Ở kỳ trước, chúng ta đã cùng nhau tìm kiếm lời giải cho các vấn đề như nhịp tim khi nghỉ, nhịp tim tối đa khi tập luyện, chạy bộ khi bị cao huyết áp, hồi hộp trống ngực khi chạy, cơn đau ngực khi chạy. Trong kỳ này chúng ta tiếp tục với chủ đề về các vấn đề tim mạch trong chạy bộ. Nội dung chính của kỳ này xoay quanh các câu hỏi như tại sao ngón tay lại trắng bệch khi chạy vào mùa đông, giãn tĩnh mạch có nên chạy không, vừa hiến máu hôm trước hôm sau có nên chạy không, hàm lượng sắt trong máu và chạy bộ, nhồi máu cơ tim, ngừng tim khi chạy bộ…
HỎI: Khi chạy vào mùa đông, ngón tay của tôi rất lạnh và trắng bệch. Liệu có phải do máu tuần hoàn không tốt hay không?
TRẢ LỜI: Một phần là vậy và có vẻ giống Hội chứng Raynaud. Bình thường máu được lưu thông đến tay rất nhiều nhưng với người bị Hội chứng Raynaud, các mạch máu nhỏ ở ngón tay co thắt lại khi gặp lạnh, qua đó làm giảm lưu thông máu. Hiện tượng này có thể xảy ra ở đầu ngón chân, tai và mũi. Đây là hiện tượng khó chịu với các chân chạy, đặc biệt vào những tháng mùa đông vì ngoài việc ngón tay trở nên trắng bệch còn xuất hiện hiện tượng tê cứng khiến việc bấm đồng hồ hay thắt dây giày cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra còn có thể gặp phải tình trạng đau khi máu lưu thông trở lại ngón tay khi ấp lên. Việc tốt nhất cần làm là giữ tay cho ấm bằng cách đeo bao tay và đảm bảo cả cơ thể được giữ ấm.
HỎI: Tôi có thể tập thể thao nếu bị giãn tĩnh mạch không?
TRẢ LỜI: Giãn tĩnh mạch là hiện tượng tĩnh mạch dưới bề mặt da phình to lên. Tĩnh mạch có thể thẳng, ngoằn nghèo, hẹp hoặc rộng và có màu xanh thẫm. Bình thường sẽ không có triệu chứng gì nhưng đôi khi có thể gây đau, ngứa hoặc thậm chí chảy máu. Giãn tĩnh mạch xảy ra khi máu dồn lại trong tĩnh mạch. Hiện tượng này gây ra do giảm chức năng của các van phía trong tĩnh mạch có chức năng ngăn máu lưu thông ngược. Các van này yếu dần theo độ tuổi nhưng việc thừa cân hoặc đứng quá lâu cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Sự thay đổi hooc-môn nữ trong thai kỳ và hậu mãn kinh cũng có thể khiến thành tĩnh mạch giãn và phình lên. Ngoài ra, giãn tĩnh mạch cũng có yếu tố di truyền.
Tập luyện thể thao giúp chúng ta giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch và dù có bị chúng ta cũng không nên dừng việc tập luyện. Tập luyện thường xuyên là một phần quan trọng trong chế độ điều trị bệnh này. Việc tập luyện khiến cơ chân vận động và đóng vai trò bơm máu trở lại qua tĩnh mạch về tim. Chân đau hoặc tĩnh mạch phình lên to hơn, cảm giác đau hoặc nhạy cảm sau khi tập luyện là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã tập luyện quá nhiều. Để giảm thiểu khó chịu, có thể gác chân lên cao trong khoảng 30 phút. Chạy đường mòn trên núi sẽ tạo ra ít tác động và mang lại cảm giác dễ chịu hơn khi chạy đường bằng. Ngoài ra, các loại vớ/tất bó chân mức độ vừa phải cũng giúp chúng ta có cảm giác dễ chịu hơn khi vận động. Tĩnh mạch nhạy cảm khi va chạm có thể bị xuất huyết. Trong tình huống này, cần giữ bình tĩnh, kê cao chân và lấy miếng vải sạch bịt và giữ chặt điểm chảy máu. Nếu sau vài phút tình trạng chảy máu không thuyên giảm, cần liên hệ trợ giúp y tế.
HỎI: Tôi vừa hiến máu hôm qua, hôm nay có nên chạy không?
TRẢ LỜI: Tốt nhất chúng ta nên đợi 24 giờ sau khi hiến máu. Khi đó chúng ta có thể chạy nếu cảm thấy bình thường nhưng cần lưu ý rằng lượng máu chúng ta hiến đi sẽ đâu đó tương đương với 10% lượng máu trong cơ thể. Cơ thể sẽ nhanh chóng bù lại huyết tương trong máu để duy trì huyết áp nhưng hồng cầu cần khoảng thời gian từ 6-12 tuần mới khôi phục lại trạng thái bình tường và đây là nhân tố chính đóng vai trò lưu thông oxy đi cắp cơ thể. Chúng ta chỉ nên chạy ngắn, nhẹ nhàng và quan sát cơ thể. Nếu cảm thấy yếu, choáng hoặc khó thở, chúng ta cần nghỉ thêm vài ngày, uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất sắt để hỗ trợ quá trình sản sinh hồng cầu. Cần lưu ý rằng do khả năng vận động của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng trong khoảng 2-3 tuần sau khi hiến máu, chúng ta nên sắp xếp hiến máu vào thời gian nghỉ phục hồi sau thi đấu thay vì trước khi thi đấu. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng không nên vận động mạnh trước khi hiến máu để đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi và đủ nước, tránh tình trạng choáng váng trong quá trình hiến máu và cơ thể sau đó có thể phục hồi nhanh hơn.
Bạn có biết?
Chính huyết sắc tố hemoglobin trong hồng cầu khiến máu có màu đỏ. Hàm lượng huyết sắc tố này ở nam giới trưởng thành là vào khoảng 130-180g/L và 115-165g/L ở nữ trưởng thành.
HỎI: Tôi nghe nói chạy bộ khiến hàm lượng sắt thấp. Vậy có phải chân chạy nào cũng nên bổ sung thêm sắt không?
TRẢ LỜI: Sắt là một phần thiết yếu giúp đáp ứng nhu cầu cao từ hoạt động tập luyện chạy bộ. Vậy nên chúng ta thường thấy các vận động viên chạy bộ bị thiếu sắt và ảnh hưởng không tốt tới thành tích. Từ đây nhiều người có thể cho rằng mọi chân chạy đều cần bổ sung chất sắt. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bổ sung sắt là lựa chọn tốt nhưng trong một số trường hợp khác, bổ sung sắt có thể còn có hại cho cơ thể. Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hơn ở nội dung dưới đây.
Sắt là thành phần cần thiết để cơ thể sản sinh huyết sắc tố hemoglobin trong hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Mỗi tế bào hồng cầu có tuổi thọ khoảng 100 ngày và tế bào mới được sản sinh ra thường xuyên. Khi số lượng tế bào hồng cầu của một người giảm thấp hơn một ngưỡng nhất định, người đó được xem là bị thiếu máu. Con người có thể bị thiếu máu do hai nguyên nhân: cơ thể không sản sinh đủ hồng cầu hoặc hồng cầu bị tiêu hao quá nhanh. May mắn với loài người chúng ta là tủy xương ít khi gặp bệnh vì đây là cơ quan có chức năng sản sinh hồng cầu. Thường chúng ta sẽ bị thiếu máu do thiếu các thành tố góp phần sản sinh hồng cầu và nguyên nhân thiếu máu phổ biến nhất tại nhiều nơi là thiếu sắt. Lý do có thể do chế độ ăn có hàm lượng sắt thấp hoặc cơ thể không hấp thụ sắt từ thực phẩm ở một số người bị các bệnh như bệnh không dung nạp gluten (bệnh Celiac) hoặc bệnh viêm loét đại tràng.
Nếu quá trình sản sinh hồng cầu diễn ra bình thường, tình trạng thiếu máu là do hồng cầu bị mất đi nhanh hơn so với khả năng tái tạo. Một ví dụ điển hình là hiện tượng mất máu nhiều khi tới kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Đây là thời điểm nên bổ sung chất sắt. Hiện tượng mất máu nhiều khi âm thầm như mất máu qua phân hay nước tiểu là dấu hiệu tiềm ẩn khả năng ung thư đại tràng hoặc bàng quang và việc bổ sung sắt trong trường hợp này khiến chúng ta có thể bỏ qua triệu chứng và dấu hiệu ung thư dẫn tới tình trạng chẩn đoán muộn.
Việc tập luyện thể thao cường độ cao cũng khiến chúng ta có nguy cơ thiếu máu. Điều khỏi phải bàn cãi là chạy bộ khiến cơ thể giảm lượng hồng cầu nhiều hơn các môn thể thao khác. Cơ chế đằng sau hiện tượng này cho tới nay chưa được làm rõ do còn có nhiều nghiên cứu chưa thống nhất. Một giả thuyết được đưa ra là hồng cầu bị phân hủy mạnh hơn khi bàn chân tiếp xúc mặt đất. Một nghiên cứu quy mô nhỏ gồm 10 vận động viên nam ba môn phối hợp được thực hiện năm 2003 đã so sánh mức độ hồng cầu bị tiêu hoại trong một giờ đạp xe và chạy bộ. Trong khi cả hai hoạt động đều gây ra tình trạng phân hủy hồng cầu ở mức nhất định, lượng hồng cầu bị phân hủy ở các chân chạy ở mức cao hơn. Từ đây các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng tác động từ các lần bàn chân tiếp đất là nhân tố chính khiến hồng cầu bị phân hủy trong quá trình chạy. Ngược lại, một nghiên cứu thực hiện năm 2012 với 18 chân chạy nam sau cự ly siêu marathon 60km cho thấy lượng hồng cầu và hemoglobin không thay đổi quá nhiều và kết luận rằng hiện tượng phân hủy hồng cầu khi bàn chân tiếp đất không phải là nhân tố quan trọng dẫn tới hiện tượng thiếu máu ở các vận động viên.
Đương nhiên, do yêu cầu cao của hoạt động chạy bộ thường xuyên, cơ thể cần rất nhiều dinh dưỡng để vận hành cơ chế tự sửa chữa, phục hồi và phát triển và thiếu sắt có thể khiến chúng ta gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhìn chung, nếu áp dụng chế độ ăn đầy đủ chất, các chân chạy không cần bổ sung thêm sắt, trừ khi các vận động viên nữ đang trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng thiếu máu gồm cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi vận động và tim đập nhanh. Đau đầu, chóng mặt và xanh xao cũng là triệu chứng phổ biến. Nếu cảm thấy cơ thể bị thiếu máu hoặc có các triệu chứng đại tràng hoặc bàng quang, chúng ta cần thăm khám bác sĩ thay vì tự ý uống viên sắt bổ sung.
Hướng dẫn bổ sung sắt qua chế độ dinh dưỡng
Dù bạn có bị thiếu sắt hay không, là chân chạy bạn cần đảm bảo cung cấp đủ sắt trong từng bữa ăn. Để tăng cường sắt trong chế độ ăn uống, xem xét:
1) Uống một ly nước cam kết hợp với thực phẩm giàu chất sắt vì vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
2) Ăn vặt các loại hạt khô.
3) Trứng! Trứng luộc kỹ có thể lưu trữ trong tủ lạnh cả tuần, có thể dùng để ăn vặt hoặc ăn trưa.
4) Ăn thật nhiều rau xanh, salad, bông cải…
5) Đừng bỏ qua cá và các loại hải sản. Không chỉ thịt đỏ chứa nhiều sắt mà các loại động vật có vỏ như trai, hến, nghêu…cũng chứa nhiều chất sắt. Lựa chọn đơn giản hơn là cá ngừ hoặc cá mòi đóng hộp.
6) Đậu gà chứa rất nhiều sắt, có thể trộn dùng chung với salad, nấu canh…
7) Sử dụng ngũ cốc ăn sáng có bổ sung sắt.
8) Giảm uống trà và đừng uống trà khi ăn vì chất tannin trong trà làm ứng chế hấp thụ sắt.
HỎI: Bác sĩ nói tôi bị thiếu máu và đã kê viên sắt cho tôi uống và nói thêm rằng phải mất vài tháng hàm lượng sắt trong máu mới về mức bình thường. Tôi có nên chạy hay đợi tiếp?
TRẢ LỜI: Tình trạng thiếu máu có thể xảy ra từ từ tới mức chúng ta không cảm nhận được ảnh hưởng của nó tới khả năng vận động thể thao. Tuy nhiên, thiếu máu sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, khó thở và váng đầu. Nhịp tim cũng sẽ tăng lên do cơ thể cần bơm máu nhanh hơn để đưa hồng cầu đi khắp cơ thể. Điều này sẽ khiến việc chạy bộ trở nên khó khăn hơn và thành tích của chúng ta suy giảm mạnh. Đây là ví dụ điển hình về việc phải lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm nhận của bản thân. Nếu cảm thấy khó thở hoặc đuối mệt, chóng mặt khi tập luyện, chúng ta nên tập luyện từ từ và nhẹ nhàng hoặc nghỉ tập. Thời gian để hàm lượng sắt trở lại bình thường là vài tuần nên chúng ta cần kiên nhẫn và đừng tham gia chạy giải hay tập nặng trong thời gian này. Có thể bác sĩ vẫn khuyên chúng ta tiếp tục dùng viên sắt vài tuần sau khi hàm lượng sắt đã trở lại bình thường để bổ sung nguồn dự trữ sắt của cơ thể. Đọc thêm câu hỏi phía trên để tìm hiểu sâu hơn về sắt và chế độ ăn uống bổ sung chất sắt.
HỎI: Bố tôi bị nhồi máu cơ tim lúc 50 tuổi. Liệu tôi có nên chạy bộ hay không vì biết đâu nó lại xảy ra với tôi?
TRẢ LỜI: Tiền sử y tế gia đình có tác động trực tiếp lên tiền sử sức khỏe của mỗi người, qua gen di truyền và môi trường sống. Việc bố bạn bị nhồi máu cơ tim không đồng nghĩa bạn cũng sẽ bị nhưng nguy cơ bị cao hơn. Tiền sử y tế của các thành viên trực hệ trong gia đình như cha mẹ và anh chị em có ảnh hưởng lớn nhất đến tiểu sử y tế của mỗi người. Do bố bạn bị nhồi máu cơ tim lúc dưới 55 tuổi (nếu là mẹ bạn sẽ là dưới 65 tuổi), bạn được xem là người có người thân tiền sử tim mạch và nguy cơ của bạn sẽ cao hơn so với bình thường.
Chúng ta không thể thay đổi yếu tố di truyền nhưng có thể thay đổi môi trường và lối sống. Tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch. Các yếu tố khác gồm hút thuốc, tiểu đường típ 2, cao huyết áp, cholesterol cao và lười vận động hoặc béo phì. Chúng ta cần nhớ rằng vận động thường xuyên như chạy bộ là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu tất cả các yếu tố nguy cơ này.
Nhìn vào tiền sử gia đình bạn, có lẽ nhiều người sẽ khẳng định bạn không nên chạy bộ. Nhưng việc trước tiên nên làm là đánh giá nguy cơ bản thân. Nếu là người trong độ tuổi từ 40 đến 74, chúng ta có thể thăm khám tại các bệnh viện chuyên ngành để kiểm tra huyết áp, cân nặng, lượng cholesterol máu, lượng đường máu để xác định các yếu tố nguy cơ cần điều trị và có thêm tư vấn. Nếu là người mới chạy bộ, bạn nên thăm khám kỹ trước khi bắt đầu tập chạy. Nếu bạn vẫn đang chạy bình thường, vậy hãy cứ tiếp tục chạy nhưng cần duy trì chế độ kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
HỎI: Tại sao xảy ra một số trường hợp đột tử khi chạy marathon? Mức độ nguy cơ ra sao?
TRẢ LỜI: Các trường hợp tử vong khi chạy marathon luôn để lại những nỗi buồn đau khôn nguôi cho không chỉ gia đình nạn nhân mà còn cả cộng đồng. Tuy nhiên, các trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Một nghiên cứu được Tạp chí Y học New England công bố năm 2012 đã đánh giá các trường hợp bị ngừng tim trong các cuộc thi marathon và bán marathon tại Mỹ trong giai đoạn 2000-2010. Trong các giải đấu được nghiên cứu, đã có 10,9 triệu chân chạy tham gia thi đấu, số ca ngừng tim là 59 và trong số này có 42 ca tử vong, tỷ lệ trong nhóm nghiên cứu là cứ 260.000 người tham gia có 1 người chết do ngừng tim. Theo một bảng thống kê rủi ro do Tạp chí Y khoa Anh Quốc công bố, tỷ lệ một người có nguy cơ bị máy bay đâm khi đang ở trong nhà là 1/250.000. Số ca ngừng tim khi chạy marathon nhiều hơn khi chạy bán marathon và sô trường hợp là nam giới nhiều hơn phụ nữ. Hầu hết các trường hợp ngừng tim đều do mắc bệnh tim mạch (phổ biến hơn ở nhóm chân chạy cao tuổi) và bệnh cơ tim phì đại (HOCM). Các triệu chứng thường gồm khó thở, trống ngực và đau ngực và đây là nguyên nhân phổ biến gây đột tử ở người dưới 35 tuổi. Khi phát hiện bệnh HOCM, các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm và sàng lọc di truyền đối với người thân trong ia đình. Một số tổ chức thể thao cũng tiến hành khám sàng lọc các vận động viên trẻ để xác định HOCM. Chúng ta cần lưu ý rằng chúng ta không thể phát hiện hết tất cả các bệnh tim mạch có thể dẫn đến đột tử.
Một nghiên cứu tổng hợp được công bố trên tạp chí BMJ Open năm 2019 (trong đó tổng hợp cả nội dung nghiên cứu nêu trên) đã xem xét các ca tử vong trong và sau khi chạy marathon 24 giờ. Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ tử vong vào khoảng 1/102.000 ở nam giới và 1/244.000 ở nữ. Các tác giả nghiên cứu kết luận nguy cơ tử vong khi tham gia chạy marathon ở mức thấp, cao hơn ở nam giới và cao nhất ở những kilomet cuối của cuộc đua.
HỎI: Tôi phải làm gì nếu người chạy trước mặt tôi bất ngờ gục ngã?
TRẢ LỜI: Giữ bình tĩnh và thực hiện các bước cơ bản sau:
Bước 1: Quan sát kỹ, không tự làm bản thân té ngã hoặc xô người khác té ngã để tới cứu người bị nạn.
Bước 2: Gọi cứu trợ. Gọi các chân chạy khác hoặc lực lượng hỗ trợ tới giúp.
Bước 3: Nói chuyện với người bị nạn. Có thể người đó chỉ bị gục ngã do bị chuột rút mà thôi. Nếu nạn nhân có thể nói rõ vì sao mình gục ngã, hãy giúp nạn nhân tiếp cận lực lượng trợ giúp cần thiết. Nếu nạn nhân có thể nói nhưng nói sảng, nói câu vô nghĩa, đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, nghỉ. Tiếp tục trò chuyện với nạn nhân đồng thời gọi đội trợ giúp y tế. Hỏi nạn nhân xem có mắc bệnh gì hay không, kiểm tra thông tin khẩn cấp phía sau BIB chạy của nạn nhân hoặc bất kỳ vật dụng y tế khẩn cấp chuyên biệt nào trên người nạn nhân như vòng tay, thẻ giày, vòng cổ…để tìm kiếm những thông tin này.
Bước 4: Kiểm tra nhịp thở. Nếu nạn nhân không trả lời khi chúng ta hét to và nhẹ nhàng lay người, có thể nạn nhân đã bất tỉnh và đây là tình huống khẩn cấp. Cần xác định xem nạn nhân có thở bình thường hay không, để nạn nhân nằm ngửa và khơi thông khí quản bằng cách dùng một tay nhẹ nhàng ấn đầu nạn nhân về phía sau và dùng ngón trỏ và ngón giữa của tay còn lại nâng cằm nạn nhân lên. Tiếp theo QUAN SÁT, NGHE và CẢM NHẬN dấu hiệu hơi thở trong vòng 10 giây. Nếu nạn nhân thở bình thường, đặt nạn nhân ở tư thế nghỉ và liên tục kiểm tra nạn nhân trong khi gọi đội ngũ y tế.
BƯỚC 5: Nếu nạn nhân không thở bình thường và bất tỉnh, cần thực hiện ngay 03 việc sau:
Nếu chỉ có một mình, bạn có thể làm theo ba bước nhỏ trên đây. Ưu tiên vẫn là sử dụng máy khử rung. Nếu có nhiều người giúp đỡ, có thể thực hiện ba bước nhỏ này cùng lúc trong đó một người gọi cấp cứu, một người lấy máy AED và một người ép ngực. Đặt điện thoại ở chế độ loa ngoài khi gọi để nhân viên y tế có thể trợ giúp chúng ta thao tác sử dụng máy.
Để người có kinh nghiệm về hồi sức thực hiện thao tác nếu có. Việc ép ngực nên thực hiện ở nhịp 100-200 lần mỗi phút và ưu tiên hơn so với hồi sức thổi ngạt. Tuy nhiên, nếu có thể, thực hiện hai lần hồi sức thổi ngạt mỗi 30 giây ép ngực.
Chúng ta cần lưu ý rằng hồi sức tim phổi CPR sẽ rất mệt mỏi, đặc biệt chúng ta vừa mới chạy xong, nên cần thay phiên nhau thực hiện động tác ép ngực nếu có thể.
Hãy cố hết sức có thể vì có CPR dù chính xác hay chưa cũng tốt hơn không có hồi sức CPR. Nếu có máy AED trước khi nhân viên y tế tới, làm theo hướng dẫn sử dụng có sẵn và hướng dẫn bằng lời trên thiết bị khi thiết bị được bật lên. Máy AED sẽ chỉ sốc điện khi cần thiết.
Tiếp tục cho tới khi xe cứu thương tới. Nếu nạn nhân bắt đầu thở, đặt nạn nhân ở tư thế nghỉ.
Bạn có biết?
Việc sốc điện bằng máy khử rung trong vòng một phút sau khi nạn nhân ngã gục có cơ hội sống sót 90%. Cứ mỗi phút sau đó, cơ hội này giảm 7-10%. Vậy nên, tốc độ là yếu tố quyết định trong tình huống này.
HỎI: Tôi chạy rất nhiều lần cự ly marathon và siêu marathon. Liệu việc này có gây hại cho tim về lâu dài không?
TRẢ LỜI: Chạy bộ tốt cho tim nhưng có lẽ có một ngưỡng mà chạy quá nhiều sẽ không tốt cho tim. Tuy nhiên, ngưỡng này đương nhiên khác nhau đối với từng cá nhân. Tác động của hoạt động sức bền đối với cơ thể phụ thuộc vào nhiều biến số khác nhau trong đó bao gồm giới tính, chủng tộc, độ tuổi, phương pháp tập luyện và ADN.
Chúng ta biết rằng trái tim của một vận động viên có vẻ ngoài khác với trái tim một người bình thường. Hoạt động tập luyện nặng, lặp đi lặp lại tạo ra những thay đổi mà giới chuyên môn gọi là tái cấu trúc tim. Buồng tim có thể phát triển lớn hơn do lưu lượng máu đi qua cao liên tục. Những thay đổi này cũng biểu hiện ở các bệnh tim mạch ác tính nhưng cho tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy những thay đổi này có hại ở các vận động viên. Điều thú vị là hiện tượng tái cấu trúc tim ít xảy ra ở phụ nữ hơn nhưng bằng chứng về hiện tượng này chưa có nhiều. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều chị em tham gia vào các môn thể thao sức bền, có lẽ trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các nghiên cứu về vấn đề này.
Một trong những thay đổi khác diễn ra ở tim vận động viên là tình trạng xơ nang cơ tim. Đây là tình trạng xuất hiện các mảng sẹo ở cơ tim. Một nghiên cứu đối với 12 vận động viên sức bền nhiều kinh nghiệm đã được thực hiện năm 2011. Khi so sánh tim của nhóm vận động viên này với tim của nhóm người bình thường cùng độ tuổi và các vận động viên sức bền trẻ hơn, tim của 50% các vận động viên nhiều kinh nghiệm đều xuất hiện hiện tượng xơ nang cơ tim ở mức độ nhất định. Hiện tượng này không xuất hiện trong nhóm người bình thường và vận động viên trẻ tuổi. Điều này cho thấy, tập luyện sức bền lâu dài và xơ nang cơ tim có mối liên hệ nhất định nhưng tất cả những vận động viên sức bền này đều khỏe mạnh, không có triệu chứng tim mạch nên nhiều khả năng những thay đổi này là vô hại. Một số chuyên gia cho rằng xơ nang cơ tim là nguyên nhân gây ra hiện tượng rung nhĩ (AF). Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mạch đập bất thường liên tục và cần được điều trị vì có thể gây ra nguy cơ đột quỵ cao. Khi bị rung nhĩ, tín hiệu điện kích hoạt cơ tim tại nhị co bóp bị rối loạn. Thay vì co bóp, nhĩ chỉ rung lên và khiến cho việc bơm máu xuống thất không hiệu quả.
Một nghiên cứu tổng hợp trên Tạp chí Y học Thể thao Anh đã xem xét các nghiên cứu y khoa trong thời gian gần 50 năm và đưa ra kết luận rằng các vận động viên sức bền, đặc biệt những người cao tuổi, có nguy cơ rung nhĩ cao hơn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Các nghiên cứu cho tới nay tập trung vào các vận động viên sức bền nhiều kinh nghiệm nhưng câu chuyện có thể khác đi với trường hợp của các vận động viên phong trào bình thường.
ĐỂ CÓ TRÁI TIM KHỎE MẠNH ĐỂ CHẠY BỘ
1) Không hút thuốc.
2) Tập luyện đều đặn. Đặt mục tiêu tối thiểu 150 phút tập ở cường độ trung bình mỗi tuần. Chạy bộ được xếp vào nhóm tập nặng nên chỉ cần tối thiểu 75 phút mỗi tuần.
3) Giữ cân nặng ở mức bình thường.
4) Duy trì chế độ dinh dưỡng mạnh khỏe, nhiều rau xanh, dầu cá và tránh dùng quá nhiều muối.
5) Kiểm tra huyết áp định kỳ tối thiểu 5 năm (trừ trường hợp bị cao huyết áp hoặc các bệnh khác cần kiểm tra thường xuyên hơn).
6) Ưu tiên lồng ghép thời gian nghỉ phục hồi vào chương trình tập luyện.
7) Giảm áp lực.
8) Giảm thời gian ngồi một chỗ – di chuyển thường xuyên, đừng ỉ lại ở việc chạy bộ.
9) Đừng thi đấu khi bị nhiễm bệnh do virus.
10) Lắng nghe cơ thể.
Mời các bạn đón đọc Kỳ 3 về các vấn đề liên quan đến các vấn đề hô hấp trong chạy bộ:
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.