Steve Jones, vô địch nam, 1985 London Marathon, 2:08:16
Runner người Anh này đã gặp vấn đề tiêu hóa trong lúc chạy qua những con phố London, không biết có phải vì bị Tào Tháo đuổi hay sao mà anh đã chạy quá nhanh và phá kỷ lục đường đua hôm đó. Tuy nhiên, vải thưa khó che được mắt thánh; tin đồn lan nhanh và người về nhì đã từ chối bắt tay Jones sau giải đua.
Uta Pippig, vô đich nữ, 1996 Boston Marathon, 2:27:13
Tượng đài marathon người Đức đã giành chiến thắng tại Boston Marathon lần thứ ba liên tiếp, vượt qua Tegla Loroupe của Kenya trong những bước chạy cuối cùng. Chiến thắng ngọt ngào nhưng mang nhiều cay đắng, cô đã phải vượt qua sự khó chịu cùng cực do đau bụng kinh nguyệt và tiêu chảy. “Tôi đã gặp sự cố kinh nguyệt,” Pippig kể lại. “Tôi không ngờ nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chuyển sang thành… tiêu chảy. Tôi cảm thấy không đẹp đẽ tí nào cho nên tôi đã sử dụng rất nhiều nước xối lên người với hy vọng tươi đẹp hơn và quan trọng nhất là phải làm cho đôi chân sạch sẽ một chút.”
Là một trong những nhà vô địch Boston được nhiều người ái mộ, Pippig đã cắn răng chịu nhục và đau, cô kiên trì tập trung vào sải chân và duy trì thái độ lạc quan. Cô kể lại: “Sau bốn dặm, tôi đã suy nghĩ nhiều lần về chuyện bỏ cuộc vì lúc đó cơn đau lên tột đỉnh. Nhưng cuối cùng, tôi đã thắng.”
Và thay vì co rúm lại vì xấu hổ, Pippig thừa nhận chiến thắng của mình đến từ sự ủng hộ của khán giả: “Dường như cả thành phố đang đứng lên, và tôi muốn cảm ơn mọi người mà tôi đã gặp trong suốt đường đua ngày hôm nay.”
Richard Nerurkar, hạng năm nam, 1996 Olympic in Atlanta, 2:13:39
Runner người Anh đang giữ vị trí thứ 3 nam tại giải đua marathon Thế vận hội ở Atlanta khi Tào Tháo xuất hiện, và một chuyến viếng thăm nhà tiêu công cộng đã khiến anh tụt xuống hai vị trí. Nerurkar đã ngừng lại để giải quyết cực kỳ nhanh, và anh ấy đã về đích hạng 5, một thứ hạng không hề tồi.
Nadezhda Ilyina, về nhất nữ, 1997 Los Angeles Marathon, 2:33:47
Cô là người phụ nữ đầu tiên về đích, nhưng vì phải dừng lại ở phòng vệ sinh của tiệm tạp hóa 7-11 dẫn đến việc rút ngắn cự ly 30 mét khiến runner người Nga này bị DQ. Cô đã vừa chạy vừa để mắt theo dõi tìm chỗ giải quyết bắt đầu từ dặm thứ ba và cuối cùng thấy nhẹ nhõm ở dặm 23, nhưng mặc dù bị mất thời gian, cô vẫn có thể chạy bung lụa trở lại. Đáng buồn là chuyện đi tắt không cố ý này đã cướp đi chiến thắng của cô.
Tegla Loroupe, hạng ba nữ, 1998 New York City Marathon, 2:30:28
Đối thủ Boston của Pippig từ hai năm trước đã buộc phải chịu đựng trận chiến của chính mình với bệnh tiêu chảy khi cô chạy qua năm quận của New York. Giành chiến thắng ở New York vào năm ’94 và ’95, Loroupe đã hy vọng sẽ lên bục một lần nữa vào năm 98, nhưng thay vào đó, cô đã phải đấu tranh dũng cảm để giành vị trí thứ ba trong 2:30:28, kém xa thành tích kỷ lục thế giới do cô thiết lập lúc đó là 2:20:47.
“Ít nhất là tôi đã hoàn thành,” Loroupe đã cân nhắc việc bỏ cuộc ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đua. “Vì vậy tôi rất hạnh phúc.”
Paula Radcliffe, vô địch nữ, 2005 London Marathon, 2:17:42
Ở giải đua London năm 2005, Paula Radcliffe đã dừng lại bên cạnh trạm tiếp nước để giải bầu tâm sự. Xui cho cô là gần đó có một chiếc xe của đội truyền thông và hình ảnh của cô đã bị ghi lại trong ống kính – Paula mặc kệ, tiếp tục chạy và sau đó đã giành chiến thắng.
Shalane Flanagan, hạng bảy nữ, 2018 Boston Marathon, 2:46:31
Boston 2018 được biết đến với trận mưa gió tơi bời. Ở dặm thứ 11 Shalane bị Tào Tháo đuổi đã phải dừng lại để giải quyết ở nhà tiêu công cộng với thời gian ngắn kỷ lục là 13 giây. Des Linden lúc đó đang chạy chung với Shalane, đã đứng lại để chờ bạn đồng hành. Cuối cùng Des giành chiến thắng 2:39:54, về trước Shalane 6:37
Marty Hehir, hạng sáu nam, 2020 US Olympic Trials Marathon, 2:11:29
Câu chuyện về bạn này đã được viết và đăng trên Chay365 tại đây.
Xem thêm: Bị Tào Tháo đuổi vẫn về hạng Sáu ở Olympic Marathon Trials
Đạt Nguyễn, 2020 Hanoi Breaking 3:30 Marathon, 3:27:33
Trong bối cảnh dịch corona đang hoành hành toàn cầu, tất cả các giải chạy ở Việt Nam bị hủy hoặc dời lại, một nhóm chạy bộ đầy tâm huyết ở Hà Nội quyết định đứng ra tổ chức một sự kiện chạy bộ mang tên “Breaking 3:30 Marathon” dành cho những runner muốn chạy 42,195km dưới 3 giờ 30 phút. Trong giải đua này có sự góp mặt của nhà báo Nguyễn Đạt, một tên tuổi trong làng chạy bộ ở những cự ly từ marathon cho đến siêu marathon 100km.
Đường chạy là lập vòng 1700m được ban tổ chức đo đạc kỹ lưỡng nên runner nếu chạy dư hay thiếu kilomet là do đồng hồ của họ ghi sai hoặc chạy không đúng đường tiếp tuyến. Đạt quyết định bám theo pace của nhóm 3:15 mặc dù mục tiêu hôm đấy chỉ là phá mốc 3:30. Đạt đang theo phương án “bỏ tiền vô ngân hàng”, cứ chạy nhanh khi còn sức nếu ở đoạn sau bị tụt pace thì bù lại thành tích vẫn không tệ. Đạt đã có một khởi đầu tốt đẹp, chạy bon bon đến nửa đường (mốc 21km) với thời gian 1:36 phút, nếu cứ giữ đều pace như vậy thì anh sẽ hoàn thành dưới 3:15. Đang chạy ngon lành đến 28km thì cái bụng của anh bắt đầu râm ran. Anh nghĩ thầm: “Chết cha! Chả nhẽ Tào Tháo kiếm mình?”
Xem thêm:
Tốc độ giảm dần, Đạt dáo dác nhìn quanh tìm nhà vệ sinh, anh biết rõ hôm nay trên đường chạy không có nhà vệ sinh lưu động như ở các giải đua lớn. Anh thấy có một vài bụi rậm nhưng không được kín đáo lắm, lỡ đang giải bầu tâm sự gặp người quen chạy qua la toáng lên: “Bác làm gì ngồi trong bụi ấy, ra đây chạy với em” thì không biết trả lời thế nào, hoặc gặp một người đẹp từng hâm mộ ký giả Thanh Phong chạy ngang qua thấy cảnh anh đang ngồi đỏ mặt tía tai để tống của nợ ra khỏi bụng thì thần tượng của người đẹp sẽ bị sụp đổ và Đạt chỉ có nước độn thổ mà thôi.
Tuy nhiên nếu nhịn mãi sẽ rất khó chịu chưa nói đến lỡ nhịn không được nó vãi ra quần thì chắc phải bỏ xứ mà đi, Đạt tiếp tục dáo dác nhìn quanh và thấy được một ngõ cụt 30m vắng vẻ anh bèn quyết đinh tấp vô. Khác với các elite nước ngoài gặp sự cố đường ruột khi race họ chỉ mất cao lắm nửa phút, Đạt phải mất đến 4 phút để giải quyết ứ đọng. Anh tự nhủ ơn giời mình đã không bị chuột rút do phải ngồi xuống đột ngột. Anh cũng cám ơn các cụ phù hộ cho anh hôm đó may quá không có con chó nào lởn vởn, chứ đánh mùi được nó nhào vào không nhắm cái bãi mìn kia mà nhằm cái thứ quý giá nhất trên người mình mà táp thì còn gì đời trai!
Sau khi giải quyết xong Đạt cảm thấy nhẹ hẳn người đi, nhưng số tiền bỏ trong nhà băng khi bám theo pace của nhóm 3:15 đã mất đi đáng kể, bụng bảo dạ sau sự cố bất đắc dĩ này mà nếu về được trước Cut-Off Time của mốc 3:30 là tốt rồi chứ đừng mong kéo lại thời gian đã mất. Đạt nhớ lại các elite chạy marathon khi bị Tào Tháo đuổi, sau khi trả nợ xong họ đều có thể rũ bùn đứng dậy sáng lòa, nhưng đối với Đạt hôm nay lực bất tòng tâm, anh quyết định chạy tàn tàn về đến đích miễn sao không bị sập nguồn giữa chừng.
Cuối cùng Đạt về đích với thời gian thấp hơn kỳ vọng ban đầu, tuy nhiên thành tích 3:27:33 vẫn là một PR, 5 phút nhanh hơn so với kỷ lục cũ ở giải việt dã và marathon báo Tiền Phong năm 2017.
Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Điểm mặt các nạn nhân của “Tào Tháo” […]
[…] Chính phủ về giãn cách xã hội, cuộc chạy marathon trên nóc nhà của…runner Nguyễn Đạt, thành viên Ban biên tập Chay365, khiến giới truyền thông, báo, đài truyền hình: […]
[…] May mắn là, tình trạng này hoàn toàn không liên quan tới “Tào Tháo đuổi”. […]
Đọc đã thấy căng hết cả bụng rồi các bác ạ :))