cứ thế cho đến năm 2014, tôi tham gia chạy cự ly half marathon đầu tiên ở Đà Nẵng Marathon. Năm 2015, cuộc chạy marathon đầu tiên cũng ở Đà Nẵng. Năm 2016, 2017 IRONMAN 70.3 (bơi 1,9km, đạp xe 90km, chạy 21,1km). Sau đó là hàng chục giải marathon lớn nhỏ…
Tác giả phát biểu nhận giải “Người truyền cảm hứng” tại Đại học Tôn Đức Thắng
Trước đây tôi sống theo quan điểm như một ngạn ngữ của Pháp:
“Aide-toi, le ciel t’aidera” (“Hãy tự giúp mình rồi trời mới giúp bạn”),
nghĩa là phấn đấu vì bản thân mình trước, giống cách mà cô Phụng (TS, giảng viên khoa KHNV- ĐH Tôn Đức Thắng) nói, ít quan tâm đến hoạt động cộng đồng. Nhưng khi có sức khỏe về thể chất, tinh thần phấn chấn và nói như thầy Lê Anh Tuấn (PGS-TS, giảng viên cao cấp, chuyên gia về môi trường- ĐH Cần Thơ) là đã “rethinking”, hay “change mindsets”. Khi anh hạnh phúc, thân thể khỏe mạnh thì anh cảm thấy yêu đời, yêu người và muốn mọi người xung quanh cũng khỏe mạnh như mình.
Tôi đã thay đổi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Là một trong những người sáng lập
CLB SRC (Sunday Running Club) với hơn 13 ngàn thành viên chạy bộ. Tham gia ban cố vấn phong trào UpRace với sứ mệnh là 1 triệu người chạy bộ thường xuyên, đưa Việt Nam khỏi danh sách những nước lười vận động, tham gia ban biên tập Chay365, cộng đồng chia sẻ kiến thức về chạy bộ.
Trong quá trình đó, tôi nhận thấy rất nhiều thanh niên lười vận động. Ngồi máy vi tính, lướt web, sức khỏe kém. Vấn đề năng suất làm việc có liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các bạn sinh viên thân mến,
Các bạn sẽ là lực lượng lao động chính trong cuộc CMCN 4.0, nhưng đứng trước bất trắc của thời cuộc, dịch bệnh COVID-19, sự thiếu chắc chắn của tương lai thì ngoài kiến thức chuyên môn cần trang bị sức bền về thể chất và tinh thần,
“Mens sana in corpore sanno.” (“Một tinh thần lành mạnh chỉ có trong một cơ thể tráng kiện.”)
Sử triết gia Do Thái Yuval Harari, tác giả của những best-seller Sapiens, Homo Deus, 21 lessons for the 21st century cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là đầu tư vào trí tuệ cảm xúc và cân bằng tinh thần, bởi vì những thử thách khó khăn nhất sẽ là tâm lý.”
Ngoài ra để phát triển chúng ta cũng không thể tự sống một mình. Aristotle, triết gia cổ Hy Lạp cách đây 24 thế kỷ đã nói:
“Man is by nature a social animal” (“con người về bản chất là một động vật xã hội”) .
Là một động vật xã hội chúng ta cần sự hợp tác với mọi người để phát triển và tồn tại và theo triết gia Martin Heidegger thì “being is being in the world” (“tồn tại là tồn tại trong thế giới”), chúng ta không thể tách khỏi thế giới mà phát triển được. Thế giới có những nguy cơ lớn như chiến tranh và dịch bệnh. Ngoài ra còn nguy cơ, hiểm họa lớn ảnh hưởng đến tồn vong của loài người là biến đổi khí hậu.
Vì vậy chúng ta cần chung tay biến ngôi nhà chung trái đất chúng ta thành nơi tốt đẹp để phát triển và mang lại hạnh phúc.
Tóm lại, chúng ta cần phát triển để hiện thực hóa sứ mệnh làm người của bản thân như A. Maslow mô tả và trong quá trình đó cần có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng của mình. Hài hòa lợi ích của bản thân và cộng đồng. Đó là thông điệp mà tôi muốn chia sẻ.
(Nhìn đồng hồ)
Cám ơn các bạn đã lắng nghe trong 7 phút 51 giây!
—————————————————————-
Chương trình “CÙNG BƯỚC VÌ TƯƠNG LAI”
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do những tác động không lường trước được của biến đổi khí hậu. Mỗi năm, những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường của thời tiết và khí hậu đã làm gia tăng tỷ lệ thương vong và thiệt hại, tác động xấu đến sinh kế, sức khỏe và cơ hội phát triển của mọi người, đặc biệt là nhóm thiệt thòi, phụ nữ và trẻ em. Những gì đang diễn ra tại miền Trung Việt Nam là minh chứng rõ rệt nhất cho sức tàn phá ghê gớm của sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý và biến đổi khí hậu.
Giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu là trách nhiệm của cả cộng đồng, và của mỗi chúng ta – những người sẽ đóng góp bằng hành động hàng ngày của mình.
Cùng bước vì Tương lai là chương trình được sự ủng hộ của Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Đại học Tôn Đức Thắng cùng các đối tác, là một phần của chương trình toàn cầu “Walk for Survival: Global March for Change” do Liên đoàn ActionAid Quốc tế khởi xướng trên 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chương trình bắt đầu từ ngày 04/11/2020 kết thúc ngày 5/12/2020. Bằng việc tham gia chương trình, bạn và người thân (gia đình, bạn bè, người quen) đã chủ động góp phần nhỏ của mình vào một nỗ lực toàn cầu giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu lên tất cả chúng ta. Lan tỏa trách nhiệm cộng đồng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hướng tới một thế giới công bằng, tốt đẹp hơn.