Khi bạn không đạt được mục tiêu

5-set-a-goal-flickr-Cesar-I.-Martins

Khi bạn không đạt được mục tiêu

Như tôi sẽ mô tả trong Chương 4, Đua như Meb, bạn nên có nhiều mục tiêu khi tham dự một cuộc đua. Danh sách các mục tiêu sẽ bắt đầu từ mục tiêu tối thượng và thấp dần xuống qua các kết quả tiềm năng mà, không phải chỉ mục tiêu cao nhất, cũng đáng gọi là thành tích. Ví dụ như, trước giải Boston Marathon 2014, ba mục tiêu cao nhất của tôi là chiến thắng, về đích trong ba vị trí đứng đầu, và đạt kỷ lục cá nhân. Như bạn sẽ thấy trong Chương 4, có một danh sách các mục tiêu với các cấp độ khác nhau sẽ thúc đẩy bạn cố gắng nỗ lực để về đích, dù rằng tới một lúc nào đó trong cuộc đua, bạn nhận thấy rằng mình không thể đạt tới mục tiêu cao nhất.

Ở Boston, tôi đã đạt được mục tiêu cao nhất: Tôi đã chiến thắng. (Và đồng thời lập kỷ lục cá nhân, đây là một phần thưởng phụ không tồi). Đạt được mục tiêu tối thượng là hiếm hoi – nếu như bạn thường xuyên làm được, thì bạn nên đặt ra các mục tiêu khó khăn hơn! Nhưng không đạt được mục tiêu cao nhất cũng không nên là lý do để thất vọng. Điều đó nên cho bạn niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng, và có thêm thông tin để biết cách tiến lên. Tôi sẽ chia sẻ một vài ví dụ để bạn thấy được điều tôi muốn nói.

Tôi đã về nhì ở giải New York City Marathon 2004 và thứ ba ở giải này vào năm 2005. Chính lần về vị trí thứ ba chứ không phải lần về nhì cho tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ chiến thắng ở giải này. Dù sao đi nữa, năm 2004, khi vừa giành huy chương bạc ở cự ly Marathon Olympic 3 tháng trước đó, tôi đang ở phong độ tốt nhất. Tôi sẽ rất thất vọng nếu không được lên bục nhận giải ngày hôm ấy.

Cuộc đua năm 2005 thì khác. Tôi bị rách cơ tứ đầu đùi trong cuộc đua 10.000 mét tại giải vô địch thế giới vào tháng Tám năm đó, 3 tháng trước khi diễn ra giải marathon. Việc tập luyện của tôi khác xa mức tối ưu. Nhưng tôi vẫn chạy ngang bằng với nhà đương kim vô địch, Hendrick Ramaala, và người giữ kể lục thế giới, Paul Tergat, cho tới khi chỉ còn 2 dặm nữa là tới đích. Điều đó cho tôi sự tự tin, rằng nếu tôi tiếp tục luyện tập chăm chỉ, và giữ lòng tin, tôi có thể chiến thắng ở New York. Phải mất thêm 4 năm nữa, nhưng cuối cùng tôi cũng đã trở thành nhà vô địch giải New York City Marathon năm 2009, chiến thắng đầu tiên của tôi ở cự ly marathon.

Một ví dụ khác: nội dung Marathon ở Olympic 2012, tôi về thứ tư. Tôi biết một số người nghĩ rằng, “Ôi, gã tội nghiệp, chỉ thiếu một hạng để đạt được huy chương, thứ hạng về đích tệ nhất trong các kỳ Olympic.” Nhưng với những gì xảy ra cho tôi trước và trong cuộc đua này (xem Chương 4 để biết thêm chi tiết), thì đó là một kết quả tuyệt vời. Lúc đó tôi đã 37 tuổi, nhưng tôi đạt vị trí thứ tư thế giới. Điều đó cho tôi hy vọng, rằng những ngày tháng là vận động viên đẳng cấp thế giới của tôi còn lâu mới kết thúc. Tôi biết rằng nếu như có thể điều chỉnh việc luyện tập của mình bù cho việc tôi lớn tuổi hơn hầu hết các đối thủ, thì vào một ngày nào đó, tôi có thể về nhất. Về đích ở vị trí thứ tư ngày hôm đó vào năm 2012 giúp tôi chuẩn bị cả về tinh thần và thể chất cho chiến thắng ở Boston năm 2014.

Các cuộc đua trước của tôi ở Boston cũng giúp tôi chiến thắng năm 2014. Năm 2006, tôi chạy rất hăng ngay từ khi xuất phát, qua ngưỡng nửa đường với thời gian 1:02:44, là mức thấp hơn nhiều so với tốc độ kỷ lục của đường đua này vào thời điểm đó. Tôi bị “đụng tường” nặng nề và về thứ ba với thời gian 2:09:56. Năm 2010, tôi bắt đầu cảm thấy bị căng và nhói cơ tứ đầu vào khoảng dặm thứ 17 và phải chậm lại. Tôi kết thúc ở vị trí thứ năm với thời gian 2:09:26, với vết rách ở cơ tứ đầu chân trái. Tôi đã cố gắng hết sức và cảm thấy thất vọng vì mình đã không giành chiến thắng. Tôi cảm thấy mình đã làm nhiều người thất vọng và bắt đầu khóc khi đi qua lều y tế. Trong đáy lòng, tôi biết mình đã hết mình trên đường chạy.

Mặt khác, một số người có thể đã nói rằng, “Anh ta về thứ ba, rồi sau đó về thứ năm – anh ta không có cơ hội để giành chiến thắng giải này.” Tôi lại có cách suy nghĩ khác: Nếu như tôi chuẩn bị đầy đủ và mọi việc diễn ra ổn thoả vào ngày chạy đua, thì tôi sẽ có cơ hội thắng cuộc.

Một phần suy nghĩ ấy bắt nguồn từ thực tế là trong hai giải đua đó, nhà vô địch đều phá kỷ lục của đường đua. Năm 2010, người về nhất, Robert K. Cheruiyot, đã nâng kỷ lục đường đua này từ 2:07:14 (xác lập năm 2006 bởi một người khác cũng tên là Robert Cheruiyot) lên 2:05:50. Tôi tham dự cuộc đua năm 2010 với kỷ lục cá nhân là 2:09:15. Sau đó, tôi tự nhủ, “Cũng tốt cho Cheruiyot. Anh ta chạy nhanh hơn mức bất kỳ ai từng làm được đến hẳn một phút rưỡi.” Tôi đã sẵn sàng cạnh tranh để giành chiến thắng, nhưng không phải để đạt được thành tích 2:05, do đó tôi không thể để điều đó ảnh hưởng đến việc tự đánh giá thành tích của bản thân. Tôi đã tiến bộ trên đường đua Boston – nhanh hơn 30 giây so với 2006 – mặc dù tôi gặp phải vấn đề với cơ tứ đầu trong khoảng một phần ba cuối cuộc đua. Năm 2006 tôi đã không đủ kiên nhẫn trong nửa đầu cuộc đua. Tôi biết vẫn còn nhiều cơ hội tiến bộ trong việc nắm rõ đường đua Boston và các đối thủ của mình. Lòng tin của tôi được đền đáp xứng đáng 4 năm sau đó, khi tôi về nhất tại Boston với thời gian 2:08:37, thành tích nhanh nhất của tôi ở cự ly marathon, và trên một đường đua khó khăn, khi tôi đã gần 39 tuổi.

Cũng như marathon là sự kiên trì, thì cuộc sống là vượt qua các trở ngại và nhẫn nại. Marathon và các thành công khác dạy chúng ta về phần thưởng bị trì hoãn. Hành trình nỗ lực đó đôi khi sẽ khiến chúng ta thấy được những điều tôt đẹp nhất ở chính bản thân mình. Bắt đầu với từng bước chân, rồi từng dặm một, và bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình có thể đi xa tới đâu.

Tôi tin vào điều mà huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại John Wooden viết trong cuốn sách “Kim tự tháp thành công của Huấn luyện viên Wooden”. Wooden nói rằng thành công là sự bình thản trong tâm trí, biết rằng bạn đã làm hết sức mình. Còn nếu như bạn đã làm hết sức khi nỗ lực hướng tới mục tiêu của mình và vững tâm khi trong việc theo đuổi mục tiêu đó, thì bạn phải thấy hài lòng, kể cả khi kết quả chưa đạt được tới mục tiêu tối thượng. Như tôi vẫn thường nói, bạn có thể nhắm tới những vì sao, nhưng hạ cánh trên một đám mây cũng không tồi chút nào.

NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN TRONG CÁCH SUY NGHĨ

  • Hãy đặt ra những mục tiêu có ý nghĩa cá nhân để định hướng việc chạy của bạn.
  • Hãy tìm ra những mục tiêu có tính thử thách nhưng vẫn thực tế.
  • Hãy cam kết đối với các mục tiêu bằng cách thường xuyên đưa ra các quyết định đúng.
  • Hãy chia sẻ các mục tiêu của mình với bạn bè và gia đình, những người sẽ ủng hộ và giúp bạn giữ sự nghiêm túc.
  • Hãy coi một mục tiêu không đạt được như một bài học kinh nghiệm.
  • Đừng đặt ra các mục tiêu quá mập mờ hoặc quá dễ dàng, không thể tạo động lực cho bạn.
  • Đừng để người khác đặt ra các mục tiêu cho mình.
  • Đừng đặt các mục tiêu vượt quá xa năng lực của bản thân.
  • Đừng nghĩ các mục tiêu chạy bộ phải gắn liền với sự cạnh tranh.
  • Đừng tự dày vò bản thân khi bạn không đạt được mục tiêu.

 

Chương I: Nghĩ như Meb

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares