Đọc sách “Running on Empty”

Marsh-running-blur-1991

Đọc sách “Running on Empty”

Nhà sách Kinokunya chiếm gần trọn tầng 4 của trung tâm thương mại Takashimaya. Trong biển sách mênh mông, tôi mò được cuốn “Running on Empty”. Bản thân chữ “empty” có gì rất cuốn hút, gợi một cảm giác trống rỗng. Khó tả lắm, nhưng ai trong chúng ta mà không có lúc thấy trống rỗng, “feeling lost and feeling empty”? Giả dụ có ông nhạc sỹ nổi tiếng nào đó, tự dưng viết quyển sách tên là “Music on Empty”, thì hẳn giới mê nhạc sẽ tìm đọc cho bằng được. Tôi thích chạy, nên tôi đọc “Running on Empty”.

Running on Empty là câu chuyện Marshall Urich kể về hành trình chạy xuyên nước Mỹ trong 52 ngày, vượt hơn 3000 dặm. Mỗi ngày chạy > 2 cái full marathon. Bác Marsh này là một cao thủ có sức bền khủng khiếp, cả đời đã chạy cả trăm giải > 100km, leo 7 ngọn núi cao nhất thế giới, vô địch giải Badwater 135 (135 dặm xuyên qua Death Valley, elevation gain > 2km, trong tiết trời 40ºC) dăm ba lần. Thời trai trẻ có lần hứng chí chạy liền một lúc 4 chặng Badwater (mà ông tự gọi là Badwater quad), lần khác lại chạy solo, vừa chạy vừa kéo một cái xe (như xe cải tiến ở nông thôn Việt Nam) nặng gần 40kg, chất đầy đồ ăn thức uống. Đến khi sắp giải nghệ (57 tuổi), Marsh mới tha thiết thực hiện ước mơ bao năm, đó là làm một chuyến chạy ngang nước Mỹ, từ toà thị chính San Francisco đến toà thị chính New York. Loanh quanh 2 năm tập luyện, taper, tìm tài trợ, mới chạy được.

Chạy bộ với Marshall Ulrich là tất cả. Cãi nhau với vợ, chạy. Chán đời, chạy. Đau thương buồn khổ, chạy. Tên sách “Running on Empty” có lẽ xuất phát từ nỗi đau không thể nguôi ngoai sau khi người vợ đầu mất vì ung thư vú di căn. Càng chạy càng nhận ra mình chẳng hề bền bỉ, gai góc, hay can trường, trái lại, rất mong manh và dễ bị tổn thương.

Câu chuyện của mấy ông chạy bộ đường trường nói chung không có gì mới. Tôi chạy như thế nào, tôi nghĩ gì khi chạy, tôi đau chân ra sao, blister, PF, đau gân Asin,… cảnh vật và thời tiết, cỏ cây hoa lá và con người trên đường chạy, blah blah,… Toàn những điều có thể tìm thấy qua tự truyện của Murakami (hay tâm sự của Cao Hà, anh Dzung Ng,…) Có điều, Marsh ngồi khác mâm với Murakami, đẳng cấp “chạy bộ” hơn hẳn vài bậc. Murakami mới chạy dài nhất là 100 km. Người mới tập chạy đọc Murakami thì thích chạy đường dài. Còn dân từng chạy > 42km đọc Marsh để thấy yêu chạy đường siêu dài (ultra).

Theo một cách nào đó, cuốn sách này đưa chúng ta về với bản chất nguyên thuỷ nhất của việc chạy bộ – cụ thể hơn là động lực chạy, hay câu hỏi “tôi chạy để làm gì?” Có ai đó từng nói rằng “chạy chỉ vì chạy”, chạy vì thích chạy, vì giá trị nội tại của hành động này hơn là những lợi ích khác (sức khoẻ chẳng hạn) mà chạy bộ mang lại. Marsh còn đi xa hơn thế. 3000 dặm xuyên nước Mỹ của ông chỉ là những giờ liên tục rong ruổi trên những cung đường không cảm xúc. Sự hào hứng mất đi rất nhanh, sau vài ngày là ông bắt đầu quá trình “chịu đựng việc chạy bộ”, hành trình xuyên lục địa đơn giản chỉ là chân trái rồi chân phải gõ xuống đường hàng triệu triệu lần. Từ lúc rời California tiến vào bang Nevada ông đã bắt đầu mất khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt. Có những lúc mắt mờ đi, hai chân chỉ còn tiến lên một cách vô thức.

Chỉ những người đã từng lê chân trên những chặng đường dài mải miết và cô độc mới hiểu cảm giác mà tác giả chia sẻ. Khởi đầu của buổi chạy bộ có thể là sự hưng phấn với không gian, tiết trời, cảnh sắc thiên nhiên, nhưng hàng giờ trôi qua thì chỉ còn lại người chạy với con đường, khi đó bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, tốc độ nhanh hay chậm, chạy road hay trail, chẳng còn gì quan trọng nữa. Lúc đó, các câu hỏi quen thuộc sẽ quay trở về: tại sao cần chạy dài như thế? Động lực nào để chạy bộ? Chạy bộ có phải là một sự sùng bái tôn giáo, có phải là chứng nghiện, có phải là sự tự hành xác? Hay chúng ta có gì cần chứng minh? Mỗi người chạy bộ đường dài tự có câu trả lời của riêng mình.

Trong những khoảng thời gian kéo dài miên man trên đường chạy, nhiều kỉ niệm chạy bộ trở lại. Như có lần Marsh chạy Badwater đến dặm 35 thì thấy cơ thể bay lên không trung, nhìn xuống dưới đường có một chú đang lũi cũi chạy – chính là bản thân mình. Mọi thứ trôi qua nhanh như 1 cái chớp mắt, nhưng đến khi tỉnh táo trở lại thì đã ở dặm thứ 50. Marsh đem việc này trao đổi với “thánh chạy ultra” Yiannis Kouros. Lão Yiannis trả lời cụt lủn: “That happens to me all the time!”. Theo Yiannis, trạng thái vô thức đó xuất hiện khi chúng ta đã đạt tới giới hạn thể chất, giới hạn chịu đựng đau đớn, và giới hạn về tinh thần. Thể xác không còn tồn tại nữa, chỉ có linh hồn trôi dạt sang một trạng thái khác. Cơ thể cứ tiếp tục di chuyển về phía trước, vượt mọi đau đớn (vì đau đớn có tồn tại đầu). Có vẻ rất giống như “cõi Niết Bàn” mà các tín đồ Phật giáo vẫn mong mỏi. Trong hành trình xuyên nước Mỹ, nhiều lúc Marsh muốn trở lại cảm giác “siêu thoát” ấy, nhưng không thể.  

Sách của Marshall kéo tôi về với những ngày mới chạy, chẳng quan tâm tới PR, nhịp tim và cadence là các khái niệm xa lạ. Tốc độ dù chậm nhưng mỗi lần bước ra khỏi nhà là cảm xúc lâng lâng. Anh chị em nào rơi vào trạng thái “runner’s blue” hoặc tự dưng cảm thấy “trống rỗng”, thì nên tìm đọc thử.

“Running on Empty” còn là câu chuyện về tình yêu. Marsh dành trang đầu tiên đăng ảnh Jean, người vợ đầu mất sớm, và gần như cả cuốn sách để cám ơn Heather, người vợ thứ tư – người đã hỗ trợ ông bền bỉ và chu đáo, với một tinh thần thép không lung lay suy chuyển trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Tinh thần ấy  nhiều lúc còn cứng rắn hơn cả người chạy ultra (xét cho cùng, như Marsh tự nhận, công việc của ông quá đơn giản khi đặt cạnh núi việc mà Heather phải lo nghĩ, Marsh chỉ việc chạy, chạy và chạy). Không chỉ lo mọi việc hậu cần, Heather dành mỗi tối chườm đá cho ông, vỗ về Marsh khi ông mải mê “chạy bộ” trong những giấc mơ đầy đau đớn, để rồi cười và khóc cùng lúc với Marsh khi hai người dắt tay nhau chạy lên bậc thang toà thị chính New York.

Trên youtube có phim tài liệu “Running America”, thuật lại chuyến đi này. Nhưng bác Marsh bóc mẽ là phim này phiến diện, không trung thực.

Lời cuối, qua quyển này mới hiểu thế nào là “suffering”. Một bác mình đồng da sắt, luyện chưởng trong lò bát quái cả chục năm như Marshall Ulrich, chỉ chạy vài trăm dặm là cơ thể sưng phồng đau đớn (dù có cả đội ngũ y tế, massage hùng hậu đi kèm). Thế suy ra, những ai ít chạy mà vỗ ngực từng chạy bộ xuyên Việt thì hoặc là siêu nhân, hoặc là bịa đặt trắng trợn.

About the Author Mr Marathoner

>
60 Shares