Lời giới thiệu:
Đinh Linh: Với tôi, một nửa tình yêu dành cho chạy bộ đến từ tình yêu với những cuộc đua. Chạy bộ cho một người bình thường như tôi có cơ hội trải nghiệm các cung bậc cảm xúc cùng những khoảnh khắc thất vọng hay thăng hoa, không khác gì một vận động viên chuyên nghiệp.
Chúng ta có thể đọc nhiều “race recap” nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội tìm hiểu recap của một người chạy FM 2:15. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây của Enoch Nadler, một huấn luyện viên chạy bộ ở câu lạc bộ Florida Track Club (chứ không phải “gà nòi” ăn tập từ nhỏ để thi đấu tranh giải) viết về kỳ Olympic Trials của anh, để hiểu tại sao các giải đua có thể đem lại những cảm hứng ngập tràn đến thế. Đây không chỉ là hồi ức về một giải chạy, đây là xúc cảm có được từ nỗ lực và đam mê. Ảnh trong bài viết lấy từ Facebook cá nhân của nhân vật.
Enoch Nadler
Vậy là đã 72 tiếng kể từ lúc tôi hoàn thành Olympic Trials Marathon. Tôi có đủ thời gian để cảm xúc và sự phấn khích lắng đọng lại. Angela và tôi đã tập trung vào mục tiêu này trong vài năm. Đó là một hành trình dài. Tôi có thể khẳng định rằng: cuộc đua cuối tuần qua là tất cả những gì chúng tôi kỳ vọng, và còn hơn thế nữa. Sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình, đồng đội thật không thể tin nổi. Tất cả đã tạo nên một kỷ niệm chẳng thể nào quên.
Trước giải đấu, mục tiêu của tôi là chạy cuộc đua của riêng mình, không bị cuốn theo sự phấn khích đám đông cùng sức ép của một sự kiện lớn như Olympic Trials. Sau khi nghiên cứu đường đua, đánh giá thể lực bản thân cùng điều kiện thời tiết, tôi đặt ra chiến lược cho mình. Tôi sẽ dốc hết sức và dành trọn tới giọt năng lượng cuối cùng cho những con dốc ở Atlanta.
Khi đứng cùng các vận động viên chạy bộ hàng đầu nước Mỹ, tôi thấy mình ở gần hàng đầu tiên. Tôi dành một giây để nuốt trọn cảm giác này. Cuối cùng tôi đã có mặt ở vạch xuất phát của Olympic Marathon Trials. Giờ đây, tất cả những gì tôi phải làm là chạy đua 26.2 dặm, trên những ngọn đồi điên rồ, trong các đợt gió mạnh, cùng với những tài năng kiệt xuất.
Tiếng súng lệnh vang lên. Tôi tuân thủ chặt chẽ chiến thuật của mình, chạy tốc độ 5:14 trong dặm đầu tiên leo dốc (tương đương pace 3:15/km), ngay sát tốp đầu. Hai dặm sau đó, đoàn đua dường như chạy nhanh hơn, tốc độ lần lượt là 4:48 và 4:51 (pace 2:59/km và 3:00/km). Tôi nhận ra rằng mình không còn tuân theo chiến thuật đã đề ra nữa. Luồng năng lượng xung quanh thật khủng khiếp, đám đông gào thét. Tôi cảm thấy cảm xúc vọt lên, “Chà, mình sẽ duy trì tốc độ này thật dễ dàng”. Nhưng duy trì trong bao lâu?
Tôi từ từ trôi xuống phía cuối tốp đầu gồm hơn 40 vận động viên. Từng đợt gió mạnh quật vào chúng tôi, từ mọi hướng. Tôi hiểu rằng đây sẽ là điểm mấu chốt của cuộc đua… Liệu tôi có nên bất chấp gió mạnh và bám theo tốp đầu, hay tôi nên tụt lại, theo chiến thuật đã đề ra từ trước, với hy vọng sẽ bắt kịp sau đó?
Cả hai lựa chọn đều hết sức mạo hiểm. Nhưng tôi tin vào bản năng của mình, chạy chậm lại theo chiến thuật, chấp nhận nguy cơ sẽ phải đơn độc đối diện với gió mạnh. Thật may, tôi tìm thấy một nhóm nhỏ, trong đó có Josh Izewski, đồng đội cũ của tôi hồi ở Florida và cũng là người từng chạy FM 2:13. Trong 13 dặm tiếp theo, tôi chạy chung trong nhóm nhỏ năm người này. Chúng tôi nhanh chóng tìm được nhịp điều chung, và cùng chiến đấu chống lại các đợt gió, các ngọn đồi. Khi chạy qua trạm cổ vũ khổng lồ của FTC (Florida Track Clubn) ở khoảng dặm thứ 5, tôi nghe mọi người gào vang tên mình. Cuối cùng tôi cảm thấy mình đang làm điều đúng đắn, chạy với tốc độ phù hợp thay vì gắng gượng vươn lên nhóm trên. Tôi tới Atlanta để đua cuộc đua của mình, với đội hỗ trợ tốt nhất thế giới, mà tôi biết sẽ truyền cho tôi nguồn năng lượng hoàn thành 20 dặm tiếp theo.
Nhóm nhỏ chúng tôi tiếp tục sát cánh bên nhau, vượt qua mốc 8 dặm với tốc độ 5:04 (pace 3:09/km), khi chúng tôi lại chạy ngang trạm của FTC. Tôi nhấn ga vọt lên đầu, hít căng lồng ngực khoảnh khắc đập tay high-five với hơn 100 runners đang hét vang tên mình và gào thét mọi điều họ nghĩ. Luồng năng lượng ấy tiếp tục giúp tôi làm đầu kéo, dẫn cả nhóm chạy trong 8 dặm kế tiếp.
Chúng tôi tới điểm giữa đường (mốc 13.1 dặm) trong 1:06:53, vẫn đang loanh quanh ở hạng 40. Liệu chúng tôi có thể bắt kịp các vận động viên nhóm dẫn đầu hay không? Chỉ có thời gian mới trả lời được.
Josh và tôi bứt tốp ở vòng cuối cùng, khi còn cách đích khoảng 10 dặm. Hai đùi tôi bắt đầu đau, hệ quả của các chặng đồi, và tôi tự hỏi liệu chúng còn có thể chịu đựng những dặm cuối cùng hay không? Nhưng tại thời điểm ấy, chúng tôi lại chạy ngang đội cổ vũ, và tôi quyết định rằng mình sẽ “nện” thật lực, tới chừng nào cơ thể còn chịu đựng được. Bốn dặm sau đó, tôi tăng tốc trong gió mạnh, hoàn thành với thời gian 5:10, 4:58, 5:05, và 5:05 (tương ứng pace 3:12, 3:05, 3:09, 3:09).
Tôi đã tới dặm số 20. Chúng tôi chậm lại đôi chút, vượt qua vài cái tên đình đám khi họ rời bỏ cuộc chơi. Josh bắt đầu nhấn ga và kéo tôi theo. Ba dặm kế tiếp là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời mà tôi từng trải qua, nhưng tôi vẫn tiếp tục đẩy tốc độ, không quan tâm thời gian mình chạy là bao nhiêu, mình đang ở thứ hạng nào, hay thậm chí mình có thể hoàn thành cuộc đua hay không. Tôi cảm thấy như mình đang bò lên những ngọn đồi cuối cùng – theo đúng nghĩa đen – với những trận gió quất vào mặt và đôi chân tê dại. Nhưng suy nghĩ về bạn bè, gia đình, đồng đội, đã kéo tôi qua. Dặm cuối cùng, tôi vượt qua Jared Ward, người từng tranh tài ở Rio 2016, cùng vài vận động viên khác.
Tôi phóng xuống con dốc cuối cùng, băng về đích, đấm hai tay vào không khí, hiểu rằng mình đã chạy cuộc đua của mình, theo cách của mình. Tôi đã làm được!
Gần như ngay sau đó, tôi biết mình về đích hạng 24, với thời gian 2:15:30 (tốc độ trung bình 5:11/dặm, hay 3:13/km), ở đường chạy khắc nghiệt nhất mà tôi từng tham gia.
Mấy năm vừa rồi là một chặng đường kỳ diệu với tôi. Tôi biết ơn tất cả những dặm chạy mà tôi đã đủ sức lực để hoàn thành. Tôi đã mạnh mẽ hơn qua từng cuộc đua marathon, và tôi đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt diệu nhất. Angela luôn ở bên cạnh từng bước đi của tôi trên con đường ấy, và tôi biết rõ sự thật rằng tôi sẽ chẳng thể tới được Atlanta nếu thiếu nàng. Các đồng đội của tôi, những người bạn tập trong nhiều năm đã đem lại nguồn cảm hứng và động lực lớn lao giúp tôi không chỉ theo đuổi mục tiêu của mình, mà còn tận hưởng từng buổi chạy! Và với kỳ Olympic Trials, đó là lễ kỷ niệm không thể hoàn hảo hơn cho con đường dẫn tới Atlanta, cho những giọt năng lượng mà tôi đổ ra trên đường đua.
Tôi chân thành biết ơn và cảm thấy vô cùng vinh dự rằng mình có cơ hội được chia sẻ trải nghiệm này cùng tất cả mọi người.
Xin cám ơn tất cả những người đã là một phần trong hành trình của tôi.
Yêu các bạn thật nhiều!
Enoch Nadler
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]