INEOS 1:59 – CUỘC ĐỔ BỘ LÊN MẶT TRĂNG CỦA KIPCHOGE: NHÂN VẬT, PHƯƠNG PHÁP VÀ NHỮNG ĐIỀU GÂY TRANH CÃI
Dịch từ bài viết của Tom Reynolds trên trang BBC Sports: https://www.bbc.co.uk/sport/athletics/50460861
PHẦN 1
Một tuần trước ngày quyết định ấy, giữa buổi đêm, khi Eliud Kipchoge còn đang say ngelủ trong trại tập huấn của mình trên các ngọn đồi cao Kenya.
Vận động viên chạy bộ tài giỏi nhất mọi thời đại chẳng bao lâu nữa sẽ lần thứ hai thử sức ghi danh vào lịch sử – trở thành người đầu tiên chạy marathon với thời gian dưới hai tiếng đồng hồ. Tất cả mọi sự chuẩn bị của anh đều diễn ra đúng theo kế hoạch.
Nhưng cách đó 3500 dặm, ở nước Áo, nhà khoa học người Mỹ Robby Ketchell giật mình tỉnh giấc bởi một cơn ác mộng vào lúc 3 giờ sáng. Quá bồn chồn, ông đành nhảy khỏi giường và vội vã chạy xuyên qua thành phố Vienne, đến nơi cách chỗ ông đang ở 3 km.
Ketchell cuống quít kiểm tra xem có chắc là không ai xâm phạm vào một chỗ bùng binh nhỏ, là nơi ông ăn nằm suốt hai tuần qua. Trong suốt 4 giờ đồng hồ sau đó, cho đến tận khi mặt trời mọc, ông bắt một người phải đứng đó canh gác cái chỗ gồ lên ấy trên mặt đường – một mảnh then chốt trong bức tranh ghép phức tạp có tên Thử thách 1:59 của Kipchoge.
Tại sao vậy? Là một nhà khoa học về dữ liệu, Ketchell đã giúp Team Ineos (tiền thân là Team Sky) ba lần giành chức vô địch giải Tours de France. Ông là người chịu ảnh hưởng sâu của trường phái lợi thế một phần trăm trong thể thao – cái gọi là lợi thế cận biên.
Chỗ bùng binh nọ là những “ba phần trăm”. Vì ở giữa bùng binh có một toà nhà có bề dày lịch sử, nên bùng binh đó được thiết kế với độ dốc -2% (dốc 2% ra ngoài). Điều này giúp nước mưa thoát nhanh khỏi điểm danh thắng nọ, nhưng lại vô cùng tệ hại cho một người chạy marathon đang cố ôm cua với tốc độ 13 dặm/giờ (~20,9 km/h).
Giải pháp của Ketchell là đào hết cả đoạn bùng binh đó lên và làm lại mặt đường, đổi chiều dốc ra ngoài thành dốc vào trong với độ nghiêng +1%. Bản thiết kế đó của ông khiến cánh thợ làm đường địa phương mất 2 tuần để hoàn thành – “Bọn họ nghĩ tôi bị thần kinh” – trước khi đoạn đường lại bị đào lên để làm lại như cũ 12 ngày sau đó.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chạy bộ là một trong những môn thể thao thuần khiết và đơn giản nhất hành tinh. Nhưng cuộc chạy marathon dưới hai giờ của Kipchoge lại hoàn toàn ngược lại.
Đối với Sir Dave Brailsford, câu chuyện bắt đầu từ tuần đầu của giải xe đạp Giro d’Italia hồi tháng Năm [Giro d’Italia là một trong 3 giải đua xe đạp Grand Tour nhiều chặng chuyên nghiệp ở châu Âu, cùng với Tours de France và Vuelta a España – ND].
Ban ngày, ông trùm đội đạp xe Team Ineos phải chịu trách nhiệm đảm bảo sao cho giải Grand Tour đầu tiên của đội kể từ khi chuyển từ nhà tài trợ Sky (sang Ineos) diễn ra suôn sẻ. Buổi tối, ông nghiên cứu, tìm tòi đến quá nửa đêm, cố gắng học hỏi về chạy marathon nhiều hết sức có thể.
“Tôi đã cố gắng lặn ngụp, tìm tòi thật sâu,” ông nói. “Nghe có vẻ giống hội mọt sách, nhưng tôi đã đọc rất nhiều về cách thức tự học và học hỏi nhanh.”
Một tháng trước đó, Brailsford nhận được câu hỏi từ sếp mới của ông, giám đốc điều hành Ineos và là người giàu nhất nước Anh, Jim Ratcliffe, rằng liệu ông có thể đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành sự kiện của Kipchoge hay không.
Nhận một dự án khổng lồ như vậy (có khoảng từ 300-400 người tham gia) ngay giữa mùa hè bận rộn với các giải xe đạp chuyên nghiệp đã là quá sức với bất kì ai. Thế nhưng, Brailsford còn có một vấn đề khác phải đối mặt, một vấn đề riêng tư hơn rất nhiều.
“Tôi phát hiện ra mình bị ung thư hồi tháng Ba, tôi đã hoàn toàn bị bất ngờ” ông nói. “Khi Jim đưa ra lời đề nghị, nó như một cuộc lặn dài, cần lấy hơi thật sâu vì sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Điểm hấp dẫn của lời đề nghị này là thông thường, tôi chỉ làm các công việc liên quan đến giành chiến thắng các giải đua hay giành huy chương Olympics. Sự kiện lần này có cảm giác như một cơ hội độc nhất vô nhị. Trước hết, đây là một môn thể thao hoàn toàn khác, riêng điểm đó đã là rất lôi cuốn, và đây còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử, chứ không chỉ đơn thuần là chiến thắng một giải đua.”
Và cứ như thế, với sự trợ giúp của một cuốn nhật kí dạng sách-tự-lực mà ông tự viết, Brailsford đã nhận làm công việc đó, một điều mà giờ đây bản thân ông cũng thừa nhận là phi lí.
“Tôi đã làm việc cực kì miệt mài với dự án này từ tháng Tư trở đi. Xuyên qua tháng Sáu, qua cả giải Tours de France,” ông nói. “Giờ đây nhìn lại, tôi thấy mình thật kì cục. Tôi thực sự nghĩ vậy đấy. Tôi cư xử rất kì dị – và nghĩ lại tôi thấy vô cùng xấu hổ. Tôi còn kiếm hẳn một quyển sổ để ghi chép lại trải nghiệm của mình [với căn bệnh ung thư].”
=========
Còn ở Kenya, Kipchoge cũng bắt đầu một cuốn sổ nhật kí của riêng mình – một cuốn sổ ghi chép quá trình tập luyện cho thử thách lớn nhất đời anh. Trong đó hoàn toàn không có gì mới mẻ.
Các phương pháp của vận động viên 34 tuổi này nổi tiếng là đơn giản và khiêm tốn. Bất chấp thân phận của một triệu phú đô la, mỗi năm, anh sống gần 300 ngày xa vợ con và tập luyện tại một trung tâm huấn luyện ở Kaptagat, một ngôi làng nhỏ trên vùng cao nguyên Kenya.
Được các bạn tập cùng gọi là “ông trùm”, nhưng chuyện đó không khiến anh bê trễ việc cọ rửa nhà vệ sinh hay thực hiện phần việc vặt của mình hàng ngày. Anh sống với câu châm ngôn: “Sống đơn giản là sống tự do.”
Trao đổi với tôi hồi tháng Tư, Kipchoge bảo: “Chạy bộ, ăn, ngủ và đi bộ loanh quanh – cuộc sống chỉ có vậy. Không được làm mọi thứ phức tạp lên. Khi bạn làm cho mọi thứ trở nên phức tạp, bạn sẽ ngay lập tức bị phân tán tư tưởng.”
Đối với đội ngũ Thử thách 1:59, câu hỏi lớn nhất là: Vận động viên nào có thể tạo nên một khoảnh khắc Roger Bannister của thời hiện đại.
Câu trả lời đã quá rõ. Chỉ một người duy nhất: Eliud Kipchoge. GOAT – Greatest Of All Time, vận động viên vĩ đại nhất mọi thời đại của bộ môn marathon là câu trả lời không cần bàn cãi. Người giữ kỉ lục thế giới, nhà vô địch Olympic và từng chiến thắng 11 trong 12 giải marathon mà anh từng tham dự. Và một điều quan trọng hơn, anh từng trải nghiệm áp lực cá nhân kinh người đến từ cuộc chạy marathon được tổ chức đặc biệt dành riêng cho mục đích đạt tới ngưỡng mà chưa ai từng đặt chân đến.
Hồi tháng 5 năm 2017, cuộc chạy Breaking2 do Nike tổ chức đã chứng kiến Kipchoge lần đầu thử sức với ngưỡng hai giờ. Hồi đó, để chạy được dưới hai tiếng, anh phải bớt được 3 phút so với kỉ lục cá nhân. Chẳng khác nào một cú nhảy từ tận tầng bình lưu. Hôm đó, anh chạy với thành tích 2:00:25.
Kipchoge cũng thích câu nói “Con người không có giới hạn.” Nhưng, giờ đây anh thừa nhận trong quá trình chuẩn bị cho cuộc chạy Breaking2 – tổ chức tại đường đua F1 lịch sử tại Monza, Italy – anh đã phải vận lộn với việc thực hành những gì mình đã tuyên bố. “Eliud đã rèn luyện về mặt thể chất, nhưng cậu ấy cũng đã mất hẳn bảy tháng trời để tự thuyết phục chính trí não của mình tin rằng chuyện đó là khả thi,” người quản lý lâu năm của Kipchoge cho hay. “Quãng thời gian trước sự kiện ở Vienna, cậu ấy chẳng cần làm như vậy nữa. Sự thay đổi về tinh thần là thắng lợi lớn nhất so với hai năm trước.”
Kipchoge đồng tình: “Monza đã mở ra rất nhiều cánh cửa. Nó cho tôi sự tự tin để phá kỉ lục thế giới.”
Câu hỏi thực sự dành cho Brailsford, Ketchell và rất nhiều người khác là: Làm thế nào họ có thể giúp Kipchoge được?
Trước tiên, họ phải đi tìm một địa điểm hoàn hảo.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Ở bảng nam, cuộc đua hứa hẹn còn kịch tính hơn. Kenenisa Bekele sẽ lại tham gia. Lần thứ hai ở mùa thu năm nay, nhưng lần đầu tiên anh góp mặt ở một đường chạy nhiều dốc. Đọ sức với anh sẽ là Abdi Nageeye, huy chương Bạc Olympic – người từng là bạn tập của Eliud Kipchoge và tham gia dẫn tốc trong sự kiện INEOS 1:59. […]
[…] “Phá mốc marathon 2 giờ là một điều có ý nghĩa rất lớn […]