Sử dụng mạng xã hội (MXH) để đăng tải tracklog giờ đây vô cùng phổ biến trong cộng đồng chạy bộ. Bạn có thể chia sẻ bài chạy của mình với các đồng run, kiểm tra các PR mình đạt được so với những người khác trong cùng route chạy, hay xem các elite (nếu họ có sử dụng MXH) tập luyện, ăn uống và nghỉ ngơi như thế nào. Không thể phủ nhận việc chia sẻ các bài tập chạy trên các mạng xã hội như Strava, Instagram, Facebook … có thể sẽ tạo ra một làn sóng tích cực cho chính bạn và những người xung quanh, nhưng trong một số trường hợp, điều này cũng có thể gây nên ảnh hưởng tiêu cực. Nếu bạn để ý, những elite thường không chia sẻ bài chạy của mình hay một số bạn bè runner của bạn có một khoảng thời gian “im ắng” trên mạng, thành tích và tình yêu chạy bộ của họ được cải thiện rất nhiều. Hãy cũng tìm hiểu những lợi ích và mặt trái của mạng xã hội với dân chạy bộ, sau đó là câu hỏi “Có nên chia sẻ các bài tập chạy lên mạng xã hội hay không?”
Một nghiên cứu ở trường đại học MIT đã nghiên cứu về việc tập thể thao có tạo ra làn sóng lan truyền trong cộng đồng hay không. Dữ liệu được thu thập bao gồm pace, thời gian, quãng đường trong vòng 5 năm với tổng cộng quãng đường là 225 triệu dặm (khoảng 362 triệu km) của 1,1 triệu người đăng tải tracklog trên mạng. Kết quả cho thấy runner có xu hướng tập chăm hơn và lâu hơn khi họ thấy bạn của mình đã thực hiện được điều đó. Cụ thể, nếu một người chạy thêm 10 phút so với bài tập thông thường thì người bạn của họ sẽ chạy thêm 3 phút, tương tự với tốc độ, nếu đồng run chạy nhanh hơn bình thường thì họ cũng sẽ chạy nhanh hơn. Bạn có thể đoán yếu tố tác động ở đây là gì rồi đúng không? “Tính cạnh tranh!”. Đúng vậy, một chút cạnh tranh có thể là nguồn động lực để thúc đẩy bạn tập chạy nhanh hơn. Nghiên cứu này cũng đưa ra những phát hiện thú vị như: bạn thường bị tác động bởi những người bạn có cùng khả năng như bạn thay vì những người có thành tích cách xa (chậm hơn hoặc nhanh hơn); nam giới bị tác động bởi các tracklog của cả nam và nữ, trong khi nữ giới chỉ bị tác động bởi tracklog của đồng run là nữ.
Việc chia sẻ trên mạng cũng mang đến làn sóng tích cực khi truyền tải những thông điệp, nâng cao nhận thức về tập luyện thể thao, quan tâm tới sức khỏe tới mọi người trong cộng đồng. Nhận được những lời khen ngợi vì cố gắng, động viên hay góp ý mang tính xây dựng từ các đồng run khác chắc chắn cũng sẽ là nguồn động lực đối với bạn khi bạn đăng bài tập của mình trên mạng. Những kết nối trên mạng xã hội có thể giúp bạn có thêm những người bạn thú vị ngoài đời thực.
Giờ đây khi các ứng dụng chạy bộ Strava, RunKeeper… cho phép bạn ghi lại tracklog cũng như theo dõi quá trình tập luyện. Một số chức năng nâng cao (có trả phí) như của Strava cho phép bạn đặt mục tiêu hàng tuần/ tháng/ năm để bạn có động lực tập luyện. Chắc hẳn khi hoàn thành target của tuần, bạn sẽ cảm thấy vui và có thêm động lực để tập luyện chăm chỉ hơn nữa. Một thông báo trên newfeed cho thấy bạn đã đạt kết quả 80km/ tuần liên tục chẳng hạn, cũng có thể là nguồn cảm hứng cho người khác khi thấy sự chăm chỉ và kiên định của bạn.
Các bài tập, bao gồm cả tracklog khi đi race sẽ là một kỷ niệm khó quên và sẽ thật tuyệt vời nếu bạn lưu giữ chúng trên trang tài khoản cá nhân. Nếu có một thời điểm nào đó khi nhìn lại, bạn có thể nhớ lại kỷ niệm này với ngập tràn cảm xúc . Ngoài ra, các bức hình về thiên nhiên hay các bức hình tích cực mà bạn chia sẻ trên mạng sẽ có thể tạo động lực cho những người khác tập luyện. Một bức hình chụp cảnh bình minh tuyệt đẹp đăng trên Instagram của một đồng run nào đó cũng có thể giúp bạn ngay lập tức tắt chuông báo thức đang réo ầm ĩ và ra khỏi giường để ra đường chạy.
Bên cạnh những mặt tích cực từ việc đăng tải bài tập trên mạng xã hội, thì có những thời điểm nó sẽ tạo ra hiệu ứng ngược lại.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng mạng xã hội nói chung có liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần và hạnh phúc, sự tự tin của người dùng. Còn với chạy bộ thì sao?
Sự ảnh hưởng này có liên quan tới hiện tượng “upward social comparisons” (Tạm dịch: “Cuộc sống của người khác đều tốt hơn tôi”) , đó là khi bạn nhìn vào profile của một ai đó trên mạng và bạn cảm thấy họ thú vị hơn, có tracklog khủng hơn, hình ảnh đi race lung linh hơn, khoe medal 180 kiểu đẹp hơn… điều này có tác động tiêu cực tới lòng tự tôn (self-esteem) của bạn và lâu dài là sức khỏe tâm thần (mental-health) của bạn.
Một câu chuyện khác đến từ vận động viên người Mỹ là Camille Herrons, đã chia sẻ quá trình tập luyện của mình trên Strava khi tập luyện cho giải đua 100km ở Netherland năm 2015, với khối lượng tập luyện hơn 120 dặm/ tuần (khoảng 193km) và sau đó giành ngôi vô địch. Tuy nhiên, tới năm 2016, khi cô chia sẻ quá nhiều và cũng nhận được rất nhiều phản hồi trên mạng vào 2016, đã cảm thấy bị choáng ngợp. Kết quả thử máu cho thấy một lượng cao của hóc môn Cortisol gây căng thẳng. Cô này quyết định tạm dừng sử dụng MXH và quay lại với những thiết bị truyền thống cũ, điều này khiến cô tiếp tục đứng bục trong nhiều giải, trong đó có một lần cô thắng giải Comrades Ultramarathon danh giá năm 2017.
Bên cạnh đó, một số người cảm thấy tệ hơn khi chia sẻ lượng bài tập ít ỏi của mình trên mạng. Áp lực chia sẻ này cũng khiến họ có xu hướng chạy nhanh hơn một cách không cần thiết đặc biệt là các bài tập thả lỏng.
Nếu như nghiên cứu ở trên cho thấy rằng “cạnh tranh” là một cú đẩy giúp bạn cải thiện thành tích, thì nó cũng có thể làm hại bạn. Khi bạn cố gắng chạy nhanh hơn, xa hơn, lâu hơn cũng có thể khiến bạn tập luyện quá sức, gặp nguy cơ chấn thương, và chứng “nghiện thể dục” – là khi bạn tập quá mức và nó gây hại cho sức khỏe lẫn thành tích của bạn. Tiến sĩ tâm lý học thể thao Josphine Perry tại tổ chức Performance in Mind tại Anh chia sẻ khi cô khảo sát 255 vận động viên sức bền năm 2018, cô thấy rằng nguy cơ của chứng nghiện tập này cao hơn đối với những người sử dụng mạng XH để đăng tải bài tập của mình. Khi phỏng vấn với những runners, họ chia sẻ rằng, ban đầu họ cảm thấy rất tuyệt vời sau khi tập cho tới khi họ upload bài tập của mình lên mạng. Họ đột ngột cảm thấy như một kẻ thất bại, niềm vui hoàn thành bài tập bị thay thế bởi cảm giác thất vọng khi họ so sánh mình với người khác.
Đọc thêm: Ghen tị khi chạy bộ
Khi Facebook tạo ra nút “like” trên trang này, mọi người tin rằng số lượng likes tương ứng với lượt ủng hộ của người khác dành cho bạn. Một nút trên Strava là “Kudo” cũng có chức năng như vậy. Chẳng phải bàn cãi với cảm xúc thích thú khi bạn nhận được lượt thích khi chia sẻ, nhưng nếu bạn cảm thấy thất vọng khi số lượt likes ít đi, bạn có buồn không, và bạn có bị mất động lực tập không? Câu trả lời là: Chạy vì số lượng likes chưa bao giờ là điều tốt, bởi nó xuất phát từ tác động bên ngoài. Tình yêu chạy bộ bền vững chỉ khi nó xuất phát từ bên trong bạn.
Đọc thêm: Động lực chạy bộ
Trong một số trường hợp, đặc biệt là nữ giới, khi chia sẻ route chạy của mình trên mạng có thể không phải là điều an toàn. Khi route chạy của bạn lại là nơi gần nhà, điều này có thể khiến kẻ xấu lợi dụng để theo dõi. Dù điều này ít khi xảy ra, nhưng đây cũng là mối nguy cơ mà các bạn nữ cần lưu ý. Tuy nhiên, có một cách khắc phục ở đây là bạn có thể cài đặt lại chế độ riêng tư để tùy chỉnh ẩn route chạy của mình.
Khi mà giờ đây thông tin tràn ngập trên mạng xã hội, khi bạn chỉ muốn đăng nhập vào Facebook để xem bạn bè và người thân đang làm gì thì tràn ngập newsfeed của bạn là những post về tracklog khủng, nó thể khiến bạn khó chịu. Tương tự như vậy, những người bạn không phải dân chạy bộ cũng có thể có cảm giác khó chịu đó, và nghĩ rằng giờ đây bạn “Chỉ biết chạy bộ!” . Miguel Bancarte Jr. 32 tuổi trên Runner’s world chia sẻ câu chuyện tương tự. Giờ đây, anh đã bớt chia sẻ trên mạng xã hội và đồng thời tận hưởng niềm vui với chạy bộ nhiều hơn.
Cuối cùng, có lẽ câu trả lời nằm ở việc tìm kiếm sự cân bằng. Đôi khi chia sẻ là hữu ích, và đôi khi điều này có tác động ngược lại. Những gợi ý sau có thể giúp bạn trả lời câu hỏi “Có nên chia sẻ các bài tập trên mạng không?”:
Hãy đăng khi:
– Bạn là người mới với bộ môn chạy bộ và việc đăng tải trên MXH khiến bạn có thêm động lực tập luyện
– Bạn cảm thấy việc đăng tải tracklog phản ánh nỗ lực của bạn và bạn cảm thấy tự hào, đồng thời bạn cam kết với các bài tập của mình đều đặn hơn
– Bạn đang truyền tải những hình ảnh tích cực tới cộng đồng: một bức hình thiên nhiên về cảnh route chạy tuyệt đẹp (bình minh, hoàng hôn, chạy trail…), hay những tracklog thường xuyên cho thấy kiên định của mình có thể giúp đỡ và tạo nguồn cảm hứng cho người khác
– Bạn chạy một mình nhưng vẫn muốn tìm thấy lợi ích từ cộng đồng chạy bộ
– Giới thiệu các route chạy mới để những người khác có thể tham khảo
Trừ khi bạn là một elite đang tập tranh giành thứ hạng và không muốn cho đối thủ biết bài tập của mình, bạn cũng nên hạn chế hoặc không đăng khi:
Đọc thêm:
“Soi” Strava của các VĐV thể thao Việt Nam
Sao Chelsea bị cộng đồng Strava “bóc phốt” vì tracklog chạy 5K 16 phút quá ảo
– Bạn cố tập tiếp trong khi có cảm giác hơi đau để rồi sau đó dẫn tới chấn thương nặng hơn vì có thể bạn đang bị áp lực từ các yếu tố bên ngoài như áp lực đăng tracklog
– Bạn rơi vào trạng thái “upward social comparison” là khi bạn không ngừng nhìn vào profile của người khác và so sánh với profile của bạn và cảm thấy thiếu tự tin về bản thân
– Bạn chờ đợi số lượt likes, kudos và điều này tác động đến cách bạn tập cũng như suy nghĩ của bạn với chạy bộ
– Bạn (đặc biệt là nữ) cảm thấy không an toàn khi đăng tải những tracklog cho thấy vị trí nơi bạn ở khi bạn chạy ở khu vực gần nhà, tuy nhiên điều này có thể hạn chế bằng việc cài đặt lại chế độ riêng tư và ẩn route chạy trên Strava
– Những người bạn khác của bạn cảm thấy khó chịu với việc bạn liên tục đăng tải hình ảnh, post trên mạng xã hội một cách không cần thiết, trong trường hợp này hãy hạn chế chia sẻ.
Nguồn: Runner’s world, Runners connect, Mapmyrun
Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]
[…] Tham khảo: Có nên chia sẻ kết quả tập luyện lên mạng x&a… […]