Chạy Bộ Cùng Con

Hầu hết các ông bố bà mẹ nếu là dân chạy bộ đều mong một ngày được nhìn thấy con có thể chạy và tham gia các giải đấu. Nhưng việc tập luyện bài bản và thi đấu sẽ tạo ra rất nhiều áp lực mà có thể ở độ tuổi nhất định cơ thể trẻ chưa sẵn sàng tiếp nhận.

Vậy khi nào trẻ emnên bắt đầu tập chạy bộ? Thực ra không có câu trả lời nào cụ thể cho câu hỏi này miễn sang trẻ thấy thích thú và không gặp chấn thương khi chạy. Tuy nhiên, nếu để trẻ tham gia các giải đấu mang tính cạnh tranh, cha mẹ cần đảm bảo rèn luyện tâm lý vững vàng cho con để có thể tập luyện nghiêm túc và chịu được áp lực khi thi đấu. Đây thường là nhóm trẻ có độ tuổi từ 10-12 tuổi.

Chỉ cần hoạt động chạy tạo được niềm vui và không quá khắt khe đối với trẻ, chúng ta có thể cho trẻ em chạy bộ ở bất kỳ tuổi nào, kể cả khi trẻ còn 3-5 tuổi. Bắt đầu từ những đoạn chạy ngắn và đừng quan tâm tới tốc độ chạy.

Qua một vài buổi chạy đầu tiên, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tình trạng thể lực của trẻ và có những điều chỉnh cho phù hợp.

Tham khảo: Trẻ em có nên chạy bộ đường dài?

Làm cách nào giúp trẻ làm quen với chạy bộ?

Đối với trẻ nhỏ, chạy bộ phải là hoạt động mang lại cho trẻ niềm vui và cảm giác tự do thoải mái. Có thể khuyến khích trẻ em chạy  bộ bằng cách tặng huy chương hoặc cúp sau khi trẻ hoàn thành một cự ly nhất định. Đây là phương pháp phù hợp với những trẻ có độ tuổi từ 3-5 tuổi.

Cha mẹ cũng có thể tìm kiếm thông tin về các chương trình tập luyện tại trường hoặc các sự kiện chạy bộ ở địa phương và đăng ký cho con tham gia. Đây là hình thức phù hợp với những trẻ trên 5 tuổi.

Cha mẹ có vai trò gì khi đăng ký để trẻ tham gia thi đấu?

Cha mẹ nên nhìn nhận thực tế về khả năng thể chất của trẻ. Cha mẹ chạy tốt không có nghĩa mặc định trẻ phải chạy để trở thành vận động viên giỏi trong tương lai. Cha mẹ cần giải thích để trẻ hiểu dù trẻ thắng hay thua thì cha mẹ luôn yêu thương, ủng hộ trẻ và không bao giờ thất vọng. Đây là lưu ý đặc biệt quan trọng đối với những cha mẹ có con từ 5 tuổi.

Cha mẹ cần hỗ trợ con xác định những mục tiêu thiết thực. Mục tiêu là cải thiện thành tích bản thân thay vì phải bắt buộc giành chiến thắng. Trẻ nên được tạo điều kiện tập luyện và thi đấu trong môi trường an toàn. Nếu bản thân cha mẹ là vận động viên, đừng bắt con trở thành phiên bản của mình khi còn nhỏ.

Khi tham gia các giải đấu cùng trẻ, cha mẹ nên kiềm chế cảm xúc mạnh và liên tục động viên, khuyến khích trẻ.

Nếu cha mẹ cũng là dân chạy bộ, làm sao để con cũng chọn chạy bộ?

Cha mẹ là dân chạy bộ thường mong muốn con cũng thích và chọn chơi chạy bộ. Nhưng đừng ép trẻ phải chạy nếu trẻ không thích vì sẽ tạo ấn tượng xấu với trẻ về môn này và có thể khiến trẻ “cạch” suốt đời.

Trẻ cần cảm thấy vui khi tham gia chạy bộ

Thay vì vậy, cha mẹ nên nêu gương cho trẻ. Khi trẻ thấy cha mẹ tận hưởng thực sự niềm vui chạy bộ, trẻ cũng sẽ tự động thử tập theo. Khi đó, cha mẹ nên cổ vũ và khuyến khích con chạy.

Làm thế nào để trẻ thấy chạy bộ vui và thú vị?

Cha mẹ phải đảm bảo trẻ thấy chạy bộ là môn thể thao vui vẻ và thú vị, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi chạy có thể cho trẻ dừng lại ở các địa điểm như công viên hay sân chơi để trẻ có cơ hội chơi xích đu hay những trò chơi trẻ yêu thích. Cha mẹ cũng có thể đưa ra các hình thức động viên nhỏ như thưởng kem, tem dán… khi trẻ hoàn thành bài tập.

Dành thời gian tận hưởng và chạy cùng con dù đó không phải bài tập mang lại nhiều lợi ích thể chất cho cha mẹ. Cha mẹ có thể xem đó là cơ hội để gắn kết hơn tình cảm với con và hiểu con hơn.

Cha mẹ cũng cần sẵn sàng trước những tình huống mè nheo hoặc khóc mếu trong khi chạy vì nhiều khi tự dưng trẻ không muốn chạy. Ban đầu chúng ta có thể đi bộ cùng trẻ rồi tăng dần thời gian và quãng đường tập luyện.

Chạy bộ là môn thể thao giúp gắn kết tình cảm gia đình rất tốt và là cách hữu hiệu để chúng ta giúp trẻ hiểu về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất và khả năng của cơ thể.

Thông qua sự trợ giúp của cha mẹ, trẻ ở độ tuổi từ 8-12 tuổi cần hiểu rõ được lợi ích mà chạy bộ mang lại.

Kỹ năng chạy bộ phát triển theo tuổi như thế nào?

RRCA (Hiệp hộ các câu lạc bộ chạy đường bằng Mỹ) đã công bố những nguyên tawcs chung về chạy bộ ở trẻ em theo các nhóm tuổi như sau.

  • Trẻ em 3-9 tuổi – khuyến khích tập luyện đều đặn miễn sao mang lại niềm vui cho trẻ.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi – có thể tham gia vào các sự kiện chạy dành cho trẻ em.
  • Trẻ em 8 -12 – có thể tham gia nhóm chạy có chế độ tập luyện có hệ thống kéo dài 2-3 tháng.
  • Đến tuổi dậy thì – trẻ có thể tăng chậm dần cự ly và tham gia thi đấu.

Tuy nhiên, đây chỉ là những hướng dẫn chung, thực tế phải căn cứ vào khả năng và tình trạng thể lực của trẻ.

Trẻ nên chạy cự ly nào?

Theo các chuyên gia về y học thể thao trẻ em, trẻ từ 8-10 tuổi có thể tham gia các sự kiện chạy dài hơn như cự ly 5km.

Đối với cự ly dài, tốc độ phát triển và mong muốn chạy của trẻ quan trọng hơn độ tuổi.

Trước khi để trẻ theo một chương trình tập luyện nào đó hoặc tham gia thi đấu, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sỹ nhi, lưu ý tình trạng sức khỏe, độ tuổi của trẻ.

Trẻ nên chạy ở tốc độ nào?

Khi mới bắt đầu, cha mẹ cần đảm bảo trẻ thấy vui khi chạy và đừng chú trọng quá nhiều vào mục tiêu. Tốc độ chạy của trẻ sẽ tăng dần theo thời gian tập luyện và khi nền tảng thể lực dần được cải thiện. Trọng tâm lúc này là phòng tránh chấn thương thay vì tăng tốc độ chạy.

Nhiều giải chạy hiện nay ở Việt Nam có hạng mục thi đấu dành riêng cho trẻ em 

Có thang tốc độ theo độ tuổi không?

Theo công thức tính tốc độ theo độ tuổi, trung bình 1 bé trai 12 tuổi có thể hoàn thành 1km trong thời gian 5 phút 25 giây. Bé trai từ 10-11 tuổi có thể hoàn thành cự ly này trong thời gian 6 phút 15 giây đến 7 phút 30 giây. Thực tế, tốc độ chạy còn phụ thuộc vào giới tính, tình trạng thể lực và tập luyện của trẻ..

Trẻ em chạy bộ có thể gặp vấn đề gì?

Tập luyện quá nhiều có thể dẫn tới chấn thương. Việc tập luyện với trẻ nên mang lại niềm vui, phù hợp với độ tuổi và không tạo ra nhiều áp lực, căng thẳng lên cơ thể.

Việc đau mỏi cơ sau khi chạy không phải vấn đề nhưng cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ có cảm giác đau trong khi chạy.

Trước khi cho trẻ theo bất kỳ chế độ tập luyện nào, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Cha mẹ luôn để ý các dấu hiệu căng thẳng hoặc đau đớn của trẻ. Dù chấn thương chỉ là điều sớm hoặc muộn nhưng không nên để trẻ rơi vào tình trạng chấn thương mãn tính.

Việc tập luyện quá nặng cũng ảnh hưởng tới khung xương đang trong quá trình phát triển của trẻ.

Tham khảo: Osgood-Schlatter: Đau đầu gối ở trẻ vị thành niên khi chạy bộ

Chạy bộ từ nhỏ mang lại lợi ích gì?

Ngày nay, nhiều trẻ nhỏ bị nghiện màn hình điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính… Chạy bộ giúp trẻ em cách ly tạm thời với các thiết bị này và giảm thiểu được tình trạng nghiện ngập.

Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Thể thao của Anh, chạy bộ đều đặn giúp tăng cường sức mạnh xương và tránh được tình trạng loãng xương nếu bắt đầu chạy bộ khi còn nhỏ.

Chạy bộ giúp tăng tự tin vào bản thân, giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật trong cuộc sống. Chạy bộ giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn. Ngoài ra, khả năng đặt mục tiêu và phấn đấu đạt được mục tiêu cũng giúp trẻ hoàn thiện bản thân hơn.

Thực tế cũng đã chứng minh chạy bộ giúp giảm nguy cơ đái tháo đường tuýp 2, giảm nồng độ cholesterol và hạ huyếp áp. Những lợi ích này của chạy bộ không chỉ đối với trẻ em mà còn với cả người trưởng thành.

Chạy bộ giúp trẻ tự tin hơn và rèn luyện tính kỷ luật tốt hơn

Các hoạt động thể chất đều đặn như chạy bộ giúp cải thiện khả năng tập trung của trẻ và giúp giảm thiểu tình trạng béo phì thường gặp ở những trẻ lười vận động.

Hướng dẫn chạy bộ cho trẻ em của RRCA?

RRCA đã đưa ra những hướng dẫn về cự ly an toàn trẻ có thể chạy theo độ tuổi như sau:

  • Trẻ dưới 5 tuổi có thể tham gia các sự kiện chạy vui tới 400m.
  • Trẻ từ 5 tuổi có thể tham gia các sự kiện chạy vui có cự ly tới 1600m, có thể kết hợp đi bộ nếu muốn.
  • Trẻ từ 12 tuổi có thể tham gia chạy cự ly 5K.
  • Trẻ từ 15 tuổi có thể tham gia sự kiện 10K tới bán marathon.
  • Người 18 tuổi trở lên có thể tham gia các sự kiện marathon và dài hơn nếu muốn.

Cha mẹ cần lưu ý đây chỉ là những hướng dẫn chung, thực tế phải căn cứ trên tình trạng sức khỏe, thể chất, mong muốn và động lực của trẻ khi tập luyện. Cha mẹ không nên ép trẻ chạy cự ly dài hơn mong muốn của trẻ. Nếu trẻ thích chạy, hãy để trẻ chạy tự nhiên. Tốc độ và cự ly sẽ cải thiện dần khi trẻ lớn hơn và trưởng thành hơn.

Nếu trẻ em thích chạy 5K với cha mẹ thì sao?

Cha mẹ nên chạy theo tốc độ của trẻ và sẵn sàng dừng lại đi bộ nếu trẻ dừng lại đi bộ. Không tạo áp lực cho trẻ hướng tới một mục tiêu nào đó. Xem đây là cơ hội để gắn kết tình cảm với trẻ, luôn động viên khuyến khích trẻ ngay cả khi trẻ không hoàn thành cự ly 5K. Cha mẹ nên đặt tiêu chí vui vẻ lên hàng đầu. Điều quan trọng là trẻ tham gia, không phải sự cạnh tranh thứ hạng.

Xem thêm: Giải chạy ý nghĩa mừng ngày gia đình Việt Nam

Khi nào trẻ nên tập trung vào thi đấu?

Thi đấu là cơ hội tốt để trẻ học được nhiều bài học về cuộc sống. Dù ban đầu chúng ta chú trọng vào yếu tố vui và thu hút sự tham gia của trẻ, về lâu dài trẻ sẽ sẵn sàng tham gia thi đấu và tập luyện.

Trẻ nên bắt đầu ở độ tuổi từ 10-12 tuổi và cha mẹ nên là nguồn động viên và định hướng cho trẻ. Với những trẻ dưới 10 tuổi, chỉ nên tập trung vào yếu tố vui vẻ và lôi cuốn sự tham gia của trẻ.

Cần quan tâm khía cạnh nào khi trẻ em bắt đầu chạy?

Cha mẹ nên trang bị dụng cụ tập luyện cho trẻ, quan trọng nhất là một đôi giày phù hợp có đế dày và độ đệm cao hấp thụ lực tác động.

Nên tập trung vào chế độ tập luyện an toàn và khôn ngoan để tránh chấn thương. Tốc độ và cự ly chạy sẽ tăng dần theo thời gian. Cần cho trẻ khởi động kỹ trước khi chạy.

Khi trẻ than đau nên cho trẻ dừng chạy và khám bác sĩ trước khi cho trẻ tập lại.

Đảm bảo an toàn cho trẻ nếu chạy ngoài trời, không dùng tai nghe vì trẻ có thể mất cảnh giác với môi trường xung quanh. Dạy trẻ tránh xa các khu vực tối hoặc đường nhiều xe. Trẻ cần lưu ý ai đang di chuyển trước và sau mình. Tốt nhất cha mẹ nên chạy cùng trẻ khi chạy ngoài trời.

Cha mẹ cần lưu ý trẻ tuân thủ tín hiệu giao thông và chạy trên vỉa hè nếu có thể. Khi chạy địa hình và công viên, cần chọn các tuyến đường an toàn.

Lưu ý trẻ mặt đồ phù hợp với khí hậu từng mùa và mang theo nước khi chạy. Khi trẻ thấy mệt hoặc đuối bất thường, cần cho trẻ dừng lại và tìm trợ giúp ngay.

Nếu trẻ dự định tham gia thi đấu, nên xem xét tìm huấn luyện viên chuyên nghiệp, có chuyên môn để có chế độ tập luyện phù hợp với độ tuổi và ngưỡng phát triển của trẻ, tránh tập quá sức dễ dẫn tới chấn thương hoặc những hệ quả tiêu cực khác.

Tài liệu tham khảo:
https://www.rrca.org/education
https://www.rrca.org/our-programs-services
https://www.hhs.gov/fitness/be-active/physical-activity-guidelines-for-americans/index.html
https://www.active.com/articles/running-with-your-kids-a-parents-guide-to-nurturing-a-lifelong-lifestyle
https://www.womensrunning.com/training/beginner/guide-starting-kids-running-safely/
http://omnirunning.com/what-distance-can-my-child-run-distance-guidelines/
https://kidshealth.org/en/teens/safety-running.html
https://www.rrca.org/
https://bjsm.bmj.com/content/early/2019/09/25/bjsports-2018-100493

About the Author Phạm Thao

>
118 Shares