Khi chạy bộ ngày càng phổ biến trong cộng đồng, tỉ lệ người chạy bộ có đôi chút vấn đề về sức khoẻ không phải hiếm. Yêu cầu họ dừng chạy bộ, “có kiêng có lành” thì quá đơn giản với người thày thuốc. Nhưng có lẽ không ai thấu cảm và chia sẻ đam mê chạy bộ nhiều hơn chính những người chạy bộ. Xuất phát từ góc nhìn đó, Chay365, với thế mạnh kiến thức y khoa, sẽ tập trung nhiều hơn về lĩnh vực sức khoẻ và y tế, với hy vọng giúp cộng đồng có thêm hiểu biết để an tâm theo đuổi bộ môn chạy bộ đường dài đầy lôi cuốn.
Hôm nay, Chay365 xin trân trọng giới thiệu cùng cộng đồng chạy bộ đường dài bài tổng hợp của tiến sỹ Phạm Bảo Tùng, giảng viên Bộ môn Bào chế trường Đại học Dược Hà Nội. Tiến sỹ Tùng cũng là một chân chạy đầy đam mê và tâm huyết với phong trào, đã tham gia nhiều giải chạy trong và ngoài nước.
Xin trân trọng cám ơn.
=================
Đến với chạy bộ, có lẽ điều đầu tiên ai cũng muốn đó là có được một cơ thể khỏe mạnh. Có người đang yếu muốn khỏe hơn, có người đang khỏe rồi lại muốn khỏe hơn nữa… Ở Việt Nam, đa số người tham gia chạy dài là những người tầm 30-50 tuổi, ở tuổi này bắt đầu đã thấy thấm tầm quan trọng của sức khỏe và việc tập luyện hàng ngày. Thế nhưng cũng chính ở tuổi này bắt đầu chúng ta thấy những điều bất thường ở cơ thể, đặc biệt là bắt đầu đối mặt với những bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, dị ứng…
Nhiều bạn đặt câu hỏi là khi mình mắc phải những bệnh như vậy, liệu mình có đủ sức để tiếp tục chạy bộ hay không. Câu trả lời là có, nếu bạn có kiến thức về bệnh đó. Một đặc điểm chung của các bệnh mãn tính là ngoài việc bạn phải sống với nó cả đời, bạn sẽ phải làm quen với một số loại thuốc đặc trị.
Những loại thuốc này, không nhiều thì ít sẽ ảnh hưởng một phần đến việc tập luyện (chạy bộ). Vì thế nếu bạn vẫn muốn tiếp tục tập luyện (tại sao không chứ) thì bài viết này mong muốn cung cấp một lượng nhỏ thông tin về những lưu ý khi sử dụng thuốc đối với những người tham gia chạy bộ. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến các loại thuốc này là những thuốc dùng để điều trị các bệnh hay gặp, chứ không phải là các thuốc điều trị các chấn thương trong chạy bộ, với những thuốc đó xin hẹn ở bài sau.
Mục lục
Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến, đặc biệt là ở người già, nhưng gần đây phát hiện cả ở những người trẻ tuổi, và kể cả ở những vận động viên. Điều quan trọng nhất với những người bị tăng huyết áp là biết mình bị bệnh và sử dụng các dạng thuốc phù hợp. Bệnh tăng huyết áp cũng là một trong những loại bệnh có tương đối nhiều nhóm thuốc chữa khác nhau, và mỗi nhóm thuốc có những đặc trưng riêng, vì thế cần lưu ý khi lựa chọn nhóm thuốc phù hợp với những vận động viên, người tham gia chạy bộ.
Đây là hai trong số những nhóm thuốc có thể có những ảnh hưởng nhất định, nên nhớ rằng việc lựa chọn nhóm thuốc nào phù hợp chắc chắn phải do bác sỹ điều trị quyết định, không phải mình cứ đổi tay ngang là được.
Cùng với tăng huyết áp, các bệnh về mỡ máu cũng tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Một bộ phận những người đến với chạy bộ cũng là những người thừa cân nên có thể đang dùng những thuốc này. Các thuốc giảm mỡ máu (giảm cholesterol máu) thường là các thuốc thuộc nhóm statins (simvastatin, atorvastatin…) là những thuốc có hại đến gan. Nhiều bệnh nhân thường có dấu hiệu bị đau cơ trong quá trình điều trị nhóm thuốc này. Những biểu hiện đau cơ có thể dẫn đển một hội chứng tương đối nguy hiểm là hội chứng tiêu cơ vân cấp (rhabdomyolysis). Nguy cơ bị hội chứng này sẽ tăng khi cơ thể bị mất nước hoặc khi tập gắng sức, vì thế cần chú ý bổ sung nước đầy đủ và khởi động kỹ trước mỗi bài tập. Trong khi tập hãy lắng nghe cơ thể của mình và biết dừng lại đúng lúc. Nếu được nên dừng sử dụng thuốc vài ngày trước khi tham dự một giải marathon.
Một số thuốc tim mạch khác như aspirin, clopidrogel… hoặc các thuốc chống kết tụ tiểu cầu khác (thường dùng để phòng xơ vữa động mạch, đột quỵ…) thường làm giảm khả năng tạo sẹo liền vết thương, vì thế có thể ko ảnh hưởng đến thành tích nhưng sẽ nguy hiểm khi bị chấn thương gây chảy máu.
Các thuốc nhóm giảm đau hay được các runners sử dụng, cũng phải nói thêm là các thuốc nhóm giảm đau thường có 2 nhóm là giảm đau tại chỗ (các thuốc dạng gel, miếng dán, mỡ, kem) dùng để bôi trực tiếp lên chỗ đau, và nhóm giảm đau dùng toàn thân (các thuốc uống, tiêm). Thường các thuốc giảm đau dùng tại chỗ ít gây ra tác dụng phụ và không ảnh hưởng nhiều đến tập luyện. Tuy nhiên khi phải bắt buộc dùng các thuốc giảm đau đường uống, một số tác dụng phụ như loét dạ dày hoặc tăng phù nề sẽ ảnh hưởng đến quá trình tập luyện và thi đấu.
Về cơ bản nếu dùng trong một thời gian ngắn, các thuốc giảm đau sẽ giúp bạn vượt qua những chấn thương gặp phải. Nhưng nếu phải sử dụng trong một thời gian dài, cần chú ý đến hiện tượng giảm prostagladin (một protein giúp làm giảm sưng) dẫn đến có thể gây co mạch, tăng huyết áp, và giảm thải trừ chất độc của thận ở một số người.
Nếu được, có thể dùng paracetamol thay thế nhóm này, paracetamol tương đối lành và ít có tác dụng phụ (nếu dùng đúng liều).
Các thuốc nhóm kháng histamin (Decolgen, Tiffy, pseudoephedrine,) hay được dùng để điều trị các bệnh cảm cúm, nghẹt mũi, hay được quảng cáo nhiều trên tivi và được mua tương đối dễ dàng. Chắc nhiều người cũng biết đây là các thuốc này thường gây buồn ngủ (các bạn vẫn thấy quảng cáo ghi không sử dụng thuốc này khi vận hành máy móc tàu xe) có thể khiến con đường từ giường ra giày của bạn xa hơn ngày thường rất nhiều. Về cơ chế tác dụng các thuốc kháng histamin có tác dụng co mạch để làm giảm ngạt mũi, chảy mũi, nhưng cũng vì thế làm co mạch máu, bắt tim phải hoạt động mạnh hơn chút để đấy máu trong tuần hoàn. Điều này có thể gây ảnh hưởng ko tốt đến tim.
Mới đây ngày 19 tháng 5 năm 2019, một tai nạn thương tâm đã xảy ra ở giải Half Marathon Cleveland, Taylor Ceepo 22 tuổi đã đổ gục xuống đường đua khi chỉ còn 400m nữa là về đích, được sơ cứu gần như ngay lập tức nhưng Taylor sau đó đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Mặc dù sau đó cái chết của Taylor được xác định là một tai nạn khi cảnh sát không xác định được nguyên nhân, thì việc phát hiện có một lượng nhỏ pseudoephedrine trong máu của Taylor đã dấy lên nghi ngại về việc có những nguy cơ nhất định (nhất là Taylor cũng có tiền sử bệnh cơ tim).
Các thuốc điều trị hen xuyễn được dùng khá phổ biến, có thuốc này hay dùng đường hít, và thường được dùng trước khi tập luyện để dự phòng các cơn hen. Một điều đáng lưu ý là các thuốc này thường có ảnh hưởng tốt về ngắn hạn đến thành tích nên một số thuốc bị cấm sử dụng vì bị coi như một dạng doping.
Một lưu ý khi sử dụng các thuốc corticosteroid, các thuốc này thường được dùng để giảm viêm trong các trường hợp viêm cấp, tuy nhiên nếu phải sử dụng nhóm thuốc này trong các điều trị mãn tính như viêm khớp, các bệnh về máu, hệ miễn dịch thì nên biết rằng thuốc này có thể làm loãng xương do giảm lắng động và tái hấp thu calci ở xương, từ đó dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng trong chạy bộ.
Các thuốc điều trị trầm cảm, hay còn gọi là các thuốc nhóm hướng thần thường có cơ chế phức tạp và có những tác dụng rất khó dự đoán. Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng chứng minh thuốc nhóm này có ảnh hưởng như thế nào đến việc chạy bộ, nhưng khi Alberto Salazar (một người quen) dành chiến thắng ở giải Comrades Marathon ở Nam Phi năm 1994 khi có sự dụng Prozac (fluoxetin), thì nhiều thông tin đã rộ lên rằng đây là một cách ăn gian của Alberto Salazar.
Nói chung nếu bạn đã phải dùng đến thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, thì tốt nhất là nên nghỉ tập treo chân tạm thời cho đến khi điều trị xong. Các thuốc kháng sinh thường có liệu trình điều trị ngắn, 7-14 ngày, và nếu dùng đường uống có thể gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường tiêu hoá, gây tiêu chảy, cái này thì chắc không ai muốn khi chạy bộ rồi.
Một nhóm đặc biệt trong thuốc kháng sinh là các Fluoroquinolones (Ciprofloxacin, levofloxacin) có thể gây hại đến các nhóm gân, đặc biết là gây đứt gân Achilles, do có thể là ảnh hưởng đến sự kết nối của các bó collagen trong gân. Nếu bác sỹ vẫn kiên quyết bắt phải sử dụng thuốc thuộc nhóm này, nên tránh các bài tập nặng liên quan đến gân như các bài leo dốc, bài intervals…
Thêm một lý do nữa với nhóm thuốc này là các thuốc -floxacin này có thể gây ra rối loạn nhịp tim, đặc biệt là ở những người trẻ. Vì vậy nếu đang sử dụng thuốc này nên kiểm tra nhịp tim bằng máy điện tâm đồ trước khi chạy.
Tóm lại nếu bạn là người phải sử dụng thuốc trong thời gian dài (điều trị các bệnh mãn tính) tốt nhất nên thông báo với bác sỹ về việc mình có tham gia tập luyện, chạy bộ. Tuỳ vào trình trạng bệnh và loại thuốc sử dụng, bác sỹ sẽ có những khuyến cáo nhất định cho mình. Trong một vài trường hợp bác sỹ có thể cho bạn tạm ngừng việc dùng thuốc trong một thời gian, hoặc thay thế một thuốc khác ít ảnh hưởng hơn.
Mặc dù vậy, bất kể bạn đã được đổi thuốc khác, hoặc dùng một loại thuốc thông thường nào khác, cũng nên cảnh giác hơn với sức khoẻ của mình, nhất là vơia các dấu hiệu sớm khi tham gia chạy bộ (nhịp tim, nhịp thở, hoa mắt chóng mặt…), biết được các nguy cơ trên sẽ giúp bạn tự quyết được khi lúc nào phải dừng lại, để bảo vệ sức khoẻ của mình.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]
[…] Xem thêm: Chạy bộ khi đang phải dùng thuốc […]
[…] >>> Chạy bộ khi đang phải dùng thuốc […]
[…] định và chạy hoặc đi bộ giúp giảm các triệu chứng trầm cảm đến 40 phần trăm khi thử nghiệm trên các bệnh […]
[…] Chạy bộ khi đang dùng thuốc […]