Nhìn lại Surf City Marathon 2019

Surf City Marathon là giải đấu nằm trong hệ thống Beach Marathons, cùng với Orange County Marathon và Long Beach Marathon, chạy dọc bãi biển miền Nam tiểu bang California. Surf City Marathon diễn ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Hai, nghĩa là luôn trùng với Super Bowl – chung kết bóng bầu dục Hoa Kỳ. Năm nay lại càng đặc biệt vì Super Bowl là trận đấu giữa “gà nhà” Los Angeles Rams với “ông kẹ” New England Patriots. Chẳng thế mà trước giờ xuất phát, MC không quên nhắn nhủ vui các runners (đa số cổ vũ cho LA Rams) hãy hoà nhã khi chạy cùng những cổ động viên của Patriots. [Kết quả: New England bón hành cho LA với tỉ số 13-3].

Từ đầu tháng 12, mình sắp xếp được 5 buổi chạy đường dài 32km, với tốc độ khá cao (pace 4:15-4:30). Trong quá trình tập mình gặp 2 chấn thương. Một lần đau cơ bụng chân phải nghỉ 6 ngày, một lần đau cột sống thắt lưng trước ngày thi đấu 2 tuần, có lẽ do đeo áo chì quá nhiều khi đứng làm thủ thuật tim mạch.

2. Điều kiện thời tiết

Các giải năm trước có điều kiện chạy không thuận lợi lắm. Nhiệt độ trung bình khoảng 68ºF (20ºC), gió mạnh. Thành tích của người chạy không cao, sub3 có thể nằm trong top 10, tỉ lệ BQ cũng chỉ xấp xỉ 9%.

Có điều, năm nay rất đặc biệt vì mấy ngày trước giải khu vực Los Angeles liên tục mưa gió mịt mùng (mặc cho ai đó từng hát “It never rains in Southern California”). Runners khấp khởi vừa mừng (tiết trời sẽ mát), vừa lo (lỡ trời lại mưa lạnh như Boston 2018?)

Tối thứ Sáu, mình hạ cánh xuống sân bay LAX, mưa bụi giăng giăng, rất giống không khí dịp Tết Nguyên đán ở đồng bằng Bắc Bộ. Bạn bè nhắn cố gắng ngủ để tránh lệch múi giờ, nhưng thật sự ưu tiên hàng đầu của hai vợ chồng là làm sao để hai đứa bé ngủ ngoan và không quấy khóc. Hai đêm thứ Sáu và thứ Bảy mình ngủ rất ít, nằm nghe mưa gõ lộp độp trên mái nhà.

3. Expo

Khu Expo là một hệ thống lều bạt rộng đặt ngay tại khu đỗ xe của bãi biển Huntington. Expo đóng cửa lúc 4pm chiều thứ Bảy, 3:45 mình mới kịp ghé qua. Đây không phải Hà Nội nên ai cũng vội, ban tổ chức liên tục đi nhắc đóng quầy cho kịp giờ. Trước đó mình cứ đợi thư thông báo số bib, nhưng không có. Thay vào đó khi mình tới họ lấy một bib bất kỳ còn sót lại và dùng app trên điện thoại gán tên mình vào bib đó. Chỉ trong 10 giây là có số bib. Thêm 10 giây nữa lấy được áo chạy giải. Thủ tục rất đơn giản không phải ký tá lôi thôi gì. Tình nguyện viên gồm 2000 sinh viên đại học, cực kỳ dễ thương và chuyên nghiệp. Có lẽ chỉ giải chạy ở Việt Nam mới đủ độ “sang chảnh” để huy động runners gạo cội đi làm tình nguyện viên. Mình tranh thủ nhìn ngó và chụp hình expo, để còn học tập tổ chức, dịp khác sẽ chia sẻ kỹ hơn.

4. Ngày chạy giải

Trời mưa nhỏ. Gió từ biển thổi vào buốt cóng. Trước giờ xuất phát ban tổ chức có màn hát Quốc ca đầy cảm xúc. Lần đầu tiên mình nghe ca sĩ hát mộc bài Quốc ca Mỹ. Cả biển người đứng lặng im trong đêm lạnh, chỉ có tiếng sóng biển từ Thái Bình Dương rì rầm vọng lại.

Mình chọn một vị trí ở hàng đầu, đếm sơ sơ xung quanh có khoảng 20 đôi VaporFly đủ màu sắc. Khi xuất phát, mình cố gắng chạy chậm rãi. Hít thở đến căng lồng ngực không khí của giải chạy – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xa xa từng đợt sóng cao tung bọt trắng xoá. Đột nhiên không còn cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi vì jet lag, hayđau cột sống thắt lưng nữa. Lúc này mới cảm nhận rõ những gì Amby Burfoot viết, “One day, one race, one man against the distance” – “Một ngày, một cuộc đua, một người đối diện với quãng đường”. Mọi thứ dường như không còn gì quan trọng, chân mình di chuyển như trong một buổi chạy đường dài cuối tuần quen thuộc. “Carpe diem. Carpe viam”.

Dọc đường ban tổ chức bố trí khá nhiều điểm chơi nhạc, chủ yếu là rock, tiếng guitar điện loanh quanh 1km đã thấy văng vẳng. Đặc biệt đoạn chạy quanh công viên Pacific Coast còn có một dàn nhạc giao hưởng 50 người ngồi chơi ở giữa công viên, lúc nào cũng nghe tiếng nhạc.

Mình duy trì pace 4 qua các mốc 5km, 10k, 20km, 32km. Từ km số 26 bắt đầu vượt khá nhiều người, trong đó có nhà vô địch nữ. Nếu đúng tốc độ này mình có thể đạt mục tiêu A+ là 2:50. Tuy nhiên từ km số 34, tốc độ bỗng dưng sụt giảm thảm hại. Lại thêm đoạn đó chạy sát bờ biển, ngược gió. Gió biển quất vào người buốt cóng. Mình chạy chậm dần, bắt đầu bị vượt qua, phải chấp nhận từ bỏ cả mục tiêu A (2:55, đủ chuẩn chạy NYC Marathon.) Lúc này thì VaporFly 100% cũng không giúp được gì, đừng nói là VaporFly 4%. Mục đích duy nhất lúc đó là không dừng lại, không đi bộ, kiểm soát được tri giác và ý thức. Mặc dù chạy 32km đầu tiên chỉ mất 2 giờ 07, mình cần 53 phút để hoàn thành 10km cuối, chậm hơn vài giây so với mục tiêu B (sub3).

5. Sai lầm nằm ở đâu?

– Đầu tiên: khởi đầu quá nhanh. Lẽ ra nên kiên nhẫn hơn chạy pace 4:05-4:10. Hy vọng đây là lần cuối mình không đạt được negative split.

– Gió lạnh. Khi về đích mình được chẩn đoán hạ thân nhiệt (hypothermia). Galen Rupp hẳn là DNF rồi (just kidding!) Có lẽ cần sự chuẩn bị tốt hơn (mặc áo khoác và quần dài chẳng hạn), đặc biệt khi chạy những giải mưa gió nhiều (như Boston 2018, hay NYC 2017)

Gel: mình mang 4 gói gel, ăn một gói trước giờ xuất phát, sau đó cứ 45 phút 1 gói. Gói cuối cùng không kịp ăn vì tay tê cứng không móc gel ra được. Nếu ăn đủ gel có thể sẽ đủ năng lượng hơn.

– Thiếu ngủ: chắc chắn ít ngủ gây ảnh hưởng xấu tới kết quả thi đấu

– Đau cột sống thắt lưng suốt 2 tuần trước đó: làm core yếu đi

– Luyện tập chưa đủ: 5 buổi long run 32km là không đủ. Lý tưởng cần 10 buổi

Nói chung, khi đã biết trước các yếu điểm về luyện tập hay sức khoẻ, mà vẫn đặt mục tiêu cao để khởi đầu nhanh, thì dĩ nhiên phải trả giá. Đôi khi những trải nghiệm thất bại lại cho chúng ta các bài học giá trị không kém trải nghiệm thành công, nếu không muốn nói là hữu ích hơn.

Tổng kết

Surf City Marathon là một sự kiện tốt, đáng tham gia chạy. Không phải lúc nào mọi sự cũng diễn ra như chúng ta mong muốn. Đó là cái hay của thi đấu marathon, không chỉ đòi hỏi luyện tập kỹ cnafg mà cần sự linh hoạt điều chỉnh trong ngày thi đấu.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Nhìn lại Surf City Marathon 2019 […]

  • >
    0 Shares