Bảng cập nhật thành tích các VĐV marathon hàng đầu Việt Nam

Cộng đồng chạy bộ Việt Nam đang tiến dần đến mốc 100 người chạy marathon Sub3.

Nhóm chạy Thanh Ha Runners vừa cập nhật thành tích của các VĐV marathon sub3 ở  Việt Nam. Đây là một bảng thống kê công phu, và là đóng góp rất giá trị cho cộng đồng chạy bộ.

Mọi người quan tâm có thể truy cập bảng xếp hạng ở đây.

Bảng xếp hạng chỉ thống kê các chân chạy có thành tích marathon sub3,  với lấy kết quả lấy từ các giải đấu chính thức tại Việt Nam: VPHM / HBHM / VMHue / VMQN /VMHM / HCMCIM / SHCMCM / LBM / EPM / TPM /MKDM / QBDM / TNG / B3M / MDIM / DADS / CPJP / VATGT từ năm 2020 đến 2022. Đây đều là những giải đấu có cung đường chuẩn, tính giờ bằng chip time. Một số giải đấu có chứng nhận của AIMS.

Với tất cả sự trân trọng dành cho những người đã kỳ công xây dựng và cập nhật bảng thành tích marathon sub3 này, Chay365 xin có một số góp ý nhỏ, với hy vọng bảng xếp hạng sẽ hữu ích và thiết thực hơn:

1. Bảng xếp hạng Nam – Nữ thay vì phân chia Pro – Semi Pro

Phân chia hệ Chuyên nghiệp (Pro) và Phong trào (hay Bán chuyên – Semi Pro, như cách gọi của tác giả) có lẽ không phù hợp lắm.

Thứ nhất, rất khó định nghĩa thế nào là 1 VĐV chuyên nghiệp, hay VĐV phong trào. Như Phạm Thị Bình, người từng có mặt trong đội tuyển điền kinh Quốc gia và giành Huy chương Vàng ở Sea Games 27, giờ đây quay lại đăng ký thi đấu như một người đam mê chạy bộ, thì xếp vào nhóm “Chuyên nghiệp” hay “Phong trào”?

Thứ hai, thành tích của mỗi cá nhân quan trọng hơn xuất phát điểm. VĐV phong trào giờ đây luyện tập và đầu tư thời gian, giáo án,… không kém dân “chuyên nghiệp”. Chế độ dinh dưỡng hay trang thiết bị có khi còn tốt hơn. Các VĐV phong trào còn được những nhãn hàng mời làm KOL nhiều hơn dân tuyển. Nếu đưa tiêu chí “người chạy nhanh nhất” lên hàng đầu thì sự phân biệt chuyên nghiệp – phong trào không còn mấy ý nghĩa. Như giải Olympic Trials của Mỹ, cứ chạy đua và 3 người về đầu sẽ nhận được vé dự Olympic.

Thay vì phân chia chuyên nghiệp – phong trào, Chay365 đề xuất chỉ nên có 2 bảng xếp hạng: dành cho Nam và cho Nữ. Tiêu chí xếp hạng duy nhất là thành tích chạy marathon.

Nhóm thống kê cũng có thể đưa ra bảng xếp hạng Mixed cả nam lẫn nữ. Nhưng điều này có lẽ không nhiều ý nghĩa.

2. Bảng xếp hạng “All time” và bảng xếp hạng cập nhật từng năm

Để bảng xếp hạng có tính khách quan và giá trị nhất, các tác giả không nên giới hạn khung thời gian từ năm 2020 tới nay. Thay vì đó, nên chăng có 2 bảng xếp hạng cụ thể:

  • Bảng xếp hạng “All time”: lấy kết quả từ toàn bộ các giải đấu đã có
  • Bảng xếp hạng cập nhật từng năm

Với bảng xếp hạng “All time”: không dễ để đội ngũ thống kê có thể thống kê được toàn bộ thành tích ở những giải đấu trong quá khứ, chưa nói rằng những giải đấu đó liệu có đảm bảo tiêu chí cự ly chuẩn, tính giờ chuẩn hay không.

Vì vậy giải pháp hợp lý như sau: với các giải đấu trước năm 2020, runners tự gửi kết quả (link kết quả + tracklog strava), nhóm thống kê sẽ kiểm định kết quả đó có được chấp nhận không. Ví dụ, Cao Hà (người vắng bóng trong danh sách trên) có thể gửi kết quả ở giải Ha Long 2016 và giải Tien Phong Marathon 2016. Giải TPM 2016 đường chạy thiếu, do vậy đội ngũ biên tập sẽ không công nhận. Tuy nhiên với thành tích 2:53 ở Hạ Long 2016, Cao Hà xứng đáng có tên trong danh sách những chân chạy sub3 ở Việt Nam.

Việc này cũng giúp chúng ta ghi nhận được kỉ lục quốc gia marathon để có sự so sánh và đối chiếu. VD, Phạm Thị Bình với thành tích 2:45:54 ở Sea Games 27 hoàn toàn xứng đáng có thứ hạng cao hơn trong danh sách.

Bảng xếp hạng cập nhật từng năm sẽ chỉ lưu lại kết quả trong 12 tháng gần nhất, hoặc từ tháng 1 năm đó. Một VĐV chạy rất nhanh năm 2018 không có nghĩa là sẽ còn chạy nhanh trong năm 2022. Việc cập nhật này có thể tiến hành khá đơn giản.

Rõ ràng việc tạo bảng xếp hạng “All time” và cập nhật hàng năm sẽ tạo thêm gánh nặng cho nhóm thống kê, tuy nhiên nó cũng giúp bảng xếp hạng uy tín và có giá trị cao hơn.

Việt Nam có bao nhiêu chân chạy sub3

3. Thống kê thành tích từ các giải chạy ở nước ngoài

Với tiêu chí tìm ra những chân chạy Việt Nam xuất sắc nhất, không thể không tính tới thành tích ở các giải chạy nước ngoài, nhất là sau giai đoạn Covid, nhiều runners có thể ra nước ngoài thi đấu để tìm trải nghiệm mới hoặc kiếm PR từ các đường chạy “fast course” như Berlin Marathon.

Nữ runner Việt Nam sub 315 xếp hạng 79/1100 marathoner sub4 ở Hà Lan năm 2021

Runner Gốc Việt U50 Dính Covid Chạy Sub3 Marathon

Việc thống kê sẽ không dễ, do đó giải pháp là runners tự gửi kết quả cho nhóm biên tập, như Đỗ Trần Trung có thể gửi thành tích marathon sub3 ở Berlin 2019. Đa số các giải chạy quốc tế đều có chứng nhận AIMS, do vậy việc kiểm định khá đơn giản.

Điều này cũng giúp các VĐV có quốc tịch Việt Nam (hoặc runner gốc Việt) nhưng đang sinh sống ở nước ngoài có tên trong danh sách (nếu họ muốn).

Hy vọng rằng chúng ta sẽ có Bảng xếp hạng phản ánh chính xác những gương mặt xuất sắc nhất của marathon Việt Nam.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares