Chay365 – Năm 2017, anh Vũ Văn Thịnh là người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành UTMB với thời gian gần 44 giờ đồng hồ. Chỉ cần tập đúng cách thì bất cứ ai không bị khiếm khuyết cơ thể đều có thể hoàn thành UTMB, anh Thịnh chia sẻ.
Chay365 xin đăng lại bài viết của ultra runner Thịnh ghi lại hành trình từ “tấm chiếu mới”, thuở còn coi mấy người chạy bộ là không bình thường cho đến khi anh cán đích UTMB tại Chamonix. Những suy nghĩ, trải nghiệm của anh Thịnh trước, trong và sau cuộc đua có thể sẽ mang lại chút cảm hứng và thông tin hữu ích cho các độc giả Chay365, những người muốn chinh phục UTMB, một trong những giải chạy ultra trail lớn nhất, hấp dẫn nhất thế giới vào một ngày nào đó…
Đọc phần trước (P5): Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: “Sự điên loạn” ở La Fouly và lời đề nghị bất ngờ trong đêm
Phần 1: Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: Tại sao tôi chạy Ultra Trail de Mont Blanc?
Điểm dừng chân Champex nằm trong một khu trượt tuyết nhỏ. La Fouly – Champex, 13.6km/594mD+/718mD-. Đường dốc nhẹ xuống với một vài dốc lên rất nhẹ trong vòng hơn 12km đầu cho tới Issert. Chủ yếu chạy trên đường nhựa và bờ cỏ ven sườn núi. Đoạn này có thể tăng tốc để tiết kiệm thời gian; nhưng Dennis mệt quá; nên mình nhẩn nha đợi anh ấy. Một cái dốc chừng 1.2km/550mD+ (45%) để kết thúc quãng đường này. Đoạn này dốc với nền đất dẻo quẹo và rất trơn. Khi cách Champex chừng 300m; gặp hai cái ghế băng bằng gỗ thông – loại ghế đặc trưng ở đường mòn quanh làng để người đi dạo bộ ngồi nghỉ ngắm cảnh. Dennis nói cần phải nghỉ một lúc. Anh ấy nằm xuống một ghế; mình ngồi ở chiếc kia. Ngả lưng vào thành ghế, thả lỏng, ngửa mặt lên trời hứng từng đợt khí lạnh rơi từ trên xuống mang lẫn mùi hương thơm hắc nhè nhẹ của lá thông. Sau trận mưa, không khí sạch, trong vắt để lộ ra một bầu trời đầy sao long lanh. Mình đặt báo thức để nghỉ 10 phút. Không ngủ, nhưng thả lỏng mọi thứ. Thả mình vào thiên nhiên ở trạng thái thảnh thơi, nghỉ hoàn toàn.
Hết 10 phút, chuông báo thức của điện thoại reo. Mình và Dennis lại đi tiếp để tới trạm Champex. Chỉ còn vài trăm mét và khoảng 150 mét độ lệch lên. Tới nơi đúng 0h30; có 1h30 phút trước thời gian hạn chế. Xếp thứ 1581. Trạm Champex cũng là một cái lều bạt to tướng ở một bãi đỗ xe gần hồ Champex. Không khí náo nhiệt như các trạm khác. Lặp lại các việc như lúc trước. Mình và anh bạn Dennis ngồi gục xuống mặt bàn chừng 10 phút để nghỉ. Trước khi đi, cả hai đều xem lại biểu đồ độ cao và ước lượng thời gian. Còn lại 15h30 phút để qua 48km/2814mD+/3253mD-. Còn 3 cái dốc nữa để tới Trient, Vallocine và Chamonix. Đây là UTMB thứ 5 của anh bạn Dennis. Anh ấy nói rất chắc: cần 3h để đi qua mỗi chặng. Như vậy cần khoảng 9h để tới Chamonix – tầm 10h là bọn mình sẽ tới đích. Nghe anh ấy nói rất lạc quan trong vẻ mặt mệt mỏi 😉 Mình chỉ mỉm cười và nói với anh ấy là cần cộng thêm chừng 30% thời gian nữa.
Khi đi ra cửa, mình thấy một cô gái châu Á nói “em chào anh, chúc anh chạy tốt”. Mình cám ơn rồi đi tiếp; cũng không kịp hỏi han. Sau này mình biết đấy là em Duyên – đội support của em Thanh Vũ. Cám ơn em Duyên đã chúc.
1001 điều cần biết về UTMB Mont Blanc – giải ultra trail lớn nhất thế giới
Kết quả UTMB qua những con số: Tỉ lệ DNF cao “đi dễ khó về””
Ra khỏi trạm Champex; dưới không khí mát mẻ quyện lẫn mùi khói của lò sưởi củi từ những ngôi nhà bên cạnh bốc ra – thật quyến rũ. Nhớ những buổi tối quây quần bên lò sưởi củi cùng ba mẹ con lắm lắm 😉 Đường lượn quanh hồ Champex phẳng lặng. Chỉ 2 tháng sau, mặt hồ sẽ thành một sân băng mênh mông. Đêm nay, dưới ánh sáng nhẹ nhàng của những ngọn đèn đường, dưới làn sương nhè nhẹ mát lạnh; nhìn mặt hồ thật thơ mộng với lá vàng, lá đỏ bao quanh. Những hình ảnh của 25 năm trước nắm tay em yêu đi dạo quanh hồ Gươm dưới trời Thu/Đông Hà Nội lại dồn dập chạy tới. Đường lúc lên, lúc xuống nhẹ nhàng qua vài con phố nhỏ rồi len lỏi trong rừng thông thật bình yên trong 4.8km tới Plan de L’Au.
Qua Plan de l’Au bắt đầu một cái dốc đứng để vượt qua đèo La Giète sang Trient. Đường lên La Giète ngoằn ngoèo giữa những rặng thông và bãi đá hộc. Có những chỗ đi qua khe núi, nhìn thẳng xuống dưới thấy cả đoàn đèn rồng rắn di chuyển. Anh bạn Dennis rất mệt và buồn ngủ. Phải dừng lại hai lần để anh ấy nghỉ. Mình tranh thủ lúc dừng nghỉ ngắm trời. Bầu trời tối đen. Cái màu đen thuần khiết, trong trẻo của buổi đêm trên núi. Những vì sao sáng lung linh trên nền trời đen. Nhớ về ngày xưa còn bé sống ở quê; đêm hè nằm giữa sân ngắm sao với bố. Bây giờ mình ngắm sao, nhưng bố ở cách tận hơn chục nghìn km. Khi mình bé; bố ở bên giải thích cho mình các vì sao mà bố biết. Nhưng đến khi mình lớn, lại không có điều kiện để làm thế với bố. Tới La Giète lúc 4h13. Hết 3h13 phút để qua 11.4km/1196mD+/786mD- từ Champex.
Ở La Giète không có gì ngoài hai TNV cao lớn cầm máy ghi thời gian của các VĐV trong một cái xưởng cũ. Nói không có gì là hơi điêu; vì vẫn có một khay pho mát địa phương to tướng để mọi người bốc ăn. Không có nước và các thứ khác. Anh bạn Dennis có vẻ rất mệt và buồn ngủ. Định ngồi trong xưởng ngủ một lúc; nhưng không được, do đây không phải là một trạm nghỉ. “Quẹt thẻ” xong; ra khỏi lều; đường bắt đầu dốc xuống nhanh. Đường toàn bùn dẻo quẹo. Có những chỗ tưởng như giày bị dính vào mặt đường.
Tới Trient lúc 5h28. Hết 1h15 phút để qua 4.8km/99mD+/672mD-. Có 2h32 phút trước thời gian hạn chế. Trạm nghỉ Trient nằm ở quảng trường trung tâm của xã – ngay gần nhà thờ. Trong lều, đông nghịt các VĐV. Có nhiều VĐV gục xuống bàn để nghỉ. 10 phút ngồi nghỉ hoàn toàn trước khi tới Champex khôi phục lại cho mình 100% sức lực. Không hề cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi. Đông người quá, không đủ mỳ cho tất cả các VĐV. Trong lúc đợi anh bạn Dennis nghỉ một lúc; mình nói chuyện với một vài TNV. Các bác chừng 55-60 tuổi, cả nam và nữ đến từ Pháp, Ý, Thuỵ Sỹ, Bỉ. Các TNV lớn tuổi không chạy; nhưng nói là rất hâm mộ các VĐV nên đến để ủng hộ. Mọi người cũng thức cả đêm để phục vụ các VĐV.
Thời gian dừng ở Trient khoảng 30 phút tất cả. Mình gọi anh bạn Dennis để đi tiếp. Anh ấy nói đã đỡ hơn và lôi mấy gói bột ra hoà nước để cho vào các chai mang đi. Tại các điểm nghỉ; mình dừng lại để ăn đầy đủ mọi thứ; anh bạn Dennis và nhiều người không ăn mà chỉ nghỉ rồi hoà bột mang đi uống. Đi ra mấy phút; bắt đầu vào tới cửa rừng mình nghe thấy chuông nhà thờ báo hiệu 6h sáng. Xa xa, phía bên kia đỉnh núi le lói ánh hồng của mặt trời sáng Thu. Trời sáng dần; các VĐV tắt dần đèn. Cả hai dừng lại vài lần để chụp ảnh. Mont-Blanc dưới nắng sớm thật đẹp.
Cần qua đèo La Catogne – 2050 mét. Bên kia là Vallorcine – Pháp. Tới đỉnh đèo, bên kia của thung lũng là hồ Emosson. Mặt hồ long lanh dưới ánh nắng sớm. Vài mảnh mây trắng chậm chạp qua hồ như những VĐV đang bước những bước chân nặng nề lên dốc 😉 Xa xa, dưới thung lũng là đường tàu nối Vallorcine-Trient có từ xưa, uốn lượn giữa các quả núi và rừng thông. Quang cảnh nơi đây gợi lại cho mình những hình ảnh trong truyện Andersen nói về những người vượt Alpes. Mình đã lên đỉnh rồi, bây giờ chỉ còn xuống thôi 😉 Đường xuống nằm ở phía Tây của đỉnh núi, trong bóng râm của sáng sớm. Nhiệt độ dưới 0 độ, gió nhẹ thổi trên sườn núi mang đến cái lạnh tê tái. Chạy thì không sao; nhưng dừng lại là run.
Đang chầm chậm chạy xuống ngay sau anh bạn Dennis; mình thấy anh ấy “ớ ớ ớ” và chao đảo định đổ ra phía ngoài sườn núi. Mình lao lên đẩy anh ấy vào bên trong. Được một pha vãi… hết mọi thứ. Để anh ấy ngồi xuống một tảng đá lớn; mình hỏi anh ấy xem có đi tiếp được không? Có cần gọi cứu hộ hay cần gì không. Anh ấy nói buồn ngủ quá; rất mệt. Cần ngủ một tý. Mình bảo là không thể ngủ ở đây được; vì ở đây là trên sườn núi rất lạnh. Cần phải xuống thấp hơn hoặc tìm chỗ kín gió. Ngồi 2 phút; lạnh run cầm cập. Dennis đứng dậy xuống tiếp. Được chừng 10 phút; Dennis lại nghiêng ngả. Gần đó có một tảng đá lớn khuất sau một lùm cây. Quyết định dừng lại để Dennis nghỉ 10 phút. Mình nói với anh ấy là cứ nằm ngủ đi, mình sẽ ngồi đợi và gọi dậy. Được khoảng 3 phút; mình run cầm cập. Nhìn anh ấy đang co quắp run trên tảng đá. Khoảng 3 phút sau; mình phải đứng dậy nhảy nhảy cho đỡ lạnh. Nhìn Dennis, chân anh ấy giật giật vì lạnh quá. Khoảng 8 phút, Dennis không chịu được nữa và ngồi dậy. Mắt mở to nhìn xung quanh. Mình hỏi anh ấy thế nào; anh ấy bảo là cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Cả hai lại tiếp tục xuống núi. Đường dốc nhiều. Dennis càng ngày càng tỉnh và có thể tăng tốc dần dần. Về sau, mình biết em Thanh Vũ bỏ cuộc ở đoạn này sau khi đã vượt qua phần khó nhất của UTMB.
Ra khỏi Vallorcine là đoạn chán nhất của UTMB xét về kỹ thuật: 3.7km/208mD+/34mD- trên đường nhựa và sỏi tới đèo Montets. Đường quá bằng phẳng và trên nền cứng. Cũng là cơ hội tốt để hít khói ô tô 😉 Đổi lại; phong cảnh rất đẹp. Đường chạy nằm dưới thung lũng. Chạy về phía Nam và ở sườn núi bên trái. Bên trái đường chạy là Mont Blanc sừng sững với các đỉnh núi thấp hơn và các dòng sông băng ở bên cạnh. Bên phải là một dãy các đỉnh núi cao khác. Mỗi đỉnh núi ở đây đều có một câu chuyện đi cùng. Đường chạy ôm và xuyên qua những vạt rừng thông. Thông màu xanh xen kẽ với những cây màu vàng màu đỏ dưới nắng Thu rực rỡ. Mất chừng 1h để tới đèo Montets. Sau khi “quẹt thẻ” bắt đầu đi vào sườn núi bên phải của thung lũng.
Một căn lều nhỏ trên Alpes
Một vạt rừng thông rộng lớn ngay sau vài bước chân từ đường ô tô. Các cây thông lớn với rễ trồi trên mặt đất tạo thành các bậc thang. Đường chạy cũng là đường đi bộ trên núi (hiking) nên các rễ thông được mài nhẵn thín, rất trơn giống như mặt gỗ được quét véc-ni ở các đồ dùng cao cấp. Chỉ cần không để ý một cái là sẽ có những thứ “ra đi” và đừng nói chuyện về tới Chamonix.
Anh bạn Dennis đã được nghỉ ngơi và chuẩn bị dinh dưỡng ở Vallorcine đồng thời rất hưng phấn vì sắp về đích; nên đi rất tít. Mình nói với anh ấy: bây giờ anh khỏe rồi và chạy nhanh hơn tôi. Vậy anh cứ thoải mái về trước đi. Tôi sẽ về sau anh. Dennis tiến lên trước và về Chamonix trước mình 34 phút, xếp thứ 1208. Sau UTMB mình vẫn trao đổi với Dennis. Tại thời điểm đang viết những dòng này, mình biết anh ấy sẽ tham gia UTMB lần thứ 6 vào năm 2018 này…
Đọc phần sau (P7): Người Việt đầu tiên hoàn thành UTMB: Lời hẹn gặp ở Chamonix với con gái trước lễ khai giảng
(*) Tiêu đề do Chay365 đặt, ảnh do tác giả cung cấp
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.