Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: Tại sao tôi chạy Ultra Trail de Mont Blanc?

Chay365 – Năm 2017, anh Vũ Văn Thịnh là người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành UTMB với thời gian gần 44 giờ đồng hồ. Chỉ cần tập đúng cách thì bất cứ ai không bị khiếm khuyết cơ thể đều có thể hoàn thành UTMB, anh Thịnh chia sẻ.

Chay365  xin đăng lại bài viết của ultra runner Thịnh ghi lại hành trình từ “tấm chiếu mới”, thuở còn coi mấy người chạy bộ là không bình thường cho đến khi anh cán đích UTMB tại Chamonix. Những suy nghĩ, trải nghiệm của anh Thịnh trước, trong và sau cuộc đua có thể sẽ mang lại chút cảm hứng và thông tin hữu ích cho các độc giả Chay365, những người muốn chinh phục UTMB, một trong những giải chạy ultra trail lớn nhất, hấp dẫn nhất thế giới vào một ngày nào đó…

Phần 1: Tại Sao Tôi Chạy UTMB

5 cuộc chạy khác nhau trong tuần lễ UTMB. Đường chạy qua 3 nước Pháp, Ý và Thuỵ Sỹ. Tổng cộng 8000 vận động viên đến từ 92 nước tham gia.

Sau khi kết thúc UTMB 2017, có những người bạn Pháp hỏi mình xem có viết về cuộc chạy đình đám nhất thế giới trail không? Mình trả lời là có, nhưng…viết bằng tiếng Việt. Bạn lại gợi ý mình là sao không viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để có nhiều người có thể đọc. Mình cám ơn gợi ý của bạn và trả lời ngắn gọn: mình là người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành UTMB, vậy nên mình muốn mang UTMB đến với người Việt Nam một cách thân thiện, trung thực và đơn giản nhất có thể. Mình cũng nói với bạn là đa số người Việt không hiểu tiếng Pháp và có rất nhiều người không hiểu tiếng Anh; vậy nên mình chọn tiếng Việt.

Đa số cho rằng phải là những người khác thường mới hoàn thành được UTMB. Mình khẳng định 100% không phải thế! Tất cả những ai không bị khiếm khuyết cơ thể đều có thể hoàn thành các cuộc chạy như UTMB hoặc khó hơn nữa nếu có ý chí và làm đúng cách.

Điểm bắt đầu và kết thúc UTMB ở trung tâm Chamonix

Chuyện bắt đầu vào tháng 9/2013. Khi đó mình chợt nhận ra một điều chưa bao giờ tưởng tượng ra: 70kg không mặc quần áo (chính xác là 69.5) cho chiều cao 164cm.

Với cân nặng như thế, đúng là trông có vẻ bệ vệ theo quan niệm của người Việt mình. Nhưng thực tế mình phải đối mặt với chuyện thường xuyên ốm vặt, khó ngủ, ngủ không ngon, ngủ nhiều và luôn thấy thiếu ngủ, luôn mệt mỏi,… Tóm lại là ngoài cái lợi hão ra thì toàn là những điều bất hạnh. Mình tự nhận thấy tuổi già đang đến dần. Có thể nói là đã nhìn thấy phần bắt đầu của sự kết thúc. Tật bi đát lúc đó mình mới 39.5 tuổi.

Chẳng nhẽ đã đến lúc mình không tự lo được sức khỏe và sự vui vẻ cho mình rồi sao?! Nếu vậy làm sao mình lo được những điều tưởng chừng đơn giản cho gia đình đây? Vốn không chấp nhận thực tại xấu trong khi tự nhận thấy có khả năng thay đổi: mình đã ra một quyết định có thể nói là tạo ra thay đổi lớn trong cuộc đời mặc dù mình đã đi quá nửa quãng đường trời cho: khởi động lại hoạt động thể thao.

Nói là khởi động lại, tại vì ngày xửa ngày xưa khi còn trẻ, mình cũng rất chịu khó tập thể thao. Nhưng bẵng đi một thời gian khoảng chục năm cái khái niệm tập thể thao thật xa vời với mình. Ví dụ như mình bảo mấy anh bạn đi chạy bộ là không bình thường. Thực ra là dùng từ điên cơ, nhưng nói vậy cho nhẹ. Chơi môn gì để có thể đáp ứng khá nhiều ràng buộc: thời gian với gia đình, thời gian cho công việc, không tốn kém và phải độc lập. Cuối cùng thấy môn chạy bộ phù hợp với các điều kiện này và có thể làm mọi lúc mọi nơi.

Vào một ngày cuối tháng 9/2013, mình chạy buổi đầu tiên. Lôi một đôi giầy tennis ra để hành sự. Trong lòng vẫn hồi tưởng lại cái thời 15 năm trước, mỗi buổi sáng chạy bằng giày Bata tận 1h30′ rồi về đi làm ở Hà Nội. Nhưng “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”! Vừa cất bước chân lên được 1 phút đã thấy hết hơi, thở không được, nói gì đến chạy.

Kết quả UTMB qua những con số: Tỉ lệ DNF cao “đi dễ khó về”

1001 điều cần biết về UTMB Mont Blanc – giải ultra trail lớn nhất thế giới

Runner Hà thành chạy 160km trên máy treadmill để xem UTMB cho…phê

Không thể chấp nhận sự thật phũ phàng. Mình nhận thấy là thiếu phương pháp. Nói nôm na là dốt. Đã dốt thì phải học. Vốn xuất thân dân nghiên cứu, vậy nên cách học tốt nhất là tự học. Công cuộc đào bới Internet bắt đầu. Thế rồi một ngày đẹp trời mới ngộ ra một điều là lúc đầu tiên cần chạy xen lẫn đi bộ nhanh cho dễ.

Buổi chạy thứ hai, tiến bộ hơn rất nhiều: 30 phút, 1 phút chạy, 5 phút đi bộ – quả là thành tích đáng kể. Buổi thứ 3: 45 phút, 2 phút chạy, 4 phút đi bộ nhanh… Thật bất ngờ: buổi thứ 5 đã có thể chạy 5 phút, đi bộ 1 phút… Và đến một ngày cuối tháng 10 (sau một tháng) đã có thể chạy 3 vòng hồ công viên Sceaux ở gần nhà – 9km liên tục.

Rất đều đặn, một tuần đi làm về, chạy hai buổi chiều tối và một buổi vào cuối tuần. Mục đích khi đó là mỗi tuần phải tăng thêm 1km độ dài.

Lúc này đôi giày tennis tỏ ra hoàn toàn không phù hợp nữa. Vậy nên quyết định mua giày chạy đầu tiên được thực hiện. Một đôi giày hẳn 45 Euros (khoảng hơn 1 triệu VNĐ) với ý định sử dụng trong vài năm 😉

Ngày ấy trong hội bạn bè, có một anh chuyên chạy marathon. Có mấy người nữa chuyên chạy ½ marathon. Ngưỡng mộ các bạn ấy vô cùng. Nên mục tiêu mới được đặt ra: chạy half marathon của Paris vào tháng 03/2014. Thế mà 4 năm sau, mục tiêu này vẫn chưa được thực hiện! Lý do thật thật đơn giản: vào một ngày cuối 02/2014, vui chân thế quái nào lại đi chạy một mạch 30km vào một buổi tập. Thế là cảm thấy half marathon ngắn quá.

Mục tiêu tiếp theo đã xác định: Marathon de Paris 04/2015. Nhưng lại cũng như lần trước – chưa bao giờ mình tham gia chạy marathon; vì trong năm 2014 rất đều đặn một buổi 30-35km/2 tuần. Với cường độ như thế, hoàn thành một Marathon không phải là điều khó khăn – nên mất hứng với marathon! Đành đi tìm điều gì đó hấp dẫn hơn.

Sau một năm chạy; đã hiểu ra sự ngộ nhận đầu tiên – đôi giày đã đến lúc nghỉ hưu. Một đôi khác được rước về với giá gấp đôi để thay thế. Lần này rút kinh nghiệm, không đặt mục tiêu sử dụng dài như trước.

Cuộc đời chạy bộ vẫn cứ êm ả cho tới khoảng tháng 10/2014. Có một anh bạn người Úc làm cùng nhóm kể rằng anh ấy có một anh bạn vừa chạy cái gì gì đó ở khu vực ngọn núi Mont-Blanc (ngọn núi quanh năm phủ tuyết trắng, cao nhất của Châu Âu, 4884m) tận 160km. Rằng anh ấy chạy xong về thâm tím hết các ngón chân,… nghe chưa hết đã ù tai luôn. Nên mới không viết lại được hết những gì anh ấy kể.

Bài liên quan:

Ultra runner nữ 9X người Việt từng chạy 160km chia sẻ trải nghiệm bị Covid “quật”

Jim Walmsley – nhà vô địch giải Western States 100 năm 2021 chia sẻ kinh nghiệm chạy trời nóng trong cuộc đua địa hình

Liệu chị em có thể “chén” anh em ở cự ly siêu dài không?

Quá ấn tượng với câu chuyện UTMB. Ngay tối hôm đó, trong bữa tối, kể ngay với vợ con. Ông con khi đó 17 tuổi phán một câu: bố có nghĩ là một ngày nào đó bố cũng chạy được như thế không? Nghĩ ngợi một phút. Trả lời con trai yêu: sao lại không? Nếu tập đúng cách thì có thể được chứ! Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy ngày đó nói với con liều thật.

Hồi đó vẫn mơ hồ lắm. Cứ nghĩ là chạy 160km, chậm lắm cũng phải 8km/h; hết 20h là cùng. Định năm 2015 chạy luôn để chứng minh với con trai về chân lý nếu tập đúng cách thì có thể được nhân dịp con 18 tuổi.

Với mục đích cao cả như thế sẽ phải tìm hiểu kỹ. Sau một hồi đọc thấy hoa mắt luôn.

Cái cuộc chạy đó có tên UTMB (Ultra Trail de Mont Blanc).

  • Trail: cuộc chạy trong môi trường tự nhiên – chủ yếu ở trên núi. Đường chạy trail được đánh dấu bằng vạch sơn hoặc các lá cờ nhỏ ở dưới đất, trên cây hoặc trên các bức tường ở cạnh đường chạy.
  • Trail có một số điểm bị hạn chế thời gian. Các điểm cày gọi là các Check Point (CP). Hiểu một cách nôm na là cần qua các CP không muộn hơn giờ đã được quy định bởi ban tổ chức (BTC). Ai vi phạm sẽ bị loại ngay lập tức. Điểm cuối cùng của đường chạy cũng là một CP.
  • Ba đặc điểm chính của trail: độ dài, tổng độ lệch và thời gian tối đa để hoàn thành. Ví dụ: lên 100m, xuống 200m, lên 300m, xuống 50m; tổng độ lệch lên (ký hiệu D+) = 100+300 = 400m và tổng độ lệch xuống (ký hiệu D-) = 200+50 = 250m. Các trail làm thành một vòng có D+ = D-. Trong trường hợp này chỉ cần nói tổng độ lệch là đủ. Thời gian tối đa chính là thời gian được quy định ở CP cuối cùng.
  • Ultra Trail: trail dài hơn 50km.
  • Mỗi trail được đánh giá độ bền và tương ứng với một điểm số từ 1 tới 6. Và độ khó từ 1 tới 15.
  • UTMB chạy một vòng quanh vùng núi Mont Blanc trong dãy Alpes (An-Pơ):
    + 160-170km (tuỳ năm).
    + Tổng độ lệch 10km.
    + Thời gian hạn chế: 46h30′.
    + Tỷ lệ về đích hàng năm: 60-70%.
    + Điều kiện để được tham gia: trong hai năm cuối có 15 điểm trong 3 trails; tương đương với việc phải hoàn thành 3 trails, mỗi trail khoảng 100km với 5km độ lệch.

UTMB dài 170km qua Pháp, Ý và Thuỵ Sỹ, bao quanh dãy núi Mont-Blanc

Tổng độ lệch 10km với những dốc cao và dài

Hiểu ra một điều, có cố thì cũng không thể chạy UTMB 2015 bởi vì người ta không thể bắt 9 người phụ nữ sinh ra một em bé trong vòng 1 tháng! Với khó khăn như thế, phải có sự luyện tập đúng cách mới có thể thực hiện được lời nói với con trai yêu.

Đọc tiếp Phần 2: Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: “Chỉ có bọn điên mới chạy như thế”

 

Ultra runner Vũ Văn Thịnh

Ultra runner Vũ Văn Thịnh

(*) Tiêu đề do Chay365 đặt, tất cả ảnh do tác giả cung cấp

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares