“Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình và ký ức HCV marathon SEA Games

9 năm trôi qua, ký ức đẹp về tấm HCV marathon lại dội về trong tâm trí “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình khi Việt Nam trở thành chủ nhà tổ chức SEA Games lần thứ hai.

SEA Games 2013 tại Myanmar là một mốc son vinh quang của điền kinh Việt Nam nói chung và môn marathon nói riêng. Phạm Thị Bình, cô gái nhỏ nhắn người Quảng Ngãi, trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành tấm huy chương vàng (HCV) marathon, môn thể thao lâu đời có từ kỳ Olympic hiện đại đầu tiên năm 1896, tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Lịch thi đấu điền kinh SEA Games 31

Danh sách 227 VĐV phong trào tham gia chạy marathon SEA Games 31

Runner phong trào bất ngờ vượt VĐV chuyên nghiệp ở giải tuyển chọn marathon SEA Games 31

Đáng chú ý, Phạm Thị Bình không dùng giày mà chạy bằng đôi chân trần, lập kỷ lục quốc gia (2:45:34) trên đất Myanmar. Trước đó 2 năm, chân chạy sinh năm 1989 giành HCĐ marathon tại SEA Games 2011 trên đất Indonesia (2:48:43). Tấm HCV của Phạm Thị Bình rất đáng quý bởi lẽ từ đó đến nay, chưa có thêm VĐV marathon Việt Nam nào mang HCV về cho thể thao nước nhà.

“Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình tỏa sáng ở SEA Games 2013, giành HCV marathon đồng thời lập KLQG. Ảnh: NVCC

9 năm trôi qua, ký ức đẹp về tấm HCV marathon lại dội về trong tâm trí “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình khi Việt Nam trở thành chủ nhà tổ chức SEA Games lần thứ hai.

Trước khi Bình tham gia thi marathon SEA Games 2013 tại Myanmar, Việt Nam chưa có ai giành được HCV, Bình có cảm thấy áp lực không?

Tôi không cảm thấy áp lực khi đó, nhưng mục tiêu luôn khao khát đổi màu huy chương HCĐ SEA Games 2011 sang HCB và nếu được HCV thì quá tuyệt. Năm 2013 ước mơ của tôi đã toại nguyện.

Bình có thể kể lại cho những người yêu chạy bộ được biết diễn biến cuộc đua hôm đó?

Hôm thi đấu, thời tiết nắng, khí hậu khó chịu so với Việt Nam. Đường nhựa, nhưng có dốc. Vận động viên (VĐV) chạy xung quanh đồi nhỏ. 1 vòng có độ dài gần 5km. VĐV chạy 8 vòng như thế, xuất phát từ sân vận động ra đến vòng khoảng 1km và lúc về cũng khoảng 1km.

Chúng tôi cùng chạy đến mốc 25km thì tách tốp. Một VĐV bị đuối sức và nằm xuống. Tốp trên còn tôi và 2 VĐV của nước chủ nhà. Đến km37 thì 1 VĐV chủ nhà tụt lại. Cuộc đua giành tấm HCV còn lại tôi và 1 VĐV chủ nhà. Để thắng được VĐV Myanmar cần tính toán chiến thuật rất kỹ. Tôi may mắn có các phóng viên tác nghiệp hô hào cổ vũ. Còn khoảng 800m, một chú kêu “cố lên cháu ơi cách 5m rồi”. Lúc đó, tôi cố tăng tốc tiếp vào sân. Còn 400m, các VĐV vnam khởi động tại sân phụ thấy và cổ vũ “cố lên cách 100m rồi”, nên tôi đã cố gắng về đích như thế.

Phạm Thị Bình và đối thủ Myanmar trên đường đua SEA Games 2013. Ảnh: NVCC

Trên đường chạy gần 3 tiếng đồng hồ ở Myanmar, Bình có kịp suy nghĩ gì không?

Trên đường chạy mục tiêu duy nhất chỉ của tôi là chiến thắng bản thân, đổi màu huy chương.

Đối thủ là VĐV chủ nhà, tôi rất hiểu. Nếu VĐV không sử dụng doping thì khả năng HCV sẽ thuộc về tôi. Lý do đơn giản là trước thi đấu, tôi và tổ cự ly trung bình của cô Tâm có chuyến tập huấn hơn 1 tháng bên Trung Quốc. Trong thời gian này, nhóm VĐV marathon, trung bình, đi bộ của Myanmar cũng tập chung. Nhìn các bạn chạy, thử kiểm tra, tôi biết rất bình thường. Nhưng điều rất bất ngờ là các bạn Myanmar vào thi đấu chạy quá tốt so với khi tập.

Cảm xúc đầu tiên của Bình ngay khi cán đích là gì?

Khi tôi cán đích, cảm xúc gói gọn chỉ 2 từ hạnh phúc. Hạnh phúc vì mình là người đầu tiên giành HCV ở cự ly khắc nghiệt này tại SEA Games và thành tích bản thân đạt 2:45:34.

Việc tiếp nước, hỗ trợ của chủ nhà dành cho các VĐV marathon được bố trí như thế nào? 

Ban tổ chức (BTC) đã để sẵn bàn tiếp cố định theo vòng. VĐV nào muốn tiếp nước phải gởi trước đó cho BTC và để cố định.

Bị giẫm tuột giày, Đoàn Thu Hằng chạy chân đất “đòi lại” HCĐ 10.000m tưởng như đã mất

Việt Nam có bao nhiêu chân chạy marathon sub3?

Nữ 42 tuổi chạy marathon Sub3 để thi SEA Games Hà Nội

BTC SEA Games 2013 công bố thông tin đường chạy trước hôm thi đấu bao nhiêu ngày? 

BTC công bố đường chạy khi các trưởng đoàn họp chuyên môn. Tôi biết trước đó 2 ngày sau hôm họp chuyên môn. BTC có sắp xếp xe để chở các VĐV tham gia thi đấu đi xem đường, chỗ tiếp nước như thế nào.

Bình có được làm quen đường đua ở Myanmar trước không?

Tôi chưa bao giờ được làm quen với đường thi đấu cả, đường chạy cách xa khu làng VĐV ở. Hiện nay, tôi thấy các giải marathon ở Việt Nam được tổ chức rất bài bản.

Tôi vô tình phát hiện VĐV chủ nhà cách thời điểm thi đấu khoảng 15 ngày. Họ có thay đổi bài tập lên dốc và xuống nên tôi cũng đoán có dốc. HLV bổ sung thêm bài tập sức mạnh để có lực mà chạy cùng.

Phạm Thị Bình không còn “gót chân Asin” khi chạy chân đất. Ảnh: NVCC

Trước cuộc thi SEA Games 2013, Bình có chạy bằng giày ở giải nào đó không?

Tôi chưa chạy bằng giày để thi đấu ở bất kỳ giải nào cả. Bình thường, tôi tập chạy chậm, thả lỏng thì có mang giày. Nhưng khi tập bài, chạy pace (tốc độ) cao dưới 4:15/km là tôi không chạy được. Cổ chân cứng, đầu ngón chân chảy máu, hư hết. Gan bàn chân đau nhức, mồ hôi ra chân cứ nhích qua nhích lại rất khó chịu.

Bình có thể giới thiệu sơ qua cuộc sống và công việc hiện nay của Bình cho những người yêu chạy marathon được biết. Tình trạng sức khỏe của Bình hiện nay thế nào?

Tôi hiện đang huấn luyện đội trẻ và năng khiếu tại trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình tôi hiện có 2 cháu, cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi. Sức khoẻ của tôi hiện tại bình thường.

Cảm ơn Bình, chúc Bình sức khỏe để chạy thêm nhiều marathon nữa và tiếp tục cống hiến cho điền kinh Việt Nam.

(theo SEA Games 31)

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
>
0 Shares